Bạn có thể bị đau tim mà không biết?
Bạn biết nhiều dấu hiệu đau tim phổ biến nhưng cũng có thể bạn không chú ý đến những dấu hiệu tinh vi dẫn đến nguy cơ đau tim nặng hơn về sau. Tôi sẽ chia sẻ một số dấu hiệu đau tim ít phổ biến cũng như những gì bạn có thể làm để giảm thiểu rủi ro.
- Mặc dù có một số triệu chứng đau tim phổ biến nhưng cũng có một số triệu chứng bất thường mà người bệnh có thể bỏ qua sẽ dẫn đến cơn đau tim thứ hai nghiêm trọng hơn và có khả năng đe dọa tính mạng.
- Hãy học cách xác định một số triệu chứng đau tim hiếm gặp hơn gồm đau thắt ở cánh tay, ngứa ran ở bên trái, đau lưng trên, bốc hỏa và ợ nóng
- Dữ liệu cho thấy chỉ số khối cơ thể, hút thuốc, uống rượu, tập thể dục, ăn kiêng ảnh hưởng đến nguy cơ đau tim. Ngoài ra căng thẳng cũng là một yếu tố khác có thể gây đau tim
- Bạn có thể được cứu sống nếu nghi ngờ mình bị đau tim và có hành động nhanh chóng. Những thay đổi đơn giản về thói quen ăn uống, tập thể dục và ngủ có thể làm giảm đáng kể nguy cơ đau tim
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (1), gần 805,000 người Mỹ bị đau tim mỗi năm và 605,000 người bị đau tim lần đầu. Khi tìm hiểu các yếu tố rủi ro, triệu chứng và cách hành động sớm, cơ hội sống sót của bạn sẽ tăng lên.
Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, một số người bị đau tim đã không hành động đủ nhanh để đến bệnh viện kịp thời (2). Việc điều trị chậm trễ có thể gây tử vong vì vậy việc biết các dấu hiệu cảnh báo là rất quan trọng.
Mặc dù đối với nhiều phụ nữ đau ngực là dấu hiệu phổ biến nhất nhưng phụ nữ cũng có nhiều khả năng có các triệu chứng khác ngoài đau ngực khi bị đau tim hơn nam giới.
Một cơn đau tim là gì?
Tim là cơ quan đặc biệt có thể hoạt động ngay cả khi tách khỏi cơ thể miễn là nó được cung cấp đủ lượng oxy. Tim hoạt động không ngừng để bơm máu đi khắp cơ thể vì vậy điều quan trọng là cơ tim phải nhận đủ máu và chất dinh dưỡng đã được oxy hóa nếu không nó có thể chết.
Trái tim đập gần 100,000 lần mỗi ngày và bơm trung bình gần 1 triệu thùng máu trong cả cuộc đời. Lượng máu này đủ để đổ đầy hơn ba siêu tàu chở dầu. Một nguyên nhân khiến tim có thể bị mất nguồn cung cấp máu là nếu có mảng bám tích tụ trong động mạch làm tắc dòng máu chảy vào tim.
Đau tim cũng có thể xảy ra khi nguồn cung cấp máu bị ảnh hưởng do động mạch tim bị hẹp, thường được gọi là bệnh thiếu máu cơ tim. Mặc dù đau tim và ngừng tim là hai tên gọi đôi khi bị lẫn lộn nhưng đây là hai trường hợp khác nhau. Ngừng tim đột ngột, bất ngờ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba ở Hoa Kỳ (3) nhưng triệu chứng này khác với đau tim.
Sự khác biệt lập tức dễ nhận ra nhất là nạn nhân bị đau tim vẫn còn ý thức và còn nhịp tim trong khi người bị ngừng tim đột ngột sẽ bất tỉnh và không có nhịp tim rõ ràng.
Trong khi đau tim ảnh hưởng đến việc cung cấp oxy cho cơ tim thì ngừng tim ảnh hưởng đến các xung điện. Trong cơn đau tim, một phần của tim có thể bị giảm cung cấp oxy nếu máu bị hạn chế nhưng các vùng cơ tim còn lại sẽ tiếp tục đập.
Trong khi ngừng tim, hệ thống điện bị các điều kiện vật lý gây ảnh hưởng, chẳng hạn như bệnh cơ tim, suy tim hoặc rối loạn nhịp tim. Một cơn đau tim cũng sẽ làm tăng nguy cơ bị ngừng tim đột ngột vì việc mất nguồn cung cấp oxy sẽ ảnh hưởng đến hệ thống điện trong tim.
Đây có lẽ là lý do phổ biến nhất dẫn đến ngừng tim đột ngột (4). Nói cách khác, cơ tim bị mất oxy do đau tim ảnh hưởng đến các xung điện và có thể gây ra ngừng tim.
Mặc dù có những câu chuyện về những người bị đau tim ngay cả khi họ ăn uống đúng cách và tập thể dục nhưng đây là những trường hợp ngoại lệ hơn là quy luật. Thực tế là, cho dù bạn có ăn uống hoàn hảo đến đâu hay bạn có thân hình cân đối đến đâu thì cũng không có gì đảm bảo rằng bạn sẽ không bị đau tim. Tập san Sức khỏe Phụ nữ (Women’s Health) đã chia sẻ câu chuyện của năm phụ nữ trẻ và những triệu chứng bất thường mà họ gặp phải khi bị đau tim (5).
Trong một nghiên cứu trên 88,000 phụ nữ từ 27 đến 44 tuổi trong Nghiên cứu Sức khỏe Y tá II, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận 456 trường hợp mắc bệnh tim mạch vành. Họ nhận thấy những phụ nữ tuân thủ sáu nguyên tắc đã giảm 92% nguy cơ mắc bệnh tim. Dựa trên thông tin này, các nhà nghiên cứu đã ngoại suy hơn 70% các cơn đau tim có thể được ngăn chặn nếu các cá nhân thực hiện (6) những điều sau:
- Ăn uống lành mạnh
- Chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường
- Tập thể dục ít nhất 2.5 giờ mỗi tuần và chỉ xem tivi bảy giờ hoặc ít hơn mỗi tuần
- Tránh hút thuốc
- Chỉ uống một ly rượu hoặc ít hơn mỗi ngày
Mặc dù các nhà nghiên cứu đã đo chỉ số BMI nhưng cần lưu ý rằng tỷ lệ vòng eo trên hông là một yếu tố dự đoán rủi ro đáng tin cậy hơn vì phản ánh rõ hơn về mỡ nội tạng. Kết quả của nghiên cứu này cũng hỗ trợ kết quả từ một nghiên cứu được công bố vào năm trước, kết luận rằng những thói quen sức khỏe tương tự có thể ngăn ngừa 79% các cơn đau tim lần đầu ở nam giới (7,8).
Về vấn đề này, tôi muốn nói thêm rằng việc duy trì nồng độ sắt lành mạnh là rất quan trọng đối với tim vì nhiều nghiên cứu cho thấy rằng cả tình trạng thiếu sắt và thừa sắt (9) đều có thể là một yếu tố nguy cơ đáng kể gây đau tim. Vì lý do đó nên thừa sắt là một vấn đề thường gặp hơn bạn nghĩ khi nó ảnh hưởng đến tim.
Ví dụ, một nghiên cứu người Scandinavi ở Phần Lan (10) cho thấy nồng độ ferritin tăng cao làm tăng nguy cơ đau tim ở nam giới lên gấp hai đến ba lần. Một nghiên cứu khác (11) cho thấy ferritin tăng cao làm tăng gấp đôi nguy cơ đau tim gây tử vong ở mức 2,18, trong khi phụ nữ có nồng độ ferritin cao có nguy cơ bị đau tim gây tử vong cao gấp năm lần (5,53).
Căng thẳng ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch
Căng thẳng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Mặc dù căng thẳng cấp tính là một chức năng sinh học cứu mạng cho phép bạn chống lại kẻ tấn công theo bản năng, chạy trốn khỏi kẻ săn mồi hoặc hạ gục con mồi nhưng căng thẳng kinh niên kích hoạt phản ứng sinh học tương tự trong thời gian dài có thể khiến cơ thể tiết ra các hormone căng thẳng suốt 24 giờ và có hậu quả nghiêm trọng.
Căng thẳng kinh niên có thể dẫn đến tích tụ mỡ cứng, huyết áp cao và đau tim. Căng thẳng còn làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể và kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm, ức chế hệ thần kinh phó giao cảm.
Trong một nghiên cứu (12), các nhà nghiên cứu nhận thấy phụ nữ trẻ và trung niên khó phục hồi sau cơn đau tim hơn nam giới. Họ đưa ra giả thuyết rằng điều này có thể là do sự căng thẳng khi phụ nữ phải đảm nhận nhiều vai trò. Phụ nữ cũng có nguy cơ tử vong cao gấp đôi nam giới trong vòng hai tuần đầu tiên sau cơn đau tim (13).
Dữ liệu cho thấy mối liên hệ giữa những cơn tức giận dữ dội với nguy cơ bị đau tim cao gấp 8.5 lần trong hai giờ sau đó (14). Căng thẳng cũng làm tăng nguy cơ đau tim bằng cách kích hoạt hạch hạnh nhân hoạt động quá mức. Hạch hạnh nhân vốn được kích hoạt để cơ thể phản ứng với mối đe dọa nhận phải. Các nhà nghiên cứu (15) đã kiểm tra gần 300 người tham gia trên 30 tuổi, không ai được chẩn đoán có vấn đề về tim. Những người tham gia được quan sát trong vòng 2 đến 5 năm, trong đó 22 người trải qua một biến cố nghiêm trọng về tim. Dựa trên ảnh quét não, các nhà nghiên cứu kết luận những người mà trong hạch hạnh nhân có mức độ hoạt động cao hơn có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.
Nói tóm lại, những người bị căng thẳng nhiều có hoạt động cao hơn ở hạch hạnh nhân, do đó làm tăng tình trạng viêm nhiễm, vốn là một yếu tố nguy cơ gây bệnh tim. Mặc dù không có bằng chứng cụ thể về nguyên nhân nhưng việc kích hoạt hạch hạnh nhân có thể gây viêm động mạch bằng cách kích hoạt sản xuất tế bào miễn dịch trong tủy xương.
Căng thẳng cũng có thể gây ra đau tim bằng cách làm tăng mức độ bệnh mà thúc đẩy các tế bào bạch cầu, dẫn đến xơ vữa động mạch, vỡ mảng bám và nhồi máu cơ tim (16). Việc tiết ra norepinephrine khi căng thẳng cao độ cũng có thể gây ra sự phân tán màng sinh học vi khuẩn trong thành động mạch làm mảng bám tích tụ vỡ ra, do đó gây ra đau tim.
Các triệu chứng đau tim
Khi cơn đau tim bắt đầu, dòng máu chảy vào tim đột nhiên bị tắc nghẽn và cơ tim không thể nhận được oxy. Nếu không được điều trị nhanh chóng, cơ tim sẽ không thể bơm được và bắt đầu chết. Mặc dù tắc nghẽn động mạch tim thường là kết quả của bệnh tim mạch vành nhưng cũng có thể xảy ra sau khi hình thành cục máu đông. Một số triệu chứng phổ biến nhất của một cơn đau tim bao gồm (17):
- Đau ngực hoặc khó chịu
- Hụt hơi
- Khó chịu trên cơ thể
- Cảm thấy mệt mỏi bất thường
- Buồn nôn
- Đổ mồ hôi lạnh
- Chóng mặt đột ngột
- Cảm giác lâng lâng
Tuy nhiên, trong khi điều quan trọng là phải biết các dấu hiệu phổ biến của cơn đau tim thì không phải tất cả các cơn đau tim đều bắt đầu bằng cơn đau ngực đột ngột như bạn có thể thấy trên TV hoặc trong phim. Các triệu chứng khác nhau tùy từng người và một số người có thể có rất ít triệu chứng, đặc biệt là phụ nữ (18).
Nhiều phụ nữ nhầm triệu chứng đau tim là lo lắng hoặc căng thẳng
Điều quan trọng là, nghiên cứu (19, 20) cho thấy phụ nữ ít có khả năng bị đau ngực khi bị đau tim. Theo các tác giả thì so với nam giới, “phụ nữ có nhiều khả năng nhìn nhận các triệu chứng là căng thẳng/lo lắng (20,9% so với 11,8%) nhưng ít có khả năng quy các triệu chứng là đau cơ (15,4% so với 21,2%).”
Họ cũng có nhiều khả năng sử dụng các từ ngữ như “áp lực”, “căng thẳng” hoặc “khó chịu” ở ngực hơn là coi đó là cơn đau ngực. Rất nhiều phụ nữ báo cáo rằng bác sĩ không nghĩ rằng các triệu chứng của họ liên quan đến tim. Nhìn chung, 53% nữ bệnh nhân đau tim báo cáo điều này, so với chỉ 37% nam giới.
Gần 30% phụ nữ đã thực sự tìm kiếm sự trợ giúp y tế trước khi nhập viện vì đau tim, so với chỉ 22% ở nam giới. Những phát hiện này gợi ý rằng cả phụ nữ và bác sĩ của họ đều có xu hướng chẩn đoán sai hoặc bỏ qua các triệu chứng đau tim khiến họ có nguy cơ tử vong cao hơn nam giới. Theo ghi nhận của các tác giả thì:
“Biểu hiện của các triệu chứng [nhồi máu cơ tim cấp tính] là giống nhau đối với nam và nữ thanh niên và đau ngực là triệu chứng chủ yếu ở cả hai giới. Phụ nữ có nhiều triệu chứng không đau ngực hơn bất kể là họ có đau ngực hay không và cả phụ nữ và bác sĩ của họ ít có khả năng quy các triệu chứng báo trước vào bệnh tim so với nam giới.”
Thật không may, việc không có cảm giác khó chịu ở ngực là một yếu tố dự báo mạnh mẽ cho việc chẩn đoán và điều trị chậm trễ (21). Do vậy điều quan trọng cần nhớ là có nhiều triệu chứng khác cho thấy cơn đau tim đang diễn ra, bao gồm những triệu chứng sau (22):
Cơn căng thẳng lo âu | Đau lưng |
Ợ nóng | Nóng bừng |
Mệt rã rời | Cảm giác điện giật từ phía bên trái |
Tê và cứng ở cánh tay trái và cổ | Cảm giác có một viên thuốc lớn đang vướng trong họng |
Sơ cứu nhanh chóng
Một số triệu chứng hiếm gặp hơn của cơn đau tim có thể khiến bạn tin rằng mình không bị đau tim. Ngay cả khi bạn không chắc mình đang bị đau tim đi nữa thì nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào trong các triệu chứng nói trên thì điều quan trọng là phải gọi cấp cứu ngay lập tức vì thời gian là yếu tố then chốt.
Hành động nhanh chóng có thể cứu sống bạn.
Sử dụng xe cứu thương là cách tốt nhất và an toàn nhất để đến bệnh viện vì nhân viên cấp cứu có thể bắt đầu sơ cứu trước khi đến phòng cấp cứu của bệnh viện và bệnh nhân đến bằng xe cứu thương thường được điều trị nhanh hơn khi đến nơi.
Nhân viên y tế cấp cứu thà điều trị cho bạn trong phòng cấp cứu vì tình trạng không nguy hiểm đến tính mạng hơn là để bạn tử vong vì không muốn đến phòng cấp cứu để điều trị. Bạn và gia đình nên vạch ra các bước hành động cần thực hiện nếu cơn đau tim xảy ra để không còn thắc mắc phải làm gì.
Khi đi khám sức khỏe định kỳ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về những rủi ro của bạn và giữ thông tin quan trọng bên mình trong trường hợp khẩn cấp. Ví dụ, viết ra tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng mà bạn đang sử dụng trên một tấm thẻ rồi ép nhựa và giữ trong ví hoặc túi xách của bạn.
Ba nguyên nhân cơ bản của đau tim
Mặc dù các động mạch bị tắc nghẽn là lời giải thích thông thường cho lý do tại sao các cơn đau tim xảy ra nhưng cũng có rất nhiều bằng chứng bác bỏ quan điểm đó. Trong cuốn sách năm 2004 của mình, “Cơ chế sinh bệnh của bệnh tim mạch vành” (23), cố tiến sĩ Giorgio Baroldi đã viết rằng nghiên cứu lớn nhất về tỷ lệ mắc bệnh đau tim cho thấy chỉ 41% những người bị đau tim thực sự bị tắc nghẽn động mạch và trong số những người đó, 50% tắc nghẽn xảy ra sau cơn đau tim mà không phải trước đó.
Điều này có nghĩa là ít nhất 80% cơn đau tim không liên quan đến động mạch bị tắc. Theo tiến sĩ Thomas Cowan là một bác sĩ hành nghề, thành viên hội đồng sáng lập của Tổ chức Weston A. Price và là tác giả của cuốn “Tim người, tim vũ trụ” thì ba trong số các vấn đề cốt lõi, cơ bản nhất gây ra đau tim là:
1. Giảm nhịp độ giao cảm sau đó là kích hoạt hệ thần kinh giao cảm — Các nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này bao gồm căng thẳng kinh niên, ngủ kém, huyết áp cao, tiểu đường, bữa ăn nhiều đường, ít chất béo, hút thuốc và các yếu tố góp phần làm giảm chức năng của ty thể.
2. Suy tuần hoàn bàng hệ (thiếu mao mạch đến tim) — Để hiểu cách máu chảy đến và đi qua tim, hãy xem phần Giải đố trên trang Câu hỏi thường gặp của heartattacknew.com (24). Ở đó, bạn sẽ tìm thấy hình ảnh chi tiết về dòng máu thực sự trông như thế nào.
Trái với quan niệm thông thường, lưu lượng máu không chỉ giới hạn ở hai, ba hoặc bốn động mạch vành (ý kiến khác nhau về số lượng thực tế). Thay vào đó, bạn có vô số mạch máu nhỏ hơn gọi là mao mạch đưa máu vào tim và nếu một hoặc nhiều động mạch chính bị tắc nghẽn thì cơ thể sẽ tự động sinh ra các mạch máu mới để bù đắp cho lượng máu bị giảm.
Nói cách khác, cơ thể thực hiện đường vòng của chính nó. Theo tiến sĩ Cowan, cơ thể “hoàn toàn có khả năng đưa máu đến bất kỳ khu vực nào của tim mà nó cần và miễn là mạng lưới mao mạch còn nguyên vẹn, bạn sẽ được bảo vệ khỏi cơn đau tim”.
Không có gì đáng ngạc nhiên, các yếu tố tương tự gây ra nhịp độ giao cảm thấp cũng dẫn đến mất vi tuần hoàn. Ví dụ, hút thuốc có tác động ăn mòn vi tuần hoàn, không chỉ ở các chi mà còn ở tim. Bữa ăn nhiều đường, ít chất béo, tiền tiểu đường và tiểu đường, viêm kinh niên cũng làm giảm vi tuần hoàn.
Một trong những cách hiệu quả nhất để khuyến khích và cải thiện vi tuần hoàn là vận động cơ thể vì vậy việc không hoạt động kinh niên cũng sẽ làm suy giảm khả năng duy trì vi tuần hoàn lành mạnh của cơ thể.
Một lựa chọn điều trị không xâm lấn và hiệu quả cao khác sẽ giúp cải thiện vi tuần hoàn đến tim là tăng cường phản xung bên ngoài (EECP). Đó là một liệu pháp được bảo hiểm Medicare chấp thuận và các nghiên cứu cho thấy chỉ riêng EECP có thể làm giảm khoảng 80% cơn đau thắt ngực. EECP hoạt động bằng cách thổi phồng các còng ép lên đùi và bắp chân mà được đồng bộ hóa với điện tâm đồ của bạn.
Khi tim ở trạng thái tâm trương (thư giãn), các quả bóng (quả bóng dùng trong phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành) phồng lên, đẩy máu về tim, do đó buộc phải phát triển các mao mạch mới. Đây là một giải pháp thay thế thực sự hiệu quả trong phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành và an toàn cho hầu hết mọi người. Thay vì bắc cầu qua một hoặc hai động mạch lớn, bạn tạo ra hàng ngàn mạng mao mạch mới cung cấp nhiều máu hơn so với các mạch bị bỏ qua. Để tìm một chuyên gia y tế, hãy truy cập EECP.com (25)
3. Tích tụ acid lactic trong cơ tim do suy giảm chức năng ty thể — Về bản chất, đau thắt ngực là triệu chứng của chức năng ty thể kém dẫn đến sự tích tụ acid lactic gây ra chuột rút và đau. Khi cơn đau và chuột rút này xảy ra trong tim thì được gọi là đau thắt ngực. Sự tích tụ acid lactic cũng hạn chế lưu lượng máu và làm cho mô trở nên độc hại hơn.
Cuối cùng, khi acid lactic tiếp tục tích tụ thì sẽ bắt đầu cản trở khả năng đưa canxi vào cơ tim. Điều này lần lượt làm cho tim không thể co bóp và đây chính xác là những gì bạn nhìn thấy khi siêu âm tim gắng sức hoặc quét thallium hạt nhân.
Các bước đơn giản giúp giảm rủi ro cho bạn
Thực hiện các bước đơn giản để thay đổi cách ăn uống và lối sống có thể có tác động đáng kể đến nguy cơ bị đau tim. Điều quan trọng là bỏ hút thuốc và giảm uống rượu để bảo vệ trái tim. Dưới đây là một số chiến lược khác để giảm rủi ro cho bạn.
1. Ăn thực phẩm thực — Bạn có thể kiểm soát sức khỏe bằng cách thực hiện những thay đổi nhỏ đối với kế hoạch dinh dưỡng của mình. Một khuyến nghị cơ bản là ăn thực phẩm thực và hạn chế thực phẩm chế biến sẵn ở mức không quá 10% trong thực đơn ăn uống của bạn.
2. Giảm lượng đường tiêu thụ — Người Mỹ trung bình ăn gần 22 muỗng cà phê đường mỗi ngày và đây là một trong những chất gây hại nhất mà bạn có thể ăn vào. Đường làm gan quá tải, khiến cơ thể tăng cân, gây rối loạn chức năng trao đổi chất và tăng phản ứng viêm, dẫn đến bệnh tim.
Nghiên cứu đã công bố cũng chỉ ra rằng kháng insulin góp phần gây ra bệnh tim và tử vong (26) và loại bỏ đường ra khỏi thực đơn là một bước quan trọng để đưa mức insulin của bạn trở lại bình thường.
3. Giảm căng thẳng — Các Kỹ thuật Tự do Cảm xúc, kỹ thuật hít thở và yoga đều là những phương pháp có thể giúp bạn giảm mức độ căng thẳng và tận hưởng sức khỏe tốt hơn.
4. Có giấc ngủ phục hồi — Không thể phóng đại tầm quan trọng của giấc ngủ. Sự tỉnh táo có liên quan đến căng thẳng ty thể. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự gia tăng 24% cơn đau tim ngay sau khi thời gian thay đổi mùa vào mùa xuân, điều này cho thấy cơ thể mong manh như thế nào, thậm chí là chỉ với những thay đổi nhỏ nhất trong kiểu ngủ.
Phụ nữ ngủ ít hơn 4 tiếng mỗi đêm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong vì bệnh tim (27, 28) và người trưởng thành ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm có thêm 50% canxi mạch vành và là một dấu hiệu của bệnh tim sắp xảy ra (29).
5. Tập thể dục — Mặc dù tập thể dục là cực kỳ quan trọng đối với mọi khía cạnh sức khỏe nhưng tim cần được tập thể dục đúng cách. Tập luyện sức bền cao gây căng thẳng rất lớn cho tim trong khi tập trung vào bài tập cường độ cao ngắt quãng có thể giúp củng cố cũng như bảo vệ tim.
Bài viết được xuất bản lần đầu vào ngày 16/07/2022 trên Mercola.com
Nguồn và tài liệu tham khảo
Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times