Các mối quan hệ xa lạ như kết nối trên mạng xã hội ảnh hưởng đến ‘sự lan truyền xã hội’
Một nghiên cứu mới của MIT và Harvard đã phát hiện rằng hành vi của con người có thể bị ảnh hưởng bởi những người xa lạ.
Sự lan truyền xã hội là có thật. Giờ đây, nhờ các nhà nghiên cứu từ Đại học Pittsburgh, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Harvard, khoa học có thể chứng minh điều này.
Các khoa toán và kỹ thuật của ba trường đã làm việc cùng nhau để khám phá lý do tại sao những quyết định đơn giản, như một người chọn mua sắm ở đâu, và những quyết định phức tạp hơn, như chích vaccine cho con mình, lại có thể bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ, niềm tin và hành vi của người khác – cả ở gần và xa.
“Những kết nối xã hội mà chúng ta tham gia, cả ngoại tuyến và trực tuyến, là tương hợp với suy nghĩ của chúng ta. Sự lan truyền hành vi xã hội qua các kết nối xã hội có thể giúp chúng ta hiểu cách thức và lý do các chuẩn mực, sản phẩm và ý tưởng mới được áp dụng.” Ông Amin Rahimian, phó giáo sư kỹ thuật công nghiệp tại Trường Kỹ thuật Swanson của Đại học Pittsburgh, cho biết trong một thông cáo báo chí.
Sự lan truyền xã hội
Trước nghiên cứu, các nhà khoa học tin rằng con người bị ảnh hưởng chủ yếu bởi “mối quan hệ thân thiết” tồn tại trong những nhóm gắn bó chặt chẽ. Những nhóm này tạo ra môi trường tối ưu để lan truyền các hành vi phức tạp. Nói cách khác, áp lực đồng lứa trong phạm vi xã hội của một người có thể ảnh hưởng đến các quyết định và khiến hành vi cụ thể đó lan truyền – gần giống như virus.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu do ông Rahimian dẫn đầu đã phát hiện rằng “sự lan truyền xã hội” cũng có thể lan truyền từ người này sang người khác trên toàn cầu qua các mối quan hệ xa lạ. Các nhà nghiên cứu đã phân tích tốc độ của sự lan truyền xã hội trên các nhóm dân cư khác nhau bằng các phương pháp toán học và thống kê. Kết quả nghiên cứu này được công bố trên tập san Nature Human Behavior, giải thích rằng các mối quan hệ xa lạ được hình thành ngẫu nhiên có thể đẩy nhanh sự lan truyền của hành vi xã hội.
Ông Rahimian cho biết trong một email gửi tới The Epoch Times, “Một mối quan hệ xa lạ là sự kết nối giữa những người ở xa nhau trên mạng xã hội. Nếu chúng ta biết nhau nhưng không ai trong số bạn bè của chúng ta, bạn của bạn, và bạn của bạn của bạn biết nhau, thì đó là mối quan hệ xa.”
Mặt khác, mối quan hệ gần được hình thành khi hai người có nhiều bạn chung.
Phương tiện truyền thông xã hội giới thiệu ví dụ điển hình nhất về mối quan hệ xa
Nhóm nghiên cứu cho biết nhờ mạng xã hội, mối quan hệ xa có thể kết nối mọi người giữa các thành phố, tiểu bang và quốc gia. Kết nối với mọi người qua Facebook, X, TikTok hoặc Instagram cho phép một người tiếp cận với nhiều nhóm người có hoàn cảnh khác nhau.
Nghiên cứu trước đây về sự lan truyền xã hội qua mạng xã hội đã ủng hộ cho những phát hiện mới này. Một nghiên cứu năm 2023 lưu ý rằng lý thuyết lan truyền xã hội có thể giải thích tại sao thanh niên và thanh thiếu niên dễ bị bắt nạt, bắt nạt trên mạng và tự tử.
Các tác giả nghiên cứu viết, “Trong giai đoạn phát triển của mình, thanh thiếu niên là nhóm người dễ bị tác động bởi sự lan truyền xã hội không chỉ vì ảnh hưởng của mạng xã hội mà còn do áp lực từ bạn cùng trang lứa.”
Theo nghiên cứu, sự lan truyền xã hội có thể ảnh hưởng đến bất cứ điều gì, từ rối loạn ăn uống, sử dụng ma túy và rượu đến bạo lực súng đạn.
Nghiên cứu năm 2023 trích dẫn một nghiên cứu khác trên tập san Tâm thần học Úc và New Zealand, cho thấy sau vụ tự sát của Kate Spade và Anthony Bourdain, tỷ lệ tự tử đã tăng lên, có thể là do số lượng bài đăng trên Twitter xung quanh hai trường hợp này. Một cuộc khảo sát trực tuyến cho thấy những người đang đau buồn có nhiều khả năng tự tử hơn sau khi đọc tin tức về vụ tự tử của một người nổi tiếng.
Ông Rahimian và nhóm của ông tin rằng cần phải nghiên cứu thêm về chủ đề này.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times