Các mẹo trì hoãn quá trình lão hóa khớp và cải thiện bệnh viêm khớp
Hãy bảo vệ sức khỏe khớp và trì hoãn quá trình lão hóa khớp bằng những thói quen hàng ngày như tập thể dục, giữ cân nặng lành mạnh, và một số chất bổ sung
Viêm khớp là một căn bệnh mạn tính phổ biến, gây khổ sở cho nhiều người trung niên và người cao tuổi. Viêm khớp ảnh hưởng đến khả năng vận động và chất lượng cuộc sống do nỗi đau và các biến chứng khác của căn bệnh này.
Theo Viện Quốc gia về Viêm khớp và Bệnh Cơ xương và Da, ước tính tỷ lệ bị bệnh viêm khớp ở người trong độ tuổi từ 18 đến 64 là 30% đối với nam và 31% đối với nữ. Có 56% nam giới từ 65 tuổi trở lên bị viêm khớp, trong khi tỷ lệ này ở phụ nữ là 69%.
Các loại viêm khớp phổ biến
Viêm khớp có thể gây đau khớp, sưng tấy khớp và khó vận động. Sau đây là các loại viêm khớp phổ biến:
- Viêm khớp dạng thấp (RA): Đây là bệnh tự miễn thường ảnh hưởng đến các khớp ở tay và chân. Hệ miễn dịch tấn công các khớp, gây viêm màng khớp và tổn thương sụn.
- Viêm khớp dạng thoái hoá (OA): Đây là dạng viêm khớp phổ biến nhất thường phát triển theo tuổi tác. Nguyên nhân là do sự thoái hóa và mài mòn sụn [lớp đệm giữa các khớp] dẫn đến đau khớp, cứng khớp và khó vận động.
- Viêm cột sống dính khớp (AS): Đây là bệnh viêm khớp mạn tính ảnh hưởng chủ yếu đến các khớp ở cột sống và vùng xương chậu, có thể gây cứng cột sống và khó chịu.
- Viêm khớp vẩy nến (PsA): Loại viêm khớp này có liên quan đến bệnh vẩy nến (một bệnh ngoài da) gây viêm da và khớp. Viêm khớp vẩy nến có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào, gây đau và sưng.
- Bệnh Gút: Sự hình thành các tinh thể acid uric trong các khớp gây ra bệnh gút. Khi cơ thể không thể loại bỏ acid uric một cách hiệu quả, chất này sẽ tích tụ trong các khớp và gây ra các cơn đau cấp tính, thể hiện rõ bởi cơn đau dữ dội và các khớp sưng tấy.
- Viêm khớp thiếu niên tự phát (JIA): Đây là loại viêm khớp xảy ra ở trẻ em dưới 16 tuổi và có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều khớp, gây viêm khớp và rối loạn chức năng.
Cách trì hoãn quá trình lão hóa khớp
Các loại viêm khớp khác nhau có các triệu chứng và vùng bị ảnh hưởng khác nhau, nên cần các phương pháp điều trị khác nhau. Tuy nhiên, quý vị có thể bảo vệ sức khỏe khớp và trì hoãn quá trình lão hóa khớp bằng những thói quen hàng ngày sau đây.
- Duy trì thói quen tập thể dục vừa phải
Tập thể dục vừa phải giúp tăng sức mạnh cơ bắp, hỗ trợ khớp và cải thiện độ linh hoạt của khớp. Thực hiện các bài tập áp lực thấp lên khớp, như bơi lội, đạp xe hoặc yoga được khuyến nghị để giúp giảm tải cho khớp.
- Duy trì cân nặng cơ thể vừa phải
Tình trạng thừa cân hoặc béo phì làm tăng gánh nặng cho các khớp, đặc biệt là đầu gối và hông. Duy trì trọng lượng cơ thể cân đối có thể giảm bớt gánh nặng cho khớp, giảm nguy cơ lão hóa khớp. Nghiên cứu được công bố trên Tạp san Obesity Reviews (Đánh giá về Béo phì) cho thấy, bệnh nhân béo phì có nguy cơ bị viêm xương khớp cao hơn. Do đó, [bác sĩ] sẽ theo dõi các dấu hiệu của bệnh để có thể chẩn đoán bệnh viêm xương khớp càng sớm càng tốt.
Đối với bệnh nhân béo phì được chẩn đoán bị viêm xương khớp thì biện pháp đầu tiên để kiểm soát bệnh là giảm cân, với mục tiêu giảm cân nhanh chóng, giảm khoảng 10% [cân nặng] trong giai đoạn đầu.
- Duy trì thực đơn ăn uống cân bằng
Tiêu thụ thực phẩm chống viêm như trái cây, rau, cá và các loại dầu lành mạnh cho sức khỏe có thể giúp giảm viêm, bảo vệ sức khỏe khớp và trì hoãn quá trình lão hóa khớp.
- Tránh các động tác ảnh hưởng đến khớp
Thực hiện các động tác [ảnh hưởng đến khớp] lặp đi lặp lại trong thời gian dài có thể dẫn đến tổn thương. Nghỉ ngơi đầy đủ hoặc thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ tổn thương khớp.
- Sử dụng nẹp đầu gối và cổ tay
Nếu cần thiết, hãy đeo miếng đệm đầu gối, nẹp cổ tay hoặc các thiết bị trợ giúp khác để hỗ trợ, bảo vệ và giảm bớt gánh nặng cho khớp.
- Kiểm tra định kỳ và điều trị
Kiểm tra định kỳ, phát hiện vấn đề sớm và áp dụng cách điều trị thích hợp, giúp ngăn ngừa các vấn đề về khớp trở nên trầm trọng hơn.
Các chất dinh dưỡng giúp trì hoãn quá trình lão hóa khớp
Nhiều dưỡng chất trong thực đơn ăn uống hàng ngày có thể giúp cải thiện sức khỏe của khớp. Các dưỡng chất sau đây rất tốt cho khớp:
- Glucosamine: Glucosamine giúp duy trì sụn khớp khỏe mạnh và có thể làm chậm tốc độ thoái hóa khớp.
- Chondroitin: Chondroitin dùng kết hợp với glucosamine giúp bảo vệ sụn khớp, giảm viêm, giảm đau khớp.
- Acid béo omega-3: Các acid béo này có đặc tính kháng viêm, giúp giảm viêm liên quan đến viêm khớp. Dầu cá là nguồn cung cấp acid béo omega-3 tốt. Nghiên cứu cho thấy acid béo omega-3 có tác dụng điều hòa hệ miễn dịch; làm giảm và điều chỉnh các phản ứng viêm tự miễn. Acid béo omega-3 cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp, bao gồm giảm số lượng khớp bị sưng và đau nhức.
- Vitamin D: giúp cơ thể hấp thu và sử dụng calcium, duy trì xương và khớp khỏe mạnh.
- Vitamin C: giúp hình thành collagen, là cần thiết để duy trì sụn và mô khớp.
- Vitamin E: sở hữu đặc tính chống oxy hóa giúp giảm nguy cơ tổn thương mô khớp.
- Manganese: giúp hình thành sụn và giúp khớp khỏe mạnh và là khoáng chất cần thiết để hình thành sụn
- Kẽm: giúp tổng hợp collagen, cần thiết để duy trì mô khớp khỏe mạnh.
- Các chất chống oxy hóa: Các chất chống oxy hóa bao gồm vitamin A, E, C và selenium, giúp giảm nguy cơ tổn thương mô khớp do gốc tự do.
Bệnh nhân đau khớp cải thiện chất lượng cuộc sống như thế nào?
Ngoài việc tập thể dục vừa phải và giữ cân nặng cơ thể phù hợp, người bị đau khớp nên duy trì tư thế tốt và bảo đảm nghỉ ngơi đầy đủ. Ngoài ra, tiêu thụ nguồn thực phẩm kháng viêm như: trái cây tươi, rau, các loại hạt và thực phẩm giàu acid béo omega-3 cũng có thể giúp giảm viêm và giảm đau khớp.
Hơn nữa, người bệnh còn có thể chườm nóng hoặc chườm lạnh để giảm đau, giảm viêm. Chườm lạnh thường thích hợp khi bị đau và sưng tấy cấp tính, trong khi chườm nóng có thể giúp thư giãn cơ và giảm cứng khớp.
Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times