Bộ ba: Bệnh tự miễn, nhạy cảm với Gluten và hội chứng rò rỉ ruột
Các bệnh kinh niên có thể là do một trong ba căn nguyên này, và mỗi bệnh có thể kích hoạt hai bệnh kia
Trong nghiên cứu và thực hành lâm sàng, tôi nhận thấy có ba vấn để luôn nổi bật ở các bệnh kinh niên phức tạp: nhạy cảm gluten, hội chứng ruột rò rỉ và bệnh tự miễn.
Nhạy cảm với gluten và những vấn đề sức khỏe kinh niên
Tôi chưa từng gặp bệnh nhân nào bị bệnh tự miễn hoặc tăng tính thấm niêm mạc ruột mà không nhạy cảm với gluten, một loại protein có trong lúa mì, spelt, lúa mạch và lúa mạch đen. Tôi chắc chắn rằng chúng xuất hiện cùng nhau, các nghiên cứu và kinh nghiệm lâm sàng của nhiều nhà thực hành lâm sàng có chuyên môn cho thấy tình trạng nhạy cảm với gluten đóng một vai trò quan trọng trong vòng xoắn bệnh lý này.
Vì sao gần đây người ta lại chú ý nhiều đến tình trạng nhạy cảm với gluten như vậy? Lúa mì đã có nhiều thay đổi thực sự trong 50 năm qua – bao gồm cả cách trồng, bảo quản và chế biến – khiến loại lúa mì thời nay dễ gây viêm hơn trước đây. Những câu chuyện kì diệu về cách ăn không có gluten đã trở nên khá phổ biến: một người có nhiều vấn đề sức khỏe không thể giải thích đã cải thiện hoàn toàn với cách ăn không có gluten. Hoặc họ có thể đột nnhiên giảm cân, cảm thấy có nhiều năng lượng hơn, ngủ ngon hơn, không còn ngáy, dị ứng, v.v.
Tuy nhiên, đối với nhiều người, sự cải thiện này không quá thần kỳ. Cách ăn không chứa gluten làm giảm nhưng không thể giải quyết triệt để những vấn đề này.
Ngoài ra, nhiều người cho rằng họ không gặp vấn đề với gluten vì đã thực hiện các kiểm tra trong phòng thí nghiệm (thường là chưa hoàn thành) cho thấy họ không nhạy cảm với gluten hoặc không có bất kỳ triệu chứng tiêu hóa nào khi ăn gluten. Đó là bởi vì đa số các phòng thí nghiệm chỉ kiểm tra với alpha-gliadin, nhưng chúng ta có thể sẽ phản ứng với một số chất khác có trong lúa mì.
Hóa ra, chỉ có khoảng một phần ba số người nhạy cảm với gluten có các triệu chứng tiêu hóa. Trên thực tế, gluten có ảnh hưởng nhiều nhất đến bộ não.
Nhạy cảm với gluten cũng thường ảnh hưởng đến khớp, da và các cơ quan khác. Về cơ bản, khi tình trạng nhạy cảm với gluten đã gây ra viêm kinh niên, bất cứ phần nào trong cơ thể cũng đều có khả năng gặp phải tình trạng tự miễn. Di truyền và nhiều yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến tính dễ bị tổn thương của cơ thể.
Ví dụ, những người nhạy cảm di truyền với bệnh celiac (HLA-DQ 2 và 8) có nguy cơ cao bị bệnh tự miễn dịch nếu tiêu thụ gluten. Tuy nhiên, gluten có thể kích hoạt hệ miễn dịch mà không cần có gene của bệnh celiac.
Nếu bị các bệnh tự miễn dịch, bạn cần kiểm tra độ nhạy cảm với gluten. Hãy thực hiện ở những phòng thí nghiệm kiểm tra nhiều loại protein phản ứng. Tương tự như vậy, nếu nhạy cảm với gluten, bạn nên sàng lọc các bệnh tự miễn vì nguy cơ tăng khả năng bị bệnh tự miễn.
Hội chứng rò rỉ ruột và vai trò trong bệnh tự miễn, nhạy cảm với gluten
Hội chứng rò rỉ ruột là một yếu tố khác hầu như luôn luôn ảnh hưởng đến những người bị bệnh tự miễn. Trong cộng đồng khoa học, hội chứng rò rỉ ruột còn được gọi là “tăng tính thấm của ruột.” Tình trạng này xảy ra khi lớp niêm mạc của ruột non bị tổn thương và viêm, và do đó, xuất hiện nhiều lỗ li ti.
Kết quả là, thức ăn không được tiêu hóa, vi khuẩn và các mầm bệnh khác sẽ xâm nhập vào dòng máu vô trùng và gây viêm, dẫn đến các bệnh lý liên quan đến viêm và tự miễn. Những nguyên nhân thường gặp của hội chứng rò rỉ ruột là ăn uống kém, căng thẳng trường diễn, một số loại thuốc, các bệnh tự miễn, v.v.
Cần biết rằng hội chứng rò rỉ ruột thường không gây ra các triệu chứng ở ruột. Thay vào đó, hội chứng rò rỉ ruột sẽ thường dẫn đến viêm kinh niên ở những nơi khác trong cơ thể tùy thuộc vào cấu tạo di truyền, các chấn thương trong quá khứ hoặc các chấn thương và vấn đề sức khỏe hiện tại.
Ví dụ, hội chứng rò rỉ ruột có thể có những biểu hiện sau:
- Trầm cảm kinh niên; rối loạn trầm cảm nặng
- Hội chứng sương mù não
- Mệt mỏi
- Lo âu
- Kém tập trung
- Rối loạn hành vi hoặc phát triển ở trẻ em
- Đau kinh niên tại các vết thương cũ
- Đau khớp
- Phát ban và các bệnh lý da
- Các vấn đề nha khoa
- Các vấn đề về nội tiết tố
- Các bệnh hoặc triệu chứng tự miễn khó kiểm soát
Khi hội chứng rò rỉ ruột gây ra viêm kinh niên, nguy cơ xuất hiện các phản ứng tự miễn chống lại các mô cơ thể sẽ tăng lên.
Hội chứng ruột rò rỉ không đơn giản như tôi từng nghĩ. Phác đồ điều trị hội chứng rò rỉ ruột tiêu chuẩn hiện đang được xem là nền tảng của phương pháp điều trị các bệnh tự miễn đã không còn phù hợp với nhiều người. Những cố gắng điều trị hội chứng rò rỉ ruột có thể sẽ không thành công nếu không hiểu rõ cơ chế hoặc nguyên nhân căn bản của hội chứng rò rỉ ruột.
Ngoài ra, không phải lúc nào cũng có thể điều trị được hội chứng rò rỉ ruột. Kết quả của phác đồ còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Hiểu được nguyên nhân gây ra chứng rò rỉ ruột sẽ giúp điều trị hiệu quả hơn và tránh khỏi sự thất vọng. Ví dụ, những người có tiền sử tổn thương não hoặc các bệnh não đang tiến triển sẽ luôn bị hội chứng rò rỉ ruột ở một mức độ nào đó. Các đợt bùng phát của bệnh tự miễn cũng có thể gây ra tình trạng rò rỉ ruột.
Bệnh lý nào xảy ra trước? Nhạy cảm Gluten, Hội chứng rò rỉ ruột, hay các bệnh tự miễn?
Y học thay thế thời nay có quan điểm rằng: “Nhạy cảm với gluten gây ra hội chứng rò rỉ ruột, và hội chứng rò rỉ ruột gây ra bệnh tự miễn. Điều này là do sự nhạy cảm với gluten phá vỡ liên kết của các tế bào niêm mạc ruột, làm tăng tình trạng viêm khắp cơ thể và nguy cơ xuất hiện tình trạng tự miễn. Nếu loại bỏ gluten và giải quyết hội chứng rò rỉ ruột, thì sẽ có thể kiểm soát những bệnh tự miễn.”
Trong một số trường hợp, cách tiếp cận đơn giản và dễ hiểu này đã đem lại thành công. Tuy nhiên, cách này lại không hiệu quả với nhiều người khác. Nhiều bệnh nhân làm đúng theo hướng dẫn của các bác sĩ và những nhóm bạn giúp đỡ trực tuyến nhưng vẫn phải tiếp tục chịu đựng căn bệnh này. Nhiều người tự đổ lỗi cho bản thân, tự hỏi không biết mình đã làm sai ở đâu, trong khi sự thật chỉ là do họ có một nguyên nhân khác dẫn đến chứng rò rỉ ruột.
Điều gì xảy ra trước: nhạy cảm với gluten, bệnh tự miễn hay hội chứng rò rỉ ruột? Câu trả lời là bất kỳ bệnh lý nào trong ba bệnh này đều có thể kích hoạt hai bệnh còn lại.
Như tôi đã đề cập ở trên, chúng ta có một mô hình cổ điển trong đó nhạy cảm với gluten gây ra hội chứng rò rỉ ruột, và tiếp đến là hiện tượng tự miễn. Tuy nhiên, bản thân bệnh tự miễn cũng có thể gây ra hội chứng rò rỉ ruột và chứng nhạy cảm với gluten. Điều này là do các bệnh tự miễn gây ra viêm, làm phá vỡ hàng rào bảo vệ của ruột (và hàng rào máu não), sau đó dẫn đến tình trạng nhạy cảm với gluten và các loại thực phẩm khác. Tôi sẽ trình bày rõ hơn về vấn đề này ở phần sau.
Các yếu tố khác ngoài gluten và hội chứng rò rỉ ruột cũng có thể gây ra hiện tượng tự miễn. Đó có thể là virus, các loại hóa chất trong môi trường, nấm mốc độc hại và các mầm bệnh khác, cũng như sự thiếu hụt các chất thiết yếu như vitamin D, acid béo omega 3 hoặc glutathione.
Nguyên nhân của bệnh tự miễn cũng có thể là do xảy ra phản ứng chéo, khi cơ thể nhầm lẫn mầm bệnh hoặc protein trong thực phẩm với một mô cơ thể và bắt đầu tấn công mô này. Ví dụ, vi khuẩn liên cầu đã được chứng minh là có phản ứng chéo với hạch nền, gây ra các bệnh rối loạn tâm thần kinh tự miễn liên quan đến liên cầu khuẩn ở trẻ em.
Ngoài ra, do cấu trúc tương tự với protein trong não, protein gluten có thể kích hoạt hiện tượng tự miễn chống lại mô não gọi là “bắt chước phân tử.”
Những yếu tố khác như căng thẳng trường diễn hoặc các loại kháng sinh cũng có thể gây ra hội chứng rò rỉ ruột, từ đó tạo tiền đề cho các bệnh tự miễn.
Điểm mấu chốt là nếu có tình trạng nhạy cảm với gluten, hội chứng rò rỉ ruột hoặc bệnh tự miễn, bạn cần lưu ý rằng chỉ cần bị một trong ba bệnh này cũng sẽ làm tăng nguy cơ bị hai bệnh còn lại.
Nếu bị một trong ba bệnh này, thì điều quan trọng là phải sàng lọc hai bệnh còn lại và điều trị cả ba bệnh.
Vì sao cần hiểu về cơ chế của hiện tượng tự miễn
Vì sao cần phải hiểu rõ bệnh nào xảy ra trước? Một điều mà tôi nhận thấy khi điều trị những người bị bệnh kinh niên là họ thường mất tinh thần vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra với bản thân. Việc giảm bớt sự phức tạp và nắm được các vấn đề căn bản sẽ giúp cung cấp thông tin, xóa bỏ những mơ hồ và giúp người bệnh có thêm kiến thức để lựa chọn phương pháp điều trị.
Việc chỉ đơn giản là nói với bệnh nhân những điều cần làm thường tạo ra sự phản kháng. Nếu chỉ nói một cách đơn giản rằng “Bạn phải lập tức không ăn gluten một cách nghiêm ngặt” thì sẽ không hiệu quả bằng cách giải thích “Đây là những gì sẽ xảy ra khi bạn ăn gluten và đây là những gì có thể xảy ra nếu bạn không ăn.” Nếu tôi giải thích, bệnh nhân sẽ nắm thông tin tốt hơn để tự đưa ra quyết định thay vì được đề nghị.
Việc hiểu nguyên nhân của chứng rò rỉ ruột kinh niên, một tình trạng tự miễn khó kiểm soát hoặc nhạy cảm với nhiều loại thức ăn, sẽ có thể đem đến khả năng điều trị thành công cao hơn. Không phải chỉ có bệnh nhân mới gặp khó khăn, các bác sĩ điều trị cũng có thể bị mất tinh thần nếu không điều trị tốt cho người bệnh.
Khi biết cách điều trị chính xác hơn, bác sĩ sẽ có cơ hội giúp đỡ bệnh nhân tốt hơn. Trong những năm qua, tôi đã thấy tất cả các bác sĩ y học thông thường và thay thế kiệt sức và phải bỏ nghề hoặc thể hiện sự thất vọng một cách không thích hợp đối với những bệnh nhân kinh niên vì không được hướng dẫn cách giúp đỡ bệnh nhân cho dù có ý tốt.
Hiệu quả điều trị sẽ khác nhau tùy từng bệnh nhân do nhiều yếu tố tác động, bao gồm hệ thống trợ giúp, lối sống, tiền sử cá nhân, niềm tin, môi trường, di truyền và cả những yếu tố chưa biết đến.
Tóm lại, hội chứng rò rỉ ruột, nhạy cảm với gluten hoặc bệnh tự miễn không nhất thiết phải là một bản án bí ẩn gây hoang mang cho bệnh nhân. Bằng việc hiểu một số điều cơ bản, bạn có thể chọn điểm thích hợp để bắt đầu điều trị cả ba bệnh này.
Mặc dù không có phương pháp điều trị khỏi bệnh tự miễn, nhưng những chiến lược thay đổi cách ăn uống, dinh dưỡng và lối sống có thể giúp giảm thời gian xuất hiện triệu chứng và phản ứng thích hợp khi các triệu chứng bùng phát. Mục tiêu chính là nâng cao chất lượng cuộc sống, và mong muốn của tôi là cung cấp những thông tin để cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn hoặc những người bạn quan tâm.
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times