Bệnh tiểu đường và đường huyết cao có thể liên quan đến bệnh Alzheimer
Mối liên hệ chặt chẽ giữa tình trạng kháng insulin thường thấy ở bệnh tiểu đường và sức khỏe nhận thức đã khiến một số nhà khoa học gọi bệnh Alzheimer là “bệnh tiểu đường loại 3.”
Đường giúp hình thành protein độc hại trong não
Một nghiên cứu mới của Trường Y khoa thuộc Đại học Wake Forest University ở North Carolina tiết lộ rằng chỉ riêng lượng đường tiêu thụ và đường huyết tăng cao cũng có thể kích hoạt sự phát triển của các protein độc hại trong não, một dấu hiệu chính của bệnh Alzheimer.
Những protein độc hại này, được gọi là các mảng amyloid, tích tụ trong não của những người bị thoái hóa. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cứ 10 người Mỹ thì có hơn một người được chẩn đoán bị bệnh tiểu đường và một phần đáng kể cuối cùng có thể phát triển thành bệnh Alzheimer. Nghiên cứu mới nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát bệnh tiểu đường và giải quyết các yếu tố như lượng đường hấp thụ và lượng đường huyết.
Được công bố vào tháng Năm trên tập san Thấu hiểu JCI, nghiên cứu này cung cấp những hiểu biết mới về các thay đổi trao đổi chất liên quan đến bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ bị bệnh Alzheimer.
Bệnh tiểu đường khởi phát sớm làm tăng nguy cơ bị bệnh Alzheimer
Một nghiên cứu năm 2021 trên 10,095 người từ năm 1985 đến năm 2019 đã ghi nhận 1,710 trường hợp bị bệnh tiểu đường và 639 trường hợp bị chứng mất trí nhớ. Cứ 1,000 người tham gia được kiểm tra hàng năm không bị bệnh tiểu đường trước 70 tuổi thì chỉ có khoảng 9 người bị chứng mất trí nhớ.
Tuy nhiên, đối với những người tham gia được chẩn đoán bị bệnh tiểu đường, tỷ lệ bị mất trí nhớ trên 1,000 người là 10 đối với những người được chẩn đoán trước đó 5 năm, 13 đối với 6 đến 10 năm trước đó và trên 18 đối với bệnh tiểu đường khởi phát hơn 10 năm trước đó.
Những phát hiện này cho thấy chẩn đoán bệnh tiểu đường sớm hơn có liên quan đến việc tăng nguy cơ suy giảm nhận thức đáng kể. Mối liên hệ này có thể là do tiếp xúc lâu với lượng đường huyết tăng cao, làm tăng tổn thương mạch máu dẫn đến giảm cung cấp oxy cho não và tác động tiềm ẩn lên các tế bào não do kháng insulin.
Các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh rằng tổn thương tim mạch do bệnh tiểu đường khó mà giải thích cho những gì họ quan sát được. Họ đưa ra giả thuyết rằng rối loạn chức năng trao đổi chất của não là nguyên nhân chính gây ra bệnh Alzheimer, “làm nổi bật vai trò của việc giảm vận chuyển insulin qua hàng rào máu não, tổn thương tín hiệu insulin và do đó làm giảm việc sử dụng glucose của não,” các tác giả nghiên cứu viết.
Cứ ba người Mỹ thì có khoảng hai người là thừa cân hoặc béo phì và cứ ba người thì có một người bị béo phì. Béo phì là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với bệnh tiểu đường loại 2 và suy giảm nhận thức.
Trong não, lượng đường trong máu cao có liên quan đến đột quỵ và mất trí nhớ. Bên cạnh đó, đường có thể thay đổi cách vi khuẩn đường ruột tự nhiên của chúng ta tiêu hóa thức ăn, dẫn đến suy giảm nhận thức thần kinh do tích tụ độc tố.
Thử nghiệm lâm sàng điều tra thuốc xịt mũi insulin để cải thiện nhận thức
Có bằng chứng cho thấy não bị ảnh hưởng bởi insulin và việc đưa insulin trực tiếp vào não cho thấy những lợi ích tiềm năng đối với nhận thức. Mối liên hệ chặt chẽ giữa tình trạng kháng insulin thường thấy ở bệnh tiểu đường và sức khỏe nhận thức đã khiến một số nhà khoa học gọi bệnh Alzheimer là “bệnh tiểu đường loại 3.”
Nghiên cứu trước đây đã khám phá các phương pháp điều trị dựa trên mối liên hệ này, với kết quả đầy hứa hẹn. Một phân tích gộp các nghiên cứu cho thấy bệnh nhân Alzheimer có yếu tố nguy cơ di truyền được xịt insulin vào mũi cho thấy trí nhớ bằng lời nói được cải thiện.
Trong một nghiên cứu thí điểm có đối chứng với giả dược, 24 người bị suy giảm trí nhớ do mất trí nhớ hoặc bệnh Alzheimer nhẹ, cho thấy khả năng duy trì trí nhớ bằng lời nói và sự chú ý được cải thiện hơn sau khi xịt mũi bằng insulin trong ba tuần so với nhóm dùng giả dược.
Đại học Wakefield Forest University đang tiến hành một thử nghiệm lâm sàng cho đến năm 2028 để điều tra tính an toàn và hiệu quả của insulin xịt mũi và Empagliflozin, một loại thuốc được FDA chấp thuận sử dụng cho bệnh tiểu đường loại 2, trong việc cải thiện nhận thức và giảm protein amyloid liên quan đến bệnh Alzheimer.
Trong quá trình thử nghiệm, những người tham gia sẽ được chọn ngẫu nhiên vào một trong bốn phác đồ điều trị hàng ngày trong bốn tuần: xịt insulin vào mũi, một viên thuốc Empagliflozin, cả hai hoặc giả dược. Thuốc xịt mũi được thiết kế để đưa insulin trực tiếp đến não mà không ảnh hưởng đến lượng đường huyết.
Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times