Bao bì thực phẩm bằng nhựa chứa hàng nghìn hóa chất gây rối loạn nội tiết tố
Theo phát hiện của một nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Nauy, các hóa chất gây rối loạn hệ thống nội tiết và trao đổi chất xuất hiện rất phổ biến trong bao bì thực phẩm bằng nhựa.
Nghiên cứu (pdf), có nhan đề “Bao bì thực phẩm bằng nhựa từ năm quốc gia chứa các hóa chất gây rối loạn nội tiết và chuyển hóa,” đã được công bố trên Tập san Khoa học & Công nghệ Môi trường vào ngày 05/03.
Các tác giả lưu ý: “Mặc dù có mối liên hệ rõ ràng giữa một số hóa chất nhựa (bisphenol và phthalates) và những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhưng thành phần và độc tính của hỗn hợp hóa chất nhựa trên thực tế vẫn chưa được hiểu rõ.”
Trong những cố gắng để hiểu rõ hơn về mức độ độc hại của các hóa chất nhựa, các nhà khoa học đã phân tích hóa chất từ 36 “vật phẩm tiếp xúc với thực phẩm” bằng nhựa hoặc nhựa dùng để đóng gói hoặc chế biến thực phẩm.
Các sản phẩm được làm từ polyetylen tỷ trọng cao và tỷ trọng thấp (HDPE, LDPE), poly(ethylene terephthalate) (PET), polypropylen (PP), polystyrene (PS), polyurethane (PUR) và poly(vinyl clorua) (PVC ).
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng bao bì được mua từ các nhà bán lẻ nội địa ở 5 quốc gia: Đức, Na Uy, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Hàn Quốc trong khoảng thời gian từ mùa đông năm 2020 đến mùa xuân năm 2021.
Chúng bao gồm bao bì sử dụng một lần (chẳng hạn như ly, màng bọc thực phẩm, khay, v.v.) và các vật dụng tiếp xúc với thực phẩm để sử dụng nhiều lần (bao gồm hộp đựng thực phẩm, túi đựng nước, v.v.).
Tìm thấy hóa chất gây rối loạn nội tiết tố
Sau đó, nhóm các nhà khoa học đã phân tích các hóa chất có trong bao bì bằng phương pháp quang phổ khối có độ phân giải cao không nhắm mục tiêu; một kỹ thuật phân tích để xác định một hợp chất chưa biết.
Ngoài ra, họ còn sử dụng các xét nghiệm gene chỉ thị – dùng để đo khả năng điều hòa của một chuỗi DNA chưa xác định – đối với bốn thụ thể hạt nhân đại diện cho các thành phần chính của hệ nội tiết và trao đổi chất.
Nhóm đã phát hiện tới 9,936 đặc điểm hóa học trong một sản phẩm và phát hiện ra rằng mỗi sản phẩm đều có “dấu ấn hóa học khá độc đáo.”
Nhiều loại hóa chất cũng ảnh hưởng đến nội tiết tố của cơ thể; kích hoạt thụ thể pregnane X (PXR), thụ thể tăng sinh peroxisome γ (PPARγ), thụ thể estrogen α (ERα) và ức chế thụ thể androgen (AR).
“Sự phổ biến của các hợp chất estrogen trong nhựa làm tăng mối lo ngại về sức khỏe do chúng có khả năng phá vỡ hệ nội tiết, có thể dẫn đến các vấn đề về phát triển và sinh sản cũng như tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan đến hormone, chẳng hạn như ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt,” các tác giả lưu ý.
Hơn nữa, các nhà nghiên cứu nhận thấy các hợp chất chiết xuất từ LDPE, PUR và PVC có tác dụng mạnh nhất trong khi các chiết xuất từ HDPE, PET và PP ít có ảnh hưởng hơn.
‘Sự đơn giản về mặt hóa học’ cần thiết trong thiết kế, sản xuất nhựa
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng họ không thể kết luận rằng một loại polyme cụ thể không có hóa chất độc hại vì “chiết xuất metanol trong các mẫu của mỗi polyme đã kích hoạt hầu hết các thụ thể.”
Các tác giả viết: “Nghiên cứu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân tích độc tính của toàn bộ hỗn hợp hóa học trong các sản phẩm nhựa thành phẩm vì nó bao gồm tất cả các hóa chất có thể chiết xuất được, kể cả những chất chưa biết.”
Các nhà khoa học lưu ý thêm rằng phát hiện của họ thể hiện một bước quan trọng trong việc giảm độ phức tạp hóa học của hóa chất trong các sản phẩm nhựa nhưng thừa nhận nghiên cứu cũng nêu bật kiến thức hạn chế về các hợp chất có trong nhựa.
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.