Bạn đang cảm thấy bế tắc?

Làm thế nào để vượt qua 3 tư tưởng có thể kìm hãm tâm trí bạn

Bạn đã và đang rơi vào tình trạng bế tắc, và [cảm thấy] không thể tiến về phía trước trong những giai đoạn quan trọng của cuộc đời? Điều đó thật khó khăn. Tôi cũng đã từng như vậy.

Trong hàng thập niên sau khi tốt nghiệp đại học, có những quãng thời gian dài tôi cảm thấy bản thân mình không thể trở thành người mà tôi muốn một cách nhanh chóng như hằng mong đợi.

Điều xấu nhất là tôi biết rằng những thiếu sót của chính mình phần lớn là do đổ lỗi, nhưng tôi đã không biết làm thế nào để thay đổi.

Tôi ước mình có một người cố vấn giàu kinh nghiệm trong suốt những năm tháng đó — một người thực sự hiểu tôi và những khó khăn của tôi, đồng thời có thể chỉ bảo và khuyến khích tôi. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ không cảm thấy bế tắc lâu đến như vậy.

Nhưng thật biết ơn, theo thời gian, tôi đã có thể tìm ra rất nhiều trở ngại đang kìm hãm bản thân mình. Hóa ra, nhiều điều trong số đó là những cách suy nghĩ vô ích mà tôi đã thu nhặt trên suốt quãng đường đời — chủ yếu là từ những cuốn sách và trang web chủ nghĩa lý tưởng thái quá tôi đã đọc và tiếp thu.

Bạn sẽ có thể thực sự cần rút ra những bài học này cho chính mình. Vì vậy, đừng mong đợi rằng việc chỉ đơn giản đọc bài viết này sẽ giúp ích với bạn. Trong cuộc đời của mình, tôi cảm thấy việc tìm hiểu về cuộc hành trình của những người khác mang lại giá trị gấp đôi.

Thứ nhất, điều đó giúp tôi hình dung ra những khả năng mới. Đôi khi bạn rơi vào bế tắc bởi vì bạn không biết được mọi thứ có thể khác đi như thế nào. Có lẽ giá trị lớn nhất của nghệ thuật, dưới bất kỳ hình thức nào, là mở rộng trí tưởng tượng của một người.

Thứ hai, khi tìm hiểu về cuộc đời của một ai đó, tôi có thể viết ra kinh nghiệm của bản thân. Tôi có một người bạn thường xuyên đến gặp một nhà trị liệu, và anh ta nói rằng giá trị thực sự đối với anh là khi nghe người khác mô tả lại những trải nghiệm của chính anh. Bằng cách nào đó, điều này cho phép anh nhìn những trải nghiệm dưới một góc nhìn tươi mới và khiến anh cảm thấy chúng dễ quản lý hơn. Đọc sách thường xuyên thực sự đã giúp tôi làm điều đó.

Tôi hy vọng những ngôn từ của tôi cũng có thể giúp ích cho bạn. Sau đây là một số mẹo để tránh những tư tưởng vô ích có thể khiến bạn rơi vào bế tắc.

Đừng đánh giá quá cao một cuộc sống dễ dàng, dễ chịu

Tôi thiết nghĩ đa số chúng ta đều hiển nhiên biết rằng cố gắng sống theo chủ nghĩa khoái lạc thuần túy là một điều ngu ngốc. Tuy nhiên, bên cạnh đó, mọi người đều cảm thấy cuộc sống riêng của họ sẽ tốt hơn với một chút hài lòng và tiện nghi. Tôi biết tôi đã như vậy. [Nhưng] bây giờ, tôi nhận ra rằng tư tưởng này chính là thứ đã kìm hãm tôi và có thể là tư tưởng sai với đa số mọi người.

Đó là một tư duy làm cho thế giới của bạn trở nên nhỏ bé hơn. Thay vì theo đuổi những mục tiêu khó khăn và đầy thử thách để mở rộng tiềm năng tương lai và tăng thêm cảm giác truy cầu mỗi ngày, bạn sẽ phải tối ưu hóa cuộc sống hiện tại để tránh những bất tiện và nhiều hoạt động mà bạn không ưa thích. Trớ trêu thay, điều này lại khiến bạn ngày càng trở nên mong manh trước mọi loại cảm giác khó chịu.

Nếu tôi chỉ có thể cho bạn một lời khuyên, đó sẽ là: Hãy tìm một công việc khó khăn bất kể bạn có thích hay không — và bắt tay vào làm.

Đừng chờ đợi một kế hoạch hoàn hảo

Khi nói đến hành động, mọi người đều yêu thích ý tưởng này. Chúng ta nghĩ rằng trong khoảnh khắc hành động, chúng ta sẽ cảm thấy tự tin, quyết đoán và mạnh mẽ. Nhưng thay vào đó, tôi thấy rằng mỗi khi tôi thực hiện một việc cụ thể, hầu như luôn có kèm theo sự hoài nghi. Ngay cả khi tôi viết bài này, một trong số hàng trăm bài mà tôi đã viết, một phần đáng kể trong tôi muốn dừng lại và đi làm điều gì đó thoải mái hơn.

Bạn có thể cố gắng vượt qua cảm giác này bằng cách lập kế hoạch càng nhiều càng tốt. Nhưng trong đa số các trường hợp, đây sẽ là lựa chọn sai lầm. Tôi đã luôn đánh giá thấp khả năng học hỏi nhanh chóng của bản thân bằng cách đi thẳng vào một vấn đề. Và dù sao, trong phần lớn các tình huống, tôi đều biết những gì cần làm. Tôi chỉ đơn giản là tránh né nỗi lo lắng khi mới bắt đầu. Tất nhiên, cảm giác này không giống như sự né tránh khi tôi đã đang làm việc; việc lập kế hoạch có vẻ là điều tốt nhất, nhưng thường thì không phải vậy.

Cách để chống lại xu hướng này không phải là một bí ẩn — bạn cần bắt đầu trước khi cảm thấy sẵn sàng. Nếu thực sự có nhiều kế hoạch cần thực hiện, nó sẽ sớm bộc lộ. Nhưng rất có thể, điều bạn thực sự cần là vượt qua sức ì của hiện trạng và tiến hành.

Đừng tìm kiếm động lực

Một sai lầm khiến tôi phải trả giá đắt là tin rằng tôi cần giải được câu đố về động lực trước khi có thể thực sự cam kết làm một việc.

Tại sao tôi lại cảm thấy như vậy? Những người mà tôi ngưỡng mộ nhất đều có nguồn năng lượng và sự tập trung đáng kinh ngạc, và tôi nhận ra rằng việc giải quyết nút thắt này sẽ mang lại giá trị to lớn nhất cho bản thân.

Hóa ra, động lực là một thứ hay thay đổi. Giống như việc quyết định rằng bạn sẽ trở nên hạnh phúc hay thấp kém, động lực không thể tự biến thành sự mưu cầu — chắc chắn cũng không phải bằng cách đứng yên một chỗ. Thật không may, tôi đã dành quá nhiều thời gian (ý là: Tôi đã trì hoãn quá lâu) để cố gắng tìm hiểu về động lực và các phương pháp mới để trở thành một người làm việc có hiệu suất cao.

Sau rất nhiều năm tìm kiếm câu trả lời, suy nghĩ của tôi về chủ đề này giờ đây khá đơn giản. Động lực mạnh mẽ và trừu tượng đối với một mục tiêu không dễ dàng chuyển thành cảm giác thực sự có động lực ở thời điểm bắt đầu. Một trong những điều tốt nhất tôi đã làm là dành ra một khoảng thời gian cụ thể mỗi ngày để hoàn thành công việc quan trọng nhất và coi thời gian đó như một cam kết thiêng liêng. Bất kể hôm đó tôi cảm thấy thế nào; tôi cũng đều sẽ ngồi xuống và làm việc.

Theo thời gian, sức mạnh ý chí sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn, nhưng có lẽ quan trọng hơn, những tiến bộ đạt được trong khi cố gắng sẽ mang lại cho bạn động lực mạnh mẽ để tiếp tục.

Hãy đơn giản là dũng cảm tiến về phía trước

Tóm lại, để thoát khỏi bế tắc, bạn hãy ngừng mong chờ các điều kiện lý tưởng ở xung quanh trước khi bắt đầu. Đừng chờ đợi cho đến khi tìm thấy động lực. Đừng đợi cho đến khi bạn có một kế hoạch hoàn hảo. Và đừng mong chờ một điều gì đó dễ dàng.

Tìm kiếm một dự án khiến bạn tò mò và e ngại, và bắt tay ngay vào công việc. Có nhiều khả năng bạn sẽ hối hận vì đã không hành động hơn là đã chọn một con đường mà sau này bạn [sẽ càng] xa rời.

Vì vậy, việc bước ra khỏi bế tắc không đòi hỏi một hiểu biết quá sâu sắc, mà thay vào đó, cần sẵn sàng dũng cảm tiến về phía trước khi đối mặt với sự không chắc chắn.

Tân Dân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Mike Donghia
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Anh Mike Donghia và vợ, cô Mollie, viết blog trên trang This Evergreen Home, nơi họ chia sẻ kinh nghiệm sống tối giản, có chủ đích, và sự gắn kết trong thế giới hiện đại. Bạn có thể theo dõi các bài viết của họ bằng cách ghi danh nhận bản tin hai lần một tuần.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn