Đời người là sự giao thoa giữa lý tưởng và hiện thực, phải tự mình biết mình.
Thế đạo viêm viêm nan nhập nhãn
Cao cử đại kỳ đàm lý niệm
Đỗ phúc không không chuyển thuấn gian
Thô thực lãnh phạn trại thần tiên
Dịch nghĩa :
Thế đạo sáng chói khó lọt vào mắt người
Giơ cao ngọn cờ lý tưởng
Bụng đói chỉ là nhất thời
Cơm canh đạm bạc tế thần tiên
Đời người vốn dĩ là sự giao thoa giữa lý tưởng và hiện thực
Julian Banda – một triết học gia người Pháp đã nói – Nếu phần tử trí thức đã là loài động vật thiên về lý tưởng, vậy thì lộ trình tư duy của họ chắc chắn sẽ là lấy lý tưởng làm điểm khởi đầu và lấy sự phê phán thế giới hiện thực làm điểm kết thúc.
Nhưng nếu có ai đó khăng khăng muốn đi ngược lại, bắt đầu từ thế giới hiện thực, mô phỏng rập khuôn vào lý tưởng để hùa theo dân đen, tâng bốc nịnh bợ thế lực quyền quý, thì đó là sự xem thường và đùa giỡn với lý tưởng.
Julian Banda gọi đây là: “sự phản bội của thành phần trí thức.” Tôi cho rằng Julian Banda đã sai.
Vì ông không nhận ra rằng bản chất của thế giới hiện thực là sự tồn tại đồng thời của thiện và ác, nên mới có luận thuật rằng “lộ trình tư duy của phần tử trí thức chắc chắn được bắt đầu bằng lý tưởng và kết thúc bằng sự phê phán thế giới hiện thực”.
Trên thực tế, hiện thực và lý tưởng (nguyện vọng) vốn dĩ không thể tách rời, vừa là ngoại cảnh vừa là nội tại, hỗ trợ cho nhau, cũng như khi muốn làm điều tốt thì phải có nguyện vọng và năng lực (hiện thực), nếu không thì cũng chỉ là lời nói sáo rỗng.
Điều đó có nghĩa là, nếu một chiếc ô tô muốn chạy trên đường, nó không có cách nào để tiến lên phía trước chỉ với người lái và vô lăng, mà còn cần phải có bánh xe và xăng.
Phần tử trí thức đối với thế giới hiện thực tuyệt đối sẽ không kết thúc bằng sự phê phán chỉ trích, mà ngược lại sẽ thúc đẩy sự gắn kết giữa lý tưởng với thực tế, làm cho thế giới hiện thực trở nên ngày càng tốt đẹp hơn.
Phê phán những điều xấu ác trong thế giới hiện thực là rất cần thiết, nhưng nếu cái thiện không được phát huy, con người rất dễ rơi vào trạng thái kiêu căng tự đại, sản sinh ra tính chất biệt lập, thậm chí kết giao với cái ác.
Những điều như vậy thường xảy ra trong giới thần học. Thần học Calvin là một ví dụ, vì để kiên trì với lý tưởng của mình, ông thậm chí đã xử tử những người phản đối thuyết tiền định về sự cứu rỗi.
Đây chính là sự kết thúc bằng việc phê phán chỉ trích, điều này rất dễ dẫn đến sai lầm. Đây cũng chính là lý do tại sao Chúa Giêsu công bố điều răn lớn nhất, hãy yêu thương mọi người như chính bản thân ta, và điều răn mới đó là hãy yêu thương nhau.
Bởi vì tình yêu thương và sự lương thiện sẽ khiến con người biết yêu thương trân trọng nhau, biết khiêm nhường và sẵn sàng tình nguyện giúp đỡ những người nghèo khổ bần cùng, loại năng lượng của tình yêu thương và sự lương thiện này mạnh mẽ hơn và có ích cho thế giới hiện thực hơn nhiều so với năng lượng của sự phê phán đổi mới.
Vì vậy. khi đối diện với cái xấu xung đột với lý tưởng, chúng ta phải dũng cảm phê phán, đồng thời khi đối mặt với thế giới hiện thực, chúng ta phải dùng tình yêu thương và sự lương thiện để để thúc đẩy thế giới hiện thực, khiến nó trở nên tươi đẹp và đáng yêu hơn..
Đứng trước thực tế cuộc sống, chúng ta phải tự mình biết mình
Một phụ nữ phàn nàn về một đồng nghiệp cũ, bà ta nói rằng trước đây cô ấy không như vậy! Kể từ khi cô ấy được thăng tiến và điều động đến trụ sở tổng công ty, bà ấy đi tuần kiểm thì nhìn thấy cô ấy, cô ấy đã hoàn toàn khác hẳn, tính tình và hành vi của cô ấy khiến người khác không thể chấp nhận được.
Một người bạn của bà nói với bà rằng, thật ra tính cách của một người rất khó thay đổi trong một thời gian ngắn, người đồng nghiệp của bà không hề thay đổi, chỉ là bà đã không hiểu rõ về cô ấy vào thời gian đầu khi hai người mới quen biết nhau, cô ấy thật ra chính là người mà bây giờ bà đang nhìn thấy.
Quan điểm của tôi thì lại khác.
Lịch sử và hiện thực cho thấy, những người sau khi được thăng tiến thì do yêu cầu của chức vụ của họ, mà bắt buộc họ phải có những phương thức làm việc khác, và tất nhiên cũng sẽ có sự chuyển ngoặt trong tư tưởng tùy theo giai tầng của họ. Nhưng người đồng nghiệp kia đã không điều chỉnh lại trạng thái tâm lý của mình theo sự thay đổi về quan hệ cấp bậc giữa hai người, từ đó mà trong lòng có sự mâu thuẫn không vui.
Thử nghĩ xem, vốn dĩ là mối quan hệ huynh đệ bằng hữu thân thiết, một khi người kia lên làm hoàng đế thì bạn làm sao có thể choàng vai bá cổ với anh ta được nữa chứ!
Huynh đệ thì sao chứ, Chu Nguyên Chương giết hại công thần không phải cũng là huynh đệ vào sinh ra tử với ông ta năm nào sao?
Còn có một tình tiết hiện thực đời sống thường hay gặp đó là, lúc nhỏ cậu bé và cô bé thường chơi trò chơi gia đình, khi lớn lên, cô bé trở thành một người con gái vô cùng xinh đẹp, còn cậu bé chỉ là một nhân viên văn phòng bình thường, một lần cậu có ý muốn hẹn hò cùng cô thì bị dè bỉu xem thường đến mức xấu hổ.
Những chuyện này đều là lỗi ở bản thân không tự mình biết mình.
Nói đến đây, tôi điểm lại các bạn học thời cấp 2, có người giờ đã là bác sĩ nổi tiếng, có người thì đảm nhiệm chức bộ trưởng trong cơ quan chính phủ trung ương, tuy nhiên cũng có người suốt ngày nhậu nhẹt như sâu rượu, thậm chí có người còn trở thành trùm xã hội đen, sự thành tựu cũng như địa vị xã hội của mọi người rõ ràng đều rất khác nhau, những khoảng cách này khiến mọi người khi gặp lại nhau cũng khó có thể gần gũi hồn nhiên như thời trung học nữa..
Vì vậy, trong đời sống hiện thực, nếu không tự mình biết mình thì chỉ khiến bản thân thêm vướng mắc mà thôi.
Do Cao Đạt Hồng thực hiện
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: