“Bài thuốc chữa răng thần kỳ” trăm tuổi và món ăn nhẹ cho răng lung lay
Khi lớn tuổi, nhiều người phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe răng miệng như răng lung lay, bệnh nha chu, thậm chí còn phải mang răng giả. Điều này có thể gây ra ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), khoảng 96% người lớn Hoa Kỳ từ 65 tuổi trở lên bị sâu răng và cứ 5 người thì có 1 người bị sâu răng không được điều trị bao gồm cả mất răng. Có đến 2 trong 3 người trong độ tuổi này bị bệnh về nướu răng.
Những người không có răng hoặc dùng răng giả thường thích thức ăn mềm, dễ nhai hơn là thức ăn cứng như các loại hạt, trái cây tươi, và rau củ. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc hấp thụ cân bằng các dưỡng chất. Có một hàm răng tốt thì mới có thể nhai nát thức ăn, giúp thức ăn được tiêu hóa và hấp thụ dễ dàng hơn.
Tiến sĩ Hồ Nãi Văn là bác sĩ Trung y tại Trung tâm Y học cổ truyền Đồng Đức Thượng Hải ở thành phố Đài Bắc, Đài Loan. Trong chương trình Youtube “Dr. Hu Nai Wen Health Seminars” (Chuyên đề sức khỏe của Tiến sĩ Hồ Nãi Văn), ông đã chia sẻ một số lời khuyên của Trung y về thực phẩm bổ sung để “khắc phục tình trạng răng lung lay” được lưu truyền hơn trăm năm trước ở Trung Quốc.
Ăn các loại hạt khô để ‘rèn luyện răng’
Tiến sĩ Hồ cho biết trong xã hội hiện đại do món ăn ngày càng được tinh chế nên răng của con người không có cơ hội được rèn luyện hết khả năng. Ông gợi ý rằng những người có răng “mềm” có thể “luyện lại răng” bằng cách “nhai” các loại hạt khô mỗi ngày. Ví dụ như hạnh nhân, óc chó, hạt thông, đậu phộng, hạt bí ngô, và hạt điều. Bằng cách nhai liên tục trái cây khô, bạn có thể làm chắc răng và giúp cơ nhai khỏe hơn.
Ngoài ra, tập nhai cũng kích thích quá trình tiết nước bọt, từ đói giúp cải thiện hệ tiêu hóa. Tiến sĩ Hồ gợi ý rằng tốt nhất là nên bắt đầu các thói quen như nhai kỹ từ khi còn trẻ để duy trì sức khỏe răng miệng suốt đời.
Liệu pháp ăn uống giúp bổ thận và làm chắc răng
Tiến sĩ Hồ cho biết, Trung Y tin rằng thận chủ quản xương và xương biểu hiện ra bên ngoài ở răng. Do đó, sức khỏe của thận và răng có quan hệ mật thiết với nhau. Thận suy có thể dẫn đến răng lung lay, vì vậy bổ thận có thể giúp răng chắc khỏe hơn.
Trong một nghiên cứu được công bố trên Tập san Nghiên cứu Nha chu năm 2013, các nhà nghiên cứu đã chia đều 60 con chuột cái Sprague-Dawley thành ba nhóm: nhóm đối chứng khỏe mạnh, nhóm viêm nha chu và nhóm dùng bài thuốc Trung y bổ thận “Bổ thận cố xỉ hoàn” để điều trị viêm nha chu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy bài thuốc này có tác dụng chống viêm trên mô nha chu của chuột, với những thay đổi “đáng kể” về thể tích và mật độ xương ổ răng.
Tiến sĩ Hồ cho biết, không chỉ người lớn tuổi mới bị thận hư khi về già mà tình trạng thận hư ở trẻ em cũng sẽ khiến răng mất đi lớp men sáng bóng bên ngoài. Ông đề nghị bệnh nhân bị bệnh răng miệng nên ăn nhiều thực phẩm có màu đen để bổ thận như đậu đen, mè đen, mộc nhĩ đen, gà ác.
Điều này phù hợp với Thuyết ngũ hành của Trung y: ngũ sắc “xanh, đỏ, vàng, trắng, đen” tương ứng với ngũ tạng “can, tâm, tỳ, phế và thận.”
Tiến sĩ Hồ nói rằng ông cũng sẽ sử dụng Hoàn thiếu đan (Bài thuốc Kỷ tử) để điều trị các vấn đề về răng miệng cho người già và trẻ em bị thận hư. Nhưng ông nhắc nhở bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ và xin toa thuốc phù hợp trước khi áp dụng.
Súc miệng bằng nước sắc Bạch truật để điều trị tụt nướu
Bệnh nha chu là bệnh răng miệng kinh niên, đặc trưng bởi tình trạng chảy máu và lung lay răng. Tiến sĩ Hồ cho biết rằng tình trạng khó chịu về răng miệng như vậy không chỉ do nhiễm vi khuẩn hoặc vệ sinh không đúng cách mà còn liên quan mật thiết đến thể chất. Vì vậy cần tùy theo tình trạng của mỗi người mà điều trị.
Viêm nha chu là một loại bệnh nha chu. Một nghiên cứu tổng quan được công bố trên Tập san Nha khoa Quốc tế năm 1998 đã cho thấy rằng viêm nha chu có thể do “vị nhiệt” gây ra, biểu hiện chủ yếu là nướu sưng đỏ, thỉnh thoảng có chảy máu, mủ, hôi miệng (hơi thở có mùi hôi) và loét miệng. Ngoài ra, viêm nha chu còn có thể do “thận hư,” biểu hiện là răng lung lay, lộ chân răng, tụt nướu.
Tiến sĩ Hồ đã trích dẫn từ cuốn sách kinh điển về y học cổ đại của Trung Hoa “Hoàng đế nội kinh” rằng khi thận hư nặng sẽ có biểu hiện ở miệng và mặt là “mặt đen, răng dài có cao răng,” và các tình trạng như sạm da mặt, tụt nướu, cao răng.
Trung y cho rằng thận là gốc của tiên thiên, và tỳ là gốc của sinh mệnh. Việc duy trì sức khỏe của thận, tỳ và vị có quan hệ mật thiết với sức khỏe của răng và khoang miệng. Do đó, phương pháp điều trị tụt nướu theo Trung y bao gồm việc dùng nước sắc Bạch truật để bổ tỳ và và Sinh địa hoàng để bổ thận.
‘Bài thuốc cố định răng lung lay’ từ hàng thế kỷ
Tiến sĩ Hồ nhắc chúng ta rằng mỗi chiếc răng đều quý giá, vì vậy đừng bao giờ để răng mất hoạt động sớm. Trong khi răng vẫn còn khỏe, nên đánh răng sạch để giúp răng chắc khỏe hơn và đi khám nha sĩ thường xuyên. Tiến sĩ Hồ đặc biệt khuyên dùng bài thuốc “Cổ xỉ thần phương (bài thuốc kỳ diệu để chữa răng)” của Trung y có từ hàng thế kỷ trước để cứu những chiếc răng lung lay (xem bài thuốc bên dưới).
Bài thuốc “Cổ xỉ thần phương” xuất phát từ “72 loại sách y học của thầy thuốc Trần Tu Viên” được một bác sĩ Trung y lỗi lạc thời nhà Thanh viết. Ông viết: “Có rất nhiều bài thuốc khác nhau để điều trị răng, nhưng hầu hết là hiệu quả không cao lắm. Xưa có một người sau 40 tuổi thì răng bắt đầu bị yếu, bị rụng mất 3 chiếc răng cửa.”
Ông đã nhận được bài thuốc Cổ xỉ thần phương từ em trai sống ở Đức Châu. Sau một thời gian dùng bài thuốc này, răng lung lay đã chắc trở lại, các bệnh về răng miệng khác cũng được chữa khỏi. Thậm chí, ngay cả khi có những vết sưng mọc giữa các kẽ răng sau khi ăn lẩu và đồ chiên vào mùa đông, nhưng [chỉ cần] dùng bột “Cổ xỉ thần phương” chà xát một vài lần, vết sưng đã biến mất.” Ông Trần tin rằng đó là bài thuốc hiệu quả nhất mà ông từng gặp.
Cách làm và cách dùng bài thuốc ‘Cố răng thuần phương’
Thành phần:
Bài thuốc “Cố răng thuần phương” bao gồm 9 loại dược thảo được pha trộn theo trọng lượng tương ứng được ghi trong ngoặc đơn cho một lần tán thuốc:
- Muối xanh (khoảng 20g)
- Thạch cao (khoảng 20g)
- Bổ cốt chỉ (khoảng 16g)
- Hoa tiêu (bỏ lõi, khoảng 6g)
- Đương quy bạch chỉ (khoảng 6g)
- Bạc hà (khoảng 11g)
- Cỏ mực (khoảng 11g)
- Phòng phong (khoảng 11g)
- Tế tân (khoảng 6g)
Bài thuốc chữa răng thần kỳ gồm 9 loại thảo mộc được trộn theo trọng lượng nhất định. (Ảnh:Được đăng với sự cho phép của Tiến sĩ Hồ Nãi Văn)
Cách dùng
Đầu tiên, nghiền chín vị thuốc thành bột đánh răng mịn, cho vào lọ đậy kín để dùng dần. Mỗi lần đánh răng lấy một lượng bột thuốc thích hợp (đủ phủ hết lông bàn chải). Nếu có thể, sau khi đánh răng, bạn hãy để bột đánh răng trong miệng một lúc, sau đó súc miệng lại bằng nước. Bằng cách này, bạn có thể hấp thụ được thuốc một cách tốt nhất và cải thiện đáng kể sức khỏe của răng. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng tay bôi bột đánh răng lên nướu để bảo vệ nướu.
Từ xa xưa, muối đã là một vị thuốc tốt trong Trung y, dùng muối đắp ngoài có thể giảm đau. Trong cuốn sách cổ của Trung y “Thiên kim Yếu phương,” có đề cập rằng lau răng, và súc miệng bằng nước muối mỗi ngày có thể giúp ngăn ngừa sâu răng hoặc lung lay.
“Tế tân” (mục thứ chín trong đơn thuốc trên) là một loại thuốc thường được dùng để điều trị các bệnh về răng thời Trung Hoa cổ đại. Toa thuốc này được ghi lại trong một cuốn sách kinh điển khác của Trung y có tên “Thánh Huệ Phương” rằng để điều trị chứng hôi miệng và sưng nướu, nên đun sôi “Tế tân” trong nước, chiết lấy nước cốt đặc và ngậm trong miệng khi còn nóng, sau đó nhổ ra khi nước nguội.
Một bài nghiên cứu được đăng trên Tập san Dược học Âu Châu năm 2020 cũng đề cập đến nhiều loại thuốc tự nhiên có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm, giá thành rẻ, ít tác dụng phụ. Liệu pháp thảo dược có tác dụng giảm đau, làm dịu và thường được áp dụng như một phần của liệu pháp thay thế nha khoa.
* Một số loại thảo mộc được đề cập trong bài viết này có thể không quen thuộc, nhưng thường có bán ở các siêu thị Á Châu.
Lưu ý: Do thể trạng của mỗi người là khác nhau nên phương pháp điều trị tương ứng cũng khác nhau. Vì vậy nên tham khảo ý kiến chuyên gia Trung Y hoặc bác sĩ của bạn để lựa chọn các liệu pháp điều trị phù hợp.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.