7 lợi ích bất ngờ khi hít thở bằng mũi

Khám phá sức mạnh chuyển đổi của việc hít thở bằng mũi, từ việc bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật cho đến cải thiện chức năng bộ não và ngoại hình.

Đây là phần 2 trong loạt bài “Sức mạnh của hơi thở”

Phần 1: Khai thác sức mạnh của cách thở tối ưu

Trong loạt bài này, chúng ta sẽ khám phá việc hít thở ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe thể chất và tinh thần như thế nào, cũng như cách mà một chút điều chỉnh nhỏ trong hơi thở có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống.

Các trào lưu chăm sóc sức khỏe thường thu hút sự chú ý bằng những lời hứa hẹn về một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn – và trào lưu mới nhất này có thể khiến quý vị phải ngạc nhiên. Ngày càng có nhiều người đang cố tình dán miệng [khi ngủ].

Thoạt nhìn có vẻ kỳ quặc, nhưng mục tiêu của thực hành này là khuyến khích điều cơ bản như việc hít thở – đặc biệt là thở bằng mũi. Mặc dù có hình thức khác thường, trào lưu này đang ngày càng phổ biến, thu hút mọi người từ những người nổi tiếng Hollywood đến những người yêu thích tập thể dục hàng ngày.

Vậy điều gì đang đẩy mạnh trào lưu kỳ lạ này? Các nghiên cứu mới nổi cho thấy những lợi ích đáng kể của việc hít thở bằng mũi so với hít thở bằng miệng. Từ việc cải thiện sức khỏe tổng thể và giấc ngủ cho đến nâng cao khả năng nhận thức. Những lý do để hít thở bằng mũi rất thuyết phục – và việc khuyến khích hít thở bằng mũi có thể không chỉ là một trào lưu nhất thời.

Khoa học về hơi thở: Kiến thức cơ bản

Hít thở là một hoạt động vô thức mà chúng ta không để ý đến. Tuy nhiên, cách chúng ta hít thở – bằng mũi hay bằng miệng – có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe. Sự khác biệt về mặt giải phẫu và sinh lý giữa hít thở bằng mũi và bằng miệng ảnh hưởng đáng kể đến quá trình oxy hóa và sức khỏe hệ hô hấp.

Ông Stuart Sandeman, chuyên gia về [kỹ thuật] hít thở được công nhận trên toàn cầu và là người sáng lập Breathpod, nói với The Epoch Times rằng, “Mũi được sinh ra để hít thở.”

Ông nói rằng cơ thể đã được sinh ra với việc hít vào và thở ra bằng mũi, một quá trình mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.

Tuy nhiên, các yếu tố như nghẹt mũi, căng thẳng và các thói quen hành vi đã khiến chúng ta hình thành thói quen hít thở bằng miệng một cách vô thức. Quay lại hít thở bằng mũi là quay trở lại nguồn gốc sinh lý, giúp nâng cao khả năng hoạt động tự nhiên của cơ thể.

7 lý do nên hít thở bằng mũi

1. Lá chắn ngăn ngừa bệnh tật

Mũi đóng vai trò như lá chắn chống lại vi trùng và các chất ô nhiễm trong không khí. Khi không khí đi qua khoang mũi, những sợi lông nhỏ và chất nhầy [trong khoang mũi] sẽ giữ lại bụi bẩn, các chất gây dị ứng và các hạt có hại khác, ngăn chúng xâm nhập phổi và đẩy lùi các bệnh về đường hô hấp.

Ông James Nestor, tác giả cuốn sách “Breathe” (Tạm dịch: Hơi Thở), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hít thở bằng mũi trong một podcast, nói rằng “mũi là tuyến phòng thủ đầu tiên giúp chống lại vi khuẩn và virus.” Ông nhấn mạnh những nguy cơ của việc hít thở bằng miệng bằng cách lưu ý rằng “khi quý vị hít thở bằng miệng, phổi về cơ bản [hoạt động như] một cơ quan bên ngoài. Phổi tiếp xúc với mọi thứ.”

Nghiên cứu trên Journal of Toxicology and Environmental Health (Tập san Chất độc và Sức khỏe Môi trường) xác nhận khả năng vượt trội của việc hít thở bằng mũi trong việc lọc các hạt mịn. Nghiên cứu nhấn mạnh rằng mũi thể hiện hiệu quả đáng kể hơn trong việc giữ lại các hạt bụi mịn, do đó giúp bảo vệ phổi khỏi các chất ô nhiễm môi trường tốt hơn.​

Theo nhà khoa học thần kinh Andrew Huberma, giống như có hệ vi sinh vật trong đường ruột; trong miệng và mũi cũng có các vi sinh vật.

Ông nói, “Việc hít thở bằng mũi cung cấp môi trường lý tưởng để duy trì sự khỏe mạnh cũng như gia tăng sự đa dạng của hệ vi sinh vật đường mũi, do đó chống lại cảm lạnh và cúm tốt hơn.”

Đường mũi cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc làm ẩm và làm ấm khí hít vào cân bằng với nhiệt độ cơ thể, vốn rất cần thiết để duy trì sức khỏe đường hô hấp. Chức năng này đặc biệt quan trọng ở những vùng khí hậu khô cằn hoặc lạnh giá, nơi không khí khô có thể gây kích ứng phổi và đường hô hấp, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

2. Tăng hấp thụ oxy

Hít thở bằng mũi giúp điều chỉnh tốt hơn lượng oxy và carbon dioxide đi vào máu. Đường mũi sản sinh nitric oxide, một loại khí đóng vai trò quan trọng trong việc tăng lưu lượng máu và do đó cung cấp oxy [nhiều hơn] đến các cơ quan quan trọng. Quá trình này rất cần thiết để duy trì sự trao đổi oxy-carbon dioxide hiệu quả và sức khỏe tim mạch.

Từ lâu, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi mọi người hít thở bằng mũi thay vì bằng miệng, nồng độ oxy trong máu có thể cao hơn tới 10%. Điều này cho thấy việc hít thở bằng mũi có hiệu quả hơn trong việc đưa oxy vào máu.

Việc hít thở bằng mũi tạo ra lực cản đối với luồng không khí cao hơn khoảng 50% so với hít thở bằng miệng, giúp tăng khả năng hấp thụ oxy lên 10% đến 20%. Lực cản này giúp tối ưu hóa quá trình trao đổi oxy-carbon dioxide và bảo đảm cung cấp oxy hiệu quả hơn đến các cơ quan quan trọng, từ đó tăng sức khỏe tổng thể và sức bền.

3. Duy trì nụ cười khỏe mạnh

Việc hít thở bằng mũi không chỉ đơn thuần là hít thở – mà còn rất quan trọng đối với sức khỏe răng miệng. Hít thở bằng miệng có thể làm khô miệng, tạo điều kiện cho sâu răng và bệnh nướu răng. Ngược lại, hít thở bằng mũi giữ cho hệ thống làm sạch tự nhiên của miệng – nước bọt – hoạt động liên tục.

Tiến sĩ Kyle Gernhofer, nha sĩ và là Giám đốc điều hành của DenScore, nói với The Epoch Times rằng, “Việc hít thở bằng mũi sẽ tạo ra môi trường ẩm ướt trong miệng. Điều này cho phép nước bọt thực hiện chức năng ngăn ngừa vi khuẩn có hại tích tụ trên răng và nướu. Hít thở bằng mũi cũng giúp ngăn ngừa việc xương hàm phát triển bất thường ở trẻ em.”

Nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa việc hít thở bằng miệng với tình trạng tăng độ acid trong miệng gây mòn men răng và sâu răng. Ngược lại, người hít thở bằng mũi thường có sức khỏe răng miệng tốt hơn nhờ sự bảo vệ của nước bọt. Cách chúng ta hít thở có thể có ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe răng miệng.

4. Cải thiện giấc ngủ

Hít thở bằng mũi có thể là chìa khóa để có giấc ngủ ngon hơn. Hít thở bằng miệng khi ngủ thường dẫn đến khô họng và ngủ không ngon giấc. Ngược lại, hít thở bằng mũi giúp ngủ ngon và sâu hơn bằng cách duy trì mức oxy và carbon dioxide trong máu tối ưu.

Nhấn mạnh những nguy hiểm của việc hít thở bằng miệng vào ban đêm, ông Huberman cho biết, “Hít thở bằng miệng khi ngủ không chỉ là việc không như ý muốn; mà còn thực sự nguy hiểm. Vì hít thở bằng miệng có liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ. … Giải pháp là hãy hít thở bằng mũi càng nhiều càng tốt và đặc biệt là trong khi ngủ.” Việc chuyển sang hít thở bằng mũi sẽ ổn định kiểu thở và nâng cao chất lượng giấc ngủ tổng thể, có thể làm giảm nguy cơ bị các chứng rối loạn liên quan đến giấc ngủ.

5. Làm dịu hệ thần kinh

Hít thở bằng mũi đóng vai trò then chốt trong việc điều hòa hệ thần kinh, đặc biệt là cân bằng hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm. Sự điều hòa này là cần thiết để giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tổng thể. Khi hít thở bằng mũi, hãy cố gắng hít thở chậm hơn và sâu hơn để kích hoạt hệ thần kinh phó giao cảm, từ đó giúp cơ thể bình tĩnh và thả lỏng hơn.

Nghiên cứu gần đây hơn được công bố trên Scientific Reports (Tập san Báo cáo khoa học) nhấn mạnh tác động sâu sắc của việc hít thở có kiểm soát đối với tình trạng căng thẳng và sức khỏe tâm thần. Nghiên cứu toàn diện này khẳng định rằng các bài tập thở, đặc biệt là hít thở bằng mũi, làm giảm đáng kể lo âu và trầm cảm, căng thẳng, ở nhiều nhóm đối tượng khác nhau.

Ông Sandeman cho biết, “Hít thở bằng mũi tạo ra lực cản đối với luồng khí, lực cản này làm nhịp thở chậm lại, từ đó kích hoạt phản ứng của hệ thần kinh phó giao cảm, còn được gọi là [hệ thần kinh] ‘nghỉ ngơi và tiêu hóa.’”

Ông lưu ý rằng việc hít thở bằng lỗ mũi bên phải sẽ kích thích hệ thần kinh giao cảm, trong khi hít thở bằng lỗ mũi bên trái giúp kích thích hệ thần kinh phó giao cảm. Hai nhánh thần kinh này hoạt động luân phiên theo chu kỳ hàng ngày được gọi là chu kỳ mũi.

Trong một nghiên cứu vào tháng 03/2022, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng việc hít thở chậm bằng mũi (SNB), một kỹ thuật trong pranayama yoga (thực hành điều hòa hơi thở), có tác dụng đáng kể đến bộ não. Những người tham gia thực hiện SNB trong khi thiền định đã trải nghiệm một trạng thái nhận thức độc đáo với những thay đổi đáng kể trong hoạt động của bộ não. Điều này cho thấy kiểu thở này không chỉ giúp cơ thể thả lỏng, mà còn có thể mang lại nhiều lợi ích. Việc hít thở chậm bằng mũi cũng có thể ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta.

6. Bảo vệ bộ não

Hít thở bằng mũi không đơn thuần là một cách hít thở — đây còn là một chất kích thích bộ não. Hít thở bằng mũi rất quan trọng trong việc duy trì mức carbon dioxide thích hợp trong máu, vốn cần thiết cho sức khỏe của bộ não. Hít thở bằng mũi là nền tảng cho các chức năng nhận thức như: ghi nhớ, tập trung và chú ý.

Nghiên cứu hình ảnh bộ não gần đây cho thấy việc hít thở bằng mũi có thể cải thiện chức năng bộ não trong các nhiệm vụ ghi nhớ. So với hít thở bằng miệng, hít thở bằng mũi kích hoạt các vùng quan trọng của bộ não hiệu quả hơn. Điều này cho thấy hít thở bằng miệng có thể cản trở hoạt động của bộ não theo thời gian.

7. Cải thiện ngoại hình

Hít thở bằng mũi, đặc biệt là từ khi còn nhỏ, đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cấu trúc khuôn mặt. Theo Bệnh viện Cleveland, “Hít thở bằng miệng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển khuôn mặt của trẻ, gây ra hiện tượng gọi là ‘khuôn mặt hít thở bằng miệng.’ Người hít thở bằng miệng thường có khuôn mặt hẹp với cằm hoặc hàm thụt vào.”

Ủng hộ điều này, các nghiên cứu phát hiện rằng trẻ hít thở bằng miệng có thể có cấu trúc khuôn mặt khác biệt so với trẻ hít thở bằng mũi. Nghiên cứu này nhấn mạnh rằng hít thở bằng mũi góp phần làm vòm miệng rộng hơn và khuôn mặt cân đối hơn, cho thấy tầm quan trọng của việc hít thở bằng mũi đối với sức khỏe và thẩm mỹ.

Thích nghi với sự thay đổi: Các kỹ thuật giúp hít thở bằng mũi

Việc chuyển sang hít thở bằng mũi có thể là một thách thức, đặc biệt đối với những người thường xuyên hít thở bằng miệng. Dưới đây là một số kỹ thuật và bài tập thực tế giúp thực hiện quá trình chuyển đổi này:

  • Dán miệng vào ban đêm: Một phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả vào ban đêm là dán miệng. Dùng một miếng băng dính nhỏ thoáng khí dán trên môi có thể giúp thở bằng mũi và ngăn thở bằng miệng khi ngủ.

Ông Sandeman lưu ý rằng việc chuyển từ hít thở bằng miệng sang hít thở bằng mũi có thể gặp nhiều khó khăn. Ông nói, “Nếu quý vị đã quen hít thở bằng miệng, thì việc chuyển sang hít thở bằng mũi có thể khó khăn lúc ban đầu.” Ông đề nghị tăng dần thời gian dán miệng, bắt đầu từ một phút lên ba mươi phút vào ban ngày, trước khi chuyển sang dán miệng qua đêm.

  • Các bài tập thở: Các bài tập thở cụ thể có thể làm tăng chức năng hệ hô hấp và kích thích hít thở bằng mũi. Các hoạt động như hít thở luân phiên mũi và hít thở bằng bụng, trong đó việc hít thở bằng bụng có ý thức, có thể hữu ích.
  • Kiểm soát dị ứng: Đối với những người bị dị ứng dẫn đến nghẹt mũi, thì việc hít thở bằng mũi dường như là không thể. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để có các chiến lược kiểm soát dị ứng lâu dài.
  • Thực hành có ý thức: Trong ngày, hãy cố gắng hít thở bằng mũi có ý thức. Đặt lịch nhắc nhở thường xuyên để kiểm tra kiểu thở và điều chỉnh nếu thấy bản thân đang hít thở bằng miệng.
  • Các bài tập thể chất cho hàm và lưỡi: Thực hiện các bài tập giúp gia cường sức mạnh cho hàm và lưỡi vì hai bộ phận này có vai trò duy trì đường thở thông thoáng và hỗ trợ hít thở bằng mũi. Những động tác đơn giản như ấn lưỡi vào vòm miệng và giữ trong vài giây cũng có thể có hiệu quả.
7 lợi ích bất ngờ khi hít thở bằng mũi
Hít thở bằng mũi luân phiên có thể giúp cơ thể thích nghi với việc hít thở bằng mũi. (Ảnh: Denis Polikarpov/Shutterstock)

Nhìn từ nhiều góc độ: Khi nào cần hít thở bằng miệng

Việc hít thở bằng miệng đôi khi không thể tránh khỏi, như trong lúc hoạt động thể chất cường độ cao hoặc khi bị một số tình trạng bệnh lý nhất định. Điều quan trọng là biết được khi nào cần hít thở bằng miệng và cách giảm thiểu những tác động tiêu cực của kiểu hít thở này.

Ông Sandeman nói, “Thông thường quý vị nên hít thở bằng mũi, mặc dù có những lúc việc hít thở bằng miệng sẽ cứu sống quý vị.”

Ông giải thích, nếu quý vị bất thình lình bước vào làn đường của một chiếc xe hơi đang lao tới, thì việc hít một hơi thật sâu bằng miệng sẽ kích hoạt lưu lượng máu nhanh đến các cơ chân, giúp quý vị nhanh chóng lùi về vị trí an toàn.

Mặc dù việc chuyển từ hít thở bằng miệng sang hít thở bằng mũi có thể là thách thức đối với người có thói quen hít thở bằng mũi trong thời gian dài, nhưng những lợi ích tiềm năng khuyến khích mọi người quay trở lại với cách hít thở tự nhiên, giúp nâng cao sức khỏe này.

Công Thành biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Sheramy Tsai
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Cô Sheramy Tsai, Cử nhân Điều dưỡng, điều dưỡng viên có đăng ký hành nghề, là một y tá dày dạn kinh nghiệm với sự nghiệp viết lách kéo dài hàng thập niên. Là cựu sinh viên của Đại học Middlebury và Johns Hopkins, cô Sheramy kết hợp chuyên môn viết và điều dưỡng của mình để mang đến nội dung có sức ảnh hưởng. Sống ở Vermont, cô cân bằng giữa nghề nghiệp với cuộc sống và đang nuôi dạy ba đứa con nhỏ.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn