6 cách tối ưu việc nhập viện bất ngờ và phục hồi chức năng

Lời khuyên từ nhiều chuyên gia chăm sóc sức khỏe để mọi việc diễn ra suôn sẻ hơn

Phần lớn các trường hợp vào cơ sở phục hồi chức năng là do do các biến cố không ngờ được; cho dù là do chẩn đoán y tế hay do tai nạn, đó không bao giờ là điều bạn đã dự định sẵn.

Mỗi bệnh nhân mới được chỉ định đến các nhà trị liệu nghề nghiệp, thể chất và ngôn ngữ cụ thể để đánh giá kỹ lưỡng và lập kế hoạch phù hợp với từng người. Với tư cách là chuyên gia y tế, mục tiêu của chúng tôi là giúp bạn trở về khả năng trước đây càng nhanh càng tốt. Để làm được điều đó đòi hỏi phải thu thập nhiều thông tin, bao gồm tiền sử bệnh, khả năng trước đây, hoàn cảnh sống và kế hoạch xuất viện của bạn. Mặc dù đây có thể là những công việc đơn giản nhưng có thể khiến bạn choáng ngợp khi ở trong tình huống bất ngờ.

Tôi đã hỏi rất nhiều nhà trị liệu, điều phối viên dịch vụ xã hội và y tá để xin lời khuyên tốt nhất về cách chuẩn bị cho một lần nhập viện bất ngờ để hồi phục chức năng. Tất cả chúng tôi đều đồng ý về 6 điều có thể giúp việc hồi phục diễn ra suôn sẻ hơn.

6 cách chuẩn bị cho việc nhập viện bất ngờ

Dưới đây là những khuyến nghị hàng đầu của chúng tôi.

1. Giữ danh sách thuốc đang dùng

Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng nhiều người dùng nhiều loại thuốc mà không biết chính xác đó là loại thuốc gì hoặc có tác dụng gì. Việc nhập viện bất ngờ có thể khiến việc ghi nhớ trở nên khó khăn hơn.

Các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè thường có ý tốt khi đưa ra một túi thuốc lớn cùng một lúc, khiến các y tá phải lục lọi chồng thuốc để xác định loại thuốc nào đã hết hạn và loại thuốc nào hiện đang được kê đơn. Hồ sơ điện tử thường không đầy đủ.

Hãy giữ một danh sách cập nhật các loại thuốc [đang dùng] hiện tại là một cách rất hữu hiệu để giúp các chuyên gia chăm sóc sức khỏe nhanh chóng nắm bắt được hồ sơ thuốc của bạn. [Ngoài ra], việc liệt kê các vấn đề y tế và dị ứng cũng rất hữu ích.

2. Hãy có một kế hoạch

Chúng tôi thường thấy những bệnh nhân căng thẳng tột độ về vật nuôi, hóa đơn hoặc bất kỳ thứ gì khác mà họ thường chăm sóc ở nhà khi phải nhập viện sau một biến cố lớn, người khác sẽ cần đảm nhận những công việc này.

Thay vì cố gắng giải quyết mọi việc sau một sự kiện căng thẳng, tốt hơn hết bạn nên có kế hoạch để bảo đảm những việc này sẽ được giải quyết. Biết rõ người mà bạn có thể tin cậy có thể giúp bạn yên tâm hơn.

3. Chụp thật nhiều ảnh

Việc giúp bệnh nhân chuẩn bị trở về nhà sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu nhân viên y tế hiểu rõ về hoàn cảnh sống của họ.

Bà Carmen Yon, nhà trị liệu cơ năng với hơn 35 năm kinh nghiệm, nói với The Epoch Times rằng, “Khi giai đoạn trị liệu nội trú bắt đầu, chúng tôi rất quan tâm đến tình hình xuất viện sẽ như thế nào. Thật không may, bệnh nhân thường là những nhà sử học kém hoặc là không thể mô tả chính xác ngôi nhà của mình bằng những thuật ngữ mang lại cho chúng tôi một bức tranh rõ ràng [về ngôi nhà của họ].”

Cách giải quyết [cho vấn đề này] là giữ ảnh ngôi nhà của bạn trong một thư mục an toàn đề phòng trường hợp xảy ra sự kiện bất ngờ. Bộ sưu tập ảnh này nên bao gồm các hình ảnh chi tiết sau đây:

  • Bậc thang, cầu thang và lan can. Hiểu biết về điểm đi vào ngôi nhà là điều rất quan trọng cho việc lập kế hoạch xuất viện.
  • Tất cả các cửa dẫn vào nhà. Việc có được hình ảnh rõ ràng về cửa, tay cầm và thậm chí có bao nhiêu ty hơi trên cửa chống bão có thể giúp chúng tôi đánh giá tốt hơn cách trợ giúp bạn.
  • “Dòng chảy” của ngôi nhà. Xem cách các phòng liên kết với nhau và bất kỳ thay đổi nào về tầng đều có thể hữu ích. Việc đo chiều cao nhà vệ sinh, chiều cao bồn tắm, chiều rộng cửa ra vào, chiều cao bậc cầu thang và chiều cao quầy cũng được khuyến nghị.
  • Các điểm nối giữa thảm và sàn. Đây có thể là mối nguy hiểm lớn trong chuyến đi đối với bệnh nhân khi trở về nhà.
  • Phòng tắm. Chúng tôi muốn xem nhà vệ sinh được đặt ở đâu, vị trí của bất kỳ thanh vịn nào, sàn nhà và thảm, bồn tắm hoặc vòi sen cũng như [vị trí của] ghế đẩu hoặc ghế dài.
  • Phòng bếp. Vì nhà bếp là một trong những khu vực được sử dụng nhiều nhất trong nhà nên hãy chụp thật nhiều ảnh từ mọi góc độ.

4. Chuẩn bị sẵn một chiếc túi “sẵn sàng mang đi”

Bà Yon nói, “Bệnh nhân thường đến nơi trong khi hoàn toàn không có chuẩn bị gì do tính chất khẩn cấp của việc nhập viện. Có thể nói, họ đến với bộ quần áo trên người nhưng ngay cả những bộ đó cũng thường bị cắt bỏ trong phòng cấp cứu.”

Bà nói, “Sau đó, bệnh nhân thường không chuẩn bị quần áo sẵn khi nhập viện. Họ bước vào chu trình phục hồi chức năng mà không có bất cứ thứ gì ở nhà. Chúng tôi tìm cách giúp bệnh nhân mặc lại trang phục dạo phố càng sớm càng tốt để khôi phục lại trạng thái bình thường và giúp họ không còn phải mặc áo choàng bệnh viện.”

Đôi khi chúng ta có thể gặp tình huống hài hước khi một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè mang quần áo đến. Họ thường loay hoay tìm kiếm mọi thứ, dùng phương pháp “may rủi” với những thông tin sơ sài từ bệnh nhân. Thông thường, quần áo họ mang đến đã không vừa trong nhiều năm – đôi khi là hàng chục năm. Chúng tôi từng thấy một người giúp việc tốt bụng nhưng khá bối rối khi mang váy cưới vào.

Một chiếc túi sẵn sàng tuyệt vời có thể bao gồm:

  • Quần áo bao gồm đồ lót, áo sơ mi và quần dài. Tùy thuộc vào kích cỡ của mỗi người, những thứ này có thể được đặt trong túi Ziploc lớn như một “tủ quần áo con nhộng” mỗi ngày.
  • Giày vừa vặn. Các nhà trị liệu có thể làm việc với những bệnh nhân mang vớ, nhưng chúng tôi thích họ đi giày hơn.
  • Một sợi cáp dài để sạc điện thoại di động.
  • Đồ dùng vệ sinh ưa thích. Mặc dù đồ vệ sinh cá nhân do bệnh viện cấp khá tốt nhưng việc sở hữu đồ dùng riêng có thể giúp duy trì trạng thái bình thường.
  • Tai nghe hoặc tai nghe nhét tai. Bệnh viện có thể khá ồn và việc nghe nhạc, xem các kênh giải trí và tin tức có thể hữu ích.
  • Một tập giấy và một tờ giấy. Viết lách có thể giúp ích rất nhiều, đặc biệt khi nó liên quan đến tình trạng bệnh lý của bạn.
  • Một bản sao in giấy của những số điện thoại quan trọng. Chắc chắn là nhiều người giữ số của họ trên điện thoại, nhưng việc có một bản sao in giấy cho phép truy cập nhanh và có thể dùng làm bản sao lưu nếu điện thoại bị mất hoặc bị hỏng.
  • Sách và kinh sách. Có rất nhiều thời gian rảnh rỗi ngoài thời gian trị liệu. Để giảm bớt sự nhàm chán và duy trì tinh thần, hãy chuẩn bị các tài liệu đọc trong tầm tay.

Nhóm của chúng tôi cũng đồng ý về hai yếu tố quan trọng: Có những kỳ vọng thực tế và thái độ hợp lý trong suốt quá trình phục hồi chức năng có thể tác động sâu sắc đến trải nghiệm và kết quả của bạn.

5. Duy trì những kỳ vọng thực tế

Một số bệnh nhân có những kỳ vọng vô cùng trái với thực tế về việc nhập viện, phương pháp trị liệu, các khía cạnh hàng ngày trong thời gian ở bệnh viện và khả năng họ trở về nhà.

Nhiều bệnh nhân mới vừa nhập viện vào cơ sở phục hồi chức năng đã ngay lập tức hướng đến việc về nhà, họ thường không nhận ra những hạn chế của mình và cần phải điều trị để biến mục tiêu xuất viện thành hiện thực. Việc giúp những bệnh nhân này hiểu được lợi ích của việc tham gia trị liệu có thể là một thách thức.

Hầu hết các nhà trị liệu giàu kinh nghiệm đều có rất nhiều câu chuyện về những bệnh nhân hết lòng làm theo những gì họ muốn trong khi phớt lờ thực tế hoàn cảnh của họ. Suy nghĩ phổ biến thường giống nhau: “Mọi việc sẽ ổn thỏa khi tôi về nhà”. Hãy tin tôi đi, nếu không được chăm sóc đầy đủ, họ sẽ không thể hồi phục được.

Cách tốt nhất để đặt kỳ vọng cho thời gian phục hồi của bạn là đặt mục tiêu trở nên tốt hơn càng sớm càng tốt bằng cách thực hiện những gì bạn cần làm. Hãy lắng nghe [lời khuyên] của các bác sĩ, y tá và chuyên gia phục hồi chức năng một cách kỹ lưỡng và ghi chép lại. Cẩn thận làm theo tất cả các khuyến nghị và đặt câu hỏi về bất cứ điều gì bạn không hiểu. Cuối cùng, hãy cố gắng làm theo lời khuyên để biến việc trở về nhà thành hiện thực. Tôi nói với các bệnh nhân của mình rằng việc tích cực thực hiện ngay từ đầu có thể giúp các nhà trị liệu không phải khó xử như trước.

6. Hãy cư xử chừng mực và tử tế

Mặc dù việc phục hồi chức năng có thể là một thử thách và khiến bạn cảm thấy khó chịu nhưng đó không bao giờ là cái cớ cho hành vi tiêu cực. Một số bệnh nhân dường như đang tìm cách gây chiến – tranh cãi với tất cả y tá và chống lại các nhà trị liệu – thậm chí từ chối trị liệu.

Một số bệnh nhân không ngừng phàn nàn về chất lượng của bệnh viện hoặc thức ăn. Họ có thể phàn nàn một cách không cần thiết và nói về vấn đề riêng tư của nhân viên này với các nhân viên khác hơn là nói về trình độ chuyên môn – điều mà chúng tôi gọi là “sự chia rẽ nhân viên”, với động lực gợi nhớ đến trường trung học.

Không còn nghi ngờ gì nữa, bạn sẽ được cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp mà bạn được hưởng, nhưng điều quan trọng cần nhớ là mục tiêu chính của bạn là trở về nhà với chức năng được phục hồi càng giống với trước đây càng tốt.

Những việc bên lề – thức ăn không ngon, thời gian chờ được trợ lý y khoa trả lời điện thoại v.v.. – đều xếp sau mục tiêu [hồi phục]. Đương nhiên, chúng ta [có thể] giải quyết những khúc mắc khi cần thiết, nhưng đừng để những việc này chiếm vị trí trung tâm. Khống chế những xung động cảm xúc, cư xử hợp lý, tử tế và tập trung [vào mục tiêu] có thể giúp ích rất nhiều cho quá trình hồi phục của bạn.

Vân Hi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Kevin Shelley
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Kevin Shelley là một nhà trị liệu có chứng nhận hành nghề với hơn 30 năm kinh nghiệm trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn. Ông tham gia vào chuyên mục sức khỏe cho thời báo The Epoch Times.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn