Sự vỡ nợ của Evergrande không phải là ‘khoảnh khắc Lehman’ cho nền kinh tế Trung Quốc
Sau nhiều tháng đồn đoán, hai nhà phát triển địa ốc nhà ở lớn (Evergrande và Kaisa) của Trung Quốc đã không trả được nợ cho các khoản thanh toán trái phiếu của họ.
Vào tháng 12, Evergrande và Kaisa đã không trả được lãi do tổng số trái phiếu bằng USD trị giá 1.6 tỷ USD. Evergrande là con nợ cao nhất, khi nhà phát triển có trụ sở tại Thâm Quyến này đã cố gắng huy động tiền mặt trong nhiều tháng để trả khoản nợ 300 tỷ USD.
Các chuyên gia đã dự đoán trong nhiều tháng rằng Evergrande sẽ vỡ nợ, điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu nguồn tài chính cho lĩnh vực địa ốc, vì hầu hết các nhà phát triển địa ốc Trung Quốc đang mắc nợ rất nhiều, lên đến đỉnh điểm là “khoảnh khắc Lehman” đối với toàn bộ ngành tài chính Trung Quốc.
Ngay cả Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ cũng cảnh báo những rủi ro đối với nền kinh tế Hoa Kỳ vì ảnh hưởng từ sự sụp đổ tài chính ở Trung Quốc. Kết quả ổn định tài chính gần đây nhất của Fed cho biết: “Căng thẳng tài chính ở Trung Quốc có thể làm căng thẳng thị trường tài chính toàn cầu thông qua tâm lý rủi ro xấu đi, gây những rủi ro cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, và ảnh hưởng đến Hoa Kỳ.”
Nhưng một tuần sau khi hai trong số các nhà phát triển lớn nhất của Trung Quốc vỡ nợ, có rất ít sự lây lan trên thị trường.
Thị trường lợi suất cao của Trung Quốc đã có một đợt phục hồi nhỏ sau cảnh báo vỡ nợ của Evergrande và Kaisa, cho đến tuần hôm 13/12, khi trái phiếu của nhà phát triển nhỏ hơn Shimao Group Holdings bị bán tháo do tin đồn về khó khăn tài chính. Shimao đã được coi là một trong những nhà phát triển Trung Quốc “mạnh nhất” cho đến thời điểm đó.
Tín hiệu này không có nghĩa là một thách thức lớn hơn sẽ không ảnh hưởng đến hệ thống tài chính của Trung Quốc, nhưng Evergrande và “những tin đồn” về khó khăn tài chính không phải là vấn đề quá lớn mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải giải quyết ngày nay. Và đây là lý do tại sao Evergrande sẽ không gây ra “khoảnh khắc Lehman” cho Trung Quốc.
Hãy quay trở lại năm 2007–2008, khi “Cuộc khủng hoảng tài chính lớn” tấn công lĩnh vực tài chính Hoa Kỳ. Sau sự sụp đổ của Bear Stearns, Lehman được cho là có khả năng là “quân cờ domino” tiếp theo sụp đổ khi cổ phiếu của ngân hàng đầu tư có vốn vay rất cao này ở New York sụt giảm vào cuối mùa hè năm 2008.
Lehman phụ thuộc vào nguồn tài trợ thương phiếu ngắn hạn, đây là một loại chứng chỉ ngắn hạn mà tính khả dụng và tính thanh khoản của nó dựa trên sự tin tưởng và danh tiếng. Bởi sự sụp đổ sắp xảy ra của công ty được đồn đại, đã không có nhà đầu tư nào sẵn sàng gia hạn tín dụng cho Lehman.
Trong trường hợp này, Lehman đã bị tê liệt vì tổn hại danh tiếng. Lehman không thể có được tài chính và không có sự hỗ trợ của liên bang.
Vào cuối tuần hôm 13/09/2008, Cục Dự trữ Liên bang New York đã chủ trì một cuộc họp, nơi các nhà điều hành và giám đốc của nhiều ngân hàng đầu tư lớn ở New York và quốc tế có mặt để đưa ra một kế hoạch giải cứu Lehman. Cuối cùng, hai ứng cử viên giải cứu, Bank of America và Barclays, đã từ chối mua toàn bộ Lehman (với việc Bank of America quyết định sáp nhập với Merrill Lynch, một ngân hàng khác được đồn đoán là có khó khăn về tài chính), khiến Lehman không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nộp đơn phá sản trước Thứ Hai, ngày 15/09.
Fed không thể buộc bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào của Lehman giải cứu Lehman, và cuối cùng, Fed không cho rằng công ty này “quá lớn để thất bại” và [cần] tự mình xoay xở.
Các chuyên gia phương Tây — đánh giá Trung Quốc bằng cách sử dụng thị trường tự do, lăng kính của phương Tây—thường quên rằng Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế kế hoạch xã hội chủ nghĩa. ĐCSTQ kiểm soát Trung Quốc ngày nay. Mọi tổ chức, công ty hoặc cá nhân sẽ nỗ lực theo lệnh của Đảng này.
Một loại thảm họa tương tự có thể có một cái kết hoàn toàn khác ở Trung Quốc. ĐCSTQ có thể buộc bất kỳ và tất cả các ngân hàng, nhà quản lý tài sản và công ty địa ốc của Trung Quốc giải cứu Evergrande nếu công ty chọn đi theo hướng đó.
Evergrande từ chối trả lãi trái phiếu quốc tế theo kế hoạch. Việc các nhà quản lý Bắc Kinh bày tỏ với giới truyền thông rằng nhà phát triển này nên giải quyết các vấn đề nợ của mình với thị trường có nghĩa là các nhà chức trách lựa chọn không can thiệp.
Evergrande có thể nhận được tài chính nếu ĐCSTQ muốn công ty này có được tài chính. Bắc Kinh có thể buộc bất kỳ ngân hàng thương mại lớn nào của họ mở rộng tín dụng. Họ có các công ty quản lý tài sản lớn do chính phủ tài trợ được thành lập vào cuối những năm 1990 đặc biệt chuyên trách xử lý nợ xấu và có thể đã hướng dẫn họ mua ngang giá nợ Evergrande. Đối với những công ty này, việc như vậy là chuyện đã quen.
Vì vậy, mượn mô tả của Fitch, “vỡ nợ có giới hạn” của Evergrande là một quyết định chính sách của ĐCSTQ.
Đó là một vụ vỡ nợ được thiết kế như một phần trong chính sách quản lý chặt chẽ hiện tại của Bắc Kinh đối với thị trường địa ốc của quốc gia này: không để giá địa ốc tăng quá nhiều nhưng cũng không cho phép sụp đổ.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Bà Fan Yu là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế và đã đóng góp các phân tích về nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2015.
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: