Sự vỡ nợ của Evergrande có thể làm ảnh hưởng toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc
Nợ công của Trung Quốc đã ở mức 270% GDP, và các khoản nợ xấu đã lên tới 466.9 tỷ USD. Ngoài những thách thức kinh tế đang tồn tại, tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande đã báo hiệu rằng họ có thể mất khả năng thanh toán đối với các khoản nợ cho các chủ nợ.
Nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai của Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thanh khoản, vì giao dịch trái phiếu trong nước của tập đoàn này đã bị đình chỉ. Nếu không được tiếp cận nguồn vốn, Evergrande sẽ không thể trả tiền cho các nhà cung cấp, hoàn thành dự án, hoặc tăng thu nhập, khiến khả năng vỡ nợ cao hơn – một tình huống cuối cùng có thể gây ra những gợn sóng trong toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc.
Evergrande đạt doanh thu 110 tỷ USD vào năm ngoái và có tài sản 355 tỷ USD. Vào tháng Sáu, Tập đoàn này không thanh toán được một số thương phiếu và chính phủ đã đóng băng một tài khoản ngân hàng trị giá 20 triệu USD [của Evergrande]. Tập đoàn này hiện nợ tổng số nợ là 305 tỷ USD, trở thành nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất trên thế giới. Evegrande cũng là nhà phát hành trái phiếu USD lớn nhất ở Á Châu. Evergrande nợ 128 ngân hàng và hơn 121 tổ chức phi ngân hàng. Do đó, giá cổ phiếu của công ty đã giảm 90% trong 14 tháng qua, trong khi trái phiếu của công ty được giao dịch ở mức thấp hơn 60-70% dưới mệnh giá.
Evergrande chiếm 4% tổng số nợ bất động sản có lợi suất cao của Trung Quốc. Khoản nợ của công ty lớn đến mức có thể gây ra rủi ro hệ thống cho hệ thống ngân hàng của Trung Quốc. Các khoản thanh toán trễ hạn hoặc không trả được nợ của Evergrande có thể gây ra phản ứng dây chuyền về việc vỡ nợ giữa các tổ chức. Việc bán tháo [sản phẩm] của Evergrande có thể làm giảm giá, gây ảnh hưởng đến các nhà phát triển sử dụng đòn bẩy quá mức. Các nhà chức trách lo ngại rằng việc này có nguy cơ gây mất ổn định toàn bộ lĩnh vực bất động sản, vốn chiếm khoảng 30% nền kinh tế Trung Quốc.
Ngoài ra, Evergrande có tác động đến thị trường lao động. Công ty sử dụng 200.000 người thường xuyên và 3,8 triệu người mỗi năm, trên cơ sở dự án. Sau 18 tháng phong tỏa hoạt động lẻ tẻ do COVID-19, Trung Quốc cần nhiều việc làm, hơn chứ không phải ít hơn.
Evergrande dự kiến sẽ không thể đáp ứng các khoản thanh toán lãi và gốc đến hạn vào tuần tới.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc đã cảnh báo các giám đốc điều hành của Evergrande để giảm rủi ro nợ. Bắc Kinh đã chỉ thị cho các nhà chức trách ở tỉnh Quảng Đông phối hợp với những người mua tiềm năng tài sản của Evergrande. Trong khi đó, các nhà quản lý đã ký vào đề nghị để Evergrande thương lượng lại các thời hạn thanh toán, điều sẽ cho phép tạm hoãn việc thu hồi.
Evergrande không phải là vấn đề duy nhất trên thị trường nợ của Trung Quốc. Đến giữa năm, các khoản vỡ nợ trên ở quốc nội và quốc ngoại của Trung Quốc đã lên tới hơn 25 tỷ USD, gần bằng số tiền của toàn bộ năm ngoái. Các công ty bất động sản chiếm khoảng 30% trong số các vụ vỡ nợ này. Một số thủ phạm lớn hơn là công ty China Fortune Land Development and Sichuan Languang. Hơn nữa, các ngành vận tải, du lịch, và bán lẻ đã bị ảnh hưởng đặc biệt bởi các phong tỏa do đại dịch, làm gia tăng các vụ vỡ nợ trong các lĩnh vực này. Một số công ty liên kết với nhà nước cũng bị vỡ nợ, chẳng hạn như Yongcheng Coal & Power Holding Group và Tsinghua Unigroup. Ngoài ra, China Huarong Asset Management, một công ty nhà nước sở hữu đa số, đã không công bố kết quả năm 2020 đúng tiến độ. Giữa công ty mẹ và các công ty con, Huarong còn nợ 39 tỷ USD, cuối cùng lỗ 15.9 tỷ USD trong năm 2020.
Trong vài năm qua, tỷ lệ nợ của doanh nghiệp trên GDP của Trung Quốc liên tục tăng. Năm 2017, tỷ lệ này đạt kỷ lục 160%, tăng từ 101% vào 10 năm trước đó. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã ưu tiên kiềm chế nợ, đặc biệt là trong lĩnh vực các tổ chức tín dụng trung gian (phi ngân hàng) trị giá 10 ngàn tỷ USD của Trung Quốc. Các công ty cung cấp tài chính cho chính quyền địa phương (LGFV) đã mất khả năng thanh toán đối với nhiều khoản vay ủy thác thông qua hệ thống tín dụng phi ngân hàng, nhưng không phải là đối với trái phiếu công. Cho đến nay, trong năm nay, LGFV đã vỡ nợ 915 triệu nhân dân tệ. Cái gọi là nợ tiềm ẩn này của các chính quyền địa phương đã trở nên phổ biến đến mức Bắc Kinh đã đặt nó là một vấn đề an ninh quốc gia.
Niềm tin của nhà đầu tư đã bị lung lay, vì cả các công ty tư nhân và công ty liên kết với nhà nước, từng được coi là khoản đầu tư an toàn, đều đã vỡ nợ. Điều nguy hiểm là các nhà đầu tư, lo sợ sự lây lan, có thể hoảng sợ và bắt đầu bán ra cả nợ tốt và nợ xấu, khiến thị trường đi xuống.
Sự sụp đổ hoàn toàn của Evergrande có thể gây ra tình trạng hỗn loạn kinh tế trên diện rộng và thậm chí là bất ổn dân sự. Tương lai của Evergrande và nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào việc liệu các nhà chức trách trung ương có cho phép Evergrande vỡ nợ hay không, khiến các chủ nợ của Evergrande bị kẹt trong tình trạng khó khăn không được giúp đỡ, hay liệu Trung Cộng có can thiệp để duy trì sự ổn định hay không.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông ấy tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA Trung Quốc của Đại học Giao thông Thượng Hải. Ông Antonio làm giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, viết cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Vượt ra ngoài vành đai và con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc” và “Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc.”
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: