Sự uy hiếp từ Trung Quốc vượt xa Nga, Hoa Kỳ kêu gọi đồng minh cùng chống ĐCSTQ

Trong tuần qua (từ ngày 31/8 đến ngày 6/9 theo giờ Hoa Kỳ), Ngoại trưởng và Tổng chưởng lý Hoa Kỳ đã nhấn mạnh rằng chế độ độc tài ĐCSTQ đặt ra nhiều mối đe dọa cho Hoa Kỳ hơn là Nga. Hoa Kỳ đã bắt đầu liên hợp với các đồng minh của mình để đối đầu với Trung Quốc về các khía cạnh ngoại giao, kinh tế và quân sự.
Trong khi đó, chuyến công du Châu Âu của Ngoại trưởng Trung Quốc không chỉ không làm phân hóa được các mối quan hệ trong nội bộ Liên minh Châu Âu (EU), mà còn khiến EU đoàn kết hơn để chống ĐCSTQ, đồng thời mối quan hệ giữa EU và Hoa Kỳ ngày càng gắn bó hơn.
Mối đe dọa của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ vượt qua cả Nga
Vào ngày 2/9/2020, trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, Tổng chưởng lý Hoa Kỳ William Barr cho biết, Trung Quốc là quốc gia độc đoán và hiếu chiến nhất trên thế giới, “Trung Quốc hiện nay còn hơn cả Nga”.
Cùng ngày, trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng chỉ ra rằng ĐCSTQ là mối đe dọa nước ngoài lớn nhất đối với Hoa Kỳ, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của nó vượt xa cả Nga.
Ông Pompeo không những chỉ ra mối đe dọa kinh tế từ Trung Quốc, sự xâm nhập của Trung Quốc vào Hoa Kỳ và thảm họa mà virus Vũ Hán đã mang lại cho thế giới, mà còn nhấn mạnh đến mối đe dọa quân sự của Trung Quốc.
Ông chỉ rõ, Trung Quốc đã tăng đáng kể ngân sách quốc phòng và tiến hành một số lượng lớn các vụ thử tên lửa, điều này đã làm tăng nguy cơ đối với toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc đang xây dựng lực lượng hải quân của riêng mình, không chỉ để đóng vai trò trong vùng biển ven bờ của Trung Quốc, mà còn muốn xây dựng một lực lượng có thể bao phủ thế giới.
Vào ngày 1/9/2020, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ công bố “Báo cáo sức mạnh quân sự năm 2020 của Trung Quốc”, chỉ rõ Trung Quốc hiện có hơn 200 đầu đạn hạt nhân. Dự kiến trong mười năm tới, Trung Quốc ít nhất sẽ tăng gấp đôi số lượng đầu đạn hạt nhân, đồng thời gần như đạt được khả năng tấn công hạt nhân trên cả ba phương diện: trên biển, trên không và trên bộ.
Ngày 3/9/2020, tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản đã đăng trích dẫn một báo cáo thường niên không công khai về sức mạnh quân sự của Trung Quốc do Bộ Quốc phòng Đài Loan gửi cho Viện Lập pháp (Đài Loan) hôm 1/9/2020. Báo cáo chỉ rõ, vào đầu năm nay, đội tàu viễn chinh thuộc Hạm đội Biển Đông của Trung Quốc, “đã lần đầu tiên đã tiếp cận được chuỗi đảo thứ ba, thể hiện rõ khả năng đột phá vòng phong tỏa chuỗi đảo (thứ nhất và thứ hai) và khả năng thực hiện chiến tranh viễn dương”.
Theo báo cáo, Hải quân Trung Quốc đã không chỉ đe dọa đảo Guam thuộc chuỗi đảo thứ hai của Hoa Kỳ, mà còn đe dọa Hawaii ở xa hơn.
Hoa Kỳ liên kết với các đồng minh trên toàn cầu để chống lại Trung Quốc
Ngày 4/9/2020, trong một cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc, cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Robert O’Brien đã nhấn mạnh rằng chính sách mềm mỏng với Trung Quốc là chính sách ngoại giao thất bại nhất của Hoa Kỳ trong 40 năm qua. Các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ngày càng trở nên nghiêm trọng, nó không chỉ nhắm vào người Trung Quốc, mà còn nhắm vào các nước láng giềng và người dân Hồng Kông, hơn nữa còn bắt nạt cả Đài Loan.
Ông O’Brien một lần nữa nhấn mạnh rằng hành vi trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc ngày càng lan rộng, cứ sau mỗi 10 tiếng, FBI lại khởi động một vụ án gián điệp mới liên quan đến Trung Quốc.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ đang có những hành động mạnh mẽ chống lại Trung Quốc và áp đặt các biện pháp trừng phạt quy mô lớn đối với Trung Quốc. Ông O’Brien nói, “Tôi tin rằng cuối cùng chúng ta sẽ thắng.”
Ngày 31/8/2020, khi tham gia diễn đàn hợp tác chiến lược Hoa Kỳ – Ấn Độ, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cho biết, cuộc “đối thoại an ninh bộ tứ” (Quad) giữa Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản có khả năng sẽ được mở rộng sang các nước khác, trong đó những vấn đề như chế ngự hoặc phòng vệ Trung Quốc là một phần của buổi thảo luận.
Ông Biegun nói rằng bốn “nền dân chủ ổn định” này có cùng lợi ích và chung giá trị quan, và tất cả đều là “Cường quốc ở Thái Bình Dương”. Mặc dù hiện nay chưa có tổ chức đa phương mạnh mẽ nào, nhưng “vào một thời điểm nào đó chắc chắn sẽ có một bên mời các bên khác chính thức thành lập một tổ chức như vậy”.
Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã đến thăm các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Bộ trưởng Bộ Y tế Hoa Kỳ thăm Đài Loan. Ngoài ra, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo gần đây đã đến thăm Cộng hòa Séc, Slovenia, Áo, Ba Lan ở Châu Âu, và Israel, Sudan, Bahrain, các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất ở Trung Đông để liên kết với các đồng minh chống lại Trung Quốc.
Trung Quốc đối nội thì vi phạm nhân quyền, đối ngoại thì bắt nạt uy hiếp xâm lấn
Vào ngày 4/9/2020, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo tuyên bố với giới truyền thông rằng, về đối nội Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng các quyền con người cơ bản của các dân tộc thiểu số Trung Quốc, còn về đối ngoại thì mưu đồ xưng bá thế giới, bắt nạt nước khác.
Ông Pompeo không chỉ liệt kê các cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Mông Cổ và người Tây Tạng, mà còn chỉ ra rằng Trung Quốc thực thi chính sách đối ngoại cũng giống như vậy. Ví dụ, việc gửi thêm binh lính và trang thiết bị đến vùng biên giới đã gây ra nhiều vấn đề lớn cho các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc đã không ngừng [tiếp diễn] các hoạt động đánh bắt cá trái phép ở vùng biển quốc tế thuộc quần đảo Galápagos.
Ông cũng chỉ trích giấc mộng “vạn quốc đến chầu của Trung Quốc”, và chỉ trích Trung Quốc mưu đồ “Thiết lập các nước phụ thuộc, các nước cống nạp cho Bắc Kinh”.
Tuy nhiên, ông Pompeo chỉ ra rằng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang “buộc Trung Quốc phải rút lui, cả về mặt ngoại giao và kinh tế. Chúng ta không cần tiếp tục cúi đầu hay chờ bị nó tấn công”.
Mỹ chế tài trừng phạt các nhà ngoại giao Trung Quốc
Vào ngày 2/9/2020, tại một cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Pompeo đã lên án hệ thống quy trình phê duyệt không rõ ràng của Trung Quốc đối với các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, đồng thời đưa ra một thông báo quan trọng, yêu cầu các nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc tại Hoa Kỳ phải được chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận trước khi đến thăm các trường đại học Hoa Kỳ hoặc gặp gỡ chính quyền địa phương.
Ông chỉ rõ Trung Quốc đã gây trở ngại lớn cho công việc bình thường của các nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở Trung Quốc, nhằm ngăn cản các nhà ngoại giao Hoa Kỳ tiếp xúc với người dân Trung Quốc.
Theo đó, một nhà ngoại giao đóng tại Bắc Kinh vào những năm 1990 là ông Stephen Markley Young tiết lộ với Đài Á Châu Tự do rằng, khi đó ông phụ trách các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, ông thích đi khắp Trung Quốc và lắng nghe tiếng nói thực sự của người dân địa phương. Tuy nhiên, các chuyến đi của ông Young cần phải được sự đồng ý của nhiều tầng các quan chức Trung Quốc; sau khi được phê duyệt, các quan chức địa phương vẫn theo dõi và giám sát ông bất cứ lúc nào, và điều này luôn gây khó khăn cho [những] chuyến đi của ông Young.
Ông Young nói rằng trong hơn 30 năm sự nghiệp ngoại giao của mình, chỉ có Nga và Trung Quốc mới có những yêu cầu và cách đối xử như vậy đối với các nhà ngoại giao của các nước khác. Theo sự hiểu biết của ông, tình hình của các nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở Trung Quốc đã trở nên ngày càng tồi tệ hơn trong những năm gần đây.
Hoa Kỳ và Đài Loan tăng cường hợp tác quân sự và kinh tế, chuyển nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc
Ngày 2/9/2020, hiệp hội Hoa Kỳ – Đài Loan đã tổ chức lễ công bố huy chương tưởng niệm 126 quân nhân Hoa Kỳ đã hy sinh trong công cuộc bảo vệ Đài Loan từ năm 1949.
Vào ngày 31/8/2020, hiệp hội Hoa Kỳ tại Đài Loan đã công bố hai bức điện giải mật năm 1982, nhấn mạnh rằng “Sáu đảm bảo” (Six Assurances) luôn là yếu tố cơ bản trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan và đối với Trung Quốc, và mối quan tâm chính của Hoa Kỳ là duy trì cán cân quyền lực giữa hai bờ eo biển [Đài Loan]. Tính năng và số lượng vũ khí bán cho Đài Loan phụ thuộc hoàn toàn vào các mối đe dọa từ Trung Quốc.
Cùng ngày, trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, ông David Stilwell, đã thông báo tại hội nghị qua cầu truyền hình của viện chiến lược “The Heritage Foundation” (Washington), rằng Hoa Kỳ sẽ tổ chức buổi “Đối thoại Kinh tế Thương mại Hoa Kỳ – Đài Loan” với Đài Loan để thắt chặt hơn quan hệ hợp tác song phương.
Ông Quách Dục Nhân, Giám đốc điều hành viện nghiên cứu chính sách quốc gia Đài Loan, nói với The Epoch Times đây là lời cảnh báo của Hoa Kỳ đối với chính quyền Trung Quốc, rằng sự hợp tác và trao đổi quân sự giữa Đài Loan và Hoa Kỳ chưa bao giờ bị gián đoạn. Mối đe dọa quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan càng lớn, thì sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan càng rõ ràng, và sẽ không còn giữ thái độ “chiến lược mơ hồ” như trong quá khứ.
Vương Nghị đe dọa Cộng hòa Séc, gây phiền não cho EU
Sau chuyến thăm Châu Âu của ông Pompeo, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã đến thăm 5 nước Châu Âu là Ý, Hà Lan, Na Uy, Pháp và Đức từ ngày 25/8 đến ngày 1/9/2020, nhằm chia rẽ phân hóa Châu Âu và lôi kéo các nước Châu Âu thân Trung Quốc cùng đối phó Hoa Kỳ, đồng thời công khai kêu gọi EU cùng nhau “chống chia rẽ, và chống bắt nạt”.
Tuy nhiên, trong chuyến thăm của ông Vương Nghị tới Đức, ông Vương đã công khai đe dọa Chủ tịch Thượng viện Séc Miloš Vystrčil, người đang ở thăm Đài Loan, sẽ “phải trả giá đắt”. Ông cũng gọi chuyến đi của ông Vystrčil là “khiêu khích”, và “đối địch với 1.4 tỷ người Trung Quốc”.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã phản đối trực diện, cảnh cáo ông Vương Nghị rằng tôn trọng sự hợp tác quốc tế mới là thái độ nên có, và rằng “việc đe dọa và uy hiếp là không có chỗ đứng ở Châu Âu”. Ông cũng hy vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện chính sách “một quốc gia, hai chế độ” ở Hồng Kông và khôi phục cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Hồng Kông càng sớm càng tốt.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp, Agnes Von Der Muhll cho biết, “Những lời đe dọa [của Trung Quốc] chống lại bất kỳ quốc gia thành viên nào [của EU] đều không thể chấp nhận được và chúng tôi sẽ lên tiếng ủng hộ với Cộng hòa Séc.”
Ngoại trưởng Séc Tomáš Petříček lên án lời tuyên bố của ông Vương Nghị là “đi qua giới hạn” và tuyên bố sẽ triệu tập đại sứ của Trung Quốc tại Cộng hòa Séc. Sau đó, Ngoại trưởng Séc đã triệu kiến ông Trương Kiến Mẫn, đại sứ của Trung Quốc tại Cộng hòa Séc.
Tổng thống Slovakia Zuzana Čaputová đã viết trên Twitter rằng “Slovakia ủng hộ Cộng hòa Séc” và việc Trung Quốc đe dọa Cộng hòa Séc, một thành viên của EU, là điều “không thể chấp nhận được”.
Những người ngoài cuộc cho rằng chuyến công du Châu Âu của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị không những không đạt được mục tiêu làm phân hóa, tan rã Liên minh Châu Âu, mà còn khiến Liên minh Châu Âu vốn đang bị chia rẽ nay trở nên đoàn kết để cùng nhau ứng phó với mối đe dọa từ Trung Quốc.
Truyền thông Hoa Kỳ chỉ ra rằng ông Vương Nghị đã “hưng khởi hai liên minh bằng một lời nói”, và giúp đoàn kết các nước Châu Âu vốn luôn khó đoàn kết, đồng thời đưa Liên minh Châu Âu – Hoa Kỳ xuyên Đại Tây Dương xích lại gần nhau hơn.
Tác giả: Tô Vân