Sự ủng hộ của đảng đối lập Úc cho tham vọng Thái Bình Dương của Bắc Kinh bị phơi bày
Chỉ vài tháng trước khi Bắc Kinh ký một thỏa thuận an ninh gây tranh cãi với Quốc đảo Solomon, việc Phó lãnh đạo Đảng Lao Động Úc, ông Richard Marles, ủng hộ sự can thiệp của chính quyền Trung Quốc ở Thái Bình Dương đã được tiết lộ.
Những lời bình luận từ ông Marles, cựu thư ký quốc hội đặc trách các Vấn đề Quần đảo Thái Bình Dương, đã được tờ báo The Australian tiết lộ hôm 22/04 và được đưa ra khi Đảng Lao Động trung tả đối lập gia tăng cuộc tấn công nhắm vào Liên minh trung hữu cầm quyền trong việc giải quyết các mối quan hệ của Úc tại khu vực Thái Bình Dương.
Gần đây Bắc Kinh đã ký kết một hiệp ước an ninh với chính phủ Quốc đảo Solomon cho phép chính quyền Trung Quốc — với sự đồng ý của người Solomon — gửi cảnh sát, binh lính, vũ khí, và thậm chí các chiến hạm hải quân để “bảo vệ an toàn cho nhân sự và các dự án lớn của Trung Quốc ở Quốc đảo Solomon,” theo những trang bị rò rỉ của hiệp ước này.
Các chuyên gia đã cảnh báo hiệp ước nói trên có thể mở đường cho việc quân sự hóa nhanh chóng trong khu vực, và mở rộng tầm ảnh hưởng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc từ Biển Đông đến Nam Thái Bình Dương — một vị trí then chốt mang tính chiến lược chỉ cách thành phố Cairns ở phía bắc nước Úc 1,700 km (1,050 dặm).
Trong một cuốn sách nhỏ được phát hành hồi tháng 08/2021, ông Marles đã viết rằng bất kỳ hành động nào mà Úc thực hiện nhằm ngăn cản sự tiếp cận của Bắc Kinh đến Thái Bình Dương vì những lý do chiến lược sẽ là một “sai lầm lịch sử”.
Ông viết trong quyển “Thủy triều Ràng buộc: Úc ở Thái Bình Dương” (Tides that Bind: Australia in the Pacific): “Úc không có quyền mong đợi một tập hợp các mối quan hệ độc quyền với các quốc gia ở Thái Bình Dương.”
“Họ (các quốc đảo Thái Bình Dương) hoàn toàn tự do để tiến hành bất kỳ điều khoản nào mà họ lựa chọn với Trung Quốc hoặc, về vấn đề đó, với bất kỳ quốc gia nào khác,” ông viết.
Trong một bài diễn văn năm 2019 với Đại học Nghiên cứu Ngoại giao Bắc Kinh, ông Marles cho biết ông nhận thức rõ vai trò đang mở rộng của Trung Cộng (CCP) trong việc hỗ trợ cho các quốc gia Thái Bình Dương.
“Hãy để tôi làm rõ: điều đó đã và đang là một điều tốt. Thái Bình Dương cần sự giúp đỡ và Úc cần chào đón bất cứ quốc gia nào sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ. Tất nhiên là chính các đảo quốc Thái Bình Dương như vậy,” ông nói.
“Định nghĩa Trung Quốc như một kẻ thù là một sai lầm sâu sắc. Đàm luận về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới là ngớ ngẩn và thiếu hiểu biết,” ông cũng cho biết.
Vị phó lãnh đạo này đã đưa ra bài diễn văn khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung của chính phủ cựu Tổng thống Trump đang ở giai đoạn cao trào và theo sau quyết định của chính phủ Úc dưới thời cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull nhằm ngăn cản sự tham gia của Huawei vào dự án mạng 5G hồi năm 2018.
Úc cũng đang đương đầu với vài sự cố về sự can thiệp ngoại quốc do Trung Cộng hậu thuẫn, điều này góp phần vào sự từ chức của ông Sam Dastyari, Thượng nghị sĩ đương thời thuộc Đảng Lao Động của tiểu bang New South Wales.
Thủ tướng đương nhiệm Scott Morrison đã tận dụng những lời bình luận này.
“Người muốn trở thành phó thủ tướng trong một chính phủ của Đảng Lao Động, ông Richard Marles, thực sự đã ủng hộ cho chính phủ Trung Quốc làm chính xác những gì họ đang làm,” ông nói với Channel Nine hôm 22/04. “Tôi thấy rằng thật thái quá khi Đảng Lao Động chỉ trích chúng tôi trong khi phó thủ lĩnh của chính họ lại thật sự ủng hộ những gì chính quyền Trung Quốc đang tìm cách thực hiện trong khu vực của chúng ta.”
Bản thân ông Marles thì bảo vệ những bình luận của mình, nói rằng không có gì mâu thuẫn với các chính sách của Đảng Lao Động.
“Đó là một tuyên bố về thực tế, nhưng vấn đề ở đây là thế này: Úc cần giành quyền để trở thành đối tác lâu dài được mong đợi,” ông nói với chương trình Today của Channel Nine. “Chúng ta đang ở trong cuộc đấu tranh chiến lược với Trung Quốc. Chúng ta sẽ thắng ở Thái Bình Dương và chúng ta sẽ thắng bằng cách giành quyền để trở thành đối tác lâu dài được mong đợi.”
Đảng Lao Động đã đổ lỗi cho chính phủ Úc hiện thời về tình hình ở Quốc đảo Solomon, tuy nhiên, ông Peter Jennings thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc cho rằng đảng nào cầm quyền cũng sẽ không phải là vấn đề.
“Đây không phải là một vấn đề về quyết định của Úc,” ông nói với Sky News Australia. “Đây là quyết định của Thủ tướng (Manasseh) Sogavare của Quốc đảo Solomon, người mà tôi nghĩ là nhiều người sẽ tán thành, rằng dường như đã được người Trung Quốc sử dụng.”
“Có nhiều đồn đoán quanh Honiara rằng có nhiều hoạt động rửa tiền của Trung Quốc trong giới tinh anh nước này, và tôi không cho rằng điều đó không có quan hệ gì đến thỏa thuận hiện đang được ký kết.”
Tham nhũng đã gây khó khăn cho chính phủ nước này, bà Erin McKee, đại sứ Hoa Kỳ tại Papua New Guinea, Quốc đảo Solomon Islands, và Vanuatu, cảnh báo vào tháng 12/2021 về việc lạm dụng quỹ viện trợ sau các cuộc biểu tình bạo lực khiến khu phố Tàu ở Honiara bị san bằng.
“Tôi đề nghị quý vị quyết định cho bản thân mình loại phát triển và tương lai nào mà quý vị muốn dành cho bản thân và gia đình mình. Quý vị có muốn loại viện trợ mang lại lợi ích cho một người, một đảng phái, và một tài khoản ngân hàng không?” bà nói trong một tuyên bố.
Các cuộc biểu tình là đỉnh điểm của sự bất mãn triền miên với chính phủ ông Sogavare về các vấn đề như cung cấp dịch vụ kém, hối lộ, và phát triển kinh tế yếu kém.
“Các tài nguyên thiên nhiên đã bị lấy đi khỏi các hòn đảo của chúng ta, và sau đó người dân chúng ta nghèo hơn,” theo một tuyên bố từ ông Matthew Wale, lãnh đạo đảng đối lập của Quần đảo Solomon. “Không có sự phát triển bền vững rõ ràng nào đến từ nền kinh tế bóc lột này. Của cải của quốc gia đã thất thoát ra ngoại quốc thông qua việc chuyển nhượng vô độ, do các lãnh đạo của quốc gia hỗ trợ và tiếp tay.”
Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19, và quan hệ Úc-Trung. Quý vị có thể liên lạc với anh tại [email protected].
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: