Sự tự do khi được sống chân thật
Năm 2013, Leo Babauta viết một bài trên blog với tiêu đề “Tôi đã thất bại”. Ngay khi đọc xong bài viết này, tôi đã ước rằng chính mình đã viết nó. Bài viết hay, trung thực và cảm động, nhưng quan trọng hơn là nó giải phóng tinh thần cho cả người đọc và người viết.
Gần đây, những lời nói của Brian Gardner cũng làm tôi rất xúc động về những lời thỉnh cầu của anh ấy đối với sự chân thật. Tôi đọc những suy nghĩ vô tư của anh về cuộc sống, và một lần nữa sự tự do tuôn trào trong bài viết của anh.
Đó là sự tự do khi được sống chân thật.
Vào một buổi tối mấy tháng trước, khi đang ngồi trong phòng ăn, tôi đã trải qua một khoảnh khắc sa đọa đen tối. Tôi nhận được tin vui của một người bạn qua điện thoại. Anh ấy là một người tốt – người mà tôi luôn ngưỡng mộ và kính trọng.
Bạn tôi bắt đầu kể cho tôi nghe một số điều tuyệt vời mà anh có được trong sự nghiệp. Lẽ ra phải chia vui cùng anh ngay lúc đó, nhưng trong tôi lại tràn ngập cảm giác ghen tị. Tôi biết cảm xúc trỗi dậy đầu tiên này là sai. Và dù sau đó tôi có chúc mừng anh ấy bao nhiêu đi chăng nữa, cảm giác cay đắng của sự ghen tị quá mạnh mẽ nên không thể bị dập tắt.
Vài ngày sau, cảm giác đố kỵ với thành công của người khác vẫn chưa được gạt bỏ, tôi đã gọi điện trút bầu tâm sự với một người bạn. Tôi bày tỏ thất vọng đối với sự yếu kém của mình và thỉnh cầu sự giúp đỡ. Cô ấy nói, “Bạn vừa hoàn thành bước quan trọng nhất: bạn đã thừa nhận điều này một cách thành thật với một người bạn mà bạn tin cậy, thẳng thắn thừa nhận điểm yếu của bản thân. Bạn càng sớm gọi tên được nó, bạn càng sớm loại bỏ nó.”
Một lần nữa, tôi được trải nghiệm sự tự do tuyệt vời khi thừa nhận điểm yếu của mình. Nó xóa bỏ bức tường nhân tạo mà chúng ta đã tạo dựng xung quanh mình, chỉ cho ta con đường để bắt đầu giải quyết các lỗi lầm của chúng ta, mở ra cánh cửa cho người khác khi họ thấy có trách nhiệm giải trình. Nó bao hàm một cuộc sống trung thực — với người khác và với chính chúng ta. Nó mang lại cơ hội kết nối với những người khác khi họ nhìn thấy chính họ trong những điểm yếu của chúng ta. Nó cho phép người khác yêu chúng ta vì con người thật của chúng ta. Nó nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không đơn độc trong lỗi lầm của mình. Bởi con người vốn thường yếu đuối.
Tuy nhiên, dù có được bao nhiêu tự do đi chăng nữa thì khó khăn cũng vẫn luôn còn đó. Việc thừa nhận yếu điểm, sai lầm là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, việc chúng ta thẳng thắn thừa nhận sai lầm thực tế lại có rất nhiều lợi ích, có lẽ bước quan trọng nhất là thừa nhận nỗi sợ hãi và dần dần trở nên minh bạch.
Việc thừa nhận lại càng khó khăn hơn nữa khi tôi phải vật lộn với những sai lầm cũ hết lần này đến lần khác. Tôi biết chúng rất rõ và đôi khi cảm thấy bất lực để có thể vượt qua chúng.
Hãy cho phép tôi bắt đầu: Tôi đã sai lầm.
Dưới đây là 6 sai lầm lớn nhất cuộc đời của tôi:
Tâm đố kỵ. Tôi luôn phải vật lộn với tâm lý ganh tị và đố kỵ. Ví dụ điển hình là việc tôi hậm hực với người anh em sinh đôi có một bờ vai rộng rãi và chiều cao hơn tôi 5 inch. Đây không phải là việc ganh đua anh em đơn thuần mà là sự ghen tị và đố kỵ sâu sắc. Tôi thường khó chịu với những nhà văn tài năng và thành công. Với những người trẻ tuổi hơn và đã đạt được nhiều thành công hơn mình, tôi cảm thấy bực bội với họ. Tâm đố kỵ đôi khi cũng tạo được một chút động lực, nhưng đa số nó làm cho tôi chìm đắm trong sự ghen tị mù quáng và cảm giác nặng nề.
Truy cầu được ghi nhận. Tôi hay tìm kiếm sự khen ngợi và tán thành từ những người khác – ở một mức độ không lành mạnh và gây tổn hại. Dục vọng này khiến trái tim và tâm trí của tôi tập trung vào bản thân quá nhiều. Nó thường ngăn cản tôi được là chính mình. Đôi khi tôi chọn viết và nói những điều mà mọi người muốn nghe. Và thường xuyên, tôi khước từ những quan điểm mạnh mẽ vì tôi biết chúng không được yêu thích hoặc sợ rằng chúng sẽ không được chấp nhận. Không có sự tự tại nào khi mong muốn được thừa nhận vượt trên cả việc sống thật với suy nghĩ của chính mình.
Thiếu kỷ luật bản thân. Tôi là người vô kỷ luật nhất. Tôi thường xuyên viết bài về tầm quan trọng của việc dậy sớm, cách loại bỏ phiền nhiễu, và tập trung vào thực hành thiền định. Tôi đã có những trải nghiệm sự tốt đẹp và niềm vui với những điều này. Tuy nhiên, đôi khi tôi vẫn còn thức dậy muộn và mất nhiều thời gian chơi Candy Crush trên iPhone. Tôi lãng phí vô số thời gian mỗi tuần mà đáng ra tôi phải làm việc hoặc thực hiện những mục tiêu quan trọng hơn (thiền định, đọc sách, luyện tập). Tôi cực kỳ ghen tị với những người không cần tới thời hạn để hoàn thành công việc.
Tính ích kỷ. Sự hào phóng là quan trọng và quý giá, tôi yêu đức tính này. Thật dễ dàng khi viết về nó nhưng quá khó để thực hiện. Trước đây khi còn khó khăn về tài chính, tôi trích 10% thu nhập vào quỹ từ thiện và đôi khi là số tiền nhiều hơn. Tôi trân trọng đồng tiền mình đã kiếm được và biết ơn những bài học cuộc sống về tính kỷ luật. Nhưng, hiện nay tôi dư dả tiền bạc, sở hữu nhiều tài sản hơn và chi phí sinh hoạt ở mức thấp nhất trong 10 năm qua. Khi cuộc sống với sự hào phóng quá mức trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, tôi lại trở nên bủn xỉn hơn bao giờ hết. Cuộc sống giàu có làm nảy sinh tính ích kỷ trong con người tôi.
Thiếu sự đồng cảm. Tôi tự giới hạn lòng trắc ẩn của chính mình. Không phải là tôi thiếu quan tâm đến cảm xúc của người khác mà thậm chí tôi còn không để ý tới họ. Khi tìm hiểu sâu hơn về khuyết điểm này, tôi tiếp tục gặp phải tâm truy cầu mong được người khác ghi nhận. Quá chú trọng và mất nhiều thời gian vào việc được người khác chú ý và chứng thực bản thân, nhưng tôi lại không dành thời gian đủ nhiều để có thể thấu hiểu sự đau khổ của người khác.
Bảo vệ hình ảnh bản thân. Bảo vệ hình ảnh bản thân là áp lực mà tôi luôn phải chịu đựng. Tôi cố gắng để bảo vệ suy nghĩ của họ về tôi, vậy nên rất hiếm khi tôi thể hiện sự yếu đuối của mình, kể cả với những người bạn thân nhất. Vì không muốn thừa nhận là cần người khác trợ giúp nên rất hiếm khi tôi thỉnh cầu sự giúp đỡ. Quả thật, tâm hư vinh bám rễ sâu trong con người tôi và nó thể hiện ở rất nhiều phương diện. Có lẽ biểu hiện lớn nhất chính là tôi muốn giả vờ như mọi thứ đều ổn.
Tôi rất biết ơn từ bài học thực tế của những người đi trước, cảm giác tuyệt vời của sự tự do khi được sống chân thực.
Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới mà hình ảnh thương hiệu có thể được tạo dựng một cách công phu thông qua Instagram, Facebook, Twitter và các blog cá nhân, chúng ta phải nỗ lực để nắm giữ được chữ “Chân” của mình và mạnh mẽ vượt qua cảm giác sợ hãi liên quan đến việc thú nhận những sai lầm của bản thân.
Tôi hy vọng bạn sẽ cùng tôi làm điều đó.
Tôi mong rằng bạn cũng sẽ cảm nhận được niềm vui giống tôi khi làm điều đó.
Joshua Becker là người sáng lập và biên tập của Becoming Minimalist, là người truyền cảm hứng về phong cách sống tối giản: sở hữu ít đi bạn sẽ được nhiều hơn.
Joshua Baker
Thuần Thanh biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: