Sự tiến bộ về AI của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về tương lai ‘đen tối’
Nghị sĩ Mike Gallagher cảnh báo rằng ‘trong tương lai thế giới tự do cần phải tuân theo các quy tắc về AI.’
Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh đã âm thầm tiến hành một cuộc đối thoại xung quanh sự phát triển an toàn của Trí tuệ nhân tạo (AI), nhưng đằng sau các cuộc đàm phán đó vẫn là cuộc cạnh tranh gay gắt về sự phát triển của công nghệ này và cách mà công nghệ đó nên được sử dụng.
Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về Đảng Cộng sản Trung Quốc, hồi tháng Năm năm ngoái đã cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với DailyMail.com rằng chế độ cộng sản này đã phát triển các công nghệ liên quan đến AI cho “những mục đích đen tối” và “xấu xa” bao gồm cả nạn diệt chủng và giám sát công dân hàng ngày.
Tờ Financial Times đưa tin rằng tháng Bảy và tháng Mười năm ngoái, các chuyên gia AI của Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bí mật gặp nhau hai lần tại Geneva để thảo luận về những rủi ro của các công nghệ mới nổi và khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu AI.
Những người tham gia ở phía Hoa Kỳ bao gồm những khoa học gia từ các tổ chức nghiên cứu như OpenAI, Anthropic, và Cohere, trong khi các chuyên gia Trung Quốc đến từ Đại học Thanh Hoa do nhà nước điều hành và các tổ chức khác do nhà nước tài trợ.
Hồi tháng Mười Một, 28 quốc gia đã ký Tuyên bố Bletchley tại Hội nghị thượng đỉnh về An toàn AI đầu tiên ở Vương quốc Anh, đồng tình với nỗ lực chung nhằm bảo đảm rằng AI sẽ được sử dụng theo cách “lấy con người làm trung tâm, đáng tin cậy và có trách nhiệm.”
Bản thông cáo này công nhận rằng các mô hình AI tân tiến có thể gây ra “tác hại tiềm tàng nghiêm trọng, thậm chí là thảm khốc.”
Trung Quốc và Hoa Kỳ — hai đối thủ cạnh tranh nhất trong công nghệ AI — đã ký cam kết này, cùng với Liên minh Âu Châu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Kenya, và Nigeria.
Kỹ sư điện tử Nhật Bản Lý Tế Tâm (Li Jixin) nói với The Epoch Times rằng các chuyên gia tình báo AI đều có chung một thái độ dè chừng trước sự phát triển của AI vì công nghệ này có khả năng gây hại cho nhân loại.
Ông Lý nói, “Mặc dù có vẻ như AI có thể mang lại sự thuận tiện cho con người về ngắn hạn, nhưng tiềm ẩn nguy cơ bị lạm dụng và mất kiểm soát bất cứ lúc nào; ngoài ra, Internet sẽ mở rộng rủi ro đó trên toàn cầu, và không gian mạng có thể gây ra điều đó vô cùng nhanh chóng — khiến nền văn minh nhân loại gặp nguy hiểm.”
AI được sử dụng để kiểm soát người Trung Quốc
Trong một bức thư hồi tháng 03/2020 gửi Ngoại trưởng đương thời Mike Pompeo, một nhóm lưỡng đảng gồm 17 thượng nghị sĩ đã nói rõ rằng “Trung Quốc sử dụng tính năng nhận dạng khuôn mặt để lập hồ sơ về những người Duy Ngô Nhĩ, phân loại họ dựa trên sắc tộc, và chọn lọc riêng ra những cá nhân nào mà [chế độ muốn] theo dõi, ngược đãi, và giam giữ.”
Công nghệ nhận dạng khuôn mặt cũng được sử dụng để theo dõi người dân bình thường. Một vụ rò rỉ cơ sở dữ liệu hồi năm 2019 đã cung cấp cái nhìn thoáng qua về mức độ phổ biến của các công cụ giám sát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Hệ thống máy ghi hình xung quanh khách sạn, công viên, điểm du lịch, và nhà thờ Hồi Giáo có thể tạo ra hơn 6.8 triệu bản ghi trong chỉ một ngày.
Ông Lý tin rằng công nghệ AI đang hướng đến mục đích giám sát người dân vì “ĐCSTQ không phải là một chính phủ được bầu cử dân chủ và đương nhiên không có tính hợp pháp, và điều quan trọng nhất mà [ĐCSTQ] lo sợ là mất đi quyền lực.”
Các ứng dụng AI và các công cụ công nghệ khác sẽ giám sát chặt chẽ ngôn từ và hành vi của người dân từ đó nhận dạng những người bất đồng chính kiến; do đó, họ có thể trở thành mục tiêu của nhà nước, ông Lý cho biết.
ĐCSTQ thậm chí còn đi xa đến mức sử dụng công nghệ AI để giám sát suy nghĩ của người dân. Tháng 07/2022, một viện nghiên cứu AI ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, tuyên bố rằng họ đã phát triển phần mềm đọc suy nghĩ có thể đo lường lòng trung thành của các đảng viên Đảng Cộng sản bằng cách kiểm tra mức độ cam kết của một đối tượng đối với việc giáo dục tư tưởng của Đảng.
Xuất cảng công nghệ giám sát dựa trên AI
ĐCSTQ đã và đang xuất cảng công nghệ AI dùng để giám sát công dân sang các quốc gia khác để vừa giành ngôi vị thống trị trong lĩnh vực AI vừa có thể thu thập dữ liệu lớn trên toàn thế giới.
Theo một báo cáo hồi năm ngoái (2023) của nhóm nhân quyền Hoa Kỳ Freedom House, vài chục quốc gia, trong đó có Zimbabwe và Uzbekistan, với sự trợ giúp của ĐCSTQ đã xây dựng hoặc đang xây dựng các hệ thống giám sát quy mô lớn dựa trên AI.
Hơn 140 thành phố trên thế giới đã áp dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt của Trung Quốc để tạo ra “những thành phố an toàn” và “thành phố thông minh” trong lĩnh vực giao thông vận tải, tiếp vận, và chấp pháp.
Ngoài ra, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, và Việt Nam cũng đang đàm phán với các công ty Trung Quốc để giới thiệu các hệ thống giám sát công cộng hiện đại, nhà bình luận Hiroyuki Akita viết trên Nikkei Asia năm 2019.
Quảng trường Cộng hòa ở Belgrade, thủ đô của Serbia, cũng đang được trang bị hệ thống giám sát do Trung Quốc sản xuất. Hệ thống giám sát của Huawei có thể theo dõi hành vi của người dân tại quảng trường này và những nơi khác trong thành phố, nhận diện khuôn mặt, xác định biển số xe, và xác định hoạt động đáng ngờ.
Ông Akita viết rằng việc ĐCSTQ xuất cảng chủ nghĩa độc tài sang các quốc gia khác gây ra mối đe dọa cơ bản và lâu dài đối với trật tự thế giới tự do thời hậu chiến do Hoa Kỳ lãnh đạo.
Ông nói, “Trong cuộc chiến giành quyền bá chủ này, quyền lực chính trị quan trọng như sức mạnh kinh tế và quân sự. Nếu các quốc gia Á Châu khác đi theo con đường dân chủ, thì Hoa Kỳ sẽ dễ dàng duy trì ảnh hưởng của mình trong khu vực hơn. Tuy nhiên, nếu nhiều quốc gia Á Châu lựa chọn chủ nghĩa độc tài, thì nền tảng của trật tự tự do do Hoa Kỳ lãnh đạo sẽ dần bị xói mòn.”
Ngoài việc xuất cảng công nghệ nhận dạng khuôn mặt ra ngoại quốc, ĐCSTQ còn đào tạo nhân công cho ngành AI ở các nước đang phát triển qua chương trình “Hội thảo Luban.” ĐCSTQ cũng giúp UAE thành lập công ty AI G42, vốn tuyên bố hợp tác với Trung Quốc để thiết lập siêu máy điện toán AI lớn nhất thế giới.
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ quốc Mới đã cảnh báo về sự bành trướng ở ngoại quốc của ĐCSTQ trong một bài báo trên Politico hôm 30/11/2023.
Họ viết, “Kết quả cuối cùng có thể là một tương lai AI mà trong đó các thỏa thuận khắt khe của Hoa Kỳ và châu Âu về AI an toàn, tôn trọng các quyền trở nên lỗi thời bởi một thế giới vốn đã được cài đặt sẵn các hệ thống AI của Trung Quốc — đang giành sự ưu ái cho Bắc Kinh ở các quốc gia không phải phương Tây và thiết lập các tiêu chuẩn độc đoán thực tế cho sự phát triển của công nghệ này trên toàn cầu.”
Ông Gallagher cho biết cuộc đua AI với ĐCSTQ đang nóng lên, và Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về Đảng Cộng sản Trung Quốc do ông đứng đầu, sẵn sàng đóng vai trò dẫn đầu trong việc “bảo đảm sự thống trị của Hoa Kỳ.”
Mục tiêu tổng thể là thuyết phục người dân Mỹ rằng “công nghệ này sẽ không được sử dụng cho mục đích xấu” và chính phủ Hoa Kỳ sẽ đi trước những người cộng sản Trung Quốc.
“Tôi nghĩ điều hết sức quan trọng là chúng ta không cho phép [ĐCSTQ] giành chiến thắng trong cuộc đua này bởi vì họ sẽ sử dụng nó cho mục đích đen tối, toàn trị về mặt công nghệ, và trong tương lai thế giới tự do cần phải tuân theo các quy tắc về AI,” ông cho biết.
Ông Gallagher nói rằng chúng ta cần một “khuôn khổ thống nhất về các biện pháp bảo vệ AI và đạo đức AI.”
Hoa Kỳ, Trung Quốc cạnh tranh về công nghệ AI
AI đang trở thành “một thành phần quan trọng của sức mạnh kinh tế và quân sự trong tương lai gần,” theo Báo cáo Chỉ số Trí tuệ Nhân tạo năm 2023 của Đại học Stanford.
Trong những năm qua, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã vướng vào một cuộc chạy đua khốc liệt về mọi mặt của công nghệ AI.
Các công ty và tổ chức của Hoa Kỳ phát triển hầu hết các ngôn ngữ chính và các mô hình đa phương thức trên thế giới. Năm 2022, Trung Quốc chỉ phát triển ba hệ thống học máy, trong khi Hoa Kỳ tạo ra 16 hệ thống, trong đó có DALL-E 2, GPT-3 của OpenAI, và PaLM của Google.
Hoa Kỳ cũng dẫn đầu về lượng đầu tư tư nhân vào công nghệ AI. Năm 2022, các nhà đầu tư tư nhân của Hoa Kỳ đã thu được 47.4 tỷ USD, gấp khoảng 3.5 lần so với Trung Quốc. Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới về tổng vốn đầu tư mới vào các công ty AI, gấp 3.4 lần Trung Quốc.
Theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Hoa Kỳ thống trị thị trường thiết kế chất bán dẫn với 85% thị phần thế giới.
Ngược lại, Trung Quốc là nước nhập cảng và thị trường bán dẫn lớn nhất, phụ thuộc vào vi mạch bán dẫn của Hoa Kỳ.
Để hạn chế sự phát triển của công nghệ AI Trung Quốc, Hoa Thịnh Đốn đã thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất cảng đối với các loại vi mạch cao cấp, ngăn chặn vi mạch tân tiến rơi vào tay ĐCSTQ để phục vụ mục đích phát triển siêu máy điện toán hoặc các loại chất bán dẫn dùng trong quân sự hoặc các ứng dụng khác.
Trong một hành động đáp trả theo kiểu ăn miếng trả miếng, Bắc Kinh đã phản công bằng cách hạn chế xuất cảng các khoáng sản quý hiếm sang Mỹ quốc.
Trong khi đó, ĐCSTQ đã tăng gấp đôi nỗ lực nghiên cứu vi mạch bán dẫn của mình.
Tháng Tám năm ngoái, Huawei đã phát hành điện thoại di động Mate 60 Pro với bộ vi xử lý Kirin 9,000s 7nm do Trung Quốc sản xuất. Baidu, nhà cung cấp dịch vụ Internet Trung Quốc, được cho là đang phát triển vi mạch Kunlun cho điện toán AI. Truyền thông nhà nước thậm chí còn phô trương về việc Trung Quốc đang phát triển một vi mạch quang tử “nhanh hơn 3,000 lần” so với NVIDIA A100, một trong những vi mạch AI thương mại được sử dụng rộng rãi nhất.
Tuy nhiên, họ cần đánh giá chất lượng và mức độ tân tiến của các vi mạch sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng “trong tổng số các ấn phẩm tạp chí, hội nghị, và kho lưu trữ về AI,” thì Trung Quốc từ lâu đã giữ vị trí đầu tiên, như đã được dẫn chứng trong Báo cáo Chỉ số Trí tuệ Nhân tạo năm 2023.
Trong năm 2021, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã xuất bản gần 40% ấn phẩm về AI của thế giới, nhiều hơn Vương quốc Anh, châu Âu (15.1%), và Hoa Kỳ (10%) cộng lại, và Trung Quốc có thị phần lớn nhất trong số các ấn phẩm về hội nghị AI trên thế giới trong năm 2021, ở mức 26.2%. Chín trong số 10 nhà xuất bản hàng đầu về AI đến từ Trung Quốc, theo sau là Viện Công nghệ Massachusetts, đứng thứ mười.
Ông Lý chỉ ra rằng chế độ độc tài Trung Quốc sử dụng một đặc quyền để phát triển AI mà không quốc gia tuân thủ pháp luật nào có, tức là “tùy tiện thu thập và lạm dụng thông tin cá nhân từ công dân của mình.”
Thông thường, các quốc gia tuân thủ luật pháp có xu hướng lưu tâm đến việc bảo vệ thông tin cá nhân của người dân, vì vậy các công ty công nghệ không thể thu được thông tin cá nhân quan trọng để đào tạo AI.
Ông nói: “Ngược lại, ở Trung Quốc, người dân không thể giám sát chính phủ, vì vậy ĐCSTQ tự do truy cập vào đời tư cá nhân để xây dựng dữ liệu lớn cho việc đào tạo AI.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times