Sự thổi phồng về sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương
Ngày nay, có một xu hướng thừa nhận quân đội Trung Quốc có một số ưu thế ngầm nhất định ở vùng biển xa xôi Tây Thái Bình Dương. Điều này bao gồm cả ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, và đặc biệt là ở Eo biển Đài Loan.
Sự nhấn mạnh mới của Trung Quốc vào việc tạo dựng sức mạnh hàng hải gây áp lực đáng kể lên Hoa Kỳ khi nước này muốn duy trì uy thế của mình ở Thái Bình Dương. Nhưng mà Trung Quốc có thể có được lợi thế quân sự so với Hoa Kỳ ở khía cạnh nào và ra làm sao?
Đầu tiên, đúng là Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAN) có ưu thế về quân số không thể phủ nhận ở một số loại nền hệ thống. PLAN sở hữu 50 khinh hạm (trong đó có gần 40 khinh hạm Type-054A rất hiện đại), 70 hộ vệ hạm, và hơn 80 tàu tuần tra hiện đại lớp Hồng Bại (một loại tàu hai thân linh hoạt, tốc độ cao trang bị hỏa tiễn hành trình chống hạm). Ngoài ra, PLAN vận hành ít nhất 50 tàu ngầm tấn công hiện đại, trong đó có chín tàu hạt nhân.
Để so sánh, lực lượng quy mô nhỏ hơn của Hải quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương gồm có chỉ 24 tàu ngầm tấn công, 13 tàu tác chiến ven bờ (LCS), và không có khinh hạm. Về phần mình, LCS cũng bị chỉ trích nặng nề vì quá nhỏ và được vũ trang quá nhẹ để chiến đấu trong các trận hải chiến.
Hơn nữa, người Trung Quốc sở hữu khoảng 1,500 cường kích cơ hiện đại – khoảng 1,300 phi cơ do Không quân PLA vận hành và 200 phi cơ của Không quân PLAN. Do đó, có thể hình dung được việc PLA có khả năng tăng cường và dồn lực lượng của họ để áp đảo Hải quân Hoa Kỳ.
Quan trọng hơn, Trung Quốc có một lợi thế “sân nhà” có tính quyết định. Bất kỳ cuộc đụng độ nào đều sẽ diễn ra gần vùng đất liền của Trung Quốc, trên những vùng biển lân cận nơi họ đã chiếm một ưu thế đáng kể chẳng hạn như Biển Đông. Họ có thể điều nhiều tàu hơn trong thời gian ngắn hơn, trong khi chuỗi hậu cần của họ có thể tương đối ngắn. Các lực lượng này cũng sẽ được bảo vệ bởi một hệ thống phòng không tích hợp mở rộng dọc theo bờ biển Trung Quốc, bao gồm các radar, cường kích cơ, và các hỏa tiễn đất đối không.
Phi cơ và hỏa tiễn chống hạm đóng trên bờ cũng có thể tấn công các tàu Hải quân Hoa Kỳ, đặc biệt là việc dùng các hỏa tiễn đạn đạo chống hạm (như là DF-21D) và các vũ khí siêu thanh mới ra đời – những loại đạn được ví von là “sát thủ mẫu hạm” chỉ để nhằm hạ gục các hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ.
Trái ngược hoàn toàn, Hải quân Hoa Kỳ phải đối mặt với thách thức hàng thế kỷ về “sự chi phối của khoảng cách.” Có thể mất tới ba tuần để lực lượng hải quân Hoa Kỳ di chuyển từ các cảng ở Bờ Tây đến Biển Đông. Tốc độ này không nhanh hơn là bao so với tốc độ của các chiến hạm của Hoa Kỳ trong Đệ nhị Thế chiến.
Các tàu ở căn cứ tại Hawaii có thể mất tới 16 ngày để đến được khu vực này. Ngay cả Guam – một trong những lãnh thổ ở phía cực tây của Hoa Kỳ và là nơi tập trung đáng kể lực lượng quân sự của Hoa Kỳ – vẫn cách Biển Đông 1,700 dặm, một hành trình kéo dài từ ba đến năm ngày.
Các cuộc hải chiến gần đây của Hoa Kỳ cũng cho thấy khi các lực lượng Hoa Kỳ đến những địa điểm như Biển Đông, họ thường dễ dàng trở thành mục tiêu của kẻ địch. Đây là do truyền thống nhấn mạnh sự tác chiến tập trung của Hải quân Hoa Kỳ, tức là các tàu hoạt động chặt chẽ trong một khu vực để kết hợp hỏa lực và yểm trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, điều này khiến họ dễ bị ảnh hưởng bởi các chiến thuật chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực, như các cuộc tấn công bằng vũ khí siêu thanh và hỏa lực tầm xa.
Tại thời điểm này, tình hình có vẻ khá bất lợi đối với lực lượng của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là Hoa Kỳ cũng có nhiều ưu thế.
Trước tiên, trong khi PLAN chiếm ưu thế về các chiến hạm nhỏ, thì Hải quân Hoa Kỳ có lợi thế rất lớn về lực lượng tác chiến bề mặt lớn. Chỉ tại Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ có 5 hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân, mỗi một hàng không mẫu hạm được trang bị khoảng 75 chiến đấu cơ. Ngoài ra, Hải quân Hoa Kỳ còn khai triển 4 tàu tấn công đổ bộ sàn phẳng đến Thái Bình Dương, mỗi tàu có khả năng hoạt động như một hàng không mẫu hạm mini (có mang theo chiến đấu cơ F-35).
Trong khi đó, PLAN hiện chỉ vận hành hai hàng không mẫu hạm với kích thước nhỏ hơn nhiều, mỗi hàng không mẫu hạm này có khả năng mang theo nhiều nhất hơn hai chục chiến đấu cơ.
Ngoài ra, Hải quân Hoa Kỳ vận hành 48 tuần dương hạm lớn và khu trục hạm hiện đại ngay tại Thái Bình Dương, so với tổng cộng chỉ 38 hạm của PLAN, và trong vài thập niên tới, Hải quân Hoa Kỳ có thể sẽ mua vài chục khinh hạm đa nhiệm mới. Hạm đội tàu ngầm của Hải quân Hoa Kỳ hiện đại hơn và, quan trọng hơn là, tất cả đều chạy bằng hạt nhân.
Đồng thời, các lực lượng của Hoa Kỳ hầu như chắc chắn được huấn luyện tốt hơn, được chỉ huy tốt hơn, và nhiều kinh nghiệm hơn. Hải quân Hoa Kỳ có gần 100 năm kinh nghiệm vận hành hàng không mẫu hạm, và họ đã hoàn thiện chiến thuật tấn công hàng không mẫu hạm theo nhóm. Tinh thần chiến đấu, hậu cần, và tình báo – tất cả đều vô hình, hiển nhiên là thế, và khó đo lường – dù sao thì trong quân đội Hoa Kỳ có lẽ là cao hơn trong quân đội Trung Quốc.
Trong cuốn sách “Unrivaled: Why America Will Remain the World’s Sole Superpower” (tạm dịch: “Không Có Đối Thủ: Tại Sao Mỹ Muốn Duy Trì Vị Thế Siêu Cường Duy Nhất Của Thế Giới”), ông Michael Beckley cho rằng sức mạnh quân sự của Trung Quốc bị thổi phồng quá mức. Các phi công chiến đấu của Trung Quốc mỗi năm bay ít giờ hơn so với các phi công Hoa Kỳ, và quân đội Trung Quốc dành tới 30% thời gian huấn luyện của họ để nghiên cứu giáo lý chủ nghĩa Marx-Lenin-Mao. Đồng thời, ông nói rằng các bài tập trận của PLA “thiên về kịch bản,” và được cho điểm bằng cách sử dụng “các đánh giá chủ quan” chỉ để xác định “một chương trình huấn luyện đã được thực hiện hay không chứ không phải các mục tiêu của chương trình đó có đạt được hay không.”
Trong khi đó, quân đội Hoa Kỳ có thể chậm tiếp thu những bài học mới, nhưng họ có thể và không ngừng tự đánh giá lại bản thân. Chẳng hạn như, việc thua trong các trận chiến đã thúc đẩy Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân tìm hiểu các khái niệm về “cơ động mở rộng,” bao gồm các hoạt động phân phối (nghĩa là phân phối trên diện rộng hơn), và dựa nhiều hơn vào hoạt động mạng lưới và tự quản lý (chẳng hạn như hậu cần khép kín hơn).
Cuối cùng – và có lẽ là quan trọng nhất – quân át chủ bài của Hoa Kỳ mà Trung Quốc sẽ không bao giờ có: các đồng minh. Nhật Bản – quốc gia ngày càng lo ngại về mối đe dọa quân sự đang lớn lên của Trung Quốc đối với khu vực – có một lực lượng quân sự khá lớn mà nước này có thể góp vào tham chiến trong bất cứ cuộc giao tranh Trung-Mỹ nào. Nhật Bản có 22 tàu ngầm, bốn tàu tấn công trực thăng sàn phẳng lớn – hai trong số đó đang được chuyển đổi thành hàng không mẫu hạm mang phi cơ cánh cố định – 36 khu trục hạm, và hai khinh hạm hạng nhẹ. Ngoài ra, người Nhật đang trong quá trình sản xuất 22 khinh hạm đời mới.
Đài Loan cũng có thể sẽ tham chiến cùng 4 khu trục hạm, 22 khinh hạm, và hàng chục tàu hỏa tiễn tốc hành. Ngoài ra, quốc gia này hiện đang đóng 12 hộ vệ hạm lớp Đà Giang – những tàu này có tốc độ cao, linh hoạt chuyên nhằm mục đích đánh du kích các hàng không mẫu hạm và tàu tấn công đổ bộ của Trung Quốc.
Úc, Việt Nam, và có lẽ cả Ấn Độ có thể bổ sung thêm vào những lực lượng này. Ví dụ, Úc sở hữu ba khu trục hạm tác chiến trên không hiện đại và đang mua 12 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới trong thập kỷ tới. Việt Nam vận hành sáu tàu ngầm lớp Kilo, trong khi đó Ấn Độ mang đến các hàng không mẫu hạm của riêng mình, cũng như 16 tàu ngầm của Pháp và Nga.
Bổ sung thêm vào lực lượng không quân tương ứng của họ và một liên minh chống Trung Quốc có thể bao gồm hàng ngàn chiến đấu cơ, cũng như oanh tạc cơ, cường kích cơ, phi cơ tuần tra hàng hải, phi cơ do thám, phi cơ tiếp nhiên liệu không đối không, v.v. Điều này có thể hơn cả san bằng lực lượng với phía Trung Quốc.
Tất nhiên, một đánh giá cuối cùng toàn diện về sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ và Trung Quốc là vượt quá khỏi phạm vi của một bài viết ngắn như thế này. Tuy nhiên, những điều nêu trong bài này đủ để nói rằng trong khi Trung Quốc có một số lợi thế quân sự, thì Hoa Kỳ vẫn sở hữu những thế mạnh của riêng mình – thế mạnh quan trọng nhất trong số đó có lẽ là khả năng kêu gọi các đồng minh và đối tác trong khu vực.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Richard A. Bitzinger là một chuyên gia phân tích an ninh quốc tế độc lập. Trước đây, ông từng là một thành viên cao cấp của Chương trình Chuyển đổi Quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, và ông từng đảm nhận các vị trí trong chính phủ Hoa Kỳ và tại nhiều tổ chức tư vấn khác nhau. Nghiên cứu của ông tập trung vào các vấn đề an ninh và quốc phòng liên quan đến khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, bao gồm cả sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc quân sự, và quá trình hiện đại hóa quân đội và phát triển vũ khí trong khu vực này.
Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: