‘Sự thịnh vượng chung’ làm sáng tỏ phương hướng quản lý của Bắc Kinh
Cuối cùng, ngày càng có nhiều sự rõ ràng xung quanh việc Trung Cộng dự định quản lý các tập đoàn của Trung Quốc như thế nào, sự rõ ràng này là vô giá đối với các nhà đầu tư Hoa Kỳ khi đánh giá chứng khoán Trung Quốc .
Hướng dẫn về quy định quản lý đã được đưa ra nhanh chóng và dữ dội trong vài tháng qua, khiến cổ phiếu Trung Quốc – ít nhất là những cổ phiếu được giao dịch ở Hoa Kỳ – rơi vào thế kẹt. Và gần đây nhất, chỉ thị của lãnh đạo Trung Cộng, ông Tập Cận Bình nhằm tăng cường “sự thịnh vượng chung” đã chỉ làm gia tăng thêm sự biến động khi các nhà đầu tư muốn phân tích tác động của chỉ thị này.
Thật kỳ lạ, có một sự khác biệt nhất định liên quan đến cách các nhà đầu tư phản ứng với cơn đại hồng thủy về qui định ần đây của Trung Cộng.
Quỹ KraneShares CSI China Internet ETF, quỹ đầu tư gắn theo một rổ các công ty công nghệ Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ và Hồng Kông, đã giảm hơn 45% kể từ ngày 01/03/2021.
Để so sánh, VanEck Vectors ChinaAMC SME-ChiNext ETF, quỹ gắn theo rổ 100 cổ phiếu hạng A trong nước hàng đầu được niêm yết trên bảng ChiNext ở Thâm Quyến – nơi hầu hết các công ty công nghệ của Trung Quốc được niêm yết trong nước—về cơ bản là không đổi (chỉ giảm 0.3%) trong cùng một khoảng thời gian.
Tại sao [cổ phiếu] của các công ty niêm yết ở ngoại quốc hoạt động kém hơn đáng kể so với cổ phiếu trong nước? Điều đặc biệt thú vị là các công ty công nghệ [niêm yết] ở ngoại quốc có xu hướng là những cái tên nổi bật hơn như Tencent, Alibaba, và Meituan. Có một vài lý do ở đây.
Thứ nhất là các công ty niêm yết ở nước ngoài đều bán cổ phiếu của họ thông qua một cấu trúc duy nhất được gọi là thực thể có lợi ích thay đổi (VIE), tình trạng pháp lý của VIE là đáng ngờ và do đó yêu cầu mức chiết khấu thị trường lớn.
Yếu tố thứ hai là các nhà đầu tư ngoại quốc – chiếm phần lớn các nhà đầu tư vào các cổ phiếu niêm yết ra ngoại quốc ở New York và Hồng Kông – có cách giải thích bi quan hơn nhiều về những diễn biến gần đây so với các nhà đầu tư trong nước ở Trung Quốc.
Vấn đề đầu tiên, mức chiết khấu do cấu trúc VIE, có thể sẽ sớm được giải quyết.
Tờ Wall Street Journal trích dẫn các nguồn ẩn danh có hiểu biết về các cuộc thảo luận của Trung Cộng có kế hoạch đề nghị các quy tắc cấm các công ty công nghệ Trung Quốc có lượng lớn dữ liệu nhạy cảm thực hiện đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của họ tại Hoa Kỳ. Ngoài ra, các công ty công nghệ phải được sự chấp thuận theo quy định của Trung Quốc trước khi niêm yết cổ phiếu của họ trên các sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ, việc chấp thuận này vốn không phải là bước bắt buộc trong quá khứ.
Quy định đó làm rõ một số câu hỏi. Các đợt IPO công nghệ trong tương lai của Trung Quốc – những đợt được phép niêm yết tại thị trường Hoa Kỳ trong tương lai – sẽ phải được Trung Cộng chấp thuận để thực hiện. Sự chấp thuận ngầm như thế là một sự bảo đảm rằng các cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc đã dung thứ cho cấu trúc công ty VIE, tính hợp pháp của cấu trúc này trước đây từng đã bị nghi ngờ.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý Trung Quốc gần đây đã yêu cầu Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ bắt đầu đối thoại về việc chia sẻ các tài liệu kiểm toán với các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ. Thông tin chi tiết về mức độ hợp tác vẫn còn được thảo luận, nhưng chỉ thị cấm một số đợt IPO nhất định của Bắc Kinh có thể mở đường cho Trung Cộng chia sẻ các tài liệu kiểm toán về các công ty mà Trung Cộng cho là ít nhạy cảm hơn.
Yếu tố thứ hai khiến các nhà đầu tư ngoại quốc tỏ ra bi quan hơn so với các đối tác Trung Quốc là do học thuyết “thịnh vượng chung” gần đây của ông Tập, đã khiến ngoại quốc phải chú ý. Một số nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đặt câu hỏi liệu Trung Cộng có sẵn sàng đàn áp các doanh nhân và các doanh nghiệp thành công mới của Trung Quốc hay không.
Cách giải thích đó có thể là một phản ứng hơi thái quá.
Caixin, một tạp chí kinh doanh của Trung Quốc đại lục, cung cấp bối cảnh này:
“Kể từ khi bắt đầu cải cách và mở cửa vào cuối những năm 70, nền kinh tế Trung Quốc đã thực hiện phần đầu tiên trong ý tưởng của ông Đặng Tiểu Bình là để một số người làm giàu trước để họ có thể kích thích những người khác, và do đó hiện thực hóa sự thịnh vượng chung ở Trung Quốc. Tuy nhiên, những thay đổi trong môi trường kinh tế và chính trị bên trong và bên ngoài đã thúc đẩy việc đưa ‘cơ chế phân phối thứ ba’ vào các văn bản chính thức của Trung Cộng trong những năm gần đây.”
“Cơ chế phân phối thứ ba là gì?” Đó là biệt ngữ của Trung Cộng mô tả việc phân phối của cải “tự nguyện”. Trong trường hợp này, sự phân phối này có thể là một sự tự nguyện không có chủ đích. Sự phân phối thứ ba khuyến khích các doanh nhân và tập đoàn thành công của Trung Quốc ủng hộ và thực hành nhiều chương trình xã hội hơn. Về cơ bản, khuyến khích này là một siêu phiên bản của ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và các chương trình từ thiện mà các tập đoàn phương Tây đã áp dụng trong những năm gần đây.
Đây là một dạng “nhà nước bảo mẫu” và là một phần trong những nỗ lực gần đây của Bắc Kinh nhằm kiểm soát môi trường chính trị và xã hội. Có một cuộc tranh luận về việc liệu đây là một tính năng hay một khiếm khuyết trong một thị trường tư bản chức năng, và cuộc tranh luận này là chỗ các nhà đầu tư ngoại quốc và nhà đầu tư Trung Quốc có thể bất đồng.
Nhưng Trung Quốc là một quốc gia cộng sản và Trung Cộng đã chọn con đường này.
Nói một cách dí dỏm, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc hôm 27/08/2021 đã tuyên bố “văn hóa 996” khét tiếng là bất hợp pháp. “996” là tên mã của những nhân viên làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần, một chính sách gây tranh cãi phổ biến ở các công ty công nghệ của Trung Quốc. Người ta có thể lập luận rằng đạo đức làm việc như vậy đã giúp xây dựng nên những đại công ty công nghệ thành công của Trung Quốc, nhưng chính sách này lại không được nhân viên ưa chuộng.
Vào tháng Tám, truyền thông nhà nước ở Trung Quốc gọi trò chơi trực tuyến là một dạng “thuốc phiện tinh thần”. Một bài báo trên tờ Economic Information Daily đã chỉ trích chứng nghiện trò chơi điện tử và kêu gọi hạn chế ngành công nghiệp trò chơi điện tử để giới trẻ từ bỏ trò chơi điện tử. Thông tin này đã khiến cổ phiếu của các nhà phát hành game niêm yết ở ngoại quốc như NetEase và Tencent lao dốc.
Đầu năm nay, Bắc Kinh đã công bố các quy định hạn chế mô hình kinh doanh của các công ty giáo dục và dạy kèm vì lợi nhuận. Các quy định này – nhằm hạn chế sự gia tăng của việc dạy thêm sau giờ học đắt đỏ và sự căng thẳng ghê gớm mà nó gây ra đối với phụ huynh và trẻ em – đã khai tử một cách hiệu quả mô hình kinh doanh của một số công ty niêm yết tại Hoa Kỳ như TAL Education.
Trung Quốc cũng ban hành luật để cải thiện tiền lương và lợi ích của những người lao động hợp đồng như những người làm việc cho đại công ty giao hàng thực phẩm Meituan của Trung Quốc. Và danh sách được tiếp tục kéo dài.
Chế độ Trung Cộng gọi đây là những cải cách cần thiết để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Trung Quốc. Đồng thời, Trung Cộng đã tuyên bố rằng mục tiêu của không phải là hạ sát sự đổi mới hoặc trừng phạt các doanh nhân thành công và doanh nghiệp của của các doanh nhân này.
Người ta có thể hiểu sự hấp dẫn của các biện pháp như vậy từ quan điểm của một người dân thành thị sống ở Trung Quốc. Nhưng các nhà đầu tư toàn cầu nên giải thích những diễn biến này như thế nào?
Tôi không mong Bắc Kinh sẽ hạ sát các ngành công nghiệp. Nhưng lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng khi Trung Quốc ban hành các loại thuế rộng hơn và buộc các công ty phải trả nhiều chi phí tuân thủ hơn. Bắc Kinh cần phát triển các ngành công nghiệp trong nước và thị trường tài chính khi quốc gia này chuẩn bị trở nên cô lập hơn.
Khía cạnh thay đổi xã hội được truyền tin rất rõ và các nhà đầu tư nên lưu ý điều này trong khi đánh giá tin tức đến từ Bắc Kinh. Bất bình đẳng giàu nghèo của Trung Quốc là một trong những mức cao nhất trên thế giới và ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Caixin ước tính rằng 1% người giàu nhất Trung Quốc nắm giữ 31% tài sản của cả nước. Đối với ông Tập để đặt mục tiêu cho nhiệm kỳ thứ ba vào năm tới, và để Trung Cộng duy trì quyền lực của mình, Trung Cộng cần phải giữ trật tự xã hội và đảm bảo phần lớn dân chúng hài lòng và hạnh phúc.
Ông Tập là phó chủ tịch Trung Quốc vào năm 2011 khi các cuộc biểu tình “Mùa xuân Ả Rập” xảy ra khắp Trung Đông. Ông đã nghiên cứu kỹ các sự kiện và nói với Phó Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là ông Joe Biden rằng những cuộc nổi dậy như vậy xảy ra bởi vì các chính phủ đã mất sự kết nối với người dân của họ.
Những diễn biến thị trường gần đây từ Trung Quốc có thể là một phần trong kế hoạch của Trung Cộng nhằm “kết nối” trở lại với người dân Trung Quốc.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Fan Yu là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế và đã đóng góp các phân tích về nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2015.
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: