Sự thật về mực nước biển và nhiên liệu hóa thạch
Các nhà hoạt động môi trường, các hãng truyền thông chính thống và nhiều nhà khoa học thường yêu cầu các chính phủ phải hành động quyết liệt để ngăn chặn mực nước biển đang dâng lên nhanh chóng. Họ cho rằng loài người buộc phải ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nếu không thì các hòn đảo nằm [ở vị trí] thấp và các khu vực ven biển sẽ sớm bị nhấn chìm.
Để hỗ trợ cho các yêu cầu của mình, họ trích dẫn lời tuyên bố từ Uỷ ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) khẳng định rằng “rất có thể” mực nước biển dâng lên mau chóng kể từ giữa thế kỷ 20 là để đáp lại sự ấm lên gây ra bởi việc tăng phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, tuyên bố của IPCC là dựa vào các phân tích trên mô hình máy tính thay vì dữ liệu đo lường thực tế.
Dữ kiện thêm vào hỗ trợ rất ít cho các tuyên bố về việc mực nước biển đang dâng lên với tốc độ bất thường trong lịch sử. Mực nước toàn cầu đã tăng khoảng 400 feet (hơn 120 mét) kể từ khi bắt đầu kết thúc kỷ băng hà gần đây nhất (khoảng 20.000 năm trước). Về phương diện lịch sử, thì mực nước biển đã dao động trong hàng trăm nghìn năm qua, không hề liên quan gì đến việc phát thải nhiên liệu hóa thạch.
Qua nghiên cứu cho thấy hầu hết các hòn đảo tạo nên các quốc gia như Tuvalu và Maldives đang được thêm, chứ không phải mất đi, diện tích đất liền ấy. Một nghiên cứu được đánh giá ngang hàng đã kiểm tra 600 đảo rạn san hô ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cho biết khoảng 40% các đảo đó vẫn ổn định và 40% đang phát triển [diện tích]. Nhiều bằng chứng hơn có thể được suy ra từ thực tế là dân số trên các đảo quốc này và ven biển Hoa Kỳ đang tăng lên thay vì giảm đi. Hơn nữa, ở những nơi đó, họ đang hàng ngày xây dựng nên những tòa nhà mới đắt đỏ cùng các cơ sở hạ tầng liên quan.
Một báo cáo vào năm 2019 của các ông Craig Idso, David Legates và S. Fred Singer xác nhận mực nước biển không tăng với tốc độ bất thường trong những năm gần đây. Sau khi kiểm tra dữ liệu trong nhiều năm từ các máy đo thủy triều và các nguồn khác, báo cáo viết, “Các máy đo thủy triều hiện đại nhất từ khắp nơi trên thế giới không cho thấy bằng chứng nào về sự tăng tốc [dâng lên của mực nước biển] kể từ những năm 1920.”
Sự khác biệt giữa dữ liệu được ghi lại bởi hệ thống đo thủy triều toàn cầu và dự báo của các cơ quan quản lý khí hậu được cho là do “[như] băng tan, mực nước biển dâng là một lĩnh vực nghiên cứu gần đây đã bị thống trị bởi các mô hình máy tính,” các tác giả viết. “Trong khi các nhà nghiên cứu làm việc với các bộ dữ liệu (dataset) được lấy từ các máy đo thủy triều trong thời gian dài thường báo cáo tốc độ dâng cao theo tuyến tính rất chậm của mực nước biển, các nhà lập mô hình máy tính đã can thiệp đáng kể vào thuật toán và điều chỉnh mô hình của họ để tìm ra hoặc dự đoán tốc độ dâng lên của mực nước.”
Các hành động của con người, chẳng hạn như xây dựng các rào chắn, khơi thông các dòng sông, chuyển đổi các vùng đất ngập nước ven biển thành các khu vực đô thị đông dân cư và rút hết nước [ngầm] của các tầng ngậm nước ven biển cho con người tiêu thụ (vốn là nguyên nhân gây sụt lún đất) rõ ràng đã làm cho một số vùng ven biển và dân cư [ở đó] dễ bị tổn thương hơn khi mực nước tăng lên. Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng về việc tăng phát thải khí nhà kính đang góp phần vào sự dâng lên của đại dương.
Trong một nghiên cứu của viện Heartland năm 2017, nhà địa vật lý Dennis Hedke đã phân tích dữ liệu từ 10 thành phố ven biển với các bản ghi [dữ liệu về] mực nước biển khá dài và đáng tin cậy. Ông nhận thấy không có mối tương quan nào giữa sự thay đổi của mực nước biển tại những địa điểm này và mức độ tăng carbon dioxide.
Với một số thành phố, tốc độ của mực nước biển dâng hầu như không đổi, không tăng cũng không giảm đáng kể so với tốc độ đã trải qua trước khi con người bắt đầu thải ra một lượng đáng kể khí nhà kính vào bầu khí quyển. Các thành phố khác, như Ceuta, Tây Ban Nha, thì mực nước biển dâng rất ít trong thế kỷ qua, biểu thị gần như là một đường xu hướng đi ngang (giai đoạn phẳng) ở dưới tốc độ [dâng] trong lịch sử của mực nước biển, khoảng 7 inch (ít hơn 18cm) mỗi thế kỷ. Các thành phố khác, chẳng hạn như Sitka, Alaska đã trải qua tình trạng mực nước biển giảm. Vẫn có những nơi khác như thành phố Atlantic, New Jersey thì mực nước biển tăng nhanh chóng.
Vấn đề là các khu vực khác nhau trên thế giới thì mực nước biển thay đổi khác nhau, trong đó sự khác biệt về tốc độ nước biển dâng phần lớn là kết quả của các điều kiện cục bộ chứ không phải do biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tri thức của chúng ta về các chu kỳ giữa các kỷ băng hà trước cho thấy biển sẽ tiếp tục dâng lên trừ khi và cho đến khi kỷ băng hà tiếp theo đến. Giống như lời ngụy biện mà vua Canute đã nói, những nỗ lực của loài người nhằm cố gắng ngăn thủy triều dâng lên chắc chắn sẽ thất bại; thiên nhiên, chứ không phải loài người, đang cai trị biển cả.
Cũng dễ hiểu việc [mọi người] chuẩn bị cho tình trạng mực nước biển dâng lên bằng cách gia cố các khu vực ven biển, không khuyến khích phát triển vùng ven biển thiếu khôn ngoan và làm cho người dân sống dọc theo bờ biển nhận thức được các khoản đầu tư vào đó có thể bị nước biển cuốn trôi. Việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch và trao cho các chính phủ lớn mạnh hơn gia tăng quyền lực lên cuộc sống của người dân sẽ không ngăn được nước biển dâng lên; điều đó sẽ chỉ làm cho người ta trở nên nghèo đói hơn và ít tự do hơn.
Tác giả H. Sterling Burnett là tiến sĩ và là thành viên cao cấp tại viện Heartland, một trung tâm nghiên cứu phi đảng phái, bất vụ lợi có trụ sở chính tại Arlington Heights, Illinois.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do H. Sterling Burnett thực hiện
Thiện Lan biên dịch
Xem thêm: