Sự thật không dễ nghe – Quá trình bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ có ý nghĩa quan trọng
Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020 vẫn chưa kết thúc. Tại các tiểu bang chủ chốt, có rất nhiều tranh chấp pháp lý và việc kiểm đếm lại phiếu bầu đang chờ được giải quyết, và theo một quy trình pháp lý lâu đời, những sự kiện đó phải được diễn ra trước khi chính thức tuyên bố người thắng cử.
Tôi biết khoảng một nửa số dân Hoa Kỳ không muốn nghe điều đó, nhưng đó là sự thật.
Chúng ta đã từng trải qua sự việc như thế này trước đây. Cách đây hai mươi năm, một phóng viên truyền hình trẻ tuổi đã đứng bên ngoài tư dinh của vị phó tổng thống ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn trong hơn 30 ngày để cập nhật cho người xem về thách thức của ngài phó tổng thống đối với việc kiểm đếm phiếu tại Florida. Phó Tổng thống Al Gore đã được trao cho hơn một tháng để tranh luận về cuộc bỏ phiếu đó. Cuộc chiến của ông đã lên đến tận Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.
Tôi còn nhớ điều này bởi vì tôi chính là người phóng viên đó. Ngày này qua ngày khác, những người biểu tình tụ tập bên ngoài dinh thự của ông Gore và hét lên: “Hãy ra khỏi nhà của Cheney!” (*Cheney là Phó Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, ông giữ chức vụ này từ năm 2001 đến 2009 dưới thời Tổng thống George W. Bush). Tuy nhiên, điều này không xảy ra cho đến khi cuộc chiến pháp lý kết thúc. Kết quả cuối cùng là ông Gore đã thua, và Hoa Kỳ đã chứng kiến sự chuyển giao quyền lực có trật tự khi ông George W. Bush trở thành vị Tổng thống thứ 43 của chúng ta vào ngày 20/01/2001.
Vậy tại sao các phương tiện truyền thông lại nhanh chóng tuyên bố cuộc bầu cử kết thúc khi chưa có một tiểu bang nào chứng nhận cuộc bỏ phiếu của mình? Tại sao họ lại đề đạt ông Joe Biden vào Tòa Bạch Ốc trước khi quá trình bầu cử được hoàn tất? Câu trả lời là: bởi vì họ có thể [làm điều đó]. Và bởi vì họ không bao giờ học được một bài học nào.
Trở lại năm 2000, tất cả các mạng lưới truyền hình lớn đã đi đến kết luận quá sớm, đưa ra các cuộc thăm dò ngoài phòng phiếu đầy sai sót (*cuộc thăm dò ngoài phòng phiếu là cuộc thăm dò hỏi ý kiến mọi người xem họ đã bỏ phiếu cho ai sau khi họ rời phòng phiếu để tìm ra người thắng cử), và tuyên bố rằng tiểu bang Florida đã chọn ông Gore làm tổng thống. Trong khi cuộc kiểm đếm phiếu buổi tối đó vẫn tiếp diễn, các mạng lưới truyền thông buộc phải rút lại tuyên bố của họ và nói phần thắng thuộc về ông Bush. Khi có thêm nhiều phiếu bầu đến trong đêm, các kênh truyền thông, vô cùng ngượng ngập, đã phải thừa nhận rằng kết quả bỏ phiếu quá sít sao để công bố ai thắng cử.
Hiện tại, chúng ta bổ sung thêm bằng chứng không thể chối cãi rằng cuộc thăm dò bầu cử tổng thống của các kênh truyền thông thường vô cùng không chính xác, và rằng có gì là ngạc nhiên khi sự tín nhiệm của công chúng vào truyền thông đã chạm đáy?
Nhìn xem, Joseph Robinette Biden Jr. rất có thể trở thành tổng thống tiếp theo của chúng ta. Nhưng để mượn một phép tượng hình phổ biến: Pháp luật có vai trò quan trọng. Quy trình có vai trò quan trọng. Hoa Kỳ quan trọng (#AmericaMatters). Khi đang viết bài báo này thì Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp Hoa Kỳ, cơ quan dẫn dắt việc chuyển giao quyền lực tổng thống, cho biết họ sẽ không bắt đầu đề xuất nguồn vốn cho quá trình chuyển giao như vậy cho đến khi người thắng cử chắc chắn được nêu tên “dựa trên quy trình được quy định trong Hiến pháp.”
Trong thời điểm hiện nay khi sự hoài nghi của người dân ngày càng gia tăng, chúng ta cần phải biết được những thủ tục bầu cử là đáng tin cậy. Điều gì sẽ xảy ra nếu gian lận bầu cử trên diện rộng bị phơi bày? Điều gì sẽ xảy ra nếu kết quả kiểm phiếu lại của một tiểu bang chiến địa cho ra một kết quả khác? Chỉ đơn giản lau trứng thối trên mặt giới truyền thông sẽ không chữa lành được những vết thương chia rẽ nội bộ quốc gia. Trên thực tế, nó còn khắc sâu thêm [những vết thương đó].
Bất kể cuối cùng ai sẽ chuyển vào Tòa Bạch Ốc trong năm tới, các công dân Hoa Kỳ cần phải tìm ra một giải pháp để cùng nhau hàn gắn kết cấu quốc gia đã bị chia tách một cách thậm tệ bởi những cuộc luận chiến chính trị, sự phân biệt chủng tộc, bạo lực đường phố (núp dưới bóng biểu tình hợp pháp), và thiệt hại do đại dịch gây ra đối với nền kinh tế và sự bình yên trong tâm trí của chúng ta. Chúng ta không thể tiếp tục theo cách chúng ta đã làm.
Vị tổng thống yêu mến của tôi, ngài Abraham Lincoln, đã từng cảnh báo: “Một ngôi nhà bị chia rẽ sẽ không thể đứng vững được” và “Nếu chúng ta chùn bước và đánh mất sự tự do của mình, điều đó nghĩa là vì chúng ta đã tự tiêu diệt chính mình.” Người ta tranh cãi về việc liệu những trích dẫn đó có được ghi lại chính xác hay không, nhưng rõ ràng là ngài Lincoln đã cảnh báo quốc gia về những ảnh hưởng lâu dài mà sự chia rẽ sâu sắc về chế độ nô lệ có thể gây ra. Hiện tại, chúng ta đang bị chia rẽ theo một cách tương tự như vậy.
Đã đến lúc nhận ra rằng xã hội không tưởng (utopia) không tồn tại ở đây trên trái đất này. Đã đến lúc ngừng tin rằng chính phủ có thể giải quyết tất cả những vấn đề của chúng ta. Đã đến lúc mỗi công dân Hoa Kỳ thực thi sứ mệnh hàn gắn những chia rẽ giữa người với người theo cách tốt nhất mà họ biết. Đã đến lúc mọi người phải thực hiện [điều đó] một cách công bằng và không chờ mong tự động nhận được sự đối xử đặc biệt.
Không, đất nước này không hoàn mỹ. Tuy nhiên mỗi ngày, tại những thị trấn nhỏ và những thành phố lớn trên toàn quốc, các công dân Hoa Kỳ [đang] khiến nó trở nên tốt đẹp hơn, công bằng hơn. Đất nước này xứng đáng để [chúng ta] cống hiến, hướng tới một hợp chủng quốc hoàn thiện hơn, và trong khi cuộc chiến cho sự minh bạch của cuộc bầu cử cuối cùng này vẫn đang tiếp diễn, thì mỗi người chúng ta cần phải kiên nhẫn và để quá trình này diễn ra tự nhiên.
Bà Diane Dimond là một tác giả và phóng viên điều tra. Cuốn sách mới nhất của bà là “Suy nghĩ Mở rộng ra ngoài Tội ác và Công lý”.
Quan điểm được trình bày trong bài viết là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.