Sự thật đằng sau chuyến Nam chinh của Đặng Tiểu Bình qua con mắt của chứng nhân lịch sử
Gần đây, một loạt bài báo đã được đăng với nhan đề “30 năm Công du phương Nam của Đặng Tiểu Bình” trên DWNews, một cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) nhắm vào độc giả nói tiếng Hoa ở hải ngoại.
Tháng 01/1992, ông Đặng đến Thâm Quyến, một thành phố phía nam Trung Quốc, trong nỗ lực giành lại quyền lực của mình ở Trung Quốc trong bối cảnh các đối thủ của ông đang đấu tranh chính trị gay gắt.
Mặc dù tiết lộ một số thông tin lịch sử quan trọng, nhưng dù sao loạt bài báo này vẫn bám theo bộ khung chính sử của ĐCSTQ, đồng thời có rất nhiều sự điều chỉnh và giản lược bối cảnh lịch sử. Trên thực tế, những bài báo này đều là những tác phẩm tẩy não mới mà ĐCSTQ nhào nặn nên.
Với tư cách là trợ lý của Thủ tướng đương thời Triệu Tử Dương, cá nhân tôi đã tận mắt chứng kiến và tham gia vào một số sự kiện trước chuyến công du của ông Đặng. Tôi muốn làm rõ sự thật đằng sau chuyến công du đó, và cho thấy cách ông Đặng đã làm xáo trộn công cuộc cải cách kinh tế trong nước của Trung Quốc và đã bị mất ảnh hưởng như thế nào trong giới lãnh đạo cao cấp nhất của ĐCSTQ.
Chính biến giữa các đầu sỏ chính trị của ĐCSTQ những năm 1980
Vào đầu những năm 1980, không lâu sau khi nhà lãnh đạo thế hệ đầu tiên của chế độ Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông qua đời vào năm 1976, hai đầu sỏ chính trị đã buộc người kế nhiệm của ông Mao là ông Hoa Quốc Phong từ chức và thâu tóm quyền lực của ông. Hai vị đầu sỏ chính trị này — Đặng Tiểu Bình và Trần Vân — có các chính sách và thế mạnh không giống nhau.
Ông Đặng và những người ủng hộ ông đã kiểm soát quân đội Trung Quốc, cái mà ĐCSTQ gọi là “họng súng”, và các chính sách của họ đặt trọng tâm vào cải cách kinh tế.
Ông Trần và phe nhóm của ông ta đã ăn sâu bám rễ trong hệ thống nhân lực của ĐCSTQ, ban tuyên truyền và các bộ phận kinh tế khác nhau của Quốc vụ viện, một cơ quan chính phủ cao cấp nhất tương tự như nội các ở các nước phương Tây. Ông Trần và thuộc hạ của ông nhấn mạnh rằng ĐCSTQ không được từ bỏ nền kinh tế kế hoạch.
Hai phe này không ngừng tranh đấu và là gốc rễ gây ra sự mất cân bằng lớn giữa cán cân chính sách và cán cân chính trị của ĐCSTQ trong những năm 1980.
Ông Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang), khi đó đang giữ chức thủ tướng, nhận thấy rất khó để tạo ra bước đột phá trong các chính sách kinh tế của Trung Quốc mà không làm thay đổi cán cân chính trị giữa hai phe cánh này. Tuy nhiên, ông ấy đã giải quyết ổn thỏa một số trường hợp bằng cách sử dụng mạng lưới thân thiết giữa các cấp lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ.
Sau đây là một ví dụ điển hình về cách ông Triệu xoay sở để kế hoạch của mình được cả hai nhà đầu sỏ chính trị chấp thuận.
Tháng 09/1984, ông Triệu đã tiến hành một cuộc cải cách kinh tế đô thị. Để hợp pháp hóa về mặt chính trị và tư tưởng cho công cuộc cải cách này trong nội bộ đảng, ông đã nhờ ông Mã Hồng (Ma Hong), Phó Tổng thư ký đương thời của Quốc vụ viện, soạn thảo một báo cáo có nhan đề “Nền kinh tế kế hoạch xã hội chủ nghĩa là một nền kinh tế hàng hóa có kế hoạch dựa trên sở hữu công”, thực ra có nghĩa là “nền kinh tế kế hoạch hóa là nền kinh tế hàng hóa” sau khi xóa bỏ toàn bộ thuộc ngữ. (*)
Ông Triệu đã nhận được sự ủng hộ đầu tiên của ông Đặng về bản kế hoạch cải cách kinh tế đô thị của mình; sau đó ông đã sử dụng bản báo cáo đó để kiểm tra thái độ của ông Trần Vân về các kế hoạch cải cách, vì ông Trần đã kiên quyết phản đối nền kinh tế thị trường. Thế nhưng, vì ông Trần đã vun đắp một mối quan hệ cá nhân dựa trên sự tin tưởng và cảm kích (giữa cấp trên và cấp dưới) với ông Mã khi họ làm việc ở Diên An trong những năm đầu, nên ông Trần đã không từ chối các đề nghị cải cách kinh tế đô thị trong báo cáo của ông Mã.
Nhận được phản hồi tích cực từ cả ông Đặng lẫn ông Trần, kế hoạch cải cách của ông Triệu đã được thông qua tại phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa XII. Dường như ông đã đạt được một số tính hợp pháp cho cuộc cải cách kinh tế mà ông đang thực hiện ở Trung Quốc.
Đặng Tiểu Bình làm rối loạn kế hoạch cải cách kinh tế đô thị của Triệu Tử Dương
Năm 1987, ông Triệu trở thành Tổng bí thư của ĐCSTQ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng ông ấy, một nhà lãnh đạo hàng đầu của ĐCSTQ, đã vấp phải chướng ngại lớn trong việc khai triển kế hoạch cải cách kinh tế đô thị của mình.
Đầu tiên, ông Triệu không thể mong đợi bất kỳ sự giúp đỡ nào từ Thủ tướng Lý Bằng (Li Peng), một người không am hiểu chút nào về kinh tế vĩ mô.
Ngoài ra, ông Triệu còn phải đối mặt với sự phản kháng bí mật của các quan chức kinh tế kế hoạch do ông Trần Vân đại diện.
Thứ ba, ông Đặng, người từng là chủ tịch quân ủy trung ương của ĐCSTQ, muốn gây ảnh hưởng và can thiệp vào công việc kinh tế của chính phủ.
Tháng 05/1988, ông Đặng can thiệp vào lĩnh vực kinh tế và yêu cầu Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị của ĐCSTQ kiểm tra xem liệu hệ thống vật giá kế hoạch (còn gọi là ‘hệ thống hai giá’) có thể được cải cách thành hệ thống vật giá thị trường trong vòng ba đến năm năm hay không. Ông bảo họ “không sợ bất kỳ rủi ro nào” và phải “giải quyết dứt điểm các vấn đề về vật giá chỉ trong một lần.” Cuộc cải cách vật giá của ông đã làm thay đổi cuộc cải cách kinh tế tổng thể của ông Triệu, và hành động liều lĩnh của ông sau này được gọi là “đột phá tình thế gay go của vật giá”.
ĐCSTQ đã thực hiện nền kinh tế kế hoạch kể từ khi đảng này lên nắm quyền. Chế độ cộng sản kiểm soát chặt chẽ mọi nguồn lực và giá cả của họ. Ngay cả giá của một hộp diêm cũng phải do chính phủ ấn định.
Ông Triệu đã lên kế hoạch cải cách hệ thống giá cả theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung này một cách từ từ và có hệ thống, có tính đến các cải cách khác như tiền lương và các công ty quốc doanh, trong khuôn khổ của cuộc cải cách kinh tế toàn diện. Nhưng ông Đặng muốn gấp rút cải cách hệ thống vật giá, điều này có thể dẫn đến việc giá cả tăng lên quá cao, và có thể gây ra tình trạng mua bán hoảng loạn và dẫn đến bất ổn xã hội.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ đã tổ chức một cuộc thảo luận về vấn đề này và đạt được đồng thuận về tám điểm, mà về căn bản là trái ngược với cách suy nghĩ của ông Đặng, và ủng hộ việc hạn chế điều chỉnh đối với một số mức giá nhất định.
Nếu như [tám] ý kiến này không được công bố ra, thì nó đã không gây ra tình trạng hỗn loạn trong quảng đại quần chúng nhân dân Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Đặng đã tận dụng cơ hội này để hội ý người bên ngoài nhằm gây áp lực lên ông Triệu và các thành viên khác trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, buộc họ phải chấp nhận quan điểm của ông. Trong các cuộc gặp với khách ngoại quốc từ ngày 19/05 đến ngày 03/06/1988, ông nói với những vị khách ngoại quốc của mình rằng chính phủ Trung Quốc đã quyết định thực hiện cải cách giá cả.
Ông đã dùng chức vụ bí thư quân ủy trung ương để nói về các chính sách kinh tế của Trung Quốc, mà thực tế việc đó không nằm trong phận sự của ông. Hơn thế, ông còn gây sức ép lên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị buộc họ phải làm theo ý ông bằng cách cố tình tiết lộ thông tin cho người ngoại quốc, bắt chước cách mà người tiền nhiệm Mao Trạch Đông thường làm.
Lúc bấy giờ, tôi giữ chức giám đốc văn phòng nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Cải cách Hệ thống Kinh tế Trung Quốc. Cơ quan nhà nước cao nhất giám sát công cuộc cải cách của Trung Quốc là Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đã tổ chức một hội nghị tại khách sạn Kinh Tây khi ông Đặng thông báo với quan khách ngoại quốc rằng Trung Quốc sẽ thực hiện [chính sách] “đột phá tình thế gay go của vật giá”.
Tôi và nhiều đồng nghiệp của tôi đã phản đối cuộc cải cách hệ thống giá cả cực đoan và liều lĩnh của ông Đặng, vì chúng tôi cho rằng đó không phải là một quyết sách hay. Tuy nhiên, tất cả các thành viên hội đồng còn lại đều ủng hộ chính sách giá của ông Đặng. Trong hội nghị ở khách sạn Kinh Tây này, Ủy ban Cải cách đã xóa bỏ đề nghị của tôi khỏi tất cả các tài liệu cuộc họp.
Các cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc thi nhau đưa tin về chính sách cải cách giá cả của ông Đặng, gây ra tâm lý hoang mang trong công chúng, kéo theo đó là cuộc chạy đua quyết liệt của các ngân hàng trên toàn quốc và mua vào hoảng loạn. Giá cả tăng nhanh chóng, và tình hình kinh tế đã trở nên rất nguy khốn.
Ông Triệu không tin rằng kế hoạch cải cách giá cả hấp tấp của ông Đặng sẽ thành công; nhưng với tư cách là một nhà lãnh đạo chủ chốt trong cải cách kinh tế, ông không có tư cách phản đối trực tiếp các kế hoạch của ông Đặng. Vì vậy, ông đã tận dụng mọi cơ hội để nói ra ý kiến của mình, rằng cải cách giá cả chỉ có thể thành công nếu nó đi kèm với cải cách doanh nghiệp. Ông cũng mời các nhà kinh tế của ông Đặng đến văn phòng của mình để nói chuyện, hy vọng họ sẽ thuyết phục ông Đặng thay đổi ý định. Nhưng ông Triệu không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ những người đồng cấp cũng như các chuyên gia đó.
Phe của Trần Vân đã góp phần vào sự thất bại trong cuộc cải cách giá cả của Đặng Tiểu Bình
Ông Trần có một trợ thủ rất đắc lực là ông Diêu Y Lâm (Yao Yilin), lúc đó là phó thủ tướng đảm trách hoạch định và quản lý kinh tế. Mặc dù cả hai đều phản đối kế hoạch cải cách giá cả của ông Đặng nhưng họ không phản đối ông Đặng một cách công khai. Thay vào đó, ông Trần và ông Diêu đã làm sự việc rầm rộ lên cho thiên hạ biết — họ đã tổ chức nhiều phiên họp và hội thảo khác nhau về kế hoạch cải cách giá cả của ông Đặng và trưng cầu ý kiến từ các học giả về đề nghị cải cách giá cả/mức lương. Nhưng những biện pháp mang tính hình thức này nhằm mục đích đánh lừa ông Đặng, người được biết là không chú ý đến tiểu tiết.
Tuy nhiên, chiến dịch tuyên truyền của họ đã kích động sự hoảng sợ trong dân chúng, và vào mùa hè năm 1988, lạm phát cao đã góp phần làm tăng thêm “làn sóng chi tiêu trên toàn quốc và hoạt động rút tiền ồ ạt nhất của ngân hàng trong lịch sử Trung Quốc”.
Khi ông Trần đoán chắc rằng ông Đặng sẽ thua trong chuyện này, ông ấy đã bước vào và nói rằng phải lập tức dừng ngay cuộc cải cách vật giá. Ông cũng đề nghị chấn chỉnh cải cách, đồng thời yêu cầu các cơ quan quản lý nền kinh tế kế hoạch phải quay lại kiểm soát các hoạt động kinh tế của Trung Quốc.
Ông Đặng đành phải chấp nhận ý kiến của ông Trần. Vào tháng 09/1988, chính quyền trung ương của ĐCSTQ tuyên bố bãi bỏ cải cách vật giá. Vật giá ở Trung Quốc đã giảm xuống sau khi tái thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ.
Trong cuộc đối đầu này với ông Trần, ông Đặng đã gặp phải những thất bại chính trị lớn và đã để cho ông Trần có nhiều tiếng nói hơn trong các quyết sách kinh tế của Trung Quốc. Thế nhưng ông Đặng lại đổ lỗi cho ông Triệu về sự thất bại của kế hoạch cải cách giá cả.
Ông Triệu, vật tế thần cho sự thất bại của ông Đặng, đã không thể tự bảo vệ mình trong cuộc bể dâu chính trị này. Tuy nhiên, việc các bản tin truyền thông đã rao giảng về cuộc cải cách giá cả của ông Đặng có thể chứng minh rằng ông Triệu vô tội.
Năm 1989, khi ông Triệu phản đối việc ông Đặng chỉ thị tiến hành một cuộc đàn áp quân sự đối với các cuộc biểu tình của sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn, ông Đặng đã sa thải ông khỏi vị trí tổng bí thư của ĐCSTQ và đề bạt ông Giang Trạch Dân vào thế chỗ.
Ông Triệu bị quản thúc tại gia trong 16 năm cho đến khi ông qua đời, tức là năm 2005.
Vị thế của ông Trần và phe nhóm của ông bị suy yếu sau khi ông Đặng thất bại trong cuộc cải cách giá cả liều lĩnh và hấp tấp của mình vào năm 1988. Việc ông Đặng ra lệnh cho quân đội đàn áp các cuộc biểu tình của sinh viên đã khiến ông không được lòng về mặt chính trị. Giang Trạch Dân, mặc dù được ông Đặng đề bạt, nhưng giờ lại tiếp gót ông Trần.
Ông Đặng muốn giành lại quyền lực của mình bằng cách lợi dụng cải cách kinh tế, điều này đối lập với nền kinh tế kế hoạch của ông Trần và là vũ khí để ông sử dụng chống lại ông Trần. Vì Thâm Quyến là một trong những thành phố đầu tiên của Trung Quốc mở cửa giao thương với thế giới, nên thành phố này là biểu tượng cho công cuộc cải cách và mở cửa của Trung Quốc. Do đó, ông Đặng quyết định Nam chinh một chuyến, và chính tại thành phố này, ông đã đưa ra lời cảnh cáo nổi tiếng gửi đến các đối thủ chính trị của mình: “Ai chống lại cải cách thì người đó phải từ chức”.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Trình Hiểu Nông (Cheng Xiaonong) là một học giả về chính trị và kinh tế Trung Quốc sinh sống tại New Jersey. Ông Trình từng là một nhà nghiên cứu chính sách và là phụ tá của cựu lãnh đạo Trung Cộng Triệu Tử Dương. Ông cũng từng là chủ biên của Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc Hiện đại.
Ghi chú của dịch giả: (*) Theo cách hiểu hiện đại, nền kinh tế hàng hoá tương đương với nền kinh tế thị trường, do đó, cách diễn đạt này cũng có thể hiểu là “Nền kinh tế kế hoạch hoá xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường”.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: