Sự suy yếu của quân đội Hoa Kỳ đang giúp sức cho Trung Cộng như thế nào?
Trong một bài xã luận gần đây cho Nam Hoa Tảo Báo (South China Morning Post), bà Trương Tử Ngọc (Ziyu Zhang) đặt ra câu hỏi như sau: Hoa Kỳ hay Trung Quốc, ai có quân đội mạnh hơn?
Bà viết rằng, “Trung Quốc đang tiến về phía trước với các kế hoạch biến Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) thành một lực lượng chiến đấu hiện đại vào năm 2027—đúng dịp kỷ niệm tròn một trăm năm thành lập PLA—khi căng thẳng với Hoa Kỳ ngày càng gia tăng.” Cô lập luận rằng Trung Quốc đang có rất nhiều những bước tiến rõ rệt. Đáng lo ngại thay, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ dường như đồng tình với cô ấy. Mặc dù quân đội Hoa Kỳ vẫn là lực lượng hùng mạnh nhất thế giới, nhưng chính phủ Tổng thống (TT) Biden dường như đang làm tất cả trong khả năng của mình để làm suy yếu lực lượng này. Bằng cách đảo ngược các chính sách dưới thời chính phủ cựu TT Trump, chính phủ mới này hiện đang cho phép ngày càng nhiều thành viên chuyển giới vào phụng sự [trong quân đội]. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, quyết định này đã nhận được sự khen ngợi từ các kênh thông tấn cấp tiến. Thế nhưng, quyết sách của ông Biden chẳng có chút gì là sáng suốt. Trên thực tế, điều này cuối cùng có thể khiến đất nước Hoa Kỳ phải trả giá đắt.
Các chính sách sai trái
Một tháng trước, ông Denis McDonough, Bộ trưởng đương nhiệm của Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ, thông báo rằng Quân đội Hoa Kỳ sẽ sớm tiến hành phẫu thuật chuyển giới cho các quân nhân chuyển giới. Hồi tháng Tư, Bộ Quốc phòng đã đưa ra một tuyên bố phác thảo những cách thức mà các quân nhân có thể, nếu họ muốn, chuyển đổi giới tính trong thời gian tại ngũ. Bây giờ, có vẻ hiển nhiên khi nói ra điều sau đây, nhưng việc lựa chọn chuyển đổi giới tính là một quyết định trọng đại trong đời. Người Mỹ có muốn những ai, tất cả những ai đang được trả lương để bảo vệ đất nước, bị phân tâm bởi những quyết định thay đổi cuộc đời như vậy hay không? Quý vị có muốn sử dụng dịch vụ của một bác sĩ phẫu thuật bị phân tâm bởi các vụ kiện sắp xảy đến, hoặc một nha sĩ bị phân tâm bởi ý nghĩ tự vẫn? Dĩ nhiên là không rồi. Nếu có thể và khi có thể, chúng ta [sẽ] đặt mạng sống của mình vào tay những cá nhân có năng lực và tập trung cao độ.
Sức khỏe tâm thần và tự sát trong quân đội
Như bà Katherine Schreiber của tờ tạp chí Psychology Today đã lưu ý, “những người được xác định là chuyển giới có xu hướng gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần với tỷ lệ cao hơn so với người dân thông thường.” 6.7% dân số Hoa Kỳ nói chung phải vật lộn với chứng trầm cảm và khoảng 19% gặp vấn đề với một số dạng rối loạn lo âu (hậu chấn tâm lý PTSD, rối loạn do ám ảnh thúc đẩy OCD, rối loạn hoảng sợ, ám ảnh xã hội, v.v.) Tuy nhiên, đối với các thành viên trong cộng đồng chuyển giới, như bà Schreiber lưu ý “gần một nửa số người được xác định là chuyển giới đều trải qua những vấn đề này. Hơn nữa, ước tính có hơn 41% đàn ông và phụ nữ chuyển giới đã cố gắng tự tử—một tỷ lệ cao gấp gần chín lần so với tỷ lệ của những người Mỹ không chuyển giới.” Đây là những con số thống kê vô cùng đáng lo ngại, đặc biệt là khi người ta nhận ra rằng quân đội đã thực sự gặp vấn đề với hành vi tự sát. Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Thomas Suitt tại Đại học Boston, gần đây đã công bố một báo cáo đáng báo động khi phân tích tỷ lệ tự sát trong các thành viên của quân đội. Theo nghiên cứu sinh này, binh lính Mỹ có khả năng tự kết liễu đời mình cao gấp bốn lần so với bị sát hại trong chiến đấu. Như anh Suitt đã lưu ý, kể từ sau vụ 11/09, tỷ lệ tự tử ở Mỹ đã tăng đều đặn. Tuy nhiên, trong số “các quân nhân tại ngũ và cựu chiến binh,” tỷ lệ tự sát cao hơn đáng kể, “vượt xa những người Mỹ bình thường.” Kể từ năm 2001, như anh Suitt viết, “30,177 quân nhân tại ngũ và cựu chiến binh đã qua đời do tự sát,” nhiều hơn gấp bốn lần so với số binh sĩ “thiệt mạng trong các hoạt động chiến tranh hậu 11/09.”
Tất nhiên, không có lý do duy nhất nào để giải thích tại sao ngày càng có nhiều binh sĩ tự kết liễu đời mình. Nguyên tắc Anna Karenina có thể áp dụng ở cấp độ cá nhân cũng như gia đình. Mỗi cá nhân đều khác nhau, và mọi người tự tử vì những lý do khác nhau. Tuy nhiên, như anh Suitt lưu ý, các vấn đề sức khỏe tâm thần sẵn có từ trước dường như đóng một vai trò quan trọng. Đặc biệt, tổn thương thời thơ ấu là một yếu tố dự báo chính cho nguy cơ tự tử. Anh Suitt đã viết rằng, “Gần 3/4 tân binh trong quân đội có báo cáo về những trải nghiệm đau thương trước khi nhập ngũ và 1/5 trong số đó đã nếm trải nạn lạm dụng trẻ em. Nghiên cứu đã nhận thấy mối liên kết chặt chẽ giữa việc bị lạm dụng thời thơ ấu với các hành vi tự sát, thậm chí còn tính đến các tổn thương mới mà các quân nhân có thể trải qua trong quân ngũ.”
Điều này đưa chúng ta trở lại quyết định gần đây của chính phủ TT Biden. Chúng ta phải nghĩ gì đây? Báo cáo của anh Suitt là một bài viết hấp dẫn và mọi lý do trong đó khiến người ta tin rằng càng nhiều cá nhân chuyển giới trong quân đội thì sẽ dẫn đến càng nhiều vụ tự tử hơn một cách đáng kể. Đó là trước khi chúng ta tính đến thực tế rằng những cá nhân có vấn đề về sức khỏe tâm thần không chỉ là mối nguy hiểm cho bản thân họ mà còn là mối nguy hiểm cho đồng đội của họ. Ví dụ, những người đang vật lộn với chứng trầm cảm, có nhiều khả năng bị sương mù não, làm suy giảm các kỹ năng tư duy, chẳng hạn như sự chú ý, trí nhớ hoặc ra quyết định. Nếu một người bị bệnh như vậy ngẫu nhiên trở thành một người lính trên chiến trường, sự suy giảm chức năng [trí óc] ở mức độ nghiêm trọng như thế này có thể phải trả giá bằng mạng sống.
Quân đội Hoa Kỳ đang trở thành gì?
Như trang Military.com đã đề cập ở trên, quân đội “tồn tại để phục vụ người dân Mỹ, bảo vệ quốc gia, bảo vệ lợi ích quan trọng của quốc gia và hoàn thành các trách nhiệm quân sự quốc gia.” Cứ cho rằng tôi là một người bi quan, nhưng tôi chưa thấy được việc chiêu mộ thêm thành viên chuyển giới sẽ giúp ích thế nào cho việc hoàn thành sứ mệnh này. Đối với Đảng Dân Chủ, còn được gọi là đảng của khoa học, dữ liệu này thực sự sẽ tự nói lên tất cả. Qua việc những người chuyển giới có khả năng phục vụ trong quân đội cao gấp đôi so với những người không chuyển giới, thì những câu hỏi quan trọng cần được đặt ra. Đây là những câu hỏi về sự sống hay cái chết, câu hỏi mang tính sinh tồn nhất về bản chất. Trong khi Trung Cộng tập trung vào việc xây dựng lực lượng quân đội hùng mạnh nhất trong lịch sử, thì chính phủ ông Biden vẫn tiếp tục đưa ra những quyết định liều lĩnh, thiếu sáng suốt. Quyết định đảo ngược lệnh của ông Trump cấm người chuyển giới phục vụ trong quân đội có lẽ chứng tỏ là [quyết định] phải trả cái giá đắt nhất.
Tác giả John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, The American Conservative, National Review, The Public Discourse, và những tờ báo danh tiếng khác. Ông cũng là một ký giả chuyên mục tại Cointelegraph.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do John Mac Ghlionn thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: