Sự ra đời của Vua Mặt Trời quả là thần kỳ?
Vua Louis XIV còn được biết đến dưới các danh hiệu như Louis Chúa ban (Louis-Dieudonné ), Louis Đại đế (Louis le Grand) hoặc Vua Mặt Trời (The Sun King; Le Roi Soleil). Ông trị vì trong 72 năm, là vị vua có thời gian tại vị dài nhất trong lịch sử nước Pháp. Nhà vua đã đưa nước Pháp trở thành quốc gia đứng đầu Âu Châu về nghệ thuật, văn chương, quân sự và trị quốc.
Một cuộc hôn nhân quốc gia
Vua Louis XIII kết hôn với Anne của nước Áo từ năm ông 14 tuổi. Đó là một cuộc hôn nhân quốc gia để gây dựng mối bang giao giữa Pháp và Tây Ban Nha. Mẫu thân của nhà vua, bà Marie de Médicis, đã buộc họ phải cử hành hôn lễ ngay trong ngày hôm đó. Họ chỉ mới 14 tuổi và mọi việc diễn ra thật tồi tệ, vua Louis XIII không muốn gặp mặt hoàng hậu trong vòng 4 năm.
Chuyện đáng buồn sau đó là hoàng hậu Anne đã bị sảy thai bốn lần, một lần trong số đó do lỗi của bà khi chạy xuống cầu thang và bị té ngã. Sau những sự việc đó, nhà vua trở nên lạnh nhạt với hoàng hậu.
Bà cũng từng tham gia vào một âm mưu đen tối do nữ công tước Chevreuse dàn dựng, nhằm loại bỏ Hồng y Richelieu và nhà vua để kết hôn với Gaston de France (còn có tên là Gaston d’Orléans), anh trai của nhà vua. Âm mưu này bị bại lộ, và những kẻ chủ mưu bị hành quyết. Kể từ thời điểm đó, hoàng hậu sống riêng ở cung điện Louvre và nhà vua sống trong cung điện của ông ở Saint-Germain hoặc ở Versailles, nơi hồi đó vẫn chỉ là một điểm dừng chân săn bắn.
Nhưng sự việc nổi bật hơn cả là khi Pháp gây chiến với Tây Ban Nha, vua Tây Ban Nha là anh trai của hoàng hậu Anne. Khi hoàng hậu viết thư cho anh trai, bà không chỉ gửi tin tức về gia đình mà còn cung cấp thông tin quân sự. Nhà vua phát hiện ra điều đó, ông đã cho người theo dõi hoàng hậu, mở thư từ của bà và đuổi tất cả các công chúa Tây Ban Nha khỏi triều đình. Họ kết hôn được 22 năm mà vẫn chưa có con. Sức khỏe của nhà vua không tốt nếu không muốn nói là khá yếu ớt, ông đã suýt qua đời hai hoặc ba lần và nếu ông không có người thừa kế, nước Pháp sẽ bị chia cắt.
Tiếng gọi Thần thánh
Một tín đồ tôn giáo trẻ tuổi tên là Denis Antheaume (thầy tu Fiacre) muốn gia nhập dòng thánh Augustins-Déchaussés. Khi vẫn còn là một người học việc, có lần Denis bị ngã bệnh. Gia đình anh nghèo khó, tu viện đón nhận anh cũng nghèo khó, nên anh lo lắng sẽ bị gửi trả lại gia đình. Tuy nhiên, một thầy tu chăm sóc sức khỏe cho anh đã trấn an bằng cách nói với anh rằng hoàng hậu chi trả chi phí thuốc men cho tất cả các thầy tu mắc bệnh.
Ngập tràn sự cảm động, vị thực tập sinh trẻ tuổi này, người cũng biết được nỗi niềm của hoàng hậu đã bắt đầu cầu nguyện cho bà sinh con. Anh cầu nguyện cho bà trong bốn năm và vào một ngày cuối của năm thứ tư, anh cảm thấy có một sự thôi thúc từ trong tâm: Hoàng hậu cần phải thực hiện ba lần cầu nguyện, mỗi lần cầu nguyện kéo dài chín ngày liên tục (tuần cầu nguyện cửu nhật).
Anh đã nói điều này với những tu sĩ nhưng họ đều phớt lờ. Sau đó, anh tiếp tục cầu nguyện và sau hai năm tiếp theo, trong phòng của mình, vào lúc 3 giờ sáng, ba lần, Đức Mẹ Đồng Trinh Maria đã hiện ra trên tay bế một đứa trẻ. Anh quỳ xuống, tưởng rằng đó là Chúa Jesus hài đồng, nhưng Đức Mẹ Maria nói với anh rằng đó không phải là Chúa Jesus hài đồng, mà là người con Thiên Chúa ban cho nước Pháp. Để có được điều này, hoàng hậu phải thực hiện ba lần cầu nguyện (ba tuần cửu nhật): một lần là ở Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris), một lần ở Nhà Thờ Đức Bà Thắng Lợi (Notre Dame des Victoires) – là nhà nguyện của Tu viện các Thầy tu Augustinô (do chính vua Louis XIII mới cho xây dựng), và một lần tại thánh địa nơi Đức Mẹ đã từng xuất hiện ở Provence.
Để giúp vị thầy tu không nhầm lẫn, Đức Mẹ triển hiện cho thấy mặt tiền bán nguyệt đặc trưng của nhà thờ Đức Mẹ Hồng Ân (Notre-Dame des Graces), cũng như bức tranh bên trong nhà thờ vẽ Đức Mẹ với mặt trăng dưới chân, đội vương miện bằng các ngôi sao trên đầu.
Sau đó thông điệp được chuyển tới triều đình, hoàng hậu tin vào điều đó nhưng nhà vua đã thông báo cho Hồng y Richelieu, người đã ra lệnh điều tra về đạo đức của các thầy tu và xác thực lời nói của họ. Cuộc điều tra bị kéo dài, thầy tu Fiacre quyết định tự mình thực hiện những lần cầu nguyện này tại Nhà thờ Đức Bà Paris và Nhà Thờ Đức Bà Thắng Lợi. Anh hoàn thành việc cầu nguyện vào ngày 05 tháng 12 năm 1637. Ngày hôm đó, nhà vua đang ở Paris để thăm một người bạn là thầy tu Melle de la Fayette. Tuy nhiên, khi quay trở lại Saint-Germain, một cơn bão khủng khiếp đã khiến không ai có thể đi qua các con đường và nhà vua buộc phải ở lại cung điện Louvre. Tối hôm đó, ông dùng bữa tại cung điện Louvre với hoàng hậu và nghỉ qua đêm với bà.
Và chín tháng sau…
Chín tháng sau, Louis Dieudonné – Louis XIV tương lai, đã ra đời. Khi hoàng hậu biết mình mang thai, bà đã cho mời thầy tu Fiacre đến triều đình vào tháng Hai và quỳ gối tạ ơn.
Sau đó, nhà vua cử thầy tu Fiacre thực hiện tuần cửu nhật thứ ba ở Cotignac (vùng Provence). Đến Cotignac, thầy tu Fiacre bước vào nhà thờ nhưng không thấy bức tranh. Ông đã bật khóc, nghĩ rằng ông chỉ bị ảo giác và tự nhủ rằng đã lừa dối nhà vua và hoàng hậu. Những giọt nước mắt và tiếng khóc đó đã khiến cho vị thầy tu chuẩn bị đồ cúng tế vội chạy đến, đưa thầy tu Fiacre đến gian phòng để đồ cúng tế. Và rồi ở đó, bức tranh được phục chế.
Vào tháng 8 năm 1638, vua Louis XIII làm lễ tạ ơn và hiến dâng bản thân ông, vương quốc của ông và thần dân của ông cho Thiên Chúa Ba Ngôi qua bàn tay của Đức Maria vào ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời. Chính từ thời điểm này, Lễ Đức Mẹ Lên Trời trở thành một ngày nghỉ lễ ở Pháp và Đức Mẹ Đồng Trinh Maria là vị Thánh bảo trợ của nước Pháp.
Vua Louis XIV sinh ngày 05 tháng 9 năm 1638. Vào tháng 2 năm 1660, ông 22 tuổi và khi ông đến Saint-Jean-de-Luz để đón vị hôn thê tương lai của mình, công chúa của Tây Ban Nha, ông quyết định cùng mẫu thân đi vòng qua Cotignac để cảm tạ Đức Mẹ Đồng Trinh đã ban tặng cuộc sống cho ông. Khi bước vào nhà thờ, vua cúi đầu trước Đức Mẹ Maria và dâng tặng bà sợi dây màu xanh lam lớn của ông, vật phẩm cao nhất trong vương quốc, cùng với một viên kim cương mà ông đeo trên ngón tay.
Cách mạng Pháp đã diễn ra…
Trong Cách mạng Pháp, các linh mục bị cách chức, tu viện trở thành nhà tù và sau đó bị phá hủy, thánh địa bị cướp phá. Có ba cô gái trẻ trong làng đã vượt qua sự giám sát của những kẻ công xã và đi vào khu thánh địa lúc ban đêm để cứu bức tranh Đức Mẹ Đồng Trinh đội vương miện các vì sao, bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh và trái tim của thầy tu Fiacre, người đã được chôn cất tại đây. Sau Hiệp ước Napoléon, Nhà thờ Đức Mẹ Hồng Ân được chính dân làng ở đây xây dựng lại.
Do Sarita Modmesaïb thực hiện
Thanh Vân biên dịch
Bản tiếng Pháp từ The Epoch Times Pháp ngữ
Xem thêm: