Sự ra đời của cây thông Noel
Cứ mỗi độ Giáng Sinh về, khung cảnh người người tấp nập mua đồ trang trí cho cây thông Noel đã trở nên quen thuộc. Từ bao giờ, điều này trở thành tập tục của nhiều nơi trên thế giới, là một cách để những tín đồ sùng đạo bày tỏ sự tôn kính với Chúa trong đêm thiêng liêng?
Rất lâu trước khi Cơ Đốc Giáo ra đời, cây thường xanh có ý nghĩa đặc biệt với con người vào mùa đông ở Bắc Bán Cầu. Ngày ngắn nhất và đêm dài nhất trong năm rơi vào ngày 21 hoặc 22 tháng 12 hay còn gọi là ngày Đông chí. Nhiều người cổ đại tin rằng Mặt Trời là một vị thần và mùa đông đến hàng năm vì Thần Mặt Trời đã trở nên ốm yếu. Họ tổ chức lễ Đông chí với hy vọng Thần Mặt Trời sẽ khỏe lại. Và những cành cây thường xanh mang ý nghĩa tất cả cây xanh sẽ lại đâm chồi nảy lộc khi Thần Mặt Trời phục hồi sức mạnh và mùa hè gõ cửa.
Người Ai Cập cổ đại tôn thờ thần Ra, họ thường đặt những cây cọ xanh trong nhà để kỷ niệm ngày Đông chí. Ở Bắc Âu, người Celt trang trí các ngôi đền của họ bằng những cành cây thường xanh biểu thị sự sống vĩnh cửu. Xa hơn về phía bắc, người Viking cho rằng cây thường xanh là cây của Balder, vị thần của ánh sáng và hòa bình. Người La Mã cổ đại đánh dấu ngày Đông chí bằng một bữa tiệc gọi là Saturnalia để tôn vinh Thần Nông nghiệp Saturn; họ cũng trang trí nhà cửa, đền thờ của họ bằng những nhánh cây thường xanh. Họ tin rằng, cây thường xanh giúp xua đuổi ma quỷ, vận rủi và bệnh tật. Đây trở thành tiền thân của cây thông Noel sau này.
Cây Giáng Sinh đã xuất hiện vào thế kỷ 16 ở Đức; theo lịch Thánh thời đầu của nhà thờ, ngày 24 tháng 12 là ngày của Adam và Eva, và người dân tổ chức tôn vinh họ trong đêm này. Họ diễn những vở kịch lớn ngoài trời, kể câu chuyện Sáng thế. Là một phần của buổi biểu diễn, “cây địa đàng” được dùng làm vật tượng trưng cho Vườn Địa Đàng; trên đó treo đầy trái cây, đôi khi có cả bánh quế, quả anh đào và bánh ngọt (ngày nay có thêm ngôi sao, chuông và các thiên thần). “Cây địa đàng” thường được diễn hành quanh thị trấn trước khi vở kịch bắt đầu như một cách quảng cáo cho vở kịch. Các vở kịch kể chuyện Kinh Thánh cho những người không biết đọc.
Còn ở Bắc Âu, những cây Giáng Sinh đầu tiên là chậu cây anh đào hoặc cây táo gai (hoặc chỉ dùng một nhánh cây này) được đặt trong nhà với hy vọng chúng sẽ ra hoa vào dịp Giáng Sinh. Nếu không đủ tiền mua cây thật, họ sẽ làm những kim tự tháp bằng gỗ bện dây thừng. Trên những kim tự tháp này, mỗi thành viên trong gia đình sẽ thắp một ngọn nến. Đôi khi chúng được mang đi khắp nơi từ nhà này sang nhà khác thay vì được trưng bày trong nhà.
Theo một số truyền thuyết, người đầu tiên mang cây thông Noel vào nhà chính là nhà truyền giáo người Đức Martin Luther. Chuyện kể rằng vào một đêm trước lễ Giáng Sinh, ông Luther đang trên đường đi bộ về nhà; lúc ngang qua khu rừng, ông bị thu hút bởi vẻ đẹp trong trẻo của ánh sao xuyên qua những nhành cây thông. Khung cảnh đẹp và huyền ảo tới mức ông đã chia sẻ với các con mình rằng nó nhắc nhở ông tới Chúa Jesus – Ngài đã giáng trần từ những ngôi sao trên trời vào đêm Giáng Sinh. Vì vậy, ông đã mua một cây thông và trang trí nến để thể hiện ánh sáng của những ngôi sao.
Một câu chuyện khác thì kể rằng Thánh Boniface ở Crediton (một ngôi làng ở Devon, Vương quốc Anh) đã rời nước Anh vào thế kỷ thứ 8 và đến Đức để truyền đạo cho các bộ lạc Đức theo Pagan Giáo (hay “ngoại giáo”) và cải đạo họ sang Cơ Đốc Giáo. Tại đây, ông đã bắt gặp một nhóm người ngoại giáo tụ tập quanh cây sồi và sắp hiến tế một cậu bé để tôn vinh thần Thor. Để ngăn chặn việc tế lễ, Thánh Boniface đã chặt cây sồi. Trước sự ngạc nhiên của ông, một cây linh sam non mọc lên từ rễ cây sồi. Thánh Boniface coi đây là dấu hiệu của đức tin Cơ Đốc và những người theo ông đã trang trí cây thông bằng nến để Thánh Boniface có thể thuyết giáo cho những người Pagan vào ban đêm.
Còn có một truyền thuyết khác từ nước Đức về sự xuất hiện của cây thông Noel. Trong một đêm giáng sinh lạnh giá, một người tiều phu và gia đình ông ta đang quây quần bên lò sưởi thì bỗng có tiếng gõ cửa. Khi mở cửa ra, ông bắt gặp một cậu bé tội nghiệp đứng trên bục cửa với vẻ mặt lạc lõng và cô độc. Ông đón cậu bé vào nhà, cho ăn uống, tắm rửa, và ngủ trên giường của cậu con trai út. Sáng hôm sau, cả gia đình ông được đánh thức bởi một dàn hợp xướng của thiên thần. Cậu bé tội nghiệp đã biến thành Chúa Hài Đồng và đi vào khu rừng phía trước, bẻ một nhành cây thông rồi tặng cho gia đình như một món quà cảm ơn.
Kể từ đó, người dân mang một cây thông vào trong nhà để tưởng nhớ đêm kỳ diệu ấy. Sắc xanh vĩnh cửu của cây thông tượng trưng cho sức sống mãnh liệt và khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Hình dạng tam giác tượng trưng cho ba ngôi – một biểu tượng của Chúa Jesus và sự tái sinh. Cây thông Noel nhắc nhở mọi người hãy trân trọng tự nhiên và hướng tới cuộc sống vĩnh hằng.
Nhưng chỉ đến thế kỷ 19, khi Nữ hoàng Victoria trang trí nến, bánh kẹo và đặt quà xung quanh cây thông vào đêm Giáng Sinh thì đây mới trở thành một tục lệ trên toàn thế giới. Năm 1846, tờ London News vẽ một bức tranh Nữ hoàng Victoria và chồng bà, Hoàng tử Albert quây quần cùng các con bên cây thông Noel. Với tầm ảnh hưởng của mình, Nữ hoàng đã biến điều này trở nên thịnh hành không chỉ ở Anh Quốc mà khắp Âu Châu. Tuy nhiên, phải mất một thời gian, cây thông Noel mới là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Mỹ. Tổng thống Franklin Pierce (1804-1869) đã trang trí cây thông Noel đầu tiên trong Tòa Bạch Ốc vào giữa những năm 1850. Tổng thống Calvin Coolidge (1885-1933) bắt đầu buổi lễ “National Christmas Tree Lighting Ceremony” trên bãi cỏ của Tòa Bạch Ốc vào năm 1923.
Ngày nay, cây thông Noel quen thuộc với cả người Việt Nam. Không chỉ những tín đồ Thiên Chúa Giáo hay Cơ Đốc Giáo mới trang trí cây thông, những người không theo đạo cũng muốn hòa vào không khí nhộn nhịp của ngày lễ.
Đồ trang trí cây thông cũng phong phú hơn, mỗi vật đều có một ý nghĩa biểu tượng. Ánh đèn trên cây thông đại diện cho ánh sáng của Chúa, tầm quan trọng của sự giác ngộ, tri thức và sự ấm áp của gia đình. Những vật màu đỏ ám chỉ máu của Chúa Jesus hay sự hy sinh của Ngài. Trên đỉnh cây thông có kèm một ngôi sao hoặc một thiên thần, nhấn mạnh về sự ra đời của Chúa Jesus. Ruy băng và vòng hoa thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình. Cây thông Noel không chỉ đơn thuần là vật trang trí mà đã trở thành một biểu tượng tinh thần của nhiều người dân trên khắp thế giới vào mỗi dịp Giáng Sinh.
Mộc Lam tổng hợp
Xem thêm: