Trung Quốc: Sự phục hồi từ nền kinh tế COVID gặp phải trở ngại bất ngờ từ biến thể Delta
Ban đầu Trung Quốc được kỳ vọng sẽ phục hồi từ nền kinh tế trong COVID, [tuy nhiên] nước này hiện nay đang phải vật lộn với những hạn chế mới.
Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên kiểm soát được sự bùng phát COVID và nối lại hoạt động kinh tế. Điều này đưa Trung Quốc vào vị trí duy nhất về tăng trưởng kinh tế, trong khi phần còn lại của thế giới chứng kiến những nền kinh tế đang chững lại. Vào tháng Sáu, hoạt động công nghiệp, tiêu dùng và đầu tư [của Trung quốc] đều có vẻ hứa hẹn, nhưng vào tháng Bảy, những con số này bắt đầu giảm dần. Các đợt bùng phát biến thể Delta gần đây đã khiến Trung Quốc phải áp dụng lại các biện pháp phong tỏa ở nhiều thành phố, làm chậm tốc độ tăng trưởng sản lượng các nhà máy và doanh số bán lẻ của Trung Quốc. Vào tháng 07/2020, doanh số bán lẻ tăng 12.1%, so với 8.5% vào tháng 07/2021. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng từ 5% vào tháng Sáu lên 5.1% vào tháng Bảy. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên chạm mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Sản xuất xe hơi giảm, trong khi lĩnh vực bất động sản cũng đang chậm lại. Khi nhu cầu lao động trong các lĩnh vực này giảm, các chuyên gia kỳ vọng tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng ở nhóm lao động có kỹ năng thấp.
Phản ứng với sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc, Goldman Sachs, Morgan Stanley và các tổ chức khác đã giảm dự báo tăng trưởng Trung Quốc của họ. Ban đầu, tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc dự kiến đạt 8.6 % đến 8.9 %, nhưng con số đó hiện đã bị hạ xuống 8.2 % hoặc 8.3 %. Tương tự, ING Bank đã giảm dự báo tăng trưởng quý III của Trung Quốc từ 5.5% xuống 4.5% .
Ít nhất ở 17 tỉnh đã xảy ra sự bùng phát của biến thể Delta với 143 trường hợp nhiễm mới hàng ngày, cao hơn gấp đôi so với tuần trước. Liên hoan phim quốc tế hàng năm đã bị hủy bỏ cũng như các cuộc triển lãm và các sự kiện công cộng khác. Bắc Kinh cũng đã ngăn chặn máy bay và tàu hỏa từ các điểm nóng coronavirus. Lĩnh vực du lịch trong nước đã bị ảnh hưởng, ngay cả ở những nơi sẵn sàng tiếp nhận khách từ các vùng khác của đất nước, bởi vì các nhà quản lý của nhiều công ty quốc doanh đã chỉ đạo nhân viên của họ không được đi du lịch. Do đó, các công ty du lịch buộc phải hoàn lại tiền. Những hạn chế đi lại trong nước này đặc biệt gây tác hại, vì chúng đến vào tháng Tám, khi mọi người thường đi du lịch và tiêu tiền. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các hạn chế mới là các lĩnh vực bán lẻ, nhà hàng, du lịch và vận tải, tất cả các lĩnh vực này vẫn đang quay cuồng với các đợt phong tỏa đại dịch trước đó.
Trung Cộng đã đóng cửa một phần lớn của ít nhất một cảng quan trọng. Meidong Terminal, nơi chịu trách nhiệm xử lý 25% hàng hóa tại cảng Ningbo-Zhoushan, cảng bận rộn thứ ba trên thế giới, đã bị đóng cửa. Các hạn chế COVID trên khắp thế giới đã làm tăng tỷ lệ vận chuyển lên tới 63%. Trong khi đó, hoạt động vận chuyển của Trung Quốc đến châu Phi đang bị cản trở do tình trạng thiếu container. Các nhà sản xuất đã phàn nàn rằng sự gián đoạn trong vận chuyển đã làm giảm khả năng tìm kiếm khách hàng mới hoặc thậm chí phục vụ những khách hàng hiện có. Hạn chế đi lại, ở Trung Quốc và ngoại quốc, cũng đã gây khó khăn cho các công ty phi sản xuất vốn phụ thuộc vào các cuộc họp trực tiếp với các bên liên quan và khách hàng ở các quốc gia khác.
Trong khi các vấn đề về vận chuyển và đi lại đã ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực xuất khẩu nổi tiếng của Trung Quốc, thì lượng đơn đặt hàng ở ngoại quốc cũng giảm. Các quốc gia trên thế giới vẫn đang vật lộn với sự phục hồi kinh tế của chính họ, khiến công dân của họ có khả năng ít hơn để mua các sản phẩm của Trung Quốc. Do đó, các đơn hàng xuất cảng đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 06/2020.
Ảnh hưởng của việc phong tỏa có thể được giảm thiểu nếu Trung Quốc quyết định “sống chung với virus” như một số tiểu bang của Hoa Kỳ đã làm. Tuy nhiên, Trung Cộng có chính sách không khoan nhượng đối với COVID, điều này cho thấy rằng các biện pháp này sẽ được áp dụng cho đến khi loại bỏ hoàn toàn virus. Điều này khiến sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc bị nghi ngờ, hoặc ít nhất, khiến chúng ta gần như không thể dự đoán được khi nào Trung Quốc sẽ phục hồi.
Ngoài các hạn chế về phong tỏa liên quan đến biến thể Delta, Trung Quốc đang phải đối mặt với một số vấn đề khác. Chi phí nguyên vật liệu đã tăng lên. Sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu thô và sự thiếu hụt vi bản mạch trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, đặc biệt là trong ngành công nghiệp xe hơi. Việc kiểm soát ô nhiễm đang kìm hãm hoạt động kinh tế, làm giảm sản lượng thép và xi măng. Sự phục hồi kinh tế không đồng đều trên khắp thế giới cũng khiến Trung Quốc khó bán sản phẩm ở một số thị trường hoặc sản xuất chúng ở những thị trường khác. Ngoài ra, Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết bất lợi. Lũ lụt ở tỉnh Hà Nam khiến 73 người thiệt mạng và thiệt hại về bảo hiểm là 1.7 tỷ USD. Lũ lụt ở Hà Nam cũng đóng cửa các nhà máy, hơn nữa làm gián đoạn chuỗi cung ứng, một ảnh hưởng xấu đã được cảm nhận trên khắp thế giới. Trong khi đó, bão In-Fa gây thiệt hại 3.35 tỷ nhân dân tệ (516 triệu USD) ở tỉnh Chiết Giang. Thiên tai, kết hợp với tăng trưởng kinh tế kém, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và tình trạng ngừng hoạt động liên tục có thể khiến niềm tin của người tiêu dùng bị giảm sút. Khi mọi người không chắc chắn về tương lai, người ta thường vay ít hơn, chi tiêu ít hơn, và đầu tư ít hơn.
Rủi ro nợ ngày càng tăng là một vấn đề khác. Nợ công hiện ở mức gần gấp 4 lần GDP. Trong 18 tháng qua, trái phiếu doanh nghiệp vỡ nợ với tỷ lệ ngày càng tăng. Tính đến tháng Bảy năm 2021, các khoản vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp đã lên tới 62.59 tỷ nhân dân tệ (9.68 tỷ USD), mức chưa từng thấy kể từ năm 2014. Bao gồm trong con số này là 35.65 tỷ nhân dân tệ (5.51 tỷ USD) trái phiếu từ các công ty nhà nước. Trong khi trái phiếu bị vỡ nợ vẫn chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số trái phiếu, chúng làm giảm niềm tin của công chúng, bởi vì người ta thường tin rằng chính phủ trung ương sẽ cứu trợ các công ty có tầm quan trọng. Ít nhất, người ta sẽ mong đợi chính phủ trung ương cứu trợ các công ty nhà nước, thay vì cho phép họ rơi vào tình trạng vỡ nợ. Giờ đây, điều này dường như không còn xảy ra nữa, các nhà đầu tư sẽ cảnh giác hơn khi đầu tư vào trái phiếu Trung Quốc.
Vào tháng Tám, Ngân hàng Trung ương đã bơm hàng tỷ nhân dân tệ vào hệ thống tài chính thông qua các khoản vay trung hạn. Lãi suất ở Trung Quốc vẫn duy trì trong 16 tháng, mặc dù yêu cầu dự trữ cho ngân hàng đã giảm 50 điểm cơ bản trong hầu hết các trường hợp. Nhiều nhà giao dịch và nhà phân tích kỳ vọng lãi suất sẽ được cắt giảm khi sự phục hồi kinh tế của đất nước chậm lại. Dự kiến Trung Quốc sẽ tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng để ngăn chặn suy thoái kinh tế trong những tháng tới. Bắc Kinh tuyên bố rằng tăng cường đầu tư vào địa phương là cốt lõi trong các ưu tiên kinh tế của nước này trong nửa cuối năm nay. Các biện pháp này được cho là sẽ đẩy nợ công lên mức cao hơn, đáng lo ngại hơn.
Một sự suy thoái ở Trung Quốc có thể khiến giá hàng hóa thế giới giảm, tác động tiêu cực đến các quốc gia nhỏ, đang phát triển phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên. Các tác động khác có thể được cảm nhận trên thị trường vốn chủ sở hữu, nhà ở và nợ toàn cầu. Nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc giảm cũng sẽ làm giảm nhập cảng của nước này, gây căng thẳng cho các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất cảng sang Trung Quốc. Một hậu quả khác của việc Trung Quốc không phục hồi sẽ là sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, kết hợp với niềm tin của người tiêu dùng giảm sút và chi tiêu tiêu dùng giảm, sẽ ngăn cản các nước khác phục hồi.
Các tin xấu trên thị trường thế giới có thể là tin tốt cho nền kinh tế Hoa Kỳ, vốn đang đối mặt với nguy cơ lạm phát, do chi tiêu kích thích lớn. Suy thoái toàn cầu có thể giúp hạ nhiệt nền kinh tế Hoa Kỳ, giảm lạm phát.
Thực tế là sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại cho thấy rằng các nước có nền kinh tế yếu hơn sẽ còn tồi tệ hơn. Các chuyên gia tin rằng sự phục hồi hoàn toàn của Trung Quốc có thể mất tới 5 năm, mặc dù con số này phụ thuộc nhiều vào thời điểm Trung Quốc và thế giới bỏ các biện pháp ngăn chặn COVID. Bất chấp tất cả những thách thức, Trung Quốc vẫn được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng GDP hơn 6% trong năm nay, mức cao nhất trong nhiều thập kỷ .
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA Trung Quốc của Đại học Giao thông Thượng Hải. Ông Antonio làm giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, viết cho nhiều hãng thông tấn quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Vượt ra ngoài vành đai và con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc” và “Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc.”
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: