Sự lựa chọn của Hoa Kỳ: Phỉ báng TT Trump hay khách quan đánh giá các chính sách
Một nỗ lực thô bạo nhất, tồi tệ nhất, không trung thực nhất mọi thời đại trong lịch sử Hoa Kỳ nhằm lật đổ một vị Tổng thống đương nhiệm đang diễn ra.
Kể từ khi ông Donald Trump tranh cử tổng thống vào năm 2016, chống lại tất cả các bất đồng phe phái của cả hai đảng, và đối đầu một cách hiệu quả gia tộc Bush cùng gia tộc Clinton và gia đình Obama, đồng thời hứa hẹn những thay đổi căn bản đối với bộ máy nhân sự và cấu trúc của toàn bộ tầng lớp chính trị trong Washington, và đặc biệt chỉ trích giới truyền thông chính trị quốc gia, chắc chắn rằng ông sẽ bị chống trả quyết liệt; và chiến thắng trong cuộc bầu cử của ông Trump sẽ bị coi là kỳ quặc và là một sự đoạt quyền bất hợp pháp.
Tất cả những điều trên đã xảy ra, và trong khi ông Trump đang dần dần khẳng định sức ảnh hưởng của mình đối với Đảng Cộng Hòa, vào 4 năm trước, có rất ít thành viên Đảng Cộng Hòa trong Quốc hội ủng hộ ông ấy. Hiện tại, các thành viên thuộc Đảng Dân Chủ, các thành viên thuộc Đảng Cộng Hòa chống Trump và giới tinh hoa của Washington nhìn chung đã chỉ đạo một cuộc tấn công giấu mặt hung ác và bền bỉ phi thường nhắm vào TT Trump.
Năm 1953, Tổng thống sắp lên nắm quyền là Dwight Eisenhower thực tế đã giữ nguyên toàn bộ các chương trình xã hội của TT Roosevelt và TT Truman. Những chương trình này thậm chí đã được thúc đẩy trong thời gian ông làm Thống đốc quân sự ở Đức. Khi đó, TT Eisenhower chạnh lòng khi chứng kiến các tuyến đường cao tốc liên tỉnh của Đức (autobahn), vì vậy ông đã thúc đẩy Hệ thống Xa lộ Liên Tiểu bang (Interstate Highway System), một công trình công cộng và một dự án cơ sở hạ tầng theo những truyền thống tham vọng nhất của đạo luật TVA (Tennessee Valley Authority) và WPA (Works Progress Administration) của TT Roosevelt.
Tầng lớp thống trị sinh ra dưới thời TT Roosevelt, do những thành viên coi trọng sự cống hiến cho phúc lợi chung (public-spirited) thuộc các công ty luật ưu tú cùng với các giám đốc điều hành của các tập đoàn lớn lãnh đạo, tiếp tục bổ khuyết cho TT Eisenhower và chính quyền thành công của ông. Dean Acheson, Averill Harriman, John McCloy, Douglas Dillon và những thành viên xuất chúng của chính quyền Eisenhower đều có năng lực và cần cù trong công việc.
Tuy nhiên, tầng lớp “bọc lót” ở phía dưới gồm những người mang quan niệm cố thủ rằng giới tinh hoa mới là người dẫn dắt xã hội. Nhóm người này ngày càng trở nên tự mãn và nhất nhất một quan điểm. Họ dần khiến các quy trình của chính phủ trở nên cứng nhắc.
Nhiều người tin rằng họ là những người có năng lực, nhiệt tình và giàu trí tưởng tượng khi được TT Roosevelt đưa vào nội các để đánh bại cuộc Suy thoái và giành chiến thắng trong cuộc chiến, và được TT Truman giữ lại để đưa vào các thể chế để giành chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh.
Tổng thống Eisenhower đã không nỗ lực để thay thế tầng lớp chính trị này, Tổng thống Kennedy và Johnson đã được tầng lớp này nuôi dưỡng và tham gia cùng nó. Nhưng thách thức đầu tiên đối với nhiệm kỳ 35 năm của nó đến từ TT Richard Nixon.
Nhưng TT Nixon đã không kiểm soát được cả hai viện của Quốc hội và những trò hề quá khích của cấp dưới. Thêm vào đó, sự quản lý kém cỏi của ông đối với kết quả điều tra (Watergate) đã cho phép tầng lớp chính trị này loại bỏ ông trong khi những đồng minh truyền thông của họ “tắm mình” trong những Giải thưởng Pulitzer. Và sự bí ẩn về tính vĩnh cửu, bất khả chiến bại và quyền cai trị cha truyền con nối nằm trong tay những người trong chính phủ liên bang (the Beltway).
Những người này lo ngại về sự xuất hiện của TT Ronald Reagan sau đó, nhưng chương trình của Tổng thống về cơ bản bao gồm giảm thuế, leo thang chạy đua vũ trang và thách thức địa vị của Liên Xô như một siêu cường ngang hàng [với Hoa Kỳ] bằng biện pháp phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao dựa trên tia lase.
Những người trong [chính phủ liên bang] và giới truyền thông Washington đã chế nhạo sáng kiến của TT Reagan và hệ thống này chưa bao giờ được cài đặt hoàn chỉnh. Nhưng nó đã làm lung lay sự tự tin của Điện Kremlin, Liên Xô đã tan rã trong hòa bình và Chiến tranh Lạnh đã kết thúc. Chiến thắng chiến lược vĩ đại nhất và không đổ máu nhất trong lịch sử thế giới cuối cùng đã có được nhờ các chính sách quốc phòng của TT Reagan mà những tầng lớp lâu đời trong Washington đã phản đối.
Gia tộc Bush, Clinton và TT Obama không bao giờ quấy rầy dẫu chỉ trong chốc lát đời sống thanh thản của tầng lớp thống trị ở Washington, hay nghi ngờ sự khôn ngoan và thiện chí của họ khi họ đồng thuận với chính sách lưỡng đảng.
‘Một cái gì đó hoàn toàn khác biệt’
Ông Donald Trump, phiên bản Monty Pythonese của người Anh (bộ phim hài Monty Python và Cái chén thánh), là “một cái gì đó hoàn toàn khác biệt”. Ông chưa bao giờ tìm kiếm hoặc giữ bất kỳ chức vụ công quyền, dân sự hay quân sự nào; thay vào đó, ông là một nhà phát triển địa ốc hào hoa ở thành phố New York, một ngôi sao truyền hình thực tế, nhà tổ chức các buổi biểu diễn sân khấu, nhà đầu cơ cho vay nợ bằng trái phiếu có rủi ro cao nhưng mang lại lợi suất lớn trong các sòng bạc.
Với những khả năng này, ông đã đạt được nhiều thành tựu hơn tất cả, chỉ trừ một số người trong số 43 Tổng thống tiền nhiệm. Ông giành được sự đề cử của Đảng Cộng Hòa và chiến thắng trong cuộc bầu cử 2016 bằng cách kiên quyết chống lại tầng lớp chính trị lưỡng đảng đang cầm quyền.
Ông đã thách thức các hoạt động vận động hành lang và tài trợ chiến dịch, các dàn xếp thương mại, vấn đề biên giới phía Nam, các liên minh với quốc gia phương Tây đang dần phai nhạt, và tinh thần đảng phái thiếu gan dạ của giới truyền thông chính trị quốc gia. Hành động kháng cự của Tổng thống rất mãnh liệt và phải nói rằng sự kiên cường của TT Trump đã vượt xa bất cứ điều gì mà các kẻ thù của ông đã tưởng tượng.
Trong lịch sử nước Mỹ chưa bao giờ xảy ra bất cứ điều gì giống như một chuỗi các vụ lăng mạ ông. Ví như cáo buộc ông thông đồng với nước Nga, bản luận tội hoàn toàn giả mạo về những hành vi không nên bị luận tội. Đã có rất ít bằng chứng chứng minh ông Trump đã phạm phải điều gì đó. Rồi tất cả những thứ vô nghĩa như Đạo luật Logan, Điều khoản về Lương (Emoluments Clause) và Tu chính án thứ 25, và câu chuyện bịa đặt đáng hổ thẹn từ các nguồn tin ẩn danh do một đảng phái cuồng tín trích dẫn và xuất bản trong một tạp chí đối kháng phi lý trí; tạp chí này do một góa phụ của một con “sư tử” ở Thung lũng Silicon kiểm soát. Theo đó, TT Trump bị cho là gọi những quân nhân hy sinh trong chiến tranh Hoa Kỳ là “kẻ thua cuộc” và “kẻ khờ khạo.”
Chính sách và tính cách
TT Trump tìm kiếm một sự đánh giá chính xác về những thành tích của ông và chương trình ông đề xuất trong bốn năm tới, người dân Hoa Kỳ có một sự lựa chọn giữa ông ấy và đối thủ. Những kẻ thù của ông cố gắng xúc tiến một cuộc trưng cầu dân ý đối với TT Trump: bạo loạn dữ dội của những người theo chủ nghĩa Marx, những du kích thành thị chống người da trắng và gia tăng một số lượng lớn côn đồ tự phát, được coi là những hậu quả không thể tránh khỏi do sự chia rẽ trong thời kỳ Tổng thống “Hỗn Loạn” (President Chaos) nắm quyền, và những điều này xoa dịu một cách kỳ diệu những đối thủ của ông.
Trên thực tế, chính quyền của ông Trump đã phản ứng nhanh chóng với virus Vũ Hán, nhưng lại bị các thành viên của Đảng Dân Chủ chỉ trích vì phản ứng thái quá. Ông cũng áp đặt lệnh đóng cửa các hoạt động kinh tế và giúp giảm tỷ lệ tử vong hàng ngày xuống khoảng 75%, sau đó nhanh chóng mở cửa trở lại nền kinh tế. Kế hoạch này đã giúp tạo việc làm cho hơn một nửa người dân Hoa Kỳ bị thất nghiệp do phong toả mà lại không làm gia tăng tổng số ca tử vong.
Về mặt y tế, thành tích của Hoa Kỳ tốt hơn khoảng 2/3 các quốc gia phát triển có số liệu thống kê đáng tin cậy. Và về mặt kinh tế, Hoa Kỳ đã làm tốt hơn hầu hết các nước phát triển đã chịu tổn hại nghiêm trọng vì virus Vũ Hán.
Các chính sách thuế và bãi bỏ quy định của TT Trump, các cuộc đàm phán lại các hiệp định thương mại, sự phục hồi thỏa thuận không phát triển vũ khí hạt nhân với Triều Tiên và Iran đều đã thành công phần lớn hoặc một phần. Các biện pháp quyết liệt mà ông thực hiện bằng mọi giá để hoàn thành lời hứa xây dựng bức tường biên giới phía nam đã hoàn toàn hiệu quả. Chưa có đời tổng thống tiền nhiệm nào thành công trong vấn đề này.
Chính sách về môi trường của ông đã giúp đất nước không phá hủy ngành công nghiệp dầu khí và khí đốt, hay không phải chịu những chi phí “cắt cổ” và tình trạng thất nghiệp do theo đuổi các mục tiêu khí hậu không có lợi cho quốc gia.
Chính sách khu vực Trung Đông của ông là bình thường hóa quan hệ của Israel với Ả Rập Xê-Út và lần đầu tiên đưa ra giải pháp hai nhà nước (two-state solution) cho người Palestine.
Ông đã xác định và đối mặt với các thách thức đến từ Trung Quốc và được các đồng minh ở vùng Viễn Đông và Nam Á hỗ trợ. Ông đưa NATO trở thành một liên minh nghiêm túc thay vì một nhóm tụt hậu vui mừng khi được Hoa Kỳ bảo vệ an ninh trong khi không sẵn lòng trả tiền cho điều này.
Bỏ qua những mục tiêu đầy thiếu sót nhưng hào nhoáng và loè loẹt của các ứng cử viên Đảng Dân Chủ, lợi ích quốc gia đòi hỏi cuộc bầu cử này phải được xác định như một vấn đề của sự lựa chọn các chính sách, chứ không phải là sự phán xét về tính cách của tổng thống. Đó là một sở thích do thói quen mà có (hoặc không) nhưng không liên quan nhiều đến khả năng điều hành nội các của ông ấy.
Người dân Hoa Kỳ phải xác định xem họ muốn đi theo con đường nào. Những người muốn thay đổi hướng đi không được phép đạt được điều họ muốn thông qua chiến dịch bôi nhọ tư lợi và lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Nếu Hoa Kỳ thực sự muốn mở cửa biên giới, bạo lực, tăng thuế, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, cắt xén môi trường vì ngành dầu khí và các ngành công nghiệp khác, và chấp nhận một vị trí thấp kém hơn Trung Quốc trên thế giới, họ nên bỏ phiếu cho điều đó một cách rõ ràng chứ không phải là viện cớ do những thay đổi bất thường trong tính cách của ông Donald Trump.
Conrad Black là một trong những nhà tài chính nổi bật nhất của Canada trong 40 năm qua và là một trong những nhà xuất bản báo chí hàng đầu trên thế giới. Ông là tác giả của các cuốn hồi ký chính thức của Franklin D. Roosevelt và Richard Nixon, và gần đây nhất là cuốn tiểu sử: “Donald J. Trump: Vị tổng thống không giống ai (Donald J. Trump: A President Like No Other)” sắp được tái xuất bản và cập nhật thông tin.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.