Sự kiểm duyệt của Apple tại Trung Quốc ngấm ngầm xâm nhập vào Hồng Kông và Đài Loan
Danh mục các từ ngữ bị kiểm duyệt của Apple đang ngấm ngầm xâm nhập vào các dịch vụ của tập đoàn này được cung cấp ở cả Hồng Kông và Đài Loan. Tiết lộ này xuất phát từ một báo cáo mới đây cho thấy xu hướng tuân thủ đường lối của Trung Cộng của đại công ty công nghệ này hiện đang trở thành tiêu chuẩn tại những khu vực mà nhà cầm quyền này muốn khẳng định quyền kiểm soát của mình.
Trong một báo cáo phát hành hôm 18/08, CitizenLab cho biết, “Apple kiểm duyệt rộng rãi nội dung chính trị ở Trung Quốc đại lục, bao gồm các nội dung ám chỉ tới lãnh đạo Trung Quốc, hệ thống chính trị của Trung Quốc, tên của những người bất đồng chính kiến, các tổ chức thông tấn độc lập và các thuật ngữ liên quan đến dân chủ và nhân quyền nói chung.”
Apple cung cấp dịch vụ khắc văn bản, chữ số và biểu tượng cảm xúc lên iPhone, iPad, AirPods và các sản phẩm khác.
Giờ đây, sự kiểm duyệt của Trung Cộng “tràn sang” Hồng Kông và Đài Loan, các nhà nghiên cứu cho biết sau khi phân tích các quy tắc lọc và khắc từ khóa trên sáu khu vực khác nhau.
Citizenlab, một nhóm nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Đại học Toronto, nói rằng Apple đã không đưa ra một danh mục rõ ràng về các cụm từ bị cấm trong dịch vụ khắc này.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 1,105 quy tắc lọc từ khóa ở Trung Quốc đại lục, tiếp theo là 542 quy tắc ở Hồng Kông, 397 quy tắc ở Đài Loan. Ngược lại, các con số này ở Nhật Bản, Canada và Hoa Kỳ chỉ nằm trong khoảng từ 170 đến 200.
Tuy nhiên, theo báo cáo này, sự khác biệt về động cơ là vấn đề đáng chú ý hơn là sự khác nhau về kích cỡ của các danh sách từ khóa này.
Các từ bị chặn ở Nhật Bản, Canada và Hoa Kỳ có liên quan đến nội dung thô tục, phân biệt chủng tộc hoặc xúc phạm. “Việc kiểm duyệt mang tính chính trị được chính phủ ủy nhiệm là rất hiếm,” báo cáo này cho hay.
Nhưng ở Trung Quốc đại lục, hơn 40 phần trăm từ khóa đã bị từ chối trong các dịch vụ khắc là do động cơ chính trị, chẳng hạn như các ký tự Hoa ngữ có nội dung “tự do báo chí.”
Tên tiếng Hoa của The Epoch Times và Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) đều nằm trong số nội dung bị kiểm duyệt.
“Trong số 458 từ khóa chính trị mà Apple kiểm duyệt ở Trung Quốc đại lục, Apple kiểm duyệt 174 từ ở Hồng Kông và 29 từ ở Đài Loan,” theo báo cáo trên.
Apple đã kiểm duyệt tên của các lãnh đạo tối cao của Trung Cộng, bao gồm cả lãnh đạo đương thời Tập Cận Bình và cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông. Những tên này, được viết bằng cả chữ Hán giản thể và chữ phồn thể, đều bị cấm.
Tương tự, Pháp Luân Công, tên của một môn tu luyện tinh thần bị Trung Cộng đàn áp, cũng bị kiểm duyệt tại Hồng Kông thuộc địa cũ của Anh Quốc và tại Đài Loan tự trị.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Phần lớn việc kiểm duyệt này vượt quá các nghĩa vụ pháp lý của Apple ở Hồng Kông và chúng tôi biết được rằng không có lý do pháp lý nào cho việc kiểm duyệt nội dung chính trị này ở Đài Loan.”
Phù hợp với các quy tắc nhân quyền
CitizenLab gợi ý rằng Apple “không có động cơ rõ ràng để kiểm duyệt” một số từ ngữ vì các quy tắc này được áp dụng không nhất quán trên sáu khu vực.
Tuy nhiên, họ vẫn cáo buộc Apple về “sự thiếu minh bạch trong các chính sách kiểm duyệt nội dung của Apple và sự mở rộng không giải thích được của các quy tắc kiểm duyệt mang động cơ chính trị từ khu vực này sang khu vực khác.”
Công chúng cũng lo ngại về việc tuân thủ các đòi hỏi của nhà cầm quyền của công ty đa quốc gia này, điều mà Apple nhiều lần cho rằng đây là một phần của hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc.
Nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng đại công ty công nghệ này đã xóa các ứng dụng khỏi App Store của họ ở Trung Quốc theo lệnh của Trung Cộng và chặn hàng trăm ứng dụng bị Trung Cộng coi là nhạy cảm.
Tính năng bảo vệ quyền riêng tư mới được Apple công bố hồi tháng Sáu sẽ không áp dụng cho các quốc gia như Trung Quốc.
Bất chấp sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, trong năm nay, Apple vẫn đạt mức doanh thu quý tháng Sáu cao nhất từ trước đến nay, nhờ vào doanh số bán hàng mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc.
Đồng thời với việc mang lại lợi nhuận khổng lồ, Trung Cộng sau cùng sẽ yêu cầu “các công ty tìm ra sự cân bằng giữa việc tiếp cận thị trường nội địa của Trung Quốc và tuân thủ sự áp chế của chính phủ cũng như các quy định về nội dung, trong đó có các yêu cầu về kiểm duyệt ngôn luận chính trị,” báo cáo cho biết.
“Các công ty trước hết nên điều chỉnh các thông lệ kiểm duyệt nội dung của họ với các chuẩn mực nhân quyền quốc tế khi đối mặt với các yêu cầu của quốc gia và khu vực có tính xung đột.”
Trong một bức thư trả lời giám đốc Citizen Lab hôm 17/08, giám đốc quyền riêng tư của Apple, bà Jane Horvath, cho biết các từ ngữ này đã bị kiểm duyệt “theo các luật pháp, quy tắc và quy định sở tại của các quốc gia và khu vực nơi chúng tôi cá nhân hóa và nơi chúng tôi giao hàng.”
Bà Horvath nêu rõ có thể có những trường hợp yêu cầu “bị từ chối nhầm.”
“Và chúng tôi có một quy trình để xem xét và điều chỉnh những tình huống đó khi chúng xảy ra,” bà nói.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: