Sự khác biệt trong việc giáo dục con của cha mẹ Hoa Kỳ và Trung Quốc
Có rất nhiều điểm khác biệt giữa văn hóa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong cách nuôi dạy con. Ví dụ, cha mẹ Trung Quốc thường áp đặt con mình học các kĩ năng mới, trong khi cha mẹ Hoa Kỳ có xu hướng đợi đến khi con mình chủ động.
Cha mẹ Hoa Kỳ là người cổ vũ, cha mẹ Trung Quốc “kiệm” lời khen
Theo trang Business Insider, một phụ nữ Trung Quốc đã chia sẻ tình huống của gia đình mình như sau.
Con trai tôi sinh ra ở Hoa Kỳ, và mang hai dòng máu Trung Quốc (mẹ) và Anh Quốc (cha). Cậu bé có thể nói trôi chảy tiếng Trung, sử dụng đũa, gọi thang máy là “lift” thay vì “elevator”, và tận hưởng bánh mì nóng phết bơ vào bữa sáng, nhưng cậu lại gọi New York là quê hương của mình.
Làm cha mẹ trong một gia đình đa văn hóa khác biệt rất nhiều so với trong gia đình chỉ có một loại ngôn ngữ hoặc một văn hóa ẩm thực. Năm năm trước, tôi đã đọc mải miết những cuốn sách nuôi dạy con, nhưng tôi không tin rằng có cha mẹ hoàn hảo. Chúng ta không thể chọn cha mẹ mình, nhưng chúng ta có thể chọn cách làm cha mẹ theo cách chúng ta muốn – bất kể là nền văn hóa nào.
Tôi đã từng tròn mắt khi thấy cha mẹ Hoa Kỳ khen ngợi con cái họ rằng: “Làm tốt lắm!” hoặc “Con thật tuyệt – Cha mẹ rất tự hào về con!”
Thay vì khen ngợi, tôi nhớ rằng cha tôi thường xuyên nói: “Con có thể làm tốt hơn trong lần tới nếu con làm việc chăm chỉ hơn.” Tôi tự hỏi tại sao cha mẹ Hoa Kỳ lại cổ vũ con cái họ.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu cha mẹ có thể khen ngợi các nỗ lực của con cái hơn là khen tài năng của chúng, thì sẽ tốt hơn. Tôi đã sử dụng chiến lược này với con trai mình, và cậu bé đã trả lời một cách thích thú: “Vâng, vì con đã làm việc rất chăm chỉ bằng công sức của mình.”
Cha mẹ Trung Quốc sợ các con thua ở vạch xuất phát; cha mẹ Hoa Kỳ muốn các con được vui vẻ
Các bậc phụ huynh Trung Quốc đặt kỳ vọng lớn vào các con và sẵn sàng chi tiền cho con cái của họ. Ngay từ mẫu giáo họ đã sợ con mình sẽ bị thua từ vạch xuất phát. Từ khi đi học, trẻ đã phải đến các lớp học thêm môn này môn kia; cha mẹ tốn rất nhiều tiền để con đi học. Người Trung Quốc nghĩ rằng để ai đó chịu thiệt chứ không bao giờ để con cái họ chịu thiệt.
Hoa Kỳ nuôi con theo cách thả lỏng, và cần bảo đảm các con được đầy đủ dinh dưỡng cũng như môi trường sống được thoải mái. Về giáo dục từ mẫu giáo đến trung học, phụ huynh Hoa Kỳ hầu như ít khi cho con học thêm sau giờ học; họ không tiêu tốn nhiều tiền trong vấn đề giáo dục phổ thông.
Chính vì vậy, cha mẹ Trung Quốc thường có khuynh hướng đặt nặng về thành tích và điểm số. Ở quốc gia này, học sinh cạnh tranh nhau để đứng nhất lớp, hay để không thua kém bạn bè, ai điểm kém có thể bị phạt. Nhưng học sinh ở Hoa Kỳ đều giúp đỡ lẫn nhau và tự giác lập nhóm học tập. Điểm của cá nhân không nhất thiết bị công khai trước lớp.
Cha mẹ Trung Quốc bao bọc; cha mẹ Hoa Kỳ để con cái tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình
Ở Hoa Kỳ, khi một đứa trẻ hỏi người cha giàu có của mình rằng: “Nhà chúng ta có giàu không ạ?” Thông thường, người cha trả lời con rằng: “Cha có tiền, con thì không. Tiền của cha là tiền do chính cha cố gắng nỗ lực để kiếm ra; tương lai con cũng có thể kiếm được tiền bằng sức lao động của chính con.”
Vì vậy đứa trẻ Hoa Kỳ sẽ phải tự nỗ lực để có được thứ chúng muốn thay vì ỷ lại vào cha mẹ. Chúng sẽ sống tự lập, trải nghiệm và trau dồi kỹ năng sống tốt hơn. Đây là quá trình chúng trưởng thành và tự xây dựng cuộc sống riêng cho mình.
Còn ở Trung Quốc hiện đại, khi một đứa trẻ hỏi cha: “Nhà chúng ta có giàu không ạ?” thì người cha trả lời rằng: “Nhà chúng ta rất giàu, tương lai số tiền này đều là của con cả.”
Đứa trẻ ngay từ bé, đặc biệt là con trai, sẽ có tâm lý dựa dẫm và để ý tới số tài sản mà cha mẹ chúng để lại. Dần dần, chúng hình thành thói quen ưa hưởng thụ, lười lao động vì nghĩ rằng tương lai mình sẽ được hưởng một số tiền rất lớn. Do đó, chúng sẽ không cố gắng để thành công, khiến tài năng thui chột. Đặc biệt, điều này có thể dẫn đến một vấn nạn khi trong nhà nhiều con cái; chúng cạnh tranh lẫn nhau để có được sự hài lòng của cha mẹ nhằm thừa kế nhiều tài sản hơn.
Cha mẹ Hoa Kỳ không được phép đánh con; cha mẹ Trung Quốc dễ dàng dùng bạo lực khi cần thiết
Ở Hoa Kỳ, đánh đập, chửi rủa trẻ nhỏ đều là bất hợp pháp. Khi tức giận, cha mẹ đánh con cái; nếu người khác biết được, rất có khả năng ngay ngày hôm sau bạn sẽ mất quyền giám hộ con cái của mình – trẻ nhỏ sẽ được đưa tới viện phúc lợi để chăm sóc – còn bạn có thể sẽ phải ngồi tù vì tội ngược đãi trẻ nhỏ.
Họ dùng phương pháp “cô lập”, và “hạn chế thời gian” mỗi khi con không nghe lời. Khi con quấy khóc liên tục không có dấu hiệu dừng lại, cha mẹ Hoa Kỳ sẽ đi ra khỏi nơi đó và tiếp tục làm công việc của mình cho đến khi trẻ ngừng khóc. Khi con cái ham chơi, cha mẹ Hoa Kỳ sẽ giới hạn thời gian cho phép chúng chơi đùa; ví dụ như 5 phút: đứa trẻ sẽ buộc phải về nhà sau thời gian đó.
Còn ở Trung Quốc, cảnh tượng cha mẹ cầm roi, chổi, vật cứng đánh con khi con không nghe lời là chuyện bình thường. Cũng vì vậy mà nạn bạo lực gia đình ngày càng gia tăng và nghiêm trọng. Đứa trẻ không những không nghe lời mà có ấn tượng xấu về cha mẹ chúng, và sau này chúng có thể áp dụng cách tương tự trong giáo dục con cái.
Phương pháp giáo dục con cái sẽ quyết định tương lai của con bạn. Vì vậy, hãy tỉnh táo chọn lựa và áp dụng cách dạy con phù hợp nhất với gia đình bạn.