Sự khác biệt trong cách đối xử của biện lý John Durham và biện lý Robert Mueller
Cách mà biện lý đặc biệt John Durham đối xử với những người có liên quan đến chiến dịch tranh cử của bà Clinton năm 2016 trong khi điều tra họ khác xa với cách mà biện lý đặc biệt Robert Mueller đã đối xử với những người liên quan đến chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2016 trong quá trình điều tra.
Hồi năm ngoái, sau khi ông Durham truy tố luật sư Michael Sussmann vì tội khai man với FBI, các tài liệu của tòa án đã tiết lộ rằng từ lâu vị biện lý đặc biệt này đã liên lạc với các luật sư của chiến dịch tranh cử của bà Clinton, nghe họ giải thích lý do tại sao một số tài liệu bị yêu cầu nộp cho tòa được bảo vệ bởi đặc quyền luật sư-thân chủ và do đó không nên bị giao nộp. Chỉ đến gần đây, ông Durham mới đề nghị tòa án buộc [họ] nộp những tài liệu này hoặc ít nhất là để thẩm phán xem xét một mẫu của những tài liệu đó trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
“Trong một khoảng thời gian, chúng tôi đã đang cố gắng để hiểu rõ hơn về nguyên lý đặc quyền được khẳng định đối với nhiều tài liệu, và quý vị biết đấy, chúng tôi đã có các cuộc trò chuyện và không thể hiểu lý lẽ cũng như cơ sở của các nguyên lý đặc quyền khác nhau đã được khẳng định ở đây,” công tố viên chính của ông Durham, ông Andrew DeFilippis, cho biết trong phiên xét xử hôm 31/03 .
Ông Sussmann bị cáo buộc đã khai man vào tháng 09/2016 với Tổng cố vấn FBI đương thời James Baker về động cơ của ông khi cung cấp cho ông Baker các báo cáo và dữ liệu bị cáo buộc là cho thấy các thông tin liên lạc bí mật giữa Trump Organization và Ngân hàng Alfa của Nga. FBI đã xác định không có kênh nào như vậy tồn tại.
Ông Sussmann đã nói với ông Baker trong một thư điện tử rằng ông sẽ đến cuộc gặp đó mà không đại diện cho bất kỳ thân chủ nào. Tuy nhiên, ông đã yêu cầu chiến dịch tranh cử tổng thống của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trả tiền cho việc này.
Dữ liệu và những báo cáo này đã được cung cấp cho ông Sussmann bởi ông Rodney Joffe, người đã điều hành một số công ty công nghệ. Ông Durham cho biết, ông Sussmann, ông Joffe, và những người khác là một phần của một “liên doanh” nhằm đào bới những thông tin xấu về ông Trump và giúp đỡ bà Clinton, nhưng ông đã không cáo buộc liên doanh này phạm tội âm mưu hình sự.
Cách tiếp cận của ông Durham trái ngược với các phương pháp được ông Mueller áp dụng. Trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2019, ông Mueller đã điều tra [vụ án] được cho là sự thông đồng giữa chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Donald Trump và Nga nhằm thay đổi kết quả cuộc bầu cử có lợi cho ông Trump. Ông Mueller đã không phát hiện có sự thông đồng nào như vậy, mặc dù ông đã truy tố hoặc đề nghị truy tố nhiều cộng sự của ông Trump vì các tội danh không liên quan hoặc chống lại quy trình xét xử.
Hồi tháng 08/2017, một vài tháng sau khi tiếp quản cuộc điều tra Nga của FBI, ông Mueller đã cho các đặc vụ FBI đột kích vào nhà của ông Paul Manafort, một nhà tư vấn chính trị sự nghiệp, người đứng đầu chiến dịch tranh cử của ông Trump trong vài tháng trước khi các giao dịch ngoại quốc trước đó của ông bị giới truyền thông chỉ trích.
Ông Mueller đã phá vỡ đặc quyền luật sư-thân chủ của ông Manafort, khẳng định quyền miễn trừ vì tội gian lận, vốn tước bỏ đặc quyền này đối với các thông tin liên lạc mà một thẩm phán đồng ý rằng chúng có liên quan đến việc phạm tội hoặc lập kế hoạch phạm tội. Chủ yếu dựa trên bằng chứng bí mật, Thẩm phán Địa hạt Liên bang Hoa Thịnh Đốn Beryl Howell đã đồng ý với ông Mueller rằng trong các hồ sơ tài chính về vận động hành lang, ông Manafort “đã đánh giá thấp” các hoạt động trước đó của công ty ông thay mặt cho một đảng chính trị Ukraine (pdf) tại Hoa Kỳ. Do đó, thẩm phán này đã cho phép ông Mueller thẩm vấn luật sư trước đây của ông Manafort ở một mức độ nào đó.
Hồi tháng 04/2019, trong một đề nghị truy tố từ ông Mueller, các công tố viên New York đã cho FBI đột kích văn phòng của ông Michael Cohen, luật sư riêng của Tổng thống Trump khi đó. Vào thời điểm đó, luật sư của ông Cohen cho biết rằng trong cuộc đột kích này, các đặc vụ đã thu giữ các thông tin liên lạc có đặc quyền giữa ông Cohen và thân chủ của ông. Trong trường hợp như vậy, chính phủ sẽ tự mình phân loại những gì có và không có đặc quyền, thường chỉ định một nhóm độc lập với các nhà điều tra vụ án thực hiện việc phân loại này.
Các luật sư của cả ông Manafort và ông Cohen đều cho biết các cuộc đột kích đó là không cần thiết vì thân chủ của họ đã tự nguyện hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật.
Ông Trump đã ân xá cho ông Manafort, nhưng không ân xá cho ông Cohen, người đã có những nỗ lực đáng kể nhằm cho thấy vị lãnh đạo cũ của mình có dính líu đến việc phạm tội. Gần đây, ông Cohen đã nói với The Daily Beast rằng trừ khi các công tố viên Manhattan đưa ra cáo buộc chống lại ông Trump trước ngày 30/04, nếu không ông sẽ ngừng hợp tác.
Ông Petr Svab là một phóng viên chuyên đưa tin về New York. Trước đây, ông từng đưa tin về các chủ đề quốc gia bao gồm chính trị, kinh tế, giáo dục và việc thực thi pháp luật.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: