Sự kết thúc của lịch sử ‘Whig’ và hoàng hôn của các quốc gia
Từ thế kỷ 17 đến 20, “những đảng viên Whig” [đảng Uých-đảng tiền thân của đảng Tự do ở Anh Quốc] đã định hình nền văn hóa Anh-Mỹ dựa trên các nguyên tắc phổ quát của Thời kỳ Khai sáng Âu Châu-tự do cá nhân, tự do ngôn luận, quyền sở hữu tài sản, pháp quyền, doanh nghiệp tự do, và quản trị dân chủ.
Lịch sử “Whig” là những lời tường thuật khẳng định về nguồn gốc quốc gia vốn tôn vinh một quá trình phát triển từ những khởi đầu khó khăn hoặc chia rẽ đến những giai đoạn phát triển dân sự công bằng và dân chủ hơn. Các nhà sử học Whig đã kể những câu chuyện về những con người và những tổ chức đã nỗ lực để trở nên tốt hơn theo thời gian.
Cho đến cuối những năm 1960, lịch sử Whig thường được giảng dạy trong các trường học ở khắp các quốc gia thuộc “thế giới tự do.” Sự phát triển của quốc gia được coi là điều mà dân chúng có thể tự hào.
Sự coi thường trong học thuật đối với cách diễn giải theo Whig
Khoảng 90 năm trước, giáo sư Herbert Butterfield của Cambridge đã xuất bản một cuốn sách ngắn có tựa đề “The Whig Interpretation of History” [tạm dịch: Diễn giải Lịch sử theo Whig]. Lúc đầu, cuốn sách hầu như không được chú ý, nhưng sau năm 1950, cuốn sách này đã trở thành bắt buộc phải đọc đối với các chuyên ngành lịch sử ở các trường đại học nói tiếng Anh.
Giáo sư Butterfield lập luận rằng các nhà sử học “Whig” tập trung quá nhiều vào các sự kiện phê chuẩn, nếu không muốn nói là tôn vinh, vị thế của một quốc gia. Ông dành lời chỉ trích mạnh mẽ nhất cho những người mô tả sự phát triển tự do cá nhân và nền dân chủ đại diện là những thành tựu mang tính bước ngoặt của các quốc gia Anh-Mỹ yêu tự do.
Mặc dù là một người theo Cơ đốc giáo, nhưng ông Butterfield coi nhẹ giá trị của các kết luận đạo đức: “Nếu lịch sử có thể làm được điều gì,” ông viết, “thì chỉ là để nhắc nhở chúng ta rằng tất cả những nhận định của chúng ta chỉ là tương đối với thời gian và hoàn cảnh.” Sự coi thường của ông đối với các phép tắc trong tôn giáo truyền thống của lịch sử quốc gia dẫn đến tình trạng phá huỷ quá khứ của chúng ta và phát triển một hệ thống đạo đức tương đương giữa triết học tự do-dân chủ và giáo điều của chủ nghĩa Marx. Vào đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, ông đã ngụ ý rằng xung đột giữa chủ nghĩa toàn trị phương đông và nền dân chủ phương tây không gì khác hơn là sự cạnh tranh giữa các hệ thống giá trị tương đương “tự cho là đúng đắn.”
Trong phần còn lại của thế kỷ 20, tình trạng bác bỏ “cách diễn giải theo Whig” đã mở ra cánh cửa cho việc giải thể cấu trúc lịch sử quốc gia và phát triển thuyết tương đối văn hóa. Các học giả hợp thời cho rằng không có sự phân biệt khách quan giữa các hình thức tốt và xấu của sự phát triển xã hội dân sự. Đồng thời, họ tưởng tượng ra một trật tự chính trị toàn cầu mà sẽ mang lại hòa bình và thịnh vượng bằng cách hợp nhất nhân loại quanh một câu chuyện “cấp tiến” hơn.
Ông Butterfield tranh luận rằng cách giải thích theo Whig đã làm sai lệch nhận thức của chúng ta về quá khứ. Do đó, việc bày tỏ niềm tự hào về những thành tựu lịch sử của các quốc gia như Vương quốc Anh, Canada, và Hoa Kỳ trở nên bị coi là một khuynh hướng sai lạc và đáng xấu hổ, mà chỉ có những kẻ quê mùa thô kệch và những kẻ không hiểu biết gì mới tin như vậy. Tự ghê tởm bản thân đã trở nên thịnh hành.
Vào cuối những năm 1980, các giáo sư và sinh viên đặc quyền tại Đại học Stanford của California đã hô vang, “Hey hey, ho ho, Nền văn minh Phương Tây phải ra đi” và việc tự kết liễu các quốc gia của chúng ta đã chuẩn bị xảy ra.
Ông Butterfield đã bắt đầu sàng lọc lịch sử và phơi bày những thiếu sót trong sự hiểu biết thông thường, tuy nhiên, tính kiêu căng tự phụ trong học thuật của ông đã làm mất giá trị lịch sử của các dân tộc nói tiếng Anh và mở ra một giải pháp thay thế nguy hiểm.
Lịch sử Thức tỉnh thay thế lịch sử Whig
Lịch sử, giống như tự nhiên, ghét cay ghét đắng một khoảng trống, và ngay sau khi “lịch sử Whig” bị mất uy tín, một chi nhánh của Đảng Cộng sản Anh Quốc, Nhóm Các nhà sử học Đảng Cộng sản, đã thành lập một nhóm Các nhà sử học Marxist Anh Quốc có ảnh hưởng. Trong vài thập kỷ qua, những người theo chủ nghĩa Marx ở Anh Quốc và Hoa Kỳ đã bắt đầu phát triển một truyền thống cách mạng phổ biến có thể truyền cảm hứng cho các nhà hoạt động và những người bạn đồng hành. Những chiến binh núp bóng học giả đã kêu gọi chấm dứt việc nghiên cứu về các nhà lãnh đạo vĩ đại và những lý tưởng truyền cảm hứng để ủng hộ thứ mà họ gọi là “lịch sử của tầng lớp bên dưới.”
Vào giữa thế kỷ 20, các học giả hàng đầu của chủ nghĩa Marx như Christopher Hill, Eric Hobsbawm, Raphael Samuel, và E. P. Thompson đã dẫn đầu con đường này. Vào năm 1952, một vài người trong số họ đã thành lập tạp chí “lịch sử xã hội” Quá khứ và Hiện tại, và cuộc hành trình dài của những người theo chủ nghĩa Marx Anh-Mỹ thông qua các trường học và các trường đại học của chúng ta đã bắt nhịp cùng. Cuối cùng, cánh tả đã đẻ ra phiên bản “Whiggery” [Chủ nghĩa dân quyền của đảng Uých] của riêng họ dưới dạng một câu chuyện cấp tiến to tát, mà trong đó ma quỷ hóa tinh thần dân tộc của chúng ta và hướng tới một “trật tự toàn cầu” không biên giới.
Bước sang thế kỷ 21, lịch sử Whig, từng là sợi dây gắn kết các quốc gia tự do lại với nhau, đã gần như hoàn toàn bị loại bỏ khỏi các trường học của chúng ta. Những người theo chủ nghĩa tân Marxist đã cài những phiên bản về quá khứ của riêng họ vào trong dòng chảy chính của văn hóa phương Tây. Việc giới thiệu rộng rãi Dự án nước Mỹ 1619 là một ví dụ nổi bật về sự đầu hàng của nền giáo dục lâu đời của chúng ta trước cánh tả.
Cách diễn giải theo Whig vốn từng làm rung động trái tim của những người yêu nước trẻ tuổi thì nay bị coi là phân biệt chủng tộc và bài ngoại bởi chính vị tổng thống của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. “Lịch sử Whig” đã bị thay thế bằng “Lịch sử Thức tỉnh.”
Chúng ta có đang ở trong thời kỳ hoàng hôn của các quốc gia?
Việc cắt con người khỏi các mối liên kết về truyền thống có nguy cơ phá hủy trụ cột xã hội của chúng ta và mở ra thời kỳ hoàng hôn của các quốc gia tự do.
Trong thế kỷ qua, các nhà lãnh đạo ở Anh Quốc và Hoa Kỳ như Winston Churchill, Margaret Thatcher, Ronald Reagan, và Donald Trump đôi khi khôi phục lại cảm giác tự hào dân tộc bị cấm đoán của chúng ta. Ông Churchill đã viết cuốn Whig của riêng mình có tên “History of The English-Speaking Peoples” [tạm dịch: Lịch sử của các Dân tộc Nói tiếng Anh], và phần xuất sắc tiếp theo của thế kỷ 20 được viết bởi nhà sử học người Anh Andrew Roberts. Tuy nhiên, trừ khi mọi thứ thay đổi, nếu không rất khó có khả năng những cuốn sách tôn vinh thành tựu của các quốc gia dân chủ tự do sẽ lại được các sinh viên lịch sử Anh-Mỹ đọc lần nữa.
Trong cuốn sách năm 2018 “The Virtue of Nationalism” [tạm dịch: Đức hạnh của Chủ nghĩa dân tộc], học giả Yoram Hazony người Israel đã chỉ ra giá trị phổ quát của tinh thần dân tộc. Ông lập luận rằng một thế giới bao gồm các quốc gia độc lập sẽ tạo điều kiện cho các hình thức đa dạng về tự trị, thực hành tôn giáo, và thử nghiệm văn hóa mang lại lợi ích cho tất cả nhân loại.
Các hình thức chủ nghĩa dân tộc của Whig đã tạo ra độc lập, khả năng tự quyết, chủ quyền chính trị, và công bằng bình đẳng cho tất cả mọi người. Các nguyên tắc Whig cuối cùng đã giải phóng các dân tộc bị nô lệ ở các quốc gia độc lập trên khắp thế giới. Từ bỏ di sản Whig và những bài học của lịch sử cũng tương tự như từ bỏ chính bản thân chúng ta.
Một số người đã tuyên bố một cách giễu cợt rằng lịch sử chẳng qua là “một tập hợp những xảo ngôn đã được đồng thuận.” Nhưng các quốc gia bền lâu luôn cần một câu chuyện chung để dựa vào đó và tán dương. Nếu không, họ đã hạ xuống thành những bộ sưu tập những lợi ích bộ lạc ích kỷ và cuối cùng phải khuất phục trước sức mạnh của một đế chế săn mồi.
Trong thế kỷ 21, đó có thể đúng là điều mà Bắc Kinh đang trông chờ.
Ông William Brooks là nhà văn và nhà giáo dục người Montreal. Ông hiện là biên tập viên của tờ “The Civil Conversation” [tạm dịch: Cuộc trò chuyện Dân sự] cho Hiệp hội công dân Canada (Canada’s Civitas Society) và là cộng tác viên của The Epoch Times.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do William Brooks thực hiện
Thiện Lan biên dịch
Xem thêm: