Sự kết thúc của chế độ bản vị vàng: 50 năm của sự điên cuồng về tiền tệ
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 50 năm kể từ khi Tổng thống Richard Nixon đình chỉ khả năng chuyển đổi của USD thành vàng. Điều này bắt đầu kỷ nguyên của một nền kinh tế dựa trên nợ bằng tiền giấy pháp định toàn cầu. Kể từ đó, các cuộc khủng hoảng xảy ra thường xuyên hơn nhưng cũng ngắn hơn và luôn được “giải quyết” bằng cách tăng thêm nợ và in tiền nhiều hơn.
Việc đình chỉ chế độ bản vị vàng là chất xúc tác để kích hoạt mở rộng tín dụng toàn cầu và củng cố vị trí của đồng USD như là đồng tiền dự trữ của thế giới, vì đồng USD trên thực tế đã thay thế vàng làm nguồn dự trữ cho các ngân hàng trung ương chính.
Mức nợ toàn cầu đã tăng vọt lên hơn 350% GDP, và cái mà người ta gọi nhầm là “nền kinh tế tài chính”, tức là nền kinh tế dựa trên tín dụng, đã tăng lên gấp bội.
Chế độ bản vị vàng đã áp đặt giới hạn đối với khả năng tài chính và tiền tệ của các chính phủ, đồng thời việc đình chỉ bản vị vàng tạo ra một động lực chưa từng có để gia tăng tình trạng mắc nợ và động cơ tiêu cực để các quốc gia chuyển giao sự mất cân bằng hiện tại cho các thế hệ tương lai.
Bằng cách thay thế vàng bằng đồng USD như một nguồn dự trữ toàn cầu, Hoa Kỳ có thể vay và tăng cung tiền một cách ồ ạt mà không gây ra siêu lạm phát, bởi vì nước này xuất khẩu sự mất cân bằng tiền tệ của mình sang phần còn lại của thế giới. Các loại tiền tệ khác đi theo cùng một sự mở rộng tiền tệ mà không có được nhu cầu toàn cầu như đồng USD được hưởng, do đó, sự mất cân bằng gia tăng cuối cùng luôn làm cho các đồng tiền đó yếu hơn so với đồng bạc xanh và khiến các nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào USD.
Cuộc chạy đua về 0 này được hầu hết các ngân hàng trung ương theo đuổi cũng đã đạt được trạng thái mà không có sự thay thế thực sự nào cho đồng USD làm nguồn dự trữ, bởi vì các quốc gia còn lại đều từ bỏ tính chính thống của chính sách tài khóa và tiền tệ cùng một lúc, làm suy yếu khả năng [đồng tiền] của các quốc gia này trở thành nguồn dự trữ thay thế của thế giới.
Vào những năm 1960, bất kỳ loại tiền tệ nào từ một quốc gia hàng đầu đều có thể cạnh tranh với đồng USD nếu lượng vàng dự trữ của quốc gia đó có đủ. Ngày nay, không có loại tiền tệ pháp định nào có thể cạnh tranh với đồng USD cả về khả năng tài chính hoặc dự trữ. Ví dụ về đồng nhân dân tệ là [một] điển hình. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, nền kinh tế của Trung Quốc chiếm hơn 17% GDP của thế giới còn đồng tiền của nước này được sử dụng trong ít hơn 4% các giao dịch toàn cầu.
Với việc đình chỉ chế độ bản vị vàng, ông Nixon củng cố và đảm bảo vị thế bá chủ tài chính và tiền tệ của Hoa Kỳ trong thời gian dài đồng thời mở ra một nền kinh tế dựa vào tín dụng toàn cầu, nơi rủi ro tài chính vượt quá nền kinh tế thực một cách không cân xứng.
Những người bảo vệ việc đình chỉ chế độ bản vị vàng cho rằng các cuộc khủng hoảng tài chính ngắn hơn và nền kinh tế toàn cầu đã mạnh lên trong giai đoạn này. Tuy nhiên, việc xem mở rộng nợ hàng loạt là nguyên nhân của sự tiến bộ là rất cần tranh luận. Nợ phi sản xuất đã tăng cao và mức thuế đối với người dân tăng lên, trong khi mức độ nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng tài chính cũng tăng lên, vốn luôn được “giải quyết” bằng cách tăng thêm nợ và chấp nhận rủi ro nhiều hơn.
Một nền kinh tế sử dụng nợ và việc tạo ra lượng tiền khổng lồ mang lại lợi ích không cân xứng cho những người nhận tiền và tín dụng đầu tiên, đó là chính phủ và những người giàu có, tạo ra một vấn đề lớn hơn đối với tầng lớp trung lưu và người nghèo trong việc tiếp cận mức sống tốt hơn khi giá tài sản bị tăng giả tạo, nhưng tiền lương thực tế tăng chậm hơn giá của các chi phí thiết yếu, chẳng hạn như nhà ở, chăm sóc sức khỏe, và tiện ích, trong khi thuế tăng.
Ngày nay, việc quay trở lại chế độ bản vị vàng có thể là không khả thi với quy mô của sự mất cân bằng tiền tệ toàn cầu so với vàng, có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính khổng lồ, nhưng một hệ thống dựa trên quy tắc Taylor trong chính sách tiền tệ đã hạn chế việc mở rộng bảng cân đối của ngân hàng trung ương và một thâm hụt và giới hạn nợ có thể được thực hiện nếu như có được ý chí chính trị.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Daniel Lacalle là nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của “Tự do hoặc Bình đẳng”, “Thoát khỏi Bẫy Ngân hàng Trung ương” và “Cuộc sống trong Thị trường Tài chính”.
Do Daniel Lacalle thực hiện
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: