Sự gia tăng của virus nhấn sâu những tai ương trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Các đợt bùng phát mới của COVID-19 ở Á Châu đang làm gia tăng các vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu xảy ra khi đại dịch bùng phát và các biện pháp ngừng hoạt động vào năm ngoái. Làn sóng lây nhiễm mới nhất ở Malaysia và các nước Đông Nam Á khác đã dẫn đến việc đóng cửa các nhà máy và cảng, gây gián đoạn nghiêm trọng trong việc cung cấp chất bán dẫn và nguyên liệu thô.
Các nhà kinh tế và chuyên gia chuỗi cung ứng dự đoán tình trạng thiếu hụt như vậy sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2022, làm tăng thêm áp lực lạm phát.
Sự khan hiếm lao động và tắc nghẽn chuỗi cung ứng do biến thể Delta gây ra không chỉ làm tê liệt các doanh nghiệp ở Á Châu mà còn đang gây ra tác động mạnh ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ.
Ông Vaibhav Tandon, nhà kinh tế tại Northern Trust viết trong một báo cáo gần đây rằng: “Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, và Philippines cùng chiếm khoảng 6% tổng kim ngạch xuất cảng toàn cầu, nhưng sự thống trị của họ trong lĩnh vực điện tử khiến họ có tác động lớn đối với các nước như Hoa Kỳ và Trung Quốc.”
Ông nói: “Malaysia đã trở thành một trung tâm kiểm nghiệm và đóng gói vi mạch, với các sản phẩm điện tử và điện chiếm 39% tổng kim ngạch xuất cảng của quốc gia.
Tình trạng thiếu vi mạch gần đây đã buộc General Motors phải tạm dừng sản xuất phần lớn công ty lắp ráp ở Bắc Mỹ sau Ngày Lao động. Ford, Toyota, và Volkswagen cũng đã thông báo cắt giảm sản lượng để đối phó với tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô không phải là lĩnh vực duy nhất cảm thấy khó khăn.
Ông Stephen Ezell, phó chủ tịch của Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin cho biết: “Mọi thứ đều bị ảnh hưởng, từ máy giặt và máy sấy đến PlayStations và Xboxes.”
Ông nói với The Epoch Times, các nước Đông Nam Á “đóng vai trò quan trọng trong nhiều khía cạnh khác nhau của quá trình sản xuất chất bán dẫn.”
Quy trình sản xuất vi mạch mang tính toàn cầu, với các quốc gia khác nhau chuyên môn hóa các công đoạn khác nhau trong toàn bộ chuỗi giá trị.
Các nước Đông Nam Á , đặc biệt là Malaysia, Việt Nam, và Philippines, đã chuyên môn hóa trong giai đoạn cuối cùng của sản xuất vi mạch—lắp ráp, đóng gói và kiểm nghiệm —ít kỹ năng và thâm dụng vốn hơn so với giai đoạn chế tạo đầu cuối.
Trong khi hoạt động lắp ráp, đóng gói, và kiểm nghiệm chủ yếu tập trung ở Đài Loan và Trung Quốc, các cơ sở mới được xây dựng gần đây ở Đông Nam Á đã biến khu vực này trở thành một trung tâm sản xuất vi mạch mới.
Ông Ezell cho biết sự tàn phá do biến thể Delta mang lại ở Á Châu là sự cố mới nhất nhưng không phải là lớn nhất đối với ngành công nghiệp bán dẫn.
Ông lưu ý, tình trạng thiếu vi mạch trên toàn cầu đã trở nên tồi tệ hơn do một loạt sự kiện trong năm nay, bao gồm vụ cháy nhà máy vi mạch ở Nhật Bản, hạn hán nghiêm trọng ở Đài Loan, và cơn bão mùa đông ở Texas.
Ông Scott Anderson, nhà kinh tế trưởng của Bank of the West, viết trong một báo cáo gần đây: “Nguồn cung vi mạch không đủ và nhu cầu ổn định có thể sẽ khiến giá ô tô và các sản phẩm khác tăng trong thời gian tới.”
Giá ô tô tăng mạnh đã góp phần không nhỏ khiến lạm phát tăng cao trong năm nay. Chỉ số giá tiêu dùng đối với xe mới tăng 6.4% hàng năm trong tháng Bảy, trong khi chỉ số giá xe ô tô và xe tải đã qua sử dụng tăng 41.6% so với cùng kỳ.
‘Hiệu ứng domino’
Los Angeles và Long Beach, hai cảng bận rộn nhất của Hoa Kỳ, cũng đã trải qua tình trạng tắc nghẽn bất thường một phần do việc đóng cửa các nhà máy và cảng ở Á Châu.
Bến cảng My Sơn của Trung Quốc tại cảng Ninh Ba-Châu Sơn, cảng container bận rộn thứ ba thế giới, đã đóng cửa trong hai tuần vào tháng Tám sau khi cảng Diêm Điền của Trung Quốc đóng cửa kéo dài một tháng vào cuối tháng 5.
Ông Mario Cordero, giám đốc điều hành tại Cảng Long Beach, trả lời The Epoch Times trong một cuộc họp báo rằng, “Bất cứ khi nào có sự chậm trễ và tác động tại các cảng xuất phát, quý vị chắc chắn sẽ thấy hiệu ứng domino ấy ở đây.”
Ông lưu ý, Nam California là “tâm điểm cho hàng nhập cảng từ Á Châu vào Hoa Kỳ” và các công việc dồn đọng ở Á Châu là một trong những lý do khiến hai cảng California có số lượng tàu neo đậu bên ngoài cảng kỷ lục.”
Ông nói, hai tuần trước, các cảng này có tới 44-46 tàu neo đậu, so với chỉ có 9 tàu vào tháng Sáu.
Trong khi nhiều người dự đoán rằng vấn đề thiếu vi mạch sẽ được giải quyết vào năm 2022, một số chuyên gia trong ngành cảnh báo rằng có thể mất nhiều năm để nguồn cung vi mạch toàn cầu trở lại mức bình thường.
Việc chuyển đổi sang xe điện cũng đã làm trầm trọng thêm vấn đề.
Chủ tịch Ford Á Châu Gunnar Herrmann dự đoán tình trạng thiếu hụt vi mạch có thể tiếp tục kéo dài đến năm 2024. Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, ông Herrmann cho biết việc sản xuất một xe hơi Ford Focus cần khoảng 300 vi mạch, trong khi một chiếc xe điện có thể cần tới 3.000 vi mạch.
Ông nói: “Đó không chỉ là chất bán dẫn,” và thêm rằng, các mặt hàng khác bao gồm lithium, nhựa và thép cũng đang thiếu hụt. “Quý vị tìm thấy sự thiếu hụt hoặc khó khăn ở khắp nơi.”
Để giải quyết tình trạng thiếu vi mạch toàn cầu, một số nhà sản xuất vi mạch bao gồm Intel, Samsung, và TSMC đã công bố kế hoạch mở rộng đầy tham vọng tại Hoa Kỳ. Nhưng việc xây dựng năng lực sản xuất mới phải mất vài năm, theo các chuyên gia trong ngành.
Bà Emel Akan là phóng viên đưa tin về chính sách kinh tế của Tòa Bạch Ốc tại Hoa Thịnh Đốn. Trước đây, bà làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là chuyên viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan và là cố vấn tại PwC. Bà tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Georgetown.
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: