Sử gia kinh tế Niall Ferguson: ‘Lạm phát có thể lặp lại quỹ đạo của những năm 1960’
Theo nhà sử học kinh tế hàng đầu Niall Ferguson, lạm phát có thể lặp lại quỹ đạo của những năm cuối thập niên 1960, vốn khiến lạm phát tăng cao kéo dài trong thập kỷ tiếp theo.
Chia sẻ với CNBC hôm 03/09, ông Ferguson cho biết rằng các nhà hoạch định chính sách hiện đang đối mặt với một thách thức mới dưới dạng lạm phát gia tăng sau khi ứng phó với đại dịch COVID-19 theo cách tương tự như Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Ông Ferguson nói tại Diễn đàn Ambrosetti ở Ý: “Điều thú vị về các thảm họa là cái này có thể dẫn đến cái khác. Quý vị có thể đi từ một thảm họa sức khỏe cộng đồng sang một thảm họa tài chính, tiền tệ, và có khả năng lạm phát.”
“Lạm phát không phải là một thảm họa lớn, không giết người, nhưng lạm phát tăng sẽ là một vấn đề.”
Người Mỹ tiếp tục phải đối mặt với chi phí cao hơn khi giá tiêu dùng của Hoa Kỳ tăng 5.4% trong tháng Bảy so với một năm trước đó, đánh dấu mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ tháng 08/2008.
Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và nhiều nhà kinh tế cho rằng sự gia tăng lạm phát gần đây là “nhất thời” và chỉ phản ánh những tác động liên tục của sự gián đoạn của chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch và sự thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng khi nhiều hoạt động như du lịch trở nên an toàn hơn.
Nhưng một số chuyên gia đã bắt đầu bày tỏ lo ngại rằng các điều kiện bất thường của nền kinh tế trong COVID-19 và số lượng lớn các biện pháp kích thích của chính phủ sẽ tiếp tục đẩy giá cao hơn trong suốt năm nay.
Ông Ferguson cũng đặt vấn đề này, gợi ý rằng trên thực tế, chúng ta có thể lặp lại quỹ đạo [lạm phát rất cao] của cuối những năm 1960.
Ông Ferguson nói: “Tạm thời là bao lâu? Các kỳ vọng về c bản sẽ thay đổi vào thời điểm nào, đặc biệt là nếu Cục Dự trữ Liên bang nói với mọi người, ‘chúng tôi đã thay đổi chế độ lạm phát mục tiêu và chúng tôi không bận tâm nếu lạm phát vượt quá mục tiêu trong một thời gian?’”
“Cảm nhận của tôi là chúng ta không hướng đến những năm 1970 nhưng chúng ta có thể gặp lại tình hình [lạm phát mất kiểm soát] vào cuối những năm 1960, khi Chủ tịch Fed nổi tiếng khi đó, ông McChesney Martin, đã mất kiểm soát kỳ vọng lạm phát.”
Nhận xét của ông Ferguson được đưa ra sau khi ông Dennis Lockhart, cựu chủ tịch của Fed Atlanta, cho biết ông coi lạm phát là “tạm thời” nhưng có thể kéo dài đến năm 2022, điều quan trọng là phải quản lý kỳ vọng lạm phát.
Ông Lockhart nói với Diễn đàn Thị trường Toàn cầu của Reuters hôm thứ Năm (02/09) rằng: “Tôi vẫn tin vào giả thuyết lạm phát. Tôi nghĩ rằng áp lực về giá mà chúng ta đang gặp phải lớn hơn và có thể dai dẳng hơn dự kiến của Cục Dự trữ Liên bang.”
“Nhưng như tôi đã nói, bây giờ tôi tin giả thuyết tạm thời. Điều đó cho thấy, cuộc chơi của câu chuyện lạm phát dường như ít rõ ràng hơn so với những gì Fed đã hy vọng hoặc mong đợi. Một số tín hiệu được trộn lẫn. Có những yếu tố sẽ không sớm rút lui.”
“Có rất nhiều lời bàn tán và ồn ào, với một số thông điệp báo động, có thể ảnh hưởng đến tâm lý của công chúng về lạm phát. Vì vậy, có thể áp lực giá cả sẽ tiếp tục và kéo dài đến năm 2022. Đó là một tình huống không dễ chịu, đối với Cục Dự trữ Liên bang, và với giả thuyết của cơ quan này rằng lạm phát mà chúng ta đã thấy vào mùa xuân và đầu mùa hè thực sự chỉ là tạm thời.”
“Chúng ta phải theo dõi chặt chẽ các kỳ vọng, bởi vì đó là một nguồn nhiên liệu cho lạm phát dai dẳng.”
Dữ liệu công bố hôm thứ Ba (30/08) về giá nhà của Hoa Kỳ và kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng có thể làm tăng thêm lo ngại cho Fed. Chỉ số S & P/Case-Shiller, đo lường giá nhà tại 20 thành phố lớn của Hoa Kỳ, đã tăng 19.1% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng Sáu, mức tăng lớn nhất trong lịch sử của chuỗi dữ liệu kể từ năm 1987.
Trong khi đó, một cuộc khảo sát của The Conference Board cho thấy người tiêu dùng Hoa Kỳ hiện kỳ vọng lạm phát là 6.8% trong vòng 12 tháng, đánh dấu [mức tăng] một điểm phần trăm đầy đủ so với một năm trước, hay 17.2% theo cơ sở tương đối.
Cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers đã viết trên Twitter: “Mỗi khi quý vị nghe nói rằng lạm phát là nhất thời, hãy nhớ rằng lạm phát giá nhà gấp đôi vẫn chưa xuất hiện trong các chỉ số. Nhà ở đại diện cho 40%của CPI [chỉ số giá tiêu dùng] cốt lõi. ”
Ông Ferguson gợi ý rằng các yếu tố khác cũng có thể gây tác động, chẳng hạn như căng thẳng đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, có thể tạo cơ hội cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nắm toàn quyền kiểm soát Đài Loan.
Ông Ferguson nói thêm rằng, “Những vụ lạm phát lớn trong lịch sử gần như luôn gắn liền với chiến tranh. Điều thực sự sẽ làm giảm kỳ vọng lạm phát sẽ là nếu cuộc chiến tranh lạnh này … giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc leo thang thành một cuộc chiến tranh nóng đối với Đài Loan.”
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: