Sự điên rồ của giới truyền thông khi họ nghĩ về TT Trump
Cách đây vài năm, rất lâu trước khi bất kỳ ai ngoài những người thân trong gia đình của TT Donald Trump coi ông ấy là một ứng cử viên nghiêm túc cho chức vụ tổng thống Hoa Kỳ, tôi đã viết một cuốn sách có tên “Media Madness” (tạm dịch: “Sự điên rồ của giới truyền thông”). Mặc dù hiện tại nó đã không còn được xuất bản, nhưng tôi nghĩ tôi có thể nói mà không cảm thấy xấu hổ rằng cuốn sách của tôi đã dự đoán trước một số chuyện điên rồ của giới truyền thông mà chúng ta đang chứng kiến trong thời đại Trump.
Nhưng nếu cuốn sách của tôi được phát hành lại vào lúc này, nó sẽ phải được viết lại để xem xét một khuynh hướng trầm trọng hơn nhiều của chính căn bệnh này.
Tôi đã viết cuốn sách vào khoảng thời gian mà nhà báo quá cố Charles Krauthammer, một bác sĩ tâm thần được đào tạo bài bản, đã đặt ra thuật ngữ Hội chứng rối loạn Bush (Bush Derangement Syndrome) để mô tả sự căm ghét của giới truyền thông đối với tổng thống Bush khi đó và những sự điên rồ bắt nguồn từ lòng căm ghét của các nhà bình luận cũng như các chính trị gia thiên tả thời bấy giờ.
Tuy nhiên tôi đã tập trung vào một chứng bệnh ít cụ thể hơn và ít được xác định rõ ràng hơn mà tôi thấy bắt nguồn từ một dạng bệnh được người Pháp gọi là “ảo tưởng về sự cao cả (folie de grandeur)”.
Nói cách khác, giới truyền thông thậm chí khi đó đã phát điên lên vì sự tự quan trọng hóa bản thân. Phấn khởi với thành công của chính mình, theo như họ nghĩ, trong việc chấm dứt chiến tranh Việt Nam và nhiệm kỳ của tổng thống Richard Nixon, và càng bị khóa chặt hơn vào thói quen tư duy tập thể, họ đã tin rằng tập thể của họ là những người phát ngôn đáng tin cậy và là những người sở hữu duy nhất của Sự Thật.
Do đó, giới truyền thông tin rằng thế giới chỉ nhìn vào duy nhất một mình họ để xác định xem ai là người phù hợp và ai là người không phù hợp cho vị trí công quyền. Nếu do sai lầm của cử tri mà một số người không phù hợp lại xoay xở để được bầu, thì giới truyền thông sẽ cho rằng mình có nhiệm vụ tìm ra, hoặc nếu cần thiết, bịa đặt ra một vụ bê bối nào đó mà người đó, giống như Nixon, có thể bị tước chức vụ.
Tất cả điều này phụ thuộc vào việc giới truyền thông tự nghĩ rằng họ không thể mắc sai lầm, và đã dẫn đến việc bóp méo triệt để quan điểm đạo đức của họ. Vào nhiệm kỳ thứ hai của chính quyền Bush, họ đã hoàn toàn nghĩ rằng bất cứ ai có suy nghĩ khác biệt với họ về những vấn đề quan trọng thời bấy giờ không chỉ là mắc sai lầm mà còn ngoan cố, thậm chí là xấu xa có chủ ý.
Điều ngược lại cũng đúng: bất kỳ chính trị gia nào khúm núm đi theo xu thế mà giới truyền thông ủng hộ đều không bao giờ sai, và đã (cũng như đang) miễn nhiễm với bê bối, như một cựu phó tổng thống nào đó đang chứng tỏ điều này.
Dối trá và sai sót
Niềm tin của giới truyền thông vào sự sở hữu độc quyền của họ đối với Sự Thật cũng đã cho phép họ, ít nhất là theo cái nhìn của họ, gọi bất kỳ ai có quan điểm khác biệt là kẻ dối trá.
Đó thực tế là những gì mà những người được gọi là đang xác minh dữ kiện (fact checkers) của tờ Washington Post đã và đang làm đối với tổng thống Trump, mặc dù so với hầu hết những người gièm pha ngài tổng thống, thì họ khó tính hơn trong việc sử dụng từ “nói dối”, và thay vì đề cập đến hơn 20,000 lần từ bắt đầu bằng chữ L này, họ tự nhận mình tin rằng ngài tổng thống đã phạm tội tuyên bố sai hoặc gây hiểu lầm.
Điều này bản thân nó là một tuyên bố sai hoặc gây hiểu lầm, bởi vì bất kỳ cái nhìn khách quan nào về những điều mà những người xác minh dữ kiện cho là sai sẽ cho thấy những thứ như các lời nói đùa, những cường điệu từ sự thật (sử dụng thuật ngữ của chính ông Trump) và những quan điểm không thể kiểm chứng được, những thứ mà tờ báo cuồng chống Trump không đồng ý.
Tuy nhiên, quý vị vẫn thường xuyên đọc trên tờ Washington Post và các tờ báo khác rằng con số 20,000 nghe có vẻ ấn tượng trên là sự thật.
Ngoài tư duy tập thể của giới truyền thông, một lý do họ không bị chỉ trích với sự giả dối ghê gớm trên là vì, trong làn sóng đầu tiên của “Sự điên rồ của truyền thông” dưới thời tổng thống George W. Bush, từ “nói dối” đã được định nghĩa lại.
Có còn nhớ câu: Bush nói dối, dân chết (Bush lied, people died)? Sau nhiều năm chỉ ra rằng một sai sót (ví dụ, về sự tồn tại của vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Iraq) là khác với một lời nói dối, tôi đã chịu khó tra cứu lại định nghĩa của từ “nói dối” trong từ điển — thực tế là nhiều từ điển. Hãy tưởng tượng sự ngạc nhiên của tôi khi phát hiện ra rằng, trong khi tôi không để ý, ai đó đã quyết định rằng một sai sót có thể là một lời nói dối, và chỉ một trong các từ điển mà tôi tham khảo không đồng ý với định nghĩa này.
Nói cách khác, nếu bên A tuyên bố, dù hợp lý thế nào đi nữa, rằng anh ta không nói dối mà chỉ phạm phải sai sót, bên B bây giờ có thể dùng bất kỳ từ điển nào như là một căn cứ để nói rằng, không chỉ anh ta đã nói dối mà còn, như một món quà cho những người xác minh dữ kiện, lại nói dối thêm một lần nữa để phủ nhận việc anh ta đã nói dối trước đây.
Việc định nghĩa lại theo cách sử dụng phổ biến này, như các nhà từ điển học sẽ không ngần ngại tuyên bố, tất nhiên rất có lợi cho giới truyền thông luôn thích tìm kiếm những sự bê bối, trong khi mãi mãi tuyên dương mối quan hệ độc quyền của họ đối với Sự thật.
Sai sót của chính họ, ví dụ về câu chuyện thông đồng với nước Nga, vẫn chỉ là những sai sót (mặc dù họ thậm chí không thừa nhận nhiều về nó), trong khi những sai sót của các nạn nhân của họ có thể được thoải mái gọi là dối trá.
Giới truyền thông ủng hộ ‘Cơn thịnh nộ’
Thật vậy, một khi quý vị được giới truyền thông đánh giá là một người tai tiếng, như tổng thống Trump trong suốt bốn năm qua, thì quý vị thậm chí không cần phải mắc sai sót để bị buộc tội, không chỉ là tội nói dối mà còn là tội sát nhân.
Trong cuốn sách mới của Bob Woodward, với tựa đề đầy khiêu khích “Cơn thịnh nộ”, vị phóng viên hàng đầu của tờ Washington Post trong vụ Watergate này ngụ ý đã tìm thấy vụ bê bối mới nhất, nếu không phải là lớn nhất, của TT Trump qua việc ông tiết lộ rằng ông đã biết về nguy cơ tử vong của virus Covid-19 hồi đầu tháng 2 nhưng đã chọn cách nói giảm đi tính nghiêm trọng của nó, nhằm tránh gây hoang mang.
Giờ đây, chúng ta đã biết quan điểm gây hoang mang của giới truyền thông, của nhiều thành viên chủ chốt trong Đảng Dân Chủ, thậm chí của cả Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, chỉ xuất hiện từ cuối mùa xuân năm nay.
Hơn nữa, thậm chí đến bây giờ chúng ta vẫn chưa rõ ràng liệu việc gần như đóng băng hoàn toàn đất nước, vốn được truyền cảm hứng từ sự hoảng sợ, có phải là cách tiếp cận tốt nhất đối với dịch bệnh. Bản thân tôi tin rằng nhiều biện pháp có thể được thực hiện để bảo vệ những người dễ gặp nguy hiểm nhất, như người bệnh và người già, mà không cần đóng băng phần lớn nền kinh tế của đất nước.
Nhưng giới truyền thông, theo sự dẫn dắt của Trung Quốc, giờ đây đều muốn sự hoang mang. Do đó, họ khăng khăng rằng họ luôn luôn hoang mang và bất cứ ai (như ông Trump chẳng hạn) muốn chống lại sự hoang mang đó đều không chỉ là nói dối bằng cách bày tỏ quan điểm trái với giới truyền thông, mà còn được coi là người đã khiến 190,000 nạn nhân bị nhiễm bệnh thiệt mạng. Tôi biết vì tôi đã đọc nó trên Twitter.
Trong tiếng Pháp, “la rage” có nghĩa là bệnh dại, sự điên cuồng của một con chó dại. Tôi tự hỏi tựa đề cuốn sách của ông Woodward ám chỉ đến loại điên rồ nào? Và ai đang thực sự bị mắc nó?
Ông James Bowman là một học giả thường trú tại Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công. Ông là tác giả của cuốn sách “Honor: A History” (tạm dịch: “Kính trọng: Một lịch sử”), là một nhà phê bình phim cho tạp chí American Spectator, và là nhà phê bình truyền thông cho tạp chí New Criterion.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.