Sự đảo ngược lại việc giảm quy định thời cựu TT Trump đang làm tổn thương nền kinh tế
Việc chính phủ Tổng thống (TT) Biden mở rộng đáng kể vai trò của chính phủ liên bang trong kinh doanh, ngân hàng, và xã hội, đồng thời phá vỡ mạnh mẽ cách tiếp cận giảm bớt quy định của thời cựu TT Trump, đã gây quá tải nghiêm trọng cho các lĩnh vực và ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế Hoa Kỳ và góp phần đẩy lạm phát lên tỷ lệ cao nhất trong bốn thập niên, các chuyên gia cho biết.
Theo số liệu của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), thâm hụt ngân sách liên bang trong 6 tháng đầu năm tài khóa 2022 là 667 tỷ USD. CBO dự kiến thâm hụt 1 ngàn tỷ USD cho toàn bộ năm tài chính 2022. Con số này thể hiện một sự giảm bớt so với mức 2.7 ngàn tỷ USD được ghi nhận vào năm 2021, nhưng theo sự thừa nhận của chính CBO, mức giảm thâm hụt này phần lớn là kết quả của việc giảm chi tiêu cho hoạt động cứu trợ COVID-19 khi đại dịch bùng phát. Về dài hạn, CBO hoàn toàn cho rằng thâm hụt sẽ tăng lên 6.1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2032 nếu xu hướng hiện tại duy trì, một ngưỡng thâm hụt mà chỉ bị vượt qua sáu lần kể từ năm 1946.
Các chuyên gia cho hay, dự báo không cân đối này phần lớn là do quy định và ảnh hưởng của quy định đối với thu nhập và đầu tư. Với một thái độ hoàn toàn khác biệt đối với chính phủ và vai trò của chính phủ so với của thời cựu TT Donald Trump, chính phủ của TT Joe Biden đã khai triển một trong những sự mở rộng quy định mạnh mẽ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, áp đặt một loạt các quy tắc và quy chế mới có ảnh hưởng sâu rộng, và mở rộng các quy tắc hiện có, thông qua sự pha trộn giữa các sắc lệnh và ban hành quy tắc. Những quy định này liên quan đến các lĩnh vực khác nhau như mua sắm năng lượng, đường ống dẫn khí đốt, chính sách môi trường, nhập cư và tái định cư người tị nạn, cứu trợ COVID-19, sử dụng thiết bị bay không người lái, luật về súng, chăm sóc sức khỏe, mức lương tối thiểu, và vị thế của người chuyển giới.
Một số quy định được soạn thảo và thực hiện dưới thời ông Biden là những sáng kiến mới, trong khi những quy định khác rõ ràng được hình thành như là những nỗ lực chống lại và lật ngược các quy tắc, hướng dẫn, và luật pháp thời ông Trump, đồng thời thiết lập chính sách công ở Hoa Kỳ theo một hướng khác. Dù nguồn gốc và mục đích của chúng là gì, các chuyên gia cho rằng hoạt động điều tiết (bằng quy định) của chính phủ hiện tại đang gây hại cho nền kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Hồi tháng 07/2021, thói quen chi tiêu của chính phủ mới đã thu hút sự chú ý khi các báo cáo thể hiện rằng TT Biden sẽ chi hơn 200 triệu USD cho nhân viên Tòa Bạch Ốc, so với mức 164.3 triệu USD và 188.5 triệu USD tiền lương của Tòa Bạch Ốc dưới thời cựu TT Trump và cựu TT Obama. Nhưng hàng loạt các chương trình và quy định của liên bang mới là điều thực sự khiến một số nhà kinh tế quan tâm ở thời điểm hiện tại.
Ông Jeffrey Guernsey, giáo sư về tài chính kiêm phó hiệu trưởng Trường Quản trị Kinh doanh tại Đại học Cedarville ở Ohio cho biết: “Không nghi ngờ gì rằng các quy định áp đặt lên các cá nhân và doanh nghiệp làm tăng chi phí. Chúng có thể bao gồm chi phí thực hiện trực tiếp và chi phí tuân thủ (về thời gian và nguồn lực liên quan đến kiểm soát và giám sát nội bộ).”
Gánh nặng của các quy định đã trở nên nặng nề ngay cả trước khi chính phủ mới nhậm chức và bắt đầu khai triển sự mở rộng (qui định) chưa từng có. Ông Guernsey trích dẫn một báo cáo năm 2020 do Viện nghiên cứu Doanh nghiệp Cạnh tranh (CEI) chuẩn bị, cho thấy rằng các quy định của liên bang tiêu tốn khoảng 1.9 ngàn tỷ USD hàng năm, con số này chia ra thành hơn 14,000 USD cho mỗi gia đình mỗi năm. Gánh nặng đó sẽ chỉ tăng lên với việc đưa thêm vào các quy định.
Tuân thủ thuế là một yếu tố hàng đầu góp phần vào gánh nặng gây thêm khổ sở cho các doanh nghiệp và cá nhân. Ông Guernsey lưu ý rằng, theo một báo cáo của Tax Foundation, chi phí của các quy định của IRS trong năm 2016, năm cuối cùng của chính phủ cựu TT Obama, là 409 tỷ USD. Báo cáo tương tự cũng lưu ý rằng việc tuân thủ các thủ tục giấy tờ IRS chiếm 8.9 tỷ giờ của người Mỹ trong một năm.
Cản trở nền kinh tế
Ông Charles Steele, giáo sư kinh tế tại Đại học Hillsdale, nói: “Tác động chung của quy định là làm trì trệ nền kinh tế. Các quy định nặng nề không khuyến khích tinh thần kinh doanh và đầu tư và làm tăng chi phí sản xuất hàng hóa và dịch vụ mà mọi người cần.”
Theo quan điểm của ông Steele, phần lớn quy định mới có hiệu lực mà không có nhiều tính minh bạch, bởi vì các nhà quản lý liên bang nhận thức rõ về những hậu quả có thể xảy ra khi cho phép những người quan sát bên ngoài thấy được hoàn toàn những gì mà họ đề nghị làm và chi phí mà các đề nghị này tạo ra.”
Ông Steele nói, “Các cơ quan quản lý liên bang thường phản đối nỗ lực áp đặt các phân tích lợi ích-chi phí độc lập đối với các quy định, cũng như các quy tắc hết hiệu lực đối với các thử nghiệm không đạt yêu cầu như vậy. Nếu có phân tích, họ thích tự thực hiện, sử dụng dữ liệu và quy trình không có sẵn đối với những người đánh giá bên ngoài. Tôi nghĩ rằng họ nhận thức được rằng các kiểm tra chi phí-lợi ích nghiêm túc sẽ làm giảm đáng kể quyền lực của họ.”
Ông Steele đã đối chiếu định hướng của chính phủ hiện tại với định hướng của cựu TT Trump, người đã thực hiện điều mà ông Steele coi là một nỗ lực rất đáng tin cậy để giảm bớt quy định, dẫn đến việc Hoa Kỳ đạt được độc lập về năng lượng lần đầu tiên sau nhiều thập niên. Ông nói, chính phủ ông Biden đã đảo ngược hướng đi. Các xu hướng hiện tại có thể dẫn đến cái mà các nhà kinh tế gọi là “lạm phát đình trệ trường kỳ”, hay nói cách khác, tăng trưởng kinh tế giảm và lạm phát gia tăng trong dài hạn.
Điều tiết năng lượng Hoa Kỳ
Ông Steele nói, một lĩnh vực đặc biệt đáng lo ngại đối với những người theo dõi những xu hướng kinh tế là tác động của các quy định về môi trường, và đặc biệt là những quy định ảnh hưởng đến năng lượng và nhiên liệu hóa thạch có tầm quan trọng đối với việc sử dụng trong công nghiệp, thương mại và dân cư.
Ông lưu ý, trong khi các đường ống cung cấp phương tiện vận chuyển dầu và khí đốt ít tốn kém nhất, chưa kể đến an toàn nhất, thì chính phủ TT Biden không chỉ chặn các hợp đồng thuê dầu mỏ và khí đốt và đưa ra các quy định khiến việc vận hành đường ống trở nên tốn kém hơn, mà còn thực hiện những bước đi ngoạn mục như hủy bỏ đường ống Keystone XL và hiện đang suy nghĩ nghiêm túc về việc đóng cửa đường ống Line 5 của Michigan. Ông nhận xét, chính phủ cũng thực hiện các tiêu chuẩn Nhiên liệu Trung bình của Doanh nghiệp (CAFE) nghiêm ngặt hơn, quy định quãng đường mà các phương tiện mới phải di chuyển trên một gallon nhiên liệu.
Ông Steele nói: “Kết quả là, đầu tư vào sản xuất dầu và khí đốt cho tương lai đã sụp đổ,” và cho biết thêm rằng một số phương án thay thế thường được đưa ra là không thực sự khả thi trong thực tế.
Ông Steele nói, “Cái được gọi là ‘năng lượng xanh’, gió và mặt trời, không đủ khả năng mở rộng để thay thế nhiên liệu hóa thạch và có các vấn đề khác, chẳng hạn như tính chất gián đoạn của chúng và thiếu pin để đủ lưu trữ. Nếu các xu hướng quy định hiện tại tiếp tục, tôi nghĩ Hoa Kỳ sẽ sớm đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng nghiêm trọng. Những điều này sẽ gây hại cho tất cả mọi người.”
Một khả năng khác trong tương lai gần là chính phủ ông Biden khôi phục Waters of United States (WOTUS), một quy định có tên bắt nguồn từ những sửa đổi năm 1972 đối với Đạo luật Nước Sạch. Theo ông Steele, WOTUS mở rộng khả năng của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) và các cơ quan liên bang khác trong việc điều chỉnh “các vùng nước” được xác định mơ hồ trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Theo quan điểm của ông Steele, sự mơ hồ của WOTUS thực tế là một lời mời gọi các cơ quan liên bang lạm dụng quyền hạn và kiểm soát quá mức.
Ông nói: “Đó là một mối đe dọa thực sự đối với quyền sở hữu tài sản tư nhân ở Hoa Kỳ.”
Thúc đẩy lạm phát
Lạm phát đang tăng cao với giá thực phẩm tăng 10.8% trong năm kết thúc vào tháng 04/2022, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ tháng 11/1980, theo số liệu của Cục Thống kê Lao động.
Khi cố gắng tìm hiểu các động lực thúc đẩy lạm phát cao kỷ lục với người tiêu dùng đang phải vật lộn với khó khăn, không thể tránh khỏi các vấn đề về kiểm soát quá mức và chi tiêu liên bang, bao gồm cả việc Fed mua trái phiếu kho bạc do các ngân hàng nắm giữ, điều này đã làm tăng mạnh lượng tiền mặt có thể cho vay.
Ông Steele cho biết: “Lạm phát hiện tại của chúng ta xuất phát từ việc Fed giữ lãi suất quỹ liên bang rất thấp và mở rộng cung tiền, được cho là để chống lại tác động của phong tỏa đại dịch — cung tiền rộng nhất của nền kinh tế — đã tăng khoảng 6.3 ngàn tỷ USD kể từ khi Hoa Kỳ rơi vào tình trạng phong tỏa trong những tháng đầu năm 2020.
Ông Steele nói rằng: “Việc phong tỏa này đã ngăn cản hoạt động kinh tế. Không có ý nghĩa gì nếu cố gắng kích thích hoạt động kinh tế bằng chính sách tiền tệ đúng vào lúc quý vị đang phong tỏa, nhưng đó là điều mà chính phủ liên bang đã cố gắng làm.”
Ông nói thêm, “Giờ đây, chúng ta gặp phải những trục trặc trong chuỗi cung ứng, một hậu quả kéo dài của việc phong tỏa, càng trở nên trầm trọng hơn khi Nga xâm lược Ukraine và hậu quả là gián đoạn sản xuất năng lượng và lương thực. Fed hiện đã bị dồn vào góc tường, đối mặt với ảnh hưởng của việc cung tiền mở rộng cộng thêm những hạn chế về nguồn cung ngày càng tăng.”
Khi chính phủ ông Obama bắt đầu gây thâm hụt hàng ngàn tỷ USD, Cục Dự trữ Liên bang đã trả tiền cho các ngân hàng để giữ lại dự trữ thay vì cho vay. Ông Gary Wolfram, giáo sư kinh tế và chính sách công tại Đại học Hillsdale và là chủ tịch của Hilldale Policy Group, một công ty tư vấn, giải thích rằng biện pháp này giữ cho lượng tiền nhắm vào hàng hóa trong nền kinh tế ở mức tương đối thấp và do đó tránh được lạm phát.
Nhưng việc Cục Dự trữ Liên bang tích cực mua trái phiếu Kho bạc đã khiến các ngân hàng có nhiều tiền mặt có thể cho vay hơn và thay đổi động lực.
Ông Wolfram nói: “Dự trữ của các ngân hàng đã tăng đáng kể từ khoảng 2 tỷ USD năm 2008 lên 3.8 ngàn tỷ USD hiện nay và các ngân hàng gần đây đã bắt đầu cho vay những khoản dự trữ này. Tình huống này dẫn đến sự gia tăng cung tiền hàng năm là 12.5% vào tháng Hai và 11% vào tháng Ba, và đây là một lý do lớn dẫn đến lạm phát.”
Giảm nhẹ gánh nặng
Bên cạnh việc trì hoãn thực hiện các quy định mới và mở rộng các quy định hiện hành, ông Steele tin rằng việc đặt mọi quy định vào các phân tích chi phí-lợi ích do bên ngoài thực hiện thay vì để nội bộ các cơ quan hành chính liên bang tiến hành là một việc khôn ngoan. Mặc dù không phải là một khoa học hoàn hảo, những đánh giá như vậy có thể cung cấp nhận thức về mức độ lợi ích mà một quy định nhất định mang lại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng so với gánh nặng mà quy định đó đặt ra. Theo kế hoạch của ông Steele, những quy định bị phát hiện là rắc rối không cần thiết đó sẽ là những đối tượng cho việc loại bỏ và tất cả sẽ phải được đánh giá lại sau khoảng thời gian 10 năm. Nhưng ông lưu ý rằng chính phủ ông Biden đã phản đối những phân tích như vậy.
Các biện pháp như vậy sẽ là một bước đi, nhưng cần phải có một cam kết đầy tham vọng hơn để thúc đẩy nền kinh tế. Ông Steele kêu gọi loại bỏ những gì ông ấy gọi là “chính phủ quan liêu nặng về quy định.”
Ông Steele nói: “Có thể nghi ngờ về sự cùng tồn tại của một xã hội tự do và sự cai trị của một chính phủ quan liêu không được bầu chọn.”
Ông Steele cũng nhận thấy tiềm năng của việc thay đổi thực tiễn hiện tại, theo đó các nhà lập pháp trong Quốc hội thông qua một dự luật có chi tiết không rõ ràng, và giao cho các cơ quan liên bang cung cấp chi tiết. Ông nói, đây không phải là một cách lý tưởng để đưa ra luật.
Theo phân tích của ông Steele, những công ty ủng hộ việc quy định nặng nề hơn có xu hướng là những tập đoàn lớn có đủ khả năng chi trả và đôi khi đóng vai trò trong việc soạn thảo. Không giống như các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn của họ, các tập đoàn như vậy có ngân sách để thuê tất cả các luật sư, nhà kinh tế, và kế toán mà họ cần, và để tạo lợi thế cho chính họ trong bất kỳ cuộc đàm phán nào về luật pháp được đề nghị.
Ông Steele nhận xét rằng, không có gì ngạc nhiên khi mọi người thường xuyên đổi vị trí giữa các công ty lớn nhất và các cơ quan quản lý, ví dụ như giữa ngành dược phẩm và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm. Ông nói, trên thực tế, các công ty lớn nhất có thể “điều khiển hệ thống này” có lợi cho họ trong khi lại cản trở tinh thần kinh doanh.
Ông Steele nói, “Việc sử dụng thông luật về việc hành hạ và gây phiền toái nên được thay thế cho các quy định, đặc biệt là về các vấn đề môi trường. Luật như vậy đã được phát triển và đã tỏ ra hiệu quả, cho đến khi các cơ quan quản lý được trao quyền thay thế luật đó vào những năm 1970.”
The Epoch Times đã liên hệ với Tòa Bạch Ốc để yêu cầu bình luận.
Ông Michael Washburn là một phóng viên tự do tại New York, chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Ông có nền tảng về báo chí pháp luật và tài chính, đồng thời cũng viết về nghệ thuật và văn hóa. Ngoài ra, ông còn là người dẫn chương trình podcast hàng tuần Reading the Globe. Các cuốn sách của ông bao gồm “The Uprooted and Other Stories” (“Những Câu Chuyện Mất Gốc và Những Câu Chuyện Khác”), “When We’re Grownups” (“Khi Chúng Ta Trưởng Thành”), và “Stranger, Stranger” (“Người Lạ, Người Lạ”).