Sự đàn áp của Trung Quốc là về kiểm soát chính trị
Mặc cho tăng trưởng kinh tế nội địa ở mức cao và sự phục hồi [kinh tế] vững chắc trên toàn cầu, thị trường [chứng khoán] Trung Quốc vẫn đang lao dốc trong năm nay. Vào lúc tôi đang viết bài báo này, thì chỉ số CSI 300 của Thượng Hải đã giảm 5% so với mức tăng 18% của chỉ số S&P 500, và chỉ số này đã tăng 51% trong vòng năm năm qua, một con số khá khiêm tốn so với mức tăng 103% của S&P 500.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán Trung Quốc trông có vẻ hời. Theo Bloomberg, với mức giá ước tính gấp 12.7 lần so với lợi nhuận năm 2021, rẻ hơn đáng kể so với hầu hết các nền kinh tế phát triển và nhiều nền kinh tế mới nổi khác. Vậy tại sao tôi lại nói là “trông có vẻ”? Bởi việc định giá thị trường chứng khoán Trung Quốc còn bao gồm các khoản chiết khấu quan trọng mà bất kỳ nhà đầu tư nào cũng cần phải cân nhắc. Rủi ro chính trị và sự can thiệp của chính quyền là một yếu tố liên quan [cần] chiết khấu không thể bỏ qua, và sự đàn áp gần đây đối với lĩnh vực công nghệ và giáo dục đã chứng minh cho yếu tố này.
Rủi ro chính trị và sự can thiệp của chính quyền không chỉ là riêng đối với cổ phiếu Trung Quốc mà còn giải thích cho một phần lớn việc chiết khấu các hệ số định giá. Các rủi ro này cũng thể hiện rõ ở cổ phiếu của các quốc gia như Nga, và ngay cả thị trường của các nước như Tây Ban Nha hay Ý. Đó không chỉ là các rủi ro về quy định, vốn có thể tồn tại trong nhiều lĩnh vực trên toàn cầu, mà còn là những rủi ro ngẫu nhiên, do chính trị thúc đẩy, cũng như sự can thiệp phá hoại. Khi các chính trị gia muốn nắm quyền kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân, tăng trưởng thu nhập và các mức lợi nhuận biên của doanh nghiệp này là không có nghĩa khi xem xét khả năng quản lý dòng tiền, với việc các chính trị gia sử dụng bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp tư nhân cho các mục đích chính trị.
Các cuộc đàn áp gần đây không phải về sự bất bình đẳng, mà là về sự kiểm soát. Nếu chính quyền muốn giảm thiểu sự bất bình đẳng, thì họ phải thực hiện các biện pháp tài khóa mang tính hiệu quả hơn thay vì làm tê liệt thị trường chứng khoán. Theo quan điểm của tôi, mức tăng trưởng cao của nền kinh tế của Trung Quốc không được phản ánh trong việc định giá bởi hai nguyên nhân chính sau đây. Thứ nhất, phần lớn sự tăng trưởng này được quy hoạch tập trung và thúc đẩy bởi tình trạng mắc nợ khổng lồ. Thứ hai, rủi ro về những thay đổi ngẫu nhiên trong việc quản lý và chiến lược của các doanh nghiệp do động cơ chính trị đã gia tăng đáng kể trong 10 năm qua. Nền kinh tế của Trung Quốc đã bế quan kể từ khi nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình kéo dài vô hạn định, nền kinh tế này đang dần đóng cửa. Và một trong các mục tiêu chính của sự can thiệp ngày một nhiều hơn của chính quyền đó là tấn công vào khu vực doanh nghiệp tư nhân và nắm quyền kiểm soát, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc làm suy yếu tình trạng tài chính, hạn chế khả năng tiếp cận thị trường vốn và gây ra lo ngại cho các nhà đầu tư.
Do đó, rủi ro về chính trị có tác động lớn hơn đối với việc định giá bởi vì các nhà đầu tư biết rằng các chính trị gia sẽ không xem xét lợi ích của cổ đông và các bên liên quan, cũng như có khả năng sẽ dùng bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp để thúc đẩy kiểm soát chính trị. Độc giả có thể cho rằng chính quyền có thiện chí và các chính khách ở trong các doanh nghiệp không nhất thiết có nghĩa là sẽ hủy hoại đi các giá trị, nhưng những suy nghĩ ngây thơ đó là vô cùng sai lầm. Nếu các chính khách đã có ý định tốt và thiện chí với công dân trong tư tưởng của mình, các chính khách sẽ củng cố tính độc lập của các doanh nghiệp thay vì nắm quyền kiểm soát về chính trị đối với các doanh nghiệp tư nhân. Một chính khách có tư tưởng quan tâm đến lợi ích tốt nhất của người dân sẽ để cho các chuyên gia độc lập đưa ra các quyết định trong kinh doanh và để cho các chính sách tránh được các quyết định mang tính chính trị một cách chính xác. Tuy nhiên, khi các chính khách làm suy yếu tính độc lập của các cơ quan quản lý và tăng cường sự kìm kẹp đối với việc quản lý các doanh nghiệp thì sẽ không có lợi cho công dân hay các cổ đông. Đó chỉ là chủ nghĩa can thiệp để thúc đẩy nghị trình chính trị. Dòng tiền bị lãng phí, bong bóng nợ, và sự bất bình đẳng lại ngày càng gia tăng bởi các giá trị biến mất để chiếu cố cho sự tuân thủ về chính trị.
Nếu nhà cầm quyền Trung Cộng lo lắng về sự bất bình đẳng và sức mạnh của thị trường, vậy sao họ không tạo ra các cơ quan quản lý độc lập và minh bạch thay vì khiến các doanh nghiệp ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào chính quyền?
Sự lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc còn là một tác hại của chủ nghĩa can thiệp trong quá khứ và là quy tắc “tăng trưởng bằng mọi giá.” Một quốc gia có tiềm năng và tăng trưởng cao lại cho thấy chỉ số index với nền tài chính bấp bênh. [Tỷ lệ] nợ ròng so với thu nhập trước lãi, thuế, khấu hao, và khấu trừ dần (EBITDA) vượt 6.9 lần, chủ yếu là do các doanh nghiệp nhà nước, vốn đang nợ nần chồng chất trong khi khả năng sinh lời thì rất kém. Theo Bloomberg, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản của [các cổ phiếu] trong chỉ số Index Thượng Hải chỉ tăng nhẹ 1.18%, và tỷ suất lợi nhuận biên chỉ đạt 7.9% sau một tỷ lệ biên gộp lớn (tỷ lệ chênh lệch giữa giá thành và doanh thu so với doanh thu) là 16%.
Vật thị trường Trung Quốc có tiềm năng không? Nhất định rồi, và rất khổng lồ. Tuy nhiên, để đạt được tiềm năng định giá xứng đáng, chính quyền Trung Cộng cần thúc đẩy tính minh bạch, các thành viên quản trị độc lập, kiểm toán, quy định cũng như các quy tắc quản trị công ty rõ ràng để bảo vệ các nhà đầu tư và các bên liên quan. Tất cả những biện pháp đi ngược lại tính độc lập của các cơ quan quản lý doanh nghiệp cũng như thị trường vốn công khai và minh bạch đều có tác dụng ngược bởi chúng không giúp ích cho người dân theo bất kỳ cách nào và làm suy yếu cơ cấu kinh doanh và đầu tư.
Việc lấp đầy các doanh nghiệp bằng các nhà quản lý được chỉ định theo cách thức chính trị đồng nghĩa với việc ít đổi mới hơn, thiếu sự chất vấn cho các quyết định tồi tệ, và các khoản đầu tư khổng lồ thiếu trách nhiệm, là những điểm mà Trung Quốc đã có thể nhanh chóng giảm thiểu nếu đã mở cửa nền kinh tế, thay vì bế quan tỏa cảng.
Đây là bài học cho những người ở phương Tây khi xem chủ nghĩa can thiệp ngày một gia tăng của Trung Quốc là một ý tưởng hay. Chủ nghĩa can thiệp chính trị đồng nghĩa là sự phân bổ vốn tệ hại, khả năng tạo ra việc làm kém cỏi hơn, và loại bất bình đẳng tồi tệ nhất, loại bất bình đẳng chính trị gây ra.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Daniel Lacalle là nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu cơ Tressis và là tác giả của “Tự do hoặc Bình đẳng,” “Thoát khỏi Bẫy Ngân hàng Trung ương” và “Cuộc sống trong Thị trường Tài chính.”
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: