Sự cố tại Trung tâm phóng tàu vũ trụ Trung Quốc khiến 6 người bị thương nghiêm trọng
Theo một tài liệu nội bộ mà The Epoch Times có được, đầu năm nay 6 người đã bị thương nặng và phải đưa đến bệnh viện sau một vụ phóng tên lửa ở Trung Quốc.
Sự cố xảy ra tại Trung tâm Phóng Tàu vũ trụ Văn Xương ở đảo Hải Nam sau khi một tên lửa mang theo một tàu quỹ đạo, tàu đổ bộ và xe thám hiểm được phóng lên sao Hỏa lúc 12:41 chiều theo giờ địa phương vào ngày 23/7.
Sự cố
Tài liệu có được từ một nguồn đáng tin cậy là một báo cáo tóm tắt của trung tâm cấp cứu Hải Nam gửi cho chính quyền tỉnh, trong đó nêu chi tiết các vụ tai nạn mà trung tâm này đã ứng phó vào hồi tháng 7 năm nay.
Tài liệu cho biết “một sự cố đột quỵ do sức nóng dữ dội” đã xảy ra tại cơ sở lúc 2:25 chiều trong ngày phóng tàu, có sáu người đã bị tổn thương. Một nhóm gồm 18 nhân viên y tế trên sáu xe cứu thương đã ứng phó trường hợp khẩn cấp này.
Báo cáo không cung cấp các chi tiết về việc những người đó bị tổn thương như thế nào, và vụ việc cũng không được truyền thông Trung Quốc đưa tin. The Epoch Times đã không thể liên lạc được với trung tâm vũ trụ này.
Chuẩn bị y tế
Các tài liệu khác do The Epoch Times thu được cho thấy các cơ quan y tế địa phương đã có những chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp về y tế trong một vụ phóng tên lửa.
Vào ngày 20/12/2019, một tuần trước khi phóng tên lửa Long March-5 từ cơ sở Văn Xương, theo dự tính, Trung tâm Máu tỉnh Hải Nam đã ra lệnh cho tỉnh phải có đủ nguồn cung cấp máu từ ngày 27/12 đến ngày 29/12.
Chế độ Trung Cộng không cho phép các công ty tư nhân hoặc các tổ chức khác thu thập máu, nhiệm vụ này chỉ được quản lý bởi các trung tâm máu do chính quyền địa phương điều hành.
Cụ thể, trung tâm máu Hải Nam đã yêu cầu 1.000 đơn vị máu nhóm A và B, nghĩa là 200.000 mililít (423 panh). Đối với loại O và AB, trung tâm yêu cầu 1.500 đơn vị (634 panh) và 300 đơn vị (127 panh).
Đối với nhóm máu hiếm nhất, Rh Null, trung tâm cũng yêu cầu dự trữ khẩn cấp. Tổng cộng, trung tâm này đã yêu cầu 4.010 đơn vị, tương đương với 802.000 mililit (1.695 panh).
Theo trang web chính thức của chính quyền Hải Nam, mỗi năm tỉnh này cần khoảng 30 tấn (64.563 panh) máu cho các mục đích y tế cho 9,4 triệu cư dân của họ, tức là trung bình khoảng 176,9 panh mỗi ngày.
Trung tâm này cho biết nếu nguồn cung cấp máu giảm xuống dưới các mức yêu cầu thì việc thu thập máu khẩn cấp phải được triển khai trên toàn tỉnh. Họ lưu ý thêm rằng nếu dự trữ giảm xuống còn 30%, chính quyền tỉnh nên đưa ra một cảnh báo trên phương tiện truyền thông yêu cầu người dân hiến máu.
Thông báo nêu rõ nếu các nguồn cung bị cạn kiệt đến 70%, trung tâm sẽ tổ chức cho binh lính, sinh viên đại học và quan chức chính phủ hiến máu.
Vào ngày 21/12/2019, Bệnh viện Nhân dân Ding’an của địa phương đã ban hành một văn bản yêu cầu rằng do vụ phóng tên lửa, tất cả các bộ phận phải bảo đảm các thiết bị và trang thiết bị cứu hộ khẩn cấp của họ hoạt động chính xác từ ngày 27 đến ngày 29/12. Cũng vậy, tất cả các nhân viên y tế có kinh nghiệm đã được cho biết không được rời khỏi quận.
Trong ba ngày này, bệnh viện đã điều hai xe cấp cứu cùng với hai nhóm luân chuyển túc trực 24/24 giờ. Nhóm luân chuyển bao gồm các bác sĩ, các y tá và tài xế.
Trung tâm máu và bệnh viện này đã từ chối đưa ra bình luận với The Epoch Times về các quy trình của họ trước một vụ phóng tên lửa.
Trung Quốc, quốc gia có 5 trung tâm phóng vũ trụ, không còn lạ gì với những vụ phóng thất bại. Tính đến lúc này trong năm nay, Trung Quốc đã có 35 lần phóng lên quỹ đạo, ít nhất 4 lần trong số đó bị thất bại, theo các hồ sơ được công bố công khai.
Gần đây nhất, vào ngày 12/9, Trung tâm phóng vệ tinh Jiuquan ở Nội Mông đã phóng không thành công tên lửa Kuaizhou 1A, làm mất vệ tinh Jilin-1 Gaofen-02C mà tên lửa này đang mang.