Sự cố ở trường Trung học số 49 Thành Đô bộc lộ sự khủng hoảng của Trung Cộng
Cái chết ở ngay trong trường của Lâm Duy Kỳ, một học sinh trung học năm hai của trường Trung học số 49 Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, tiếp tục khiến dư luận chú ý. Các kênh truyền thông Hoa Kỳ vào ngày 14/5 đưa tin rằng cái chết của Lâm đã lần nữa chạm đến một số vấn đề mang tính phổ biến ở Trung Quốc, chính quyền đương cục thiếu đi tính minh bạch khi xử lý vụ việc này. Đây không phải là trường hợp cá biệt, trước những phản ứng gay gắt của người dân, có thể thấy vụ việc này một lần nữa phơi bày sự mất niềm tin của người dân vào cơ quan chính quyền.
Trước thực tế là vụ việc gây ra phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng mạng, Trung Cộng đã lợi dụng chủ nghĩa dân tộc để tuyên truyền rằng sự tức giận của người dân là do các thế lực thù địch nước ngoài xúi giục, nhằm phá hoại chính quyền của Trung Cộng.
Một đoạn video được lan truyền rộng rãi trên Internet cho thấy hàng chục người đã tập trung bên ngoài trường trung học số 49 Thành Đô vào hôm thứ Ba (11/5) và hô lớn “Sự thật! Sự thật! Sự thật!”. Trên tay họ cầm những bông hoa trắng, họ yêu cầu được biết lý do tại sao Lâm Duy Kỳ vào cuối tuần đó lại đột ngột “rơi lầu tử vong” ở trong khuôn viên của trường. Đoạn video cho thấy chỉ trong vòng vài phút, cảnh sát đã đến giải tán cuộc biểu tình.
Theo CNN, đây là một ví dụ khác về việc chính quyền Trung Cộng dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình đã đàn áp gấp đôi các nhóm bất đồng chính kiến trong những năm gần đây.
Mặc dù nhà trường nói rằng Lâm Duy Kỳ là rơi từ hành lang trên lầu xuống và tử vong, nhưng sự việc vẫn chưa kết thúc vì còn rất nhiều nghi vấn. Trên Internet, càng ngày càng có nhiều những lời kêu gọi chính quyền đương cục công khai chi tiết về cái chết của Lâm Duy Kỳ.
Vào lúc 5h40 chiều ngày 9/5, mẹ của Lâm Duy Kỳ đưa con trai đến trường. Cô nhận được thông báo từ trường vào 9 giờ tối rằng con trai cô đã ngã từ hành lang trên lầu và tử vong, lúc đó đã là hơn hai giờ kể từ thời điểm tử vong của con trai cô.
Bà Lỗ, mẹ của Lâm, vào ngày 10/5 đăng trên Weibo rằng trường học không cho bất kì phụ huynh nào vào, bà muốn xem camera giám sát mà không được, bà muốn hỏi các bạn cùng lớp và giáo viên của con trai xem rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì, trường học đã ngay lập tức đuổi về nhà tất cả học sinh trong lớp, đồng thời cảnh cáo các em phải giữ mồm giữ miệng.
Trong một bài đăng khác sau này, bà Lỗ nói rằng bà đã kiểm tra camera giám sát, nhưng “duy nhất có đoạn xảy ra sự việc là không được ghi lại”, và xe cấp cứu “không đến bệnh viện mà đi thẳng đến nhà tang lễ.”
Bài đăng của bà có hàng trăm nghìn lượt truyền tải, và một số bài đăng lại về vụ việc của con trai bà thu hút hàng trăm triệu lượt xem trên Weibo. Rất nhiều người đồng cảm với bà Lỗ, yêu cầu nhà trường và chính quyền địa phương công bố đoạn phim của camera an ninh liên quan đến vụ việc.
Cái chết của Lâm đã một lần nữa động chạm đến những vấn đề lớn hơn, dẫn đến phản ứng mạnh mẽ trên toàn quốc: chính quyền đương cục thiếu tính minh bạch và lòng trắc ẩn, bóp nghẹt tự do báo chí, và bóp nghẹt sự thật về các vụ tự tử bên trong trường học.
Sự cố tương tự xuất hiện nhiều lần
Theo CNN, đối với một số người, cái chết của Lâm không phải vụ việc cá biệt, mà là sự cố mới nhất trong hàng loạt trường hợp tử vong tại khuôn viên trường dẫn đến sự chú ý của dư luận trong những năm gần đây. Sự thiếu minh bạch trong khâu xử lý của chính quyền khiến người ta phải đặt câu hỏi về nguyên nhân tử vong thực sự.
Trên Weibo, một bài đăng được chia sẻ rộng rãi đã liệt kê 4 vụ việc khác liên quan đến học sinh tử vong ở trường trong một năm qua. Trong mỗi vụ án, các bậc phụ huynh đều phải cầu cứu trên mạng xã hội sau khi không thể nhận được câu trả lời và video an ninh từ phía chính quyền.
CNN cho biết, ở một đất nước có mạng lưới camera giám sát ngày càng toàn diện, camera an ninh trong khuôn viên trường lại không ghi lại được vụ tử vong này, đối với một số người, đây là một lý do khiến người ta phẫn nộ.
“Xung quanh có nhiều camera giám sát như thế, khi chúng nhắm vào những người vi phạm giao thông, những người bất đồng chính kiến, và thậm chí là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID (virus Trung Cộng), hiệu quả (ghi hình) của chúng cực kì tốt. Nhưng mỗi khi có sự việc (gây tranh cãi) xảy ra, camera lại có vấn đề.” Một người dân Thành Đô yêu cầu giấu tên nói với CNN. Người dân này không muốn tiết lộ danh tính vì sợ chính quyền trả đũa.
“Mọi người xung quanh tôi đều cảm thấy bất mãn với phương thức xử lý của chính quyền đương cục. Bấy lâu nay, người dân đã luôn kìm nén sự tức giận, lần này nó đã ngay lập tức bùng phát. ” Người dân này cho biết.
Khoảng trống về thông tin
Trước khi đăng bài lên mạng xã hội, bà Lỗ cho biết đã cố gắng gọi điện đến đường dây nóng của báo đài để tìm kiếm sự giúp đỡ từ các phóng viên. Nhưng không ai muốn báo cáo việc này. Bà viết: “Không có ai dám nói chuyện”.
Theo CNN, dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, không gian để các phương tiện truyền thông Trung Quốc tiến hành điều tra báo cáo đang ngày một bị thu hẹp. Trên mạng xã hội, có một số bình luận than thở rằng, ngay cả cơ quan điều tra uy tín nhất Trung Quốc cũng né tránh một cuộc điều tra sâu hơn về trường hợp tử vong của Lâm.
Khi chưa có tuyên bố chính thức, người dùng Weibo bắt đầu giả thuyết những nguyên nhân có thể xảy ra để lấp đầy khoảng trống thông tin.
Dưới tình huống bị chỉ trích tứ phía, chính quyền đương cục vào sáng ngày 11/5 đã tuyên bố trên Weibo rằng, cuộc điều tra đã loại trừ khả năng giết người, và Lâm có thể đã tự sát vì “vấn đề cá nhân”.
Nhưng tuyên bố này đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội vì chưa thể giải quyết được vấn đề then chốt (chẳng hạn như thiếu mất đoạn phim an ninh). Bà Lỗ nói: “Vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp.”
“Không có thông tin chi tiết, không có mốc thời gian, không có camera giám sát, không báo cáo khám nghiệm tử thi và cũng không mô tả người phát hiện nạn nhân, làm sao có thể kết luận rằng cái chết của cậu ta là do ‘vấn đề cá nhân’? ” Một cư dân mạng nghi ngờ chất vấn.
Vào ngày 11/5, bà Lỗ đã chia sẻ lên Weibo một bức ảnh chụp con trai bà và ba học sinh khác cầm giấy khen đứng trước cửa lớp học.
“Tôi đã không về nhà mấy ngày nay rồi, cũng không có ngủ. Đây là tấm ảnh của con trai tôi mà tôi tìm thấy ở trong điện thoại”, bà Lỗ nói.
Vụ việc của Lâm Duy Kỳ bị lôi sang các thế lực nước ngoài
Điều kì lạ là, những người theo chủ nghĩa dân tộc bắt đầu quảng bá một thuyết âm mưu khác trên mạng, rằng sự phẫn nộ của công chúng về vụ việc của Lâm Duy Kỳ là do “các thế lực thù địch nước ngoài” kích động nhằm phá hoại chính quyền của Trung Cộng.
Vào tối ngày thứ Ba (11/5), khi các video về cuộc biểu tình quy mô nhỏ bên ngoài trường Trung học số 49 Thành Đô bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội, những nhận xét theo chủ nghĩa dân tộc cũng nhanh chóng lan truyền: một số người cho rằng những người biểu tình là đang làm việc cho CIA; một số khác thì nói họ đã được đào tạo trước khi lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô đóng cửa vào năm ngoái; một số người thậm chí còn cảnh báo rằng những bông hoa trắng mà những người biểu tình cầm là dấu hiệu cho “cuộc cách mạng màu”.
Mặc dù video biểu tình nhanh chóng bị chính quyền kiểm duyệt, nhưng rất nhiều thuyết âm mưu như vậy vẫn được phép lan truyền.
“Chính quyền (địa phương) và nhà trường phải chịu trách nhiệm về thất bại của họ trên phương diện dư luận. Nếu họ quan tâm đầy đủ đến các vấn đề mà dư luận đưa ra, toàn bộ sự việc sẽ không leo thang, và tin đồn sẽ không có ở khắp mọi nơi như thế. ” Một cư dân mạng cho biết.
Trương Đình, Lâm Nghiêm/ Epoch Times tiếng Trung
Xuân Hoàng biên dịch
Xem thêm: