Sự chuyển dời trọng tâm của Hoa Kỳ đồng nghĩa với việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông
Một chuyên gia cho rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp quản Trung Đông khi Hoa Kỳ chuyển trọng tâm của mình sang các vấn đề trong nước như việc chiến đấu với đại dịch [virus Trung Cộng].
Trung Đông là một giao lộ toàn cầu mang tính lịch sử về thương mại và năng lượng vì sự dồi dào của nhiên liệu hóa thạch trong khu vực này. Trong một vài năm, Hoa Kỳ và Trung Quốc, cùng nhiều quốc gia khác, đã phụ thuộc vào các hoạt động thương mại năng lượng từ Saudi Arabia, Iran, Iraq, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kuwait và Qatar.
Ông Karim Sadjadpour, nhà phân tích chính sách tại Quỹ Carnegie Endowment, tin rằng Hoa Kỳ đang chuyển tiêu điểm của mình ra khỏi Trung Đông. Trong một cuộc thảo luận nhóm được Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế tổ chức hôm 27/05, ông Sadjadpour cho biết Hoa Kỳ không còn phụ thuộc năng lượng vào Trung Đông vì đang sở hữu một lượng lớn tài nguyên về năng lượng.
Trong quá khứ, Hoa Kỳ đã đóng một vai trò to lớn trong việc bảo đảm an ninh của Israel khi xung đột nảy sinh giữa các quốc gia Trung Đông. An ninh của Israel vẫn còn là một vấn đề quan trọng đối với Hoa Thịnh Đốn. Nhưng theo ông Sadjadpour, một số chính trị gia cấp tiến tin rằng Israel có thể tự lo liệu cho mình và không còn đòi hỏi nhiều cam kết từ Hoa Kỳ nữa.
Ông Sadjadpour nói: “Khi Hoa Kỳ phần nào giảm bớt sự hiện diện của mình trong khu vực này, điều đó tạo ra một khoảng trống cho các cường quốc bên ngoài lấp đầy khoảng trống đó, tôi nghĩ rằng không thể tránh khỏi việc Trung Quốc sẽ đóng vai trò nhiều hơn trong việc lấp đầy một số khoảng trống này, và nó [Trung Quốc] sẽ dính líu vào các vấn đề chính trị của khu vực này theo những cách thức khác nhau.”
Trước đây, mục tiêu chính của Bắc Kinh ở Trung Đông là bảo đảm dòng chảy tự do của năng lượng từ khu vực này vào Trung Quốc. Để điều này xảy ra, thì cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các quốc gia ở Trung Đông.
Ông Sadjadpour cho biết chiến lược của Trung Quốc ở Trung Đông đã thay đổi từ một mối liên hệ phi chính trị, mang tính giao thương thành một mối liên hệ chính trị hóa hơn. Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã tham gia nhiều hơn vào các vấn đề của khu vực này. Ông nói thêm rằng Bắc Kinh đã chỉ trích cách tiếp cận của Hoa Thịnh Đốn đối với cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, đồng thời kêu gọi công lý cho người Palestine—bất chấp thực tế là Trung Quốc cũng có mối liên hệ thân thiết với Israel, theo lời của ông.
Ông Sadjadpour cũng là một chuyên gia về Iran. Ông lấy Iran làm ví dụ để giải thích lý do tại sao ông tin rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với phản đối gay gắt, tương tự như sự phản đối dữ dội mà Anh Quốc, Pháp và Hoa Kỳ đã nhận phải trong quá khứ. Người dân Iran lo ngại rằng Trung Quốc đang hỗ trợ kinh tế và chiến lược cho Iran, cũng như [cung cấp] công nghệ để đàn áp chính công dân của Iran. Nhà cầm quyền Iran này đang sử dụng các chiến thuật áp bức để nắm giữ quyền lực.
“Trung Quốc đang đứng giữa họ [công dân Iran] và một xã hội tự do hơn. Khi sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực tăng lên, Trung Quốc sẽ không thể đơn thuần là một đấu thủ kinh tế phi chính trị trong khu vực và điều này sẽ đi kèm với một vài cái giá phải trả và một số phản đối gay gắt,” ông Sadjadpour nói.
Ông hồi tưởng lại cuộc nổi dậy năm 2009 ở Iran, 3 triệu người đã biểu tình trên đường phố về cuộc tái bầu cử gian lận của Tổng thống đương thời lúc đó là ông Mahmoud Ahmadinejad.
Vào tháng 07/2009, nhiều đoàn người tụ tập tại Đại học Tehran cho một buổi cầu nguyện vào ngày thứ Sáu [hàng tuần]. Buổi cầu nguyện này đã biến thành một cuộc biểu tình lớn. Lúc này lời cầu nguyện đã không còn là những khẩu hiệu thông thường [như] “Death to America” và “Death to Israel,” mà thay vào đó, đám đông chống chính phủ hô vang “Đả đảo Trung Quốc” và “Đả đảo Nga” vì họ coi Trung Quốc và Nga là những kẻ thúc đẩy cho chế độ độc tài này, ông Sadjadpour nói.
Iran có ảnh hưởng đáng kể lên các nước láng giềng, với lực lượng dân quân ở Iraq và Yemen. Cuộc tấn công của Iran vào công ty dầu mỏ Saudi Aramco ở Ả Rập Xê Út hồi tháng 09/2019 đã khiến giá dầu trên toàn cầu nhất thời tăng đột biến. Những vấn đề này đã hình thành nên sự bất ổn trong khu vực. Ông Sadjadpour tin rằng Trung Quốc không thể vừa tiếp tục phi chính trị vừa cân bằng chủ quyền và sự ổn định.
Theo Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh (BRI, còn được gọi là Một vành đai, Một con đường), việc chuyển giao các nguồn lực giữa Trung Quốc và Trung Đông được cam kết thực hiện. BRI được khởi xướng vào năm 2013, nhằm mục đích mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của chế độ Trung Cộng tới các quốc gia ở Á Châu, Âu Châu, Phi Châu và Trung Đông bằng cách tái tạo con đường tơ lụa trên biển và con đường tơ lụa của Trung Quốc cổ xưa để giao thương trong thế kỷ 21. BRI đầu tư vốn của Trung Quốc vào việc xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng chi phí cao khác nhau tại hơn 60 quốc gia tham gia [sáng kiến này].
Trong những tháng gần đây, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị (Wang Yi) đã đến thăm Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain và Oman. Các chuyến công du của họ đã động chạm đến nhiều lợi ích mà Trung Quốc có trong khu vực hiện nay, bao gồm cả thỏa thuận hợp tác chiến lược kéo dài 25 năm được ký kết giữa Trung Quốc và Iran hồi tháng Ba. Thỏa thuận này liên quan đến các hoạt động kinh tế như khai thác dầu mỏ, cơ sở hạ tầng, du lịch và trao đổi văn hóa, cùng các lĩnh vực khác.
Ông Sadjadpour tin rằng mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn đối với Trung Cộng khi ảnh hưởng của nhà cầm quyền này ngày càng tăng ở Trung Đông. Ông nói rằng Trung Quốc sẽ thấy được sự phản đối dữ dội phổ biến như các cường quốc Âu Châu đã nếm trải trong quá khứ và “hiện giờ Trung Quốc đang sắp bước vào trò chơi tung bóng đó.”
Do Jennifer Hsi thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: