Sự biến mất của VĐV người Duy Ngô Nhĩ là một lời nhắc nhở về cuộc đàn áp dân tộc thiểu số của Bắc Kinh
Cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với các dân tộc thiểu số là lý do cho một cuộc tẩy chay ngoại giao trên diện rộng đối với Thế vận hội Mùa Đông. Giờ đây, một vận động viên trượt tuyết người Duy Ngô Nhĩ thắp sáng ngọn lửa Olympic đã mất tích.
Mới vài ngày sau khai mạc Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022, nhưng tranh cãi đã xảy ra rất nhiều. Một phóng viên Hà Lan đã bị chính quyền Trung Quốc ngược đãi khi đang lên sóng truyền hình. Các vận động viên và huấn luyện viên đã phàn nàn về việc bị đối xử vô nhân đạo trong quá trình cách ly cưỡng bức. Các vận động viên ngoại quốc hàng đầu đã bị loại vì những lý do đáng ngờ, kể cả trang phục không phù hợp. Các chuyên gia an ninh trên khắp thế giới đã cảnh báo về việc nhà cầm quyền Trung Quốc theo dõi các vận động viên và du khách, thông qua một ứng dụng theo dõi sức khỏe bắt buộc.
Các nhóm nhân quyền đã sửng sốt khi ĐCSTQ chọn một người dân tộc Duy Ngô Nhĩ, cô Dinigeer Yilamujiang, để thắp sáng ngọn lửa Thế vận hội, gọi đó là một chiêu bài chính trị nhằm đánh lạc hướng sự chú ý khỏi các vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ.
Sau nội dung thi của cô Yilamujiang hôm 05/02, các ký giả đã chờ cô, nhưng cô đã không bao giờ xuất hiện. Các phóng viên cũng không thể liên lạc được với cô thông qua Ủy ban Thế vận hội Quốc gia của Trung Quốc. Tại một cuộc họp báo, các nhà tổ chức Thế vận hội Bắc Kinh đã từ chối bình luận về sự biến mất của cô.
ĐCSTQ đã để một vận động viên người Duy Ngô Nhĩ thắp sáng ngọn lửa Olympic để cho thế giới thấy rằng mặc dù có nhiều bằng chứng ngược lại, những cáo buộc về tội diệt chủng ở Tân Cương chỉ là thông tin sai lệch. Vận động viên 20 tuổi đến từ tỉnh Altay phía bắc Tân Cương này đã xếp thứ 43 trong lần ra mắt Olympic đầu tiên tại bộ môn trượt tuyết xuyên quốc gia skiathlon, điều này đặt ra câu hỏi liệu cô thậm chí có đủ tiêu chuẩn để thi đấu tại Thế vận hội hay không.
Việc cô được chọn để thắp sáng chân vạc rõ ràng là một quyết định chính trị. Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân (Zhang Jun) cho biết, trong số 174 thành viên của đội tuyển Olympic của Trung Quốc, có 20 vận động viên là người dân tộc thiểu số. Cô Yilamujiang là một trong sáu vận động viên đến từ Tân Cương, nhưng cô là người dân tộc Duy Ngô Nhĩ duy nhất. Do đó, ĐCSTQ hy vọng rằng bằng cách cho phép cô Yilamujiang đại diện cho Trung Quốc vào một khoảnh khắc quan trọng, điều này có thể ngăn chặn các tuyên bố phân biệt chủng tộc và diệt chủng. Các nhóm nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ ở ngoại quốc đã gọi hành động này là “xúc phạm”.
Trong các cuộc phỏng vấn tại lễ khai mạc Thế vận hội, cô Yilamujiang đã cảm ơn nhà nước vì đã trao cho cô rất nhiều, nhưng không nói gì về dân tộc của cô hoặc tầm quan trọng của việc là một người dân tộc thiểu số được chọn để thắp sáng ngọn lửa Olympic. Ngược lại, vận động viên đồng hương của cô, cô Adake Ahenaer, một vận động viên trượt băng tốc độ đến từ Tân Cương, đã trình bày chi tiết điều này có ý nghĩa như thế nào đối với cô, với tư cách là một người Kazakhstan, khi được đại diện cho nhóm dân tộc thiểu số của mình và thành công tại Thế vận hội. Thậm chí, cô Ahenaer còn bình luận về việc cô đã xúc động ra sao khi nhìn thấy cô Yilamujiang đại diện cho các dân tộc thiểu số trên truyền hình. Nhưng bằng cách nào đó, cô Yilamujiang chưa từng nói bất cứ điều gì tương tự như vậy và có vẻ như cô đã được mớm cho từ trước về những gì không được nói.
Bắc Kinh đã sử dụng các chiêu thuật bất ngờ tương tự trong các trường hợp công khai tại lễ khai mạc Thế vận hội Mùa Hè 2008. Lúc đó, để chứng minh sự bình đẳng về chủng tộc của ĐCSTQ, nhà cầm quyền này đã để trẻ em Trung Quốc mặc trang phục dân tộc của 56 dân tộc được công nhận của Trung Quốc và nhảy múa xung quanh các lá quốc kỳ. Tuy nhiên, sau đó các ký giả đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ khắc họa chân dung các dân tộc thiểu số của Trung Quốc này thực ra không phải là người của các nhóm dân tộc đó. Trên thực tế, những căng thẳng với các dân tộc thiểu số đã ngày càng gia tăng trước thềm kỳ Thế vận hội đó, với những người ủng hộ Tây Tạng độc lập biểu tình trước trụ sở đài truyền hình nhà nước CCTV ở Bắc Kinh.
Năm 2008, ĐCSTQ đã chọn một người Duy Ngô Nhĩ, anh Kamalturk Yalqun, làm người cầm đuốc Thế vận hội, nhưng anh đã không thắp sáng chân vạc. Anh sống lưu vong ở Mỹ từ năm 2014. Cha anh đã biến mất trong bộ máy an ninh nhà nước của Trung Quốc kể từ năm 2016. Anh Yalqun là một trong nhiều người lên tiếng kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa Đông 2022.
Mặc dù không tẩy chay hoàn toàn, nhưng nhiều chính phủ phương Tây – chẳng hạn như Canada, Úc, Anh Quốc, và Hoa Kỳ — đã tổ chức các cuộc tẩy chay ngoại giao, đặc biệt vì những vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Đáp lại, Bắc Kinh cảnh báo rằng các quốc gia tẩy chay sẽ “phải trả giá” cho “sai lầm” của họ.
Những người Duy Ngô Nhĩ thành công đào thoát sang phương Tây đã tố cáo nhiều hình thức ngược đãi khác nhau của ĐCSTQ, bao gồm cưỡng bức lao động, tra tấn, cưỡng bức cải tạo, thu hoạch nội tạng, cưỡng bức triệt sản, bỏ tù, lạm dụng tình dục, giam giữ hàng loạt, và tách khỏi các thành viên trong gia đình. Các nạn nhân người Duy Ngô Nhĩ mô tả việc bị ép ăn thịt heo, hát những bài hát ca ngợi lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình, uống rượu, và đốt kinh Koran. ĐCSTQ cấm phụ nữ ở Tân Cương đội khăn trùm đầu, trong khi đàn ông bị cấm để râu. Lời chào “As-salamu alaikum” (“Mong bạn được bình an”) của đạo Hồi bị cấm, cũng như việc ăn chay trong tháng Ramadan. Theo một báo cáo hồi tháng 07/2021 của tạp chí Time, lính canh trại đã nói với những người bị giam giữ rằng “tất cả các dân tộc sẽ hợp thành một và phải có chung ngôn ngữ và đồ ăn.”
Các quy tắc này được thực thi thông qua camera giám sát nhận dạng khuôn mặt bao trùm phần lớn Tân Cương. Việc bị bắt gặp vi phạm có thể dẫn đến hậu quả bị giam giữ.
ĐCSTQ tuyên bố rằng các biện pháp được thực thi đối với người Duy Ngô Nhĩ là cần thiết để chống lại “ba tệ nạn” là “chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa khủng bố, và chủ nghĩa cực đoan”. Nhà cầm quyền này cũng nói rằng những cáo buộc lạm dụng và diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ là một mạng lưới “những cáo buộc dối trá và vô lý”.
Bất chấp những tuyên bố của ĐCSTQ nói rằng tất cả các dân tộc thiểu số đều được đối xử bình đẳng, sự đàn áp của Đảng đối với người Duy Ngô Nhĩ đã vượt khỏi biên giới của Trung Quốc. Hậu quả của sự đàn áp này là nhiều người Duy Ngô Nhĩ lưu vong sang các quốc gia khác, nơi họ thường bị các đặc vụ của ĐCSTQ truy đuổi, sách nhiễu, và đe dọa. Trong một số trường hợp, họ bị ép buộc phải làm gián điệp cho Bắc Kinh. Sky News đưa tin hôm 09/02 cho biết các quan chức Trung Quốc tiến hành các cuộc thẩm vấn người Duy Ngô Nhĩ tại các “địa điểm bí mật” ở các nước khác. Nếu một người Duy Ngô Nhĩ cụ thể bị coi là “kẻ gây rối”, thì anh ấy hay cô ấy chỉ đơn giản là biến mất.
Tháng 12/2021, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua một luật cấm nhập cảng từ Tân Cương vì lo ngại về lao động nô lệ. ĐCSTQ đã đáp lại lệnh cấm này, gọi đó là “sự bắt nạt kinh tế”.
Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Chính sách Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ năm 2020, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và các tổ chức chịu trách nhiệm về các vụ vi phạm nhân quyền ở vùng Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, từng viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion” (“Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc”) và “A Short Course on the Chinese Economy” (“Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”)
Việt Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: