Sri Lanka ngừng bán nhiên liệu cho xe cá nhân, đóng cửa trường học
Chính phủ Sri Lanka đã đình chỉ việc bán nhiên liệu cho các loại xe cộ cá nhân và kêu gọi người dân làm việc tại nhà để tiết kiệm nhiên liệu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế của quốc gia vẫn chưa được giải quyết.
Hôm thứ Hai (27/06), Bộ trưởng Giao thông vận tải Bandula Gunawardena cho biết rằng nhiên liệu sẽ chỉ được bán cho các dịch vụ thiết yếu, chẳng hạn như giao thông công cộng, y tế, thực phẩm và các ngành xuất cảng, cùng những ngành khác.
Theo tờ News First có trụ sở tại Sri Lanka, các quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 27/06 đến ngày 10/07.
“Từ nửa đêm hôm nay, nhiên liệu sẽ không được bán ngoại trừ các dịch vụ thiết yếu như ngành y tế, bởi vì chúng tôi muốn bảo tồn nguồn dự trữ ít ỏi mà chúng tôi có,” ông Gunawardena nói với các phóng viên.
Ông Gunawardena cho biết tất cả các trường học ở Colombo, thủ đô của Sri Lanka, sẽ đóng cửa trong hai tuần, đồng thời người lao động trong các ngành không thiết yếu được khuyến khích làm việc tại nhà để tiết kiệm nhiên liệu.
Bộ trưởng này cho biết các dịch vụ vận tải liên tỉnh cũng sẽ bị đình chỉ để giảm mức tiêu thụ nhiên liệu ở Sri Lanka.
Quyết định này được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Năng lượng Kanchana Wijesekera thông báo rằng Sri Lanka sẽ thiết lập một hệ thống mã mua hàng để phân phối nhiên liệu cho những người xếp hàng tại các trạm đổ xăng.
“Nếu người dân xếp hàng tại các trạm đổ xăng, các lực lượng an ninh bao gồm lục quân, không quân, hải quân và cảnh sát sẽ được khai triển tại mọi trạm đổ xăng từ [ngày 27/06] để cung cấp cho mọi người một mã mua hàng theo thứ tự mà họ đang xếp trong hàng,” ông Wijesekera cho biết.
Ông kêu gọi người dân không xếp hàng tại các trạm xăng dầu trong những ngày tới trong bối cảnh chính phủ đang chật vật để mua nhiên liệu.
Sri Lanka đang nhắm vào xăng dầu Nga
Sri Lanka đang đàm phán với Nga về khả năng cung cấp nhiên liệu trực tiếp, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt đối với Nga vì cuộc xâm lược Ukraine. Hôm thứ Hai (27/06), hai bộ trưởng Sri Lanka đã đến Nga để mua nhiên liệu từ Moscow.
“Chúng tôi có một lợi thế nếu có thể mua dầu trực tiếp từ chính phủ Nga qua các công ty Nga. Các cuộc đàm phán đang diễn ra,” ông Wijesekera nói với các phóng viên hôm 26/06.
Ông lưu ý rằng Sri Lanka đã mua lô hàng 90,000 tấn dầu thô của Nga hồi tháng trước để khởi động lại nhà máy lọc dầu duy nhất của họ.
Hôm 22/06, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho biết Tập đoàn Dầu khí Ceylon do nhà nước điều hành đang nợ 700 triệu USD, do đó không quốc gia hoặc tổ chức nào sẵn sàng cung cấp nhiên liệu bằng tiền mặt.
Hàng trăm người tìm cách rời Sri Lanka
Trong vài tuần qua, hơn 300 người dân Sri Lanka đã tìm cách chạy sang Úc do tình hình kinh tế bất ổn của quốc gia khiến hàng triệu người dân nước này cần viện trợ cứu sinh.
Hãng thông tấn Sky News đưa tin cho hay chính phủ Úc nói rằng những người Sri Lanka cố gắng nhập cảnh Úc bất hợp pháp sẽ bị trục xuất.
Theo tin tức địa phương, cảnh sát Sri Lanka đã bắt giữ khoảng 399 người đang tìm cách trốn sang Úc. Cảnh sát cho biết những kẻ buôn lậu sẽ thu từ 200,000 rupee (556 USD) đến 1,000,000 rupee (2,778 USD) để tạo điều kiện cho những người tìm cách di cư bất hợp pháp.
Quốc gia này đang trên bờ vực phá sản khi dự trữ ngoại hối giảm mạnh 70% trong hai năm qua. Chính phủ cho biết không có khả năng thanh toán khoản nợ ngoại quốc 7 tỷ USD đáo hạn trong năm nay và đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Các chủ nợ hàng đầu cho khoản nợ này là Ngân hàng Phát triển Á Châu với 4.4 tỷ USD, Trung Quốc với 3.39 tỷ USD, Nhật Bản với 3.36 tỷ USD và Ngân hàng Thế giới với 3.2 tỷ USD tính đến tháng Tư.
Các cơ quan cho vay đa phương, chẳng hạn như Ngân hàng Phát triển Á Châu và Ngân hàng Thế giới, đưa ra mức lãi suất rất thấp, từ 0.25% đến 2%. Theo tổ chức tư vấn Verite Research có trụ sở tại Colombo, lãi suất của Bắc Kinh đã khiến các khoản vay của Trung Quốc trở nên khác biệt so với các bên cho vay khác, với lãi suất trung bình là 3.3%, Asia Nikkei đưa tin. Lãi suất của Nhật Bản là 0.7%.
Thời gian đáo hạn cho khoản vay của Bắc Kinh là 18 năm cũng ngắn hơn của Nhật Bản là 34 năm.
Hàng ngàn người dân Sri Lanka đã xuống đường phản đối chính phủ yếu kém trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế của quốc gia, dẫn đến việc Thủ tướng đương nhiệm Mahinda Rajapaksa phải từ chức hôm 09/05.
Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.