Sri Lanka cạn xăng dầu, chuẩn bị cho những tháng ‘khó khăn’ sắp đến
Hôm 16/05, tân thủ tướng của Sri Lanka cho biết, nước này đã cạn xăng dầu và tình hình tài chính của đất nước “vô cùng bấp bênh”.
Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cho biết, chính phủ thiếu tiền mặt của nước này đang cần gấp 75 triệu USD ngoại hối để thanh toán cho các mặt hàng nhập cảng thiết yếu trong vòng vài ngày tới.
“Hiện tại, nền kinh tế Sri Lanka vô cùng bấp bênh,” ông Wickremesinghe nói trong một bài diễn văn trên truyền hình. “Một vài tháng tới sẽ là quãng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời chúng ta.”
“Chúng ta phải chuẩn bị bản thân, sẵn sàng hy sinh một vài thứ và đối mặt với những thách thức trong giai đoạn này.”
Ông Wickremesinghe nói rằng ba chuyến hàng chở dầu thô và dầu nhiên liệu “vẫn bị mắc kẹt trong khu vực hàng hải của Sri Lanka” vì chính phủ không thể huy động đủ tiền mặt để mua dầu.
“Hiện tại, ngân hàng trung ương, các ngân hàng địa phương và tư nhân, và các ngân hàng ngoại quốc hoạt động ở Sri Lanka đều đang đối mặt với tình trạng thiếu tiền mặt. Như [công chúng] đã biết, hiện chúng ta đang trữ rất ít đồng dollar Mỹ,” ông nói.
Trong khi các lô hàng dầu diesel và xăng sử dụng hạn mức tín dụng từ Ấn Độ có thể cung cấp cứu trợ trong những ngày tới, ông Wickremesinghe cảnh báo rằng việc cắt điện ở Sri Lanka có thể kéo dài tới 15 giờ mỗi ngày.
Quốc gia này cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc men và thiết bị phẫu thuật, đặc biệt là thuốc điều trị bệnh tim và vaccine phòng bệnh dại. Hiện thời, Sri Lanka đang nợ các nhà cung cấp dược phẩm 34 tỷ rupee Sri Lanka (94 triệu USD).
Ngân hàng trung ương nước này sẽ phải in tiền mặt để trả lương cho nhân viên khu vực hành chính công, mặc dù ông Wickremesinghe cảnh báo rằng làm như vậy sẽ khiến đồng tiền mất giá.
Ông cũng đề nghị tư hữu hóa hãng hàng không quốc gia Sri Lankan Airlines.
Hôm 09/05, ít nhất chín người tử vong và 219 người khác bị thương sau khi những người ủng hộ đảng cầm quyền tấn công những người biểu tình chống chính phủ. Quân đội có vũ trang hiện được phép bắn bất cứ ai bị phát hiện cướp bóc tài sản công cộng hoặc có hành vi phá hoại.
Hôm 15/05, một phát ngôn viên của lực lượng cảnh sát cho biết 230 người đã bị bắt vì vi phạm lệnh giới nghiêm, tấn công công chúng, và phá hoại. Trong số đó, 68 người đã bị giam giữ.
Vai trò của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka
Sri Lanka là một đối tác chính yếu trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, mà các nước khác đã chỉ trích là “bẫy nợ” đối với các quốc gia nhỏ hơn. Một số dự án cơ sở hạ tầng được tài trợ bởi các khoản đầu tư ngoại quốc đã không mang lại doanh thu, khiến đất nước chìm trong nợ nần.
Tháng 12/2017, chính phủ Sri Lanka đã cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota quan trọng trong 99 năm để chuyển các khoản nợ 1.4 tỷ USD thành vốn chủ sở hữu. Hàng ngàn người đã tập hợp biểu tình phản đối thỏa thuận này.
Hôm 15/05, Nghị viên Sri Lanka Harsha de Silva cho biết chính phủ không có lựa chọn nào khác ngoài việc “tìm ra cách nào đó để thoát khỏi nợ nần” tồn đọng từ các dự án cơ sở hạ tầng.
Tờ India Today dẫn lời ông Silva cho biết, “Chúng tôi không thể phá dỡ các dự án bây giờ. Những gì chúng tôi có thể làm bây giờ là tìm ra cách nào đó thoát khỏi nợ nần. Chúng tôi phải tái cấu trúc nợ, và chúng tôi phải nói chuyện với Trung Quốc và đi đến một giải pháp.”
Khoảng 10% trong số 51 tỷ USD nợ ngoại của Sri Lanka là nợ Trung Quốc. Sri Lanka đã yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ để tái cấu trúc toàn bộ vốn nợ và hỗ trợ tài chính 2.5 tỷ USD. Tháng 05/2022, chính phủ Sri Lanka cho biết Bắc Kinh đã gia hạn gói viện trợ tổng cộng 500 triệu nhân dân tệ (76 triệu USD).
Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.
Việt Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: