SR-72 – ‘Con trai của Hắc điểu’ trở thành nỗi ám ảnh của ĐCSTQ?
Đến nay, quân đội Hoa Kỳ vẫn là nước sở hữu nhiều vũ khí tiên tiến, ngoài chiến đấu cơ F-35, còn có hàng không mẫu hạm tối tân nhất thế giới USS Gerald R. Ford (CVN-78) mới ra mắt vào đầu năm nay, oanh tạc cơ tàng hình B-21 chuẩn bị thực hiện chuyến bay đầu tiên trong năm nay, và một trinh sát cơ siêu tốc không người lái đang trong quá trình nghiên cứu. Điều này đã khiến sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, giúp Hoa Kỳ giải quyết nhiều xung đột trên toàn thế giới, đặc biệt là ngăn chặn mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Tập đoàn Lockheed Martin đang phát triển SR-72, được biết đến với cái tên “Con trai của Hắc điểu”. SR-72 dự kiến sẽ hoạt động với tốc độ tối đa lên đến 6 mach, trang bị năng lực tình báo, giám sát và trinh sát ở tốc độ cao (ISR) và có thể thực hiện nhiệm vụ không kích. Dự kiến đến năm 2030, SR-72 sẽ được đưa vào hoạt động. Tập đoàn này tin rằng việc phát triển một phi cơ tầm cỡ như vậy sẽ khiến cục diện thay đổi đáng kể.
Vào ngày 10/2, trang web 19fortyFive.com đã đăng một bài viết cho biết, giả sử trong tương lai Á Châu hoặc Âu Châu xảy ra khủng hoảng, SR-72 có thể lập tức thu được thông tin tình báo trong vòng một giờ tại chính địa điểm xảy ra sự cố. Những kỹ sư hàng không hàng đầu ở Hoa Kỳ đang thực hiện dự án này, và chẳng bao lâu nữa nó sẽ trở thành sự thực.
Những thông tin tình báo do phi cơ không người lái thực hiện có đến 85% thuộc về bí mật của chính phủ Hoa Kỳ.
Tại sao lại tuyển chọn “Con trai của Hắc điểu”?
SR-72 có thể đạt tốc độ siêu vượt âm (hypersonic). Thành quả này đạt được là nhờ những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình phát triển các dự án phi cơ không người lái như The Blackswift/HTV-3X, HTV-2, v.v. Trong chuỗi ản phẩm của Lockheed Martin, SR-72 được coi là “thế hệ thay thế” cho huyền thoại Trinh sát cơ siêu vượt âm SR-71 (SR-71 Blackbird). Đây cũng là nguyên do SR-72 được biết đến là “Con trai của Hắc điểu”.
Hắc điểu SR-71 đã ngừng hoạt động trong Không quân Hoa Kỳ kể từ năm 1998. Nó có thể bay ở độ cao 85,000 feet, với tốc độ khủng khiếp lên đến Mach 3.3 tương đương hơn 3,500 km/h, nhanh hơn ít nhất 800 km/h so với tất cả các phi cơ của Liên Xô. Đến nay SR-71 vẫn giữ kỷ lục về loại phi cơ quân sự nhanh nhất trên thế giới.
Với tốc độ và độ cao bay tối đa vượt trội, ngay cả khi bị radar của địch phát hiện, nó vẫn có thể “tẩu thoát” nhanh hơn tốc độ hỏa tiễn. Trong thời gian Hắc điểu hoạt động quân sự, dù có đến 4,000 tên lửa nhắm vào thì vẫn không thể bắn hạ nó. Có thể nói Hắc điểu là đỉnh cao của kỹ thuật hàng không Hoa Kỳ trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.
“Con trai của Hắc điểu” SR-72 dự kiến sẽ trở thành thế hệ tiếp theo của SR-71. Nó có chiều dài hơn 30.5 mét, có thể cất và hạ cánh trên đường băng dành cho các phi cơ thông thường. Nó còn được trang bị động cơ kép, tốc độ tối đa lên đến Mach 6, tức là hơn 7,400 km/h, gấp hai lần tốc độ của SR-71. Với tốc độ này, SR-72 có thể tiếp cận bất cứ nơi nào trên thế giới chỉ trong nháy mắt.
“Skunk Works” của Tập đoàn Lockheed Martin nổi tiếng với những dự án phát triển các phi cơ tàng hình và trinh sát cơ. Mặc dù rất nhiều thông tin chi tiết về SR-72 đều được bảo mật nhưng đơn vị này tiết lộ nó dự kiến sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2023, muộn nhất là năm 2025. Nếu mọi thứ đều thuận lợi, đến năm 2030, SR-72 sẽ được đưa vào hoạt động.
Tiêm kích không người lái
Để SR-72 đạt được tốc độ tối đa Mach 6, thì nó cần phải có những cải tiến đáng kể.
Một nghiên cứu trước đây của Lockheed Martin được NASA tài trợ đã phát hiện, nếu kết hợp động cơ turbin với động cơ scramjet (động cơ phản lực tĩnh siêu thanh) thì có thể đạt được tốc độ lên tới Mach 7.
Vào ngày 10/2, trang web 19fortyfive.com đăng tải bài viết cho biết, ngay từ năm 2018, phó Chủ tịch Lockheed Martin, ông Jack O’Banion đã nói trong một sự kiện rằng, bước nhảy vọt của công nghệ siêu thanh sẽ sớm được áp dụng trong các phi cơ siêu thanh và bàn giao cho quân đội Hoa Kỳ.
Mặc dù SR-71 là trinh sát không vũ trang, nhưng SR-72 sẽ được Lockheed Martin tích hợp các hệ thống vũ khí tấn công tốc độ cao (HSSW). Có thể nói, cả thế giới đều đang vô cùng chờ đợi khoảnh khắc tiến hành thử nghiệm SR-72.
Nhờ được tích hợp hệ thống vũ khí tấn công, phi cơ không người lái SR-72 vẫn có thể tiến hành các cuộc không kích với độ chính xác cao khi bị đe doạ. Bởi vì trong các cuộc không kích kiểu này, chỉ cần chậm một chút là phi công điều khiển chiến đấu cơ rất có thể sẽ gặp nguy hiểm.
Tại sao Hoa Kỳ cần “Con trai của Hắc điểu”?
Không quân Hoa Kỳ đã không còn trọng dụng SR-71 kể từ năm 1998, tại sao hiện tại lại cần SR-72?
Câu trả lời đơn giản nhất cho nghi vấn này là vì địa chính trị. Năm 1990, bức tường Berlin sụp đổ, Liên Xô thất thế, cũng có nghĩa là nhiệm vụ trinh sát do thám đối thủ của Hắc điểu dần trở nên không cần thiết. Tuy nhiên, hiện tại, trong bối cảnh quan hệ Nga – Hoa Kỳ đang tiếp tục xấu đi, Hoa Kỳ lại phải đối mặt với Trung Cộng đầy hung hăng, thì sự xuất hiện của SR-72 trở nên vô cùng quan trọng. Từ góc độ an ninh quốc gia, nó có thể thực hiện hoạt động trinh sát tình báo đối với Moscow và Bắc Kinh ở một cấp độ nào đó.
Theo Tạp chí The National Interest, hoạt động trinh sát này có thể được cung cấp bởi các vệ tinh gián điệp, nhưng nó vẫn gặp phải những hạn chế nhất định. Các vệ tinh thường mất 24h mới có thể xác định được vị trí thích hợp để chụp lại ảnh. Khi đã chạm đến một địa điểm nào đó trong không gian, nó chỉ có thể ở tại vị trí ấy khoảng một phút rồi tiếp tục di chuyển. Cho đến thời điểm hiện tại, người ta vẫn có thể dễ dàng xác định được vị trí của vệ tinh. Nếu xung đột xảy ra, chúng sẽ sớm trở thành mục tiêu tiêu diệt của hỏa tiễn chống vệ tinh của Nga và Trung Quốc.
Trước nhược điểm của vệ tinh cùng những mối đe dọa liên tục gia tăng đến từ Trung Quốc và Nga, bao gồm cả việc Trung Quốc thử nghiệm hỏa tiễn siêu thanh vào tháng 11 năm ngoái, Hoa Kỳ đã ngày càng trở nên cảnh giác và gấp rút cho ra đời thế hệ tiếp theo của Hắc điểu.
Tạp chí này cho biết, SR-72 chắc chắn sẽ được đưa vào hoạt động trong các môi trường nguy hiểm, nhưng nó là thế hệ không người lái, bởi vậy sẽ đảm bảo được sự an toàn cho quân đội Hoa Kỳ.
SR-72 đã chú trọng kết hợp hai công nghệ trọng yếu là siêu vượt âm và tàng hình. Ngoài thực hiện các nhiệm vụ như trinh sát chiến lược, thu thập tình báo, giám sát mục tiêu, không kích thông thường, v.v, nó còn đáp ứng yêu cầu đánh chặn bất cứ mục tiêu nào do quân đội Hoa Kỳ đưa ra chỉ trong vòng 1 giờ.
Hiện tại, Lockheed Martin rất lạc quan về giá trị quân sự của SR-72. Họ tuyên bố SR-72 có thể “tàng hình bằng tốc độ mới”,và tốc độ Mach 6 sẽ khiến đối phương không kịp đưa ra cảnh báo sớm và đánh chặn.
Lý Hoàn Vũ thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: