S&P 500 rơi vào thị trường giá xuống — Những điều quý vị cần biết
Chưa đầy một tháng sau khi chỉ số S&P 500 tạm thời rơi vào vùng giảm, chỉ số thị trường chứng khoán chuẩn chính thức rơi vào thị trường giá xuống vào lúc kết thúc giao dịch hôm 13/06.
Tính đến thời điểm hiện tại, S&P 500, bao gồm Apple, Berkshire Hathaway, và Tesla, đã giảm gần 22%. Chỉ số này hiện tham gia vào thị trường giá xuống cùng với Chỉ số Tổng hợp Nasdaq thâm dụng công nghệ. Nasdaq đã giảm mạnh 31% trong năm nay.
Mọi cặp mắt sẽ đổ dồn vào Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones để xem liệu đó có phải là quân cờ domino tiếp theo rơi trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York hay không. Chỉ số Dow Jones, duy trì thành phần gồm American Express và Coca-Cola, đã giảm khoảng 16% trong năm tính đến thời điểm hiện tại.
Những gì chúng ta biết về thị trường ‘gấu’ (giá xuống)
Trước hết, thị trường giá xuống là gì? Đây là xu hướng thị trường mà khi giá đóng cửa của một chỉ số chứng khoán chính thức giảm 20% so với mức cao nhất gần đây nhất của chỉ số ấy. Ngược lại, thị trường ‘bò’ (bull market, giá tăng) bắt đầu khi giá đóng cửa của chỉ số này phục hồi 20% từ mức thấp gần đây nhất.
Chỉ số S&P 500 đã chứng kiến 26 thị trường giá xuống kể từ năm 1928. Hầu hết các thị trường giá xuống đều đi kèm với suy thoái kinh tế.
Trong lịch sử, thị trường giá xuống tồn tại tương đối ngắn, kéo dài trung bình khoảng 9.6 tháng. Để so sánh, thị trường giá tăng có độ dài trung bình là 2.7 năm.
Khi nói đến mức độ sâu của thị trường giá xuống này, gần đây Goldman Sachs đã ước tính rằng S&P 500 có thể trượt xuống xấp xỉ mức 3,650. Các chiến lược gia ngân hàng đầu tư đã đưa ra con số này bằng cách tính toán rằng chỉ số này đã giảm từ đỉnh xuống đáy với tỷ lệ trung bình là 24% trong 12 lần suy thoái.
Nhưng một số nhà phân tích cho rằng các nhà đầu tư có thể đang nhắm mục tiêu giảm 30%. Theo Ned Davis Research, mức giảm trung bình kể từ năm 1928 là khoảng 30% và kéo dài gần một năm.
Trong các năm 1973, 2000, và 2007, S&P 500 tăng trung bình 51.4% trước khi chạm đáy. Theo dữ liệu từ LPL Research, nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái, thị trường giá xuống có thể trầm trọng hơn, giảm trung bình gần 35% và kéo dài gần 15 tháng.
Tất cả về cuộc suy thoái này
Suy thoái và lo ngại lạm phát là những yếu tố góp phần dẫn đến tình trạng bán tháo trên thị trường chứng khoán.
Các nhà đầu tư đang bắt đầu định giá rằng Cục Dự trữ Liên bang có thể kích hoạt việc tăng lãi suất 75 điểm căn bản trong cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) trong tuần lễ từ ngày 13-19/06 như một phần của các nỗ lực chống lạm phát tràn lan.
Các nhà giao dịch cũng theo dõi sát sao thị trường Trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ hôm 13/06 khi lợi suất kỳ hạn 2 năm và 10 năm đảo chiều lần thứ 3 trong năm nay.
Trái phiếu ngắn hạn tăng 10.4 điểm cơ bản lên 3.385%, trong khi trái phiếu dài hạn giảm 1.3 điểm cơ bản xuống 3.358%. Trước đó trong phiên giao dịch, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 5 năm và 30 năm cũng đã đảo chiều trong một thời gian ngắn.
Thị trường coi đây là một chỉ báo suy thoái hàng đầu vì chỉ báo này đã dự đoán được 7 trong 8 cuộc suy thoái trước đây. Các chuyên gia sử dụng chỉ báo này như một thước đo phù hợp vì hiện tượng đó nhấn mạnh rằng các nhà đầu tư mong đợi sự sụt giảm trong lãi suất dài hạn trong bối cảnh hoạt động kinh tế suy giảm.
Nhưng liệu một thị trường giá xuống có phải là cửa ngõ dẫn đến cuộc suy thoái lần thứ hai trong hai năm và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn không?
Theo Hartford Funds, đã có 26 thị trường giá xuống kể từ năm 1929, nhưng chỉ có 15 lần suy thoái.
Công ty này viết: “Thị trường giá xuống thường đi đôi với nền kinh tế đang chậm lại, nhưng thị trường suy giảm không nhất thiết có nghĩa là suy thoái đang xuất hiện.”
Tỷ lệ thất nghiệp thường tăng cao hơn trong các thị trường giá xuống. Ví dụ, vào năm 1962, khi thị trường giá xuống kéo dài trong 6 tháng và chỉ số S&P 500 giảm 28%, thì tỷ lệ thất nghiệp là 5.5%.
Trong thị trường giá xuống 1980–82, khi chỉ số này giảm 27.1%, tỷ lệ thất nghiệp trong 3 năm đó là 7.2% (1980), 8.5% (1981), và 10.8% (1982). Những năm này cũng đi kèm với các con số tổng sản phẩm quốc nội yếu kém: âm 0.3 % (1980), 2.5 % (1981), và âm 1.8 % (1982).
Tất nhiên, thị trường lao động ngày nay đang tăng, với nền kinh tế Hoa Kỳ gần như phục hồi tất cả các việc làm bị mất trong đại dịch COVID-19. Liệu thị trường giá xuống này có phá vỡ được thị trường việc làm đang tăng trưởng nóng hay không thì vẫn còn phải xem.
Tuy nhiên, các nhà phân tích thị trường cảnh báo rằng những diễn biến khác nhau trong nền kinh tế toàn cầu đang tạo tiền đề cho một sự suy thoái kinh tế ở trong và ngoài nước.
“Các thị trường tài chính đã gặp khó khăn trong khởi đầu tồi tệ nhất đối với một năm trong nhiều thập niên,” ông John Lynch, giám đốc đầu tư của Comerica Wealth Management, đã viết trong một bản tin nghiên cứu hôm 13/06 (pdf). “Lạm phát gia tăng, sự xoay chuyển trong chính sách của Fed, và việc định giá vốn cổ phần đắt đỏ trong lịch sử đã nằm trong tâm trí của các nhà đầu tư từ đầu năm nay, nhưng sự kết hợp của các đợt phong tỏa Trung Quốc do COVID-19 và cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã làm gia tăng sự bất ổn với việc các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về khả năng suy thoái toàn cầu vào một thời điểm nào đó trong năm tới.”
Các nhân vật nổi tiếng khác của Wall Street cho rằng nguy cơ suy thoái đang gia tăng.
Trong Hội nghị Đầu tư Sohn 2022 trực tuyến, nhà đầu tư tỷ phú Stanley Druckenmiller cho biết Hoa Kỳ sẽ trải qua một cuộc suy thoái vào năm tới.
“Lạm phát chưa bao giờ giảm xuống nếu không có một sự suy thoái và tôi nghĩ suy thoái là nguyên nhân chính,” ông Druckenmiller nói với người đồng sáng lập Stripe, ông John Collison. “Với mức độ bong bóng tài sản và sự tàn phá trên thị trường, với những gì đang diễn ra ở Ukraine, với chính sách Zero-COVID ở Trung Quốc … Tôi thực sự cho rằng chúng ta sẽ có một cuộc suy thoái vào năm 2023.”
Trình bày tại một hội nghị do ngân hàng Wall Street tổ chức, Giám đốc điều hành Morgan Stanley James Gorman đã sửa đổi dự báo của mình và nói với các nhà đầu tư rằng tỷ lệ suy thoái là 50%.
Ông Jeremy Siegel, một giáo sư tài chính tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, nói với CNBC hôm 10/06 rằng thị trường đã bắt đầu “giảm giá cho một cuộc suy thoái vào năm 2023.”
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta đang định giá cho một cuộc suy thoái nhẹ. Tôi không nói suy thoái thực sự sẽ nghiêm trọng như thế nào.”
Mua khi giá giảm?
Kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch, bất cứ khi nào có sự sụt giảm trên thị trường, lời kêu gọi rõ ràng của các nhà đầu tư là mua vào khi mức giá giảm.
Có phải lần này cũng là một cơ hội tương tự không? BlackRock vẫn chưa nhấn lệnh mua.
Các chiến lược gia của BlackRock đã viết trong một ghi chú hôm 13/06: “Chúng tôi không mua cổ phiếu khi giá giảm vì sự định giá [của thị trường] vẫn chưa thực sự được cải thiện. Có nguy cơ Fed thắt chặt rất mạnh, và áp lực lên tỷ suất lợi nhuận đang gia tăng.”
Các chiến lược gia của Morgan Stanley, dẫn đầu bởi ông Michael J. Wilson, đã lưu ý hồi tháng Năm rằng “còn quá sớm để có được xu hướng tăng giá.”
Theo khảo sát của Hiệp hội các nhà đầu tư cá nhân Hoa Kỳ về tâm lý nhà đầu tư cá nhân, 47% nhà đầu tư đang cảm thấy bi quan về thị trường chứng khoán trong 6 tháng tới.
Nhưng sự bất đồng giữa các nhà đầu tư là không tương đồng.
Tháng trước, một cuộc khảo sát của Bankrate đã tiết lộ rằng các nhà đầu tư trẻ đang sử dụng việc bán tháo thị trường để có lợi cho họ và mua vào với giá giảm. Cuộc thăm dò cho thấy 43% người thế hệ Z và 27% thế hệ Y có kế hoạch đầu tư nhiều hơn trong năm nay.
Ông Greg McBride, giám đốc phân tích tài chính kiêm Phó chủ tịch cao cấp của Bankrate, cho biết trong một tuyên bố: “Các nhà đầu tư thế hệ Z và thế hệ Y sẵn sàng đầu tư nhiều hơn vào cổ phiếu trong năm nay, bất chấp biến động thị trường và lạm phát, có thể thấy phần thưởng dài hạn lớn hơn cho kỷ luật kiên trì và mua nhiều hơn ở mức giá thấp hơn.”
Trong khi xác định thời điểm chạm đáy có thể là một kỳ công đầy thách thức, các chuyên gia đầu tư cho rằng nếu các nhà đầu tư mua vào khi giá giảm, họ nên nắm giữ những chứng khoán này trong dài hạn. Theo các chiến lược gia, một chiến lược có thể là làm giảm giá trung bình xuống với các giao dịch này để giảm chi phí và giảm thiểu rủi ro để vượt qua cơn bão.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).