‘Someone Somewhere’: Xóa đói nghèo bằng sự trân trọng nghệ thuật truyền thống
Công ty Mexico “Someone Somewhere” giúp các nghệ nhân thoát nghèo theo đúng nghĩa đen, bằng cách sử dụng các đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống lâu đời của họ.
Anh Antonio Nuño đồng sáng lập công ty vào năm 2016 ở Mexico với những người bạn thân nhất của mình, cô Fátima Álvarez và anh Enrique Rodrigue. Những người bạn này đều dưới 30 tuổi đã thành lập công ty thông qua một chiến dịch Kickstarter (Hỗ trợ khởi nghiệp) bán áo thun T-shirt và ba lô. Các đơn đặt hàng đến từ 27 quốc gia trên thế giới. Chiến dịch đã đạt mục tiêu 50,000 USD chỉ trong vòng hai ngày. Cuối cùng, họ phải dừng chiến dịch vì đã đạt đến số lượng đơn hàng tối đa có thể thực hiện.
Chiến dịch Kickstarter đã cho phép công ty khởi động hoạt động kinh doanh trực tuyến ở Mexico. Ngày 27/8, công ty đã ra mắt tại Hoa Kỳ.
Someone Somewhere tiếp thị các sản phẩm của mình, chủ yếu là túi xách, ba lô và áo thun T-shirt cho thế hệ Millennials (những người sinh ra từ năm 1980 đến 2000). Những người sáng lập phát hiện rằng thế hệ millennials này là một trong những phân khúc thị trường vốn rất quan tâm đến tác động của các sản phẩm mà họ mua. Những người sáng lập cũng thuộc thế hệ millennials. Anh Nuño nói trong một cuộc gọi điện video rằng, “Chúng tôi biết rằng nếu chúng tôi không làm điều gì đó để giải quyết các vấn đề của thế giới, chúng tôi sẽ phải gánh chịu hậu quả.”
Anh Nuño đam mê trong việc giúp mọi người hiểu thủ công truyền thống có thể giúp các nghệ nhân thoát nghèo như thế nào. Trước đây, anh đã làm việc cho các tổ chức phi chính phủ và các tập đoàn như McKinsey & Co. Anh coi Someone Somewhere là cầu nối giữa thế hệ millennials và các nghệ nhân. Khi công ty phát triển và có nhiều kinh nghiệm hơn, việc kết nối cả hai phía càng trở nên dễ dàng.
Một cách sống đang biến mất
Anh Nuño và những người bạn của mình bắt đầu quan tâm về cuộc sống của các nghệ nhân trong một chuyến đi tình nguyện ở trường trung học đến Puebla thuộc vùng trung đông Mexico. Họ đi đến đâu cũng được chào đón nồng nhiệt như những vị khách quý theo phong tục địa phương. Anh Nuño nói: “Những người địa phương đã cho chúng tôi thức ăn ngon nhất của họ. Họ đã chia sẻ rất nhiều điều mà không cần biết chúng tôi là ai, không mong nhận lại bất cứ điều gì.” Nhưng khi thân thiết hơn với các gia đình này, họ nhận ra mức độ nghèo đói nghiêm trọng trong cộng đồng ở đây.
Sau chuyến đi đầu tiên đó, những người bạn đã dành nhiều tháng sống với nhiều nghệ nhân khác nhau, quan sát cuộc sống hàng ngày của họ để tận mắt chứng kiến cảnh nghèo đói mà họ phải đối mặt. Anh Nuño nói: “Chúng tôi quyết định đến và sống trong những cộng đồng này để hiểu rõ gốc rễ của vấn đề.”
Họ tìm thấy hai vấn đề. Đầu tiên là thiếu cơ hội việc làm. Các nghệ nhân sống trong những ngôi làng hẻo lánh ở lưng chừng núi, cách biệt với phần còn lại của thế giới, chủ yếu tìm cơ hội việc làm trong ngành nông nghiệp hoặc thủ công mỹ nghệ. Thứ hai là đa phần nghệ nhân là những phụ nữ đang phải vật lộn để tồn tại; và con cái của họ không có động lực để học nghề khi nhìn thấy những người mẹ làm việc vất vả. Theo giải thích của anh Nuño, nếu thế hệ trẻ không học nghề thủ công thì sẽ dẫn đến nguy cơ là các kỹ thuật thủ công mỹ nghệ vốn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác sẽ biến mất.
Những cộng đồng này còn phải đối mặt với những rủi ro khác đối với phong tục của họ. Hầu hết phụ nữ mặc áo dài truyền thống, nhưng thanh thiếu niên ăn mặc giống như những người trong phim hoặc tiểu thuyết (vở kịch truyền hình), tin rằng làm như vậy mới sành điệu.
Theo anh Nuño, “Điều này thật đáng buồn” bởi nghề thủ công truyền tải di sản của các cộng đồng này. Anh nói: “Mỗi một màu sắc, mỗi một hình dạng đều có một ý nghĩa.” Rất nhiều mẫu khắc họa lịch sử của cộng đồng: Những người khai hoang, những con vật đầu tiên họ nhìn thấy hoặc loại hoa mà họ thu hoạch. Anh nói thêm: “Rất nhiều thứ gắn liền với nghề thủ công và nếu thế hệ trẻ không quan tâm đến việc tìm hiểu nó thì lịch sử đó sẽ bị mai một.”
Anh Nuño tin rằng các cộng đồng nghệ nhân sẽ là những nơi hạnh phúc nhất trên trái đất nếu họ có thể tồn tại với thu nhập từ hàng thủ công của mình. Anh tin rằng cách sống của họ tốt hơn ở thành phố, nhưng vấn đề duy nhất là họ đang đánh mất nó.
Anh Nuño cho biết: “Tất cả các phương tiện truyền thông khiến họ khao khát được sống theo cách [người dân ở] các thành phố lớn sống. Nhưng khi quý vị ở đó [trong những cộng đồng nghệ nhân này], quý vị sẽ thấy đó là nơi có chất lượng cuộc sống tốt nhất: Họ được kết nối với thiên nhiên. Họ rất quan tâm lẫn nhau. Những điều lớn lao mà họ lo lắng đến chỉ là họ sẽ ăn gì vào ngày mai hoặc điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó bị ốm. Nhưng họ không khao khát có nhiều của cải vật chất.”
Những cộng đồng này ôm giữ triết lý “sống tốt – buen vivir” (một nguyên tắc sống hòa hợp giữa thiên nhiên và con người, cộng đồng tương trợ lẫn nhau, có trách nhiệm chung, sản xuất tập thể và phân phối của cải theo nhu cầu của các thành viên trong cộng đồng), một đặc tính mà Someone Somewhere đã áp dụng. Anh Nuño nói rằng triết lý bản địa này có thể được tìm thấy ở Peru, Colombia và Bolivia, cũng như Mexico – dù tên gọi khác nhau giữa các cộng đồng và giữa các quốc gia.
Anh nói thêm: “Tôi nghĩ, cụm từ hay nhất mô tả nó là họ muốn sống tốt chứ không phải sống tốt hơn. … Cụm từ ‘Thế giới tốt đẹp hơn’ theo họ chỉ là khao khát và luôn cần nhiều hơn thế.” Bản chất của lối sống này là tận hưởng cuộc sống trong môi trường của họ mà không muốn nhiều hơn, vốn là điều không bền vững.
Một giải pháp hiện đại
Khi anh Nuño và những người bạn của mình trở lại cuộc sống trong thành phố, họ nghĩ: Làm sao chúng ta có thể sống như thế này, trong khi biết rằng có rất nhiều người đang phải vật lộn kiếm sống? Anh Nuño nói: “Nhưng, cho dù còn tệ hơn đi nữa thì chúng tôi đã biết làm thế nào để giải quyết vấn đề này. Chúng tôi biết một giải pháp có thể phát triển để giúp ích cho rất nhiều người.” Đó là bước ngoặt đối với họ.
Anh Nuño giải thích rằng ở hầu hết các quốc gia, các nghệ nhân thường bán đồ thủ công của họ ở các thành phố du lịch qua hai kênh. Hoặc là người nghệ nhân bán trực tiếp cho khách du lịch trên đường phố bằng cách trải thảm xuống đất để trưng bày sản phẩm, hoặc là họ gửi hàng đến các cửa hàng lưu niệm, nơi các sản phẩm chất đống cao ngất trời. Cả hai phương pháp bán hàng đều không kể cho người mua câu chuyện về hàng thủ công mỹ nghệ. Anh Nuño nói: “Nó giống như một món hàng tầm thường thay vì một thứ có rất nhiều ý nghĩa mà mỗi nghệ nhân đã dành hàng giờ để tạo ra.”
Someone Somewhere bán sản phẩm trên trang web riêng, hướng dẫn người mua thông tin về các nghệ nhân và hàng thủ công của họ. Mỗi sản phẩm của Someone Somewhere đều có chất liệu hoặc một số bộ phận của sản phẩm được một nghệ nhân làm thủ công.
Khi một nghệ nhân dệt vải hoặc thêu thủ công một số chi tiết, ở trên nhãn họ ký tên của họ dưới chữ “Someone” và làng của họ dưới chữ “Somewhere”. Bộ phận này sau đó được gửi đi lắp ráp tại một số xưởng ở thành phố Mexico, tùy thuộc vào sản phẩm. Nhiều xưởng trong số này nằm ở những khu vực nghèo và công ty cũng hướng dẫn họ kinh doanh để bảo đảm họ có thể phát triển.
Anh Nuño cho biết bản thân các nghệ nhân tự hào khi biết rằng ai đó từ Hoa Kỳ, Pháp hoặc Tây Ban Nha đang mặc tác phẩm của họ.
Chìa khóa cho thành công của cộng đồng
Anh Nuño cho biết lắng nghe và làm việc cùng nhau trong cộng đồng là chìa khóa để xây dựng kinh doanh hiệu quả trong những cộng đồng này. Việc áp đặt quy trình và nhịp độ của thành thị lên các nghệ nhân là không có hiệu quả. Tốc độ làm việc phải đến từ bản thân họ.
Các nghệ nhân của Someone Somewhere tự quyết định họ muốn làm bao nhiêu. Có những người phụ nữ lớn tuổi hài lòng với việc sản xuất một sản phẩm mỗi ngày. Và những phụ nữ trẻ hơn, muốn dành dụm cho các dự định tương lai, có thể tạo ra năm sản phẩm mỗi ngày. Anh Nuño nói rằng đối với những bà mẹ đơn thân, trước đây cách duy nhất để kiếm tiền là làm việc từ 10 đến 12 giờ trên cánh đồng dưới cái nắng gay gắt. Điều này không phù hợp với những người có ba hoặc bốn con. Giờ đây, những bà mẹ này có thể làm việc tại nhà, thuận tiện hơn cho họ và gia đình.
Nhiều nữ nghệ nhân hiện nay kiếm được nhiều tiền hơn chồng của họ. Thu nhập của nghệ nhân đã tăng 300% so với mức lương đủ sống. Anh Nuño nói: “Trong cộng đồng đầu tiên, thực ra chúng tôi đã tổ chức hội thảo để giải thích cho những anh chồng tại sao điều này tốt cho họ và không hề xấu dù nó có thể ảnh hưởng đến cái tôi của họ”. Đối với nhiều người, thu nhập tăng thêm đồng nghĩa với việc con cái của họ không còn phải làm ruộng và có thể đi học. Giờ thì Someone Somewhere nhận được rất nhiều yêu cầu từ nam giới để làm các công việc hậu cần, và một số ít cũng là nghệ nhân.
Sự khác biệt bền vững
Công ty cũng đang tạo ra sự khác biệt cho các nghệ nhân ở độ tuổi thanh thiếu niên. Anh Nuño nhớ lại chuyến đi tình nguyện thời trung học của mình và ngôi nhà đầu tiên anh đặt chân đến ở Puebla. Anh đã trò chuyện với một cô gái bằng tuổi mình và hỏi đùa rằng cô gái có đạt toàn điểm A ở trường không. Cô ấy trả lời “Có.” – trước sự ngạc nhiên của anh. Cô gái cho xem phiếu điểm của mình, cô từng là học sinh A+ trong suốt thời gian đi học. Ngạc nhiên, Anh Nuño hỏi cô: “Vậy sau đó bạn định làm gì?”. Cô muốn học kỹ thuật công nghiệp, đó là ngành mà anh Nuño cũng tính bắt đầu học. Tuy nhiên, bố mẹ cô cần cô trông coi trang trại và không có tiền để đưa cô lên thành phố. Anh Nuño vô cùng chấn động: Họ bằng tuổi nhau, nhưng điểm khác biệt duy nhất giữa họ là cô ấy sinh ra ở một nơi không có cơ hội học tập.
Cô gái ấy tên là Rosa Secundino. Cô trở thành một trong năm nghệ nhân đầu tiên làm việc cho Someone Somewhere. Nhờ dành dụm tất cả số tiền kiếm được, trong vòng một năm, cô đã có đủ tiền để theo học ngành kỹ thuật công nghiệp tại trường đại học.
Giờ đây, khi trở lại làng của mình, cô hy vọng sẽ tiếp tục thực hành nghề thủ công và sử dụng các kỹ năng kỹ thuật công nghiệp của mình, chẳng hạn như quản lý hậu cần, để giúp tổ chức và cải thiện cộng đồng của mình. Anh Nuño giải thích: “Đó là cách cô ấy sử dụng tài năng của mình để giữ cho những truyền thống đó tồn tại.”
Someone Somewhere đang thay đổi cuộc sống của những người sống trong nghèo đói. Công ty bắt đầu với năm nghệ nhân và bây giờ là với 180 người, và nó tiếp tục phát triển. Sắp tới, hãng sẽ ra mắt sản phẩm đầu tiên đến từ Peru. Và về tương lai, anh Nuño nói: “Có hàng triệu nghệ nhân trên thế giới có thể làm việc với chúng tôi, vì vậy chúng tôi còn rất nhiều việc ở phía trước.”