Số phận của 15 người tham dự đại hội đại biểu toàn quốc đầu tiên của Trung Cộng
Vào ngày 23/07/1921, dưới sự kiểm soát của Quốc tế Cộng sản (Đệ Tam Quốc tế), Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) đã tổ chức đại hội đại biểu toàn quốc lần đầu tiên tại Thượng Hải. Đó là thời kỳ mà Trung Quốc phải chịu đựng các [thế lực] quân phiệt địa phương và chính phủ phải chiến đấu với nỗi kinh hoàng đỏ của Trung Cộng.
Có tổng cộng 15 người đã tham dự cuộc họp, cụ thể là:
Các đại biểu của Đệ Tam Quốc tế: ông Nikolsky (Vladimir Abramovich Neumann, pdf), và ông Maring (Henk Sneevliet);
Đại biểu Thượng Hải: ông Lý Đạt (Li Da), ông Lý Hán Tuấn (Li Hanjun);
Đại biểu Bắc Kinh: ông Trương Quốc Đào (Zhang Guotao), ông Lưu Nhân Tĩnh (Liu Renjing);
Đại biểu Trường Sa: ông Mao Trạch Đông (Mao Zedong), ông Hà Thúc Hành (He Shuheng);
Đại biểu Vũ Hán: ông Đổng Tất Vũ (Dong Biwu), ông Trần Đàm Thu (Chen Tanqiu);
Đại biểu Tế Nam: ông Vương Tần Mỹ (Wang Jinmei), ông Đặng Ân Minh (Deng Enming);
Đại biểu Quảng Châu: ông Trần Công Bác (Chen Gongbo);
Đại biểu du học sinh Nhật Bản: ông Chu Phật Hải (Zhou Fohai);
Ngoài ra, ông Trần Độc Tú (Chen Duxiu, người đồng sáng lập Trung Cộng) đã giao bức thư của mình cho ông Bao Huệ Tăng (Bao Huiseng) mang đến cuộc họp.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Trung Cộng, tôi sẽ điểm lại sơ lược kết cục cuối cùng của 15 người trên.
Bảy người bị các đảng cộng sản hoặc các đối thủ chính trị của họ sát hại
Hai đặc phái viên của Đệ Tam Quốc tế
Ông Nikolsky, một sĩ quan tình báo Liên Xô, và ông Maring, một người Hà Lan và đại biểu của Đảng Cộng sản Nga, đều được lệnh của Đảng Cộng sản Nga (Bolshevik) thực hiện sứ mệnh lật đổ chính phủ Trung Hoa Dân quốc.
Tháng 06/1921, ông Nikolsky được Cục Viễn Đông của Đệ Tam Quốc tế cử đến Trung Quốc. Với sự chỉ dẫn và kinh phí từ Đệ Tam Quốc tế, ông đã gặp một đặc phái viên khác của Đệ Tam Quốc tế là ông Maring tại Thượng Hải. Cả hai đều giữ liên lạc với ông Lý Đạt và ông Lý Hán Tuấn (hai người này đều là thành viên sáng lập của Trung Cộng).
Ngày 23/07/1921, cả hai ông Nikolsky và Maring đều tham gia đại hội và đã làm rất nhiều việc ở Trung Quốc trước, trong và sau đại hội này.
Tuy nhiên, vào ngày 21/09/1938, ông Nikolsky bị triệu hồi về Moscow và bị xử bắn sau khi bị buộc tội hoạt động gián điệp ở Khabarovsk Krai trong cuộc Đại Thanh Trừng ở Liên Xô.
Còn ông Maring thì bị Đức Quốc Xã xử tử, quốc gia này đã đánh chiếm Hà Lan vào ngày 12/04/1942.
Bốn người bị các đối thủ chính trị sát hại, một người bị Trung Cộng tra tấn đến thiệt mạng
Ông Lý Hán Tuấn đến từ Tiềm Giang, Hồ Bắc, học tại Đại học Hoàng gia Tokyo. Ông thông thạo bốn ngôn ngữ là Nhật ngữ, Đức ngữ, Pháp ngữ và Anh ngữ. Ông là một trong những người tiên phong truyền bá chủ nghĩa Marx ở Trung Quốc.
Ngày 17/12/1927, ông Lý bị bắt giữ với tư cách là “thành viên chủ chốt của Trung Cộng” và bị ông Hồ Tông Đạc (Hu Zongduo) chỉ huy của Đội biên phòng Quận Vũ Hán xử tử vào ngay đêm đó.
Ông Đặng Ân Minh bị Tòa án Binh Lâm thời tỉnh Sơn Đông của Trung Hoa Dân Quốc kết án tử hình và bị xử tử vào ngày 05/04/1931.
Ông Hà Thúc Hành thì nhảy khỏi một vách đá và rơi xuống khiến ông mất mạng trong lúc ông cố gắng thoát khỏi cuộc bao vây của Quân Cách mạng Quốc gia (NRA) của chính phủ ở Trường Bình, Phúc Kiến vào năm 1935.
Ông Trần Đàm Thu thì bị tư lệnh Thịnh Thế Tài (Sheng Shicai) bí mật hành quyết ở Địch Hoá, Tân Cương (nay là thành phố Ô Lỗ Mộc Tề) vào ngày 27/09/1943.
Ông Lý Đạt đã bị Trung Cộng tra tấn đến thiệt mạng sau khi bị buộc tội là “đại biểu của giai cấp tư sản và một học giả phản động đã lẻn vào trong nội bộ Đảng” vào ngày 24/08/1966.
Khi Cách mạng Văn hóa bắt đầu vào ngày 16/05/1966, các phần tử trí thức trong Đảng lần lượt bị hạ bệ. Ví dụ, ba “cây bút lớn” ở Bắc Kinh—ông Đặng Thác (Deng Tuo), Phó bí thư Thành ủy Bắc Kinh, ông Ngô Hàm (Wu Han), phó thị trưởng, và ông Liêu Mạt Sa (Liao Mosha), trưởng ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Thành ủy Bắc Kinh—đã bị thanh trừng. Nhà lý luận về chủ nghĩa Marx nổi tiếng của Trung Cộng, ông Lý Đạt, lúc đó là hiệu trưởng trường Đại học Vũ Hán cũng là một trong số họ.
Ngày 01/08/1966, ông Lý bị khai trừ khỏi Đảng, cách chức các chức vụ trong và ngoài Đảng, bị chụp mũ (giai cấp) địa chủ, đồng thời phải chịu sự giám sát và cải cách.
Sau đó, ông Lý đã trải qua các cuộc tra khảo lăng mạ trong nhiều cuộc họp lớn nhỏ khác nhau. [Và khi ông ta ốm đau ngã bệnh], ông đã bị tất cả các cơ sở chăm sóc y tế công cộng hoặc tư nhân từ chối. Ông đã viết thư cho ông Mao Trạch Đông để tìm kiếm sự giúp đỡ khẩn cấp, nhưng đều là vô ích. Cuối cùng, ông qua đời vì một căn bệnh hiểm nghèo.
Sáu người đã đào tẩu hoặc thoái xuất khỏi Trung Cộng
Ông Trương Quốc Đào, cùng với ông Trần Độc Tú và ông Lý Đạt, được bầu làm Uỷ viên của Văn phòng Trung ương tại đại hội. Kể từ đó, ông Trương giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Trung Cộng và là một trong những lãnh đạo chính của Đệ tứ Hồng quân (Sư đoàn 4).
Sau chiến dịch bao vây và tiêu diệt lần thứ năm của NRA chống lại quân đội của Trung Cộng, Trung Cộng đã buộc phải thực hiện cái gọi là Vạn lý Trường Chinh (cuộc hành quân dài 25,000 dặm) để trốn tránh thất bại trước NRA. Hồng quân bị chia rẽ vào năm 1935 vì ông Trương Quốc Đào và ông Mao Trạch Đông có bất đồng về vấn đề đi lên phía bắc hay đi về phía nam.
Ông Trương và đội quân hướng nam của ông ta đã thành lập một trung tâm [chỉ huy] riêng biệt, trong lịch sử của Trung Cộng được gọi là ủy ban ‘đệ nhị trung ương.’ Sau khi chịu thất bại, ông phải đi về phía bắc. Theo lệnh của Đệ Tam Quốc tế, đệ nhị trung ương bị giải thể và ông Trương bị miễn nhiệm làm tư lệnh Sư đoàn 4. Sư đoàn 4 được tái tổ chức thành Binh đoàn tuyến Tây và hành quân về phía Tây Bắc. Đến Hành lang Hà Tây thì toàn bộ quân đội gần như đã bị tiêu diệt hoàn toàn.
Cuối tháng 03/1937, Trung Cộng đã tổ chức một cuộc họp của Bộ Chính trị tại Diên An. Tại cuộc họp, ông Mao Trạch Đông, ông Trương Vấn Thiên, ông Khải Phong cùng những người khác đã chỉ trích gay gắt ông Trương Quốc Đào. Cuộc họp đã thông qua “nghị quyết về những sai lầm của ông Trương Quốc Đào,” cáo buộc ông Trương đã “không tuân theo Đảng và Ủy ban Trung ương, chia rẽ Hồng quân,” và tham gia vào con đường của “chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh” và “chủ nghĩa quân phiệt.”
Các thuộc hạ của ông Trương như ông Hứa Thế Hữu (Xu Shiyou), v.v. cũng bị liên lụy. Họ bị tấn công và bị gán cho cái mác là “tập đoàn phản cách mạng Hứa Thế Hữu.”
Ông Từ Hướng Tiền (Xu Xiangqian), cựu tổng tư lệnh của Sư đoàn 4, đã viết trong hồi ký của mình vào những năm cuối đời, trách cứ rằng vụ án là không công bằng.
Tháng 11/1937, ông Vương Minh, người đứng đầu phái đoàn Trung Cộng đến Đệ Tam Quốc tế, trở về Diên An. Ông Vương Minh đã nói với ông Trương Quốc Đào một tin thật đáng sợ: Những tay chân của ông Trương như ông Lý Đặc (Li Te), người từng là phó tham mưu trưởng của Sư đoàn 4, đã bị hành quyết bí mật ở Tân Cương với tội danh “phần tử theo chủ nghĩa Trotsky” (một phe phái chính trị do Trotsky đứng đầu trong phong trào cách mạng Nga).
Trong những năm cuối đời, ông Trương Quốc Đào đã viết về tâm thái của mình trong giai đoạn đó trong cuốn “Hồi ức của tôi” (“My Memories”).
“Tôi nhớ lại quá khứ và cảm thấy rằng trước đây tôi đã không tán thành chính sách này hay chính sách kia, phản đối biện pháp này hay biện pháp kia, và bận rộn với vấn đề này hay vấn đề kia. Đó là một việc nhỏ. Tôi ghét những thứ như đấu tranh và quyền lực và tôi tin rằng chúng chỉ là những thứ lố bịch. Tôi nghĩ rằng mọi thứ trên đời này luôn tồn tại những mặt tối. Chính trị cũng ẩn chứa những tội ác, và cách mạng không nhất thiết có nghĩa là thánh thiện. Còn những kẻ chỉ vì một nhu cầu chính trị nào đó mà không màng đến hành vi đạo đức thì càng đáng khinh hơn. Tôi đã không quyết định rời khỏi vòng tròn do chính mình tạo ra, nhưng tôi đã nhận ra mối đe dọa của mặt tối này. Tôi đã nhận ra rằng những khiếm khuyết căn bản của phong trào cộng sản là quá lớn. Chế độ độc tài cực kỳ phản động này sẽ tiêu diệt mọi lý tưởng.”
Tháng 09/1937, ông Trương Quốc Đào được bổ nhiệm làm phó chủ tịch Chính phủ khu vực biên giới Thiểm Tây-Cam Túc-Ninh Hạ theo chính sách mặt trận thống nhất thứ hai giữa Trung Cộng và Quốc Dân Đảng trong cuộc kháng chiến chống sự xâm lược của Nhật Bản. Đó là một vị trí không có thực quyền.
Ngày 05/04/1938, trong Lễ hội Thanh Minh, ông Trương Quốc Đào đã nhân cơ hội này rời Diên An để tham dự buổi lễ tại Lăng Hoàng đế ở trung tâm Thiểm Tây, “nổi dậy chống lại Đảng” và đầu hàng chính phủ Trung Hoa Dân Quốc. Ông Trương nói trong tuyên bố thoái Đảng của mình: “Đảng Cộng sản này không còn là Đảng mà tôi hằng mong ước và chiến đấu trong đời!” Sau khi Trung Cộng lên nắm quyền vào năm 1949, Ông Trương đã bỏ trốn sang Hồng Kông.
Năm 1966, sau khi Cách mạng Văn hóa bùng nổ, các đồng chí cũ trong đảng của ông Trương Quốc Đào như ông Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shaoqi) và những người khác đã “bị đánh đập,” “bị chiên trong chảo dầu,” “bị thiêu đốt” và “bị dẫm lên người 10,000 bước chân.” Ngọn lửa này thậm chí còn lan sang cả Hồng Kông.
Ba người con trai của ông Trương Quốc Đào đều chuyển ra nước ngoài sinh sống và phát triển sự nghiệp của riêng mình, một người làm giáo viên, một người làm kỹ sư và một người làm bác sĩ. Năm 1968, ông Trương chuyển đến Toronto, Canada định cư.
Trong khi các đồng chí Trung Cộng cũ của ông lần lượt bị sát hại hoặc bị giam cầm trong nhà tù Tần Thành (Qincheng), bị thương, bị tàn tật, gia đình tan nát, thì ông Trương đã sống 11 năm ở Canada vào tuổi xế chiều. Ngày 03/12/1979, ông đã ra đi thanh thản.
Ông Chu Phật Hải thoái xuất khỏi Trung Cộng năm 1924. Trong Chiến tranh Kháng Nhật, ông tham gia chính phủ bù nhìn ở miền đông Trung Quốc do ông Uông Tinh Vệ (Wang Jingwei) lãnh đạo dưới sự bảo trợ của Đế quốc Nhật Bản xâm lược, và từng là phó chủ tịch Viện Hành pháp. Ông cũng từng giữ chức vụ bộ trưởng tài chính, tổng thư ký Uỷ ban Chính trị Trung ương, chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Trung ương, thị trưởng Thượng Hải, chỉ huy an ninh Thượng Hải và chủ tịch Ủy ban Kiểm soát Vật tư. Sau khi Nhật Bản đầu hàng, ông Chu Phật Hải bị bắt và bị kết án tử hình vào ngày 07/11/1946. Ông Tưởng Giới Thạch đã ra lệnh giảm án tử hình cho ông Chu Phật Hải xuống tù chung thân vì nỗ lực của ông này trong việc duy trì ổn định địa phương trong thời gian Nhật Bản đầu hàng. Ngày 28/02/1948, ông qua đời vì một cơn đau tim tại nhà tù Lão Hổ Kiều ở Nam Kinh.
Ông Trần Công Bác (Chen Gongbo) thoái xuất khỏi Trung Cộng năm 1922. Trong Kháng Chiến Chống Nhật, ông cũng tham gia chính phủ bù nhìn của ông Uông Tinh Vệ và từng là chủ tịch lập pháp đầu tiên, quyền chủ tịch Chính phủ Quốc gia, chủ tịch Viện Hành pháp và chủ tịch Ủy ban Quân sự. Ông là người thứ hai trong chính phủ của ông Uông Tinh Vệ. Sau khi Nhật Bản bại trận, ông trốn sang Nhật Bản và bị dẫn độ trở lại Trung Quốc. Ông bị kết tội phản quốc và bị kết án tử hình vào năm 1946 và bị xử tử vào ngày 03/06 cùng năm đó.
Ông Lý Hán Tuấn ly khai khỏi Trung Cộng năm 1922 và bị khai trừ khỏi Trung Cộng năm 1924.
Ông Lý Đạt ly khai khỏi Trung Cộng từ năm 1923 đến năm 1949.
Ông Bao Tuệ Tăng, thoái xuất khỏi Trung Cộng năm 1927, đã qua đời vì bệnh tật ở Bắc Kinh năm 1979.
Một người qua đời do tai nạn xe buýt
Năm 1921, ông Lưu Nhân Tĩnh mới 19 tuổi và đang theo học Khoa Vật lý của Đại học Bắc Kinh. Ông tham gia đại hội toàn quốc đầu tiên của Trung Cộng với tư cách là đại biểu của Tập đoàn Cộng sản Bắc Kinh. Tháng 09/1922, ông Lưu đến Moscow để tham gia đại hội lần thứ tư của Đệ Tam Quốc tế; sau đó, ông tham dự đại hội lần thứ ba của Đệ Tam Quốc Tế dành cho Thanh niên; năm 1923, ông là tổng bí thư của Đoàn Thanh niên Cộng sản.
Năm 1926, ông Lưu Nhân Tĩnh được chọn vào học tại Viện Lenin ở Moscow. Trong giai đoạn này, ông Trotsky đã thất bại trong cuộc đấu tranh chống lại Stalin và bị khai trừ khỏi đảng và trục xuất khỏi đất nước vì tội “phản cách mạng.” Ông Lưu rất ngưỡng mộ lý tưởng của ông Trotsky.
Hè năm 1929, sau khi tốt nghiệp, ông Lưu Nhân Tĩnh đã đi một đường vòng đặc biệt trên đường trở về Trung Quốc để gặp ông Trotsky. Tháng 08/1929, ông Lưu đến Thổ Nhĩ Kỳ để bí mật gặp ông Trotsky. Sau khi trở về Trung Quốc, ông thành lập Hội Tháng Mười, một tổ chức theo chủ nghĩa Trotsky. Cuối năm 1929, ông bị khai trừ khỏi Trung Cộng vì các hoạt động theo chủ nghĩa Trotsky của mình.
Sau khi Trung Cộng nắm quyền, ông Lưu đã thú nhận những sai lầm của mình trên một tờ báo với ông Mao Trạch Đông. Năm 1950, ông Lưu giảng dạy tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Năm 1951, ông trở thành một dịch giả làm việc tại Nhà xuất bản Nhân dân.
Trong cuộc Cách mạng Văn hóa năm 1966, ông Lưu Nhân Tĩnh đã không thể trốn thoát, ông phải hứng chịu những lời chỉ trích, đánh đập dã man và lục soát nhà cửa. Tháng 06/1967, ông bị giam giữ tại nhà tù Tần Thành. Ông đã không được trả tự do cho đến cuối năm 1978 và bị giam giữ trong 11 năm.
Vào khoảng 5 giờ 20 phút sáng ngày 05/08/1987, khi đang băng qua đường để tập thể dục buổi sáng tại khuôn viên trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh, ông đã bị một chiếc xe buýt trong thành phố lao vào người và tử vong.
Bốn người đã qua đời vì bệnh tật
Ngoài ông Bao Tuệ Tăng nói trên, ba người khác đã qua đời vì bệnh tật là:
Ông Vương Tần Mỹ qua đời tại Thanh Đảo vào ngày 19/08/1925, ở tuổi 27.
Ông Đổng Tất Vũ qua đời tại Bắc Kinh vào ngày 02/04/1975.
Ông Mao Trạch Đông qua đời tại Bắc Kinh vào ngày 09/09/1976.
Kết luận
Trong số 15 người tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Trung Cộng, cuối cùng có hai người ngoại quốc bị xử bắn, 8 người Trung Quốc thiệt mạng vì những nguyên nhân bất thường. Trên thực tế, 7 người trong số họ đã qua đời trước khi Trung Cộng nắm quyền. Ông Mao là người duy nhất vượt qua Cách mạng Văn hóa mà không bị đàn áp trong số những đảng viên còn sống.
Tại sao chuyện này lại xảy ra như vậy? Câu hỏi này rất đáng để suy ngẫm. Tháng 11/2011, The Epoch Times đã xuất bản một loạt các bài xã luận “Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản,” trong đó cung cấp một cuộc thảo luận chuyên sâu về ngọn nguồn gốc rễ, đặc điểm và bản chất của Trung Cộng. Độc giả được đề nghị đọc kỹ cuốn sách này, vốn có thể khai sáng được rất nhiều điều.
Tác giả Vương Hữu Quần (Wang Youqun) tốt nghiệp bằng Tiến sĩ về Luật tại Đại học Nhân dân Trung Quốc. Ông từng là người viết diễn văn cho ông Úy Kiện Hành (1931–2015), ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Cộng từ năm 1997 đến năm 2002.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Vương Hữu Quần thực hiện
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: