Số người cao tuổi tăng vọt, dưỡng lão là một vấn đề nan giải ở Trung Quốc
Hôm 23/10, Bộ Dân chính Trung Quốc công bố số liệu mới nhất cho thấy số lượng người già trên 60 tuổi của cả Trung Quốc sẽ vượt quá 300 triệu trong giai đoạn 2021 – 2025, vấn đề xã hội già hóa ngày càng tăng nhanh.
Viện Nghiên cứu Hằng Đại của Trung Quốc (Continental Evergrande) vừa công bố “Báo cáo mức sinh của Trung Quốc năm 2020” trong tháng 10 vừa qua và dự tính rằng, từ năm 2021 đến 2025, dân số Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng âm. Năm 2026, dân số trên 65 tuổi sẽ chiếm hơn 15% tổng dân số, đi vào tình trạng xã hội già hóa. Năm 2033, tỷ lệ này còn tăng cao hơn và đạt 20%, trở thành xã hội siêu già. Ước tính từ năm 2050 trở đi, tổng dân số của Trung Quốc sẽ giảm mạnh.
Báo cáo chỉ ra, khi tỷ lệ người cao tuổi ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác đạt 12.6%, thì GDP bình quân đầu người của các nước này đã vượt quá 24 nghìn USD, trong khi ở Trung Quốc, GDP bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 10 nghìn USD. Xã hội Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn đề nan giải nghiêm trọng “chưa giàu đã già”.
Trong một cuộc phỏng vấn do Epoch Times thực hiện, học giả về vấn đề Trung Quốc Tiết Trì đã từng phân tích rằng, đằng sau vấn đề dân số già hóa của Trung Quốc có ba nguyên nhân chính:
Thứ nhất, Trung Quốc đã thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình khắc nghiệt, đã bóp méo quy luật phát triển dân số tự nhiên, khiến cho dân số Trung Quốc đi vào tình trạng hết sức bất thường. Xã hội bình thường không thể nào xuất hiện tình trạng xã hội già hóa nghiêm trọng như vậy ở Trung Quốc.
Thứ hai, Trung Quốc phá hủy văn hóa truyền thống, phá hỏng chức năng của gia đình truyền thống, khiến cho truyền thống chăm sóc người già ở gia đình không còn nữa, do đó tất yếu sẽ phát sinh khủng hoảng của việc chính phủ và xã hội phải chăm sóc người cao tuổi.
Thứ ba, nguồn tài chính của chính phủ không phải “lấy của dân để sử dụng cho dân”, mà là một loại tài chính bị méo mó, chỉ phục vụ cho giai tầng hưởng đặc quyền đặc lợi, chi phí cho phúc lợi xã hội và lương hưu rất nhỏ, chủ yếu dành cho tầng lớp quan chức quyền thế.
Học giả Tiết Trì cũng chỉ rõ, ba nhân tố sâu xa này khiến cho dân số Trung Quốc già hóa, không chỉ tạo thành khủng hoảng xã hội, mà đã lâm vào tình trạng nguy hiểm, làm cho xã hội Trung Quốc giống như một tòa nhà mục nát lung lay sắp đổ.
Năm 2016, có thể thấy số lượng người đến tuổi lao động giảm mạnh và lợi tức dân số (demographic dividend) dần bị biến mất. Trung Quốc bắt buộc phải tuyên bố hủy bỏ lệnh cấm sinh con thứ hai, nhằm cố gắng khuyến khích người dân sinh con. Tuy nhiên, do áp lực về nhà ở, y tế, giáo dục, v.v. của người dân rất lớn, nhiều người lo lắng “sinh được nhưng không nuôi nổi”, cho nên hiệu quả thực tế của chính sách khuyến khích sinh sản này rất hạn chế.
Năm 2019, tỷ lệ sinh sản của Trung Quốc chỉ có 10.48‰, đây là tỷ lệ sinh thấp nhất kể từ năm 1949 đến nay.