Số liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần đã giảm xuống mức chưa từng thấy kể từ năm 1969
Số lượng người lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Hoa Kỳ đã giảm mạnh vào tuần trước, xuống mức chưa từng thấy trong hơn 50 năm, cho thấy các doanh nghiệp đang giữ chân người lao động trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt.
Bộ Lao động cho biết trong một báo cáo (pdf), hồ sơ lần đầu cho bảo hiểm thất nghiệp—một ước lượng cho việc sa thải [lao động] —đã ở mức 199,000 trong tuần kết thúc vào hôm 19/11. Đó là sự giảm đi 71,000 so với mức sửa đổi của tuần trước là 270,000 và thấp hơn nhiều so với mức theo dự báo đồng thuận là 260,000.
Bên cạnh việc ghi nhận mức thấp nhất trong thời đại đại dịch và đánh dấu tuần giảm thứ 8 liên tiếp, số đơn đăng ký trợ cấp thất nghiệp hôm thứ Tư (17/11) cũng là mức thấp nhất kể từ hôm 15/11/1969, khi có 197,000 hồ sơ.
Nhà phân tích kinh tế cấp cao Mark Hamrick của Bankrate nói với The Epoch Times trong một tuyên bố qua email: “Công bằng mà nói thì chúng tôi đã không thấy trước được điều đó sẽ xảy ra. Có được một số liệu đăng ký trợ cấp thất nghiệp dưới mức 200,000 lần đầu tiên từ khi đại dịch bắt đầu là thực sự đáng kể, cho thấy một sự cải thiện tiếp tục.”
Ông nói thêm: “Người Mỹ bước vào tâm điểm của kỳ nghỉ lễ với một kỳ vọng hợp lý rằng thị trường việc làm vốn đã eo hẹp sẽ tiếp tục thắt chặt trong những tháng tới.”
Dữ liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp tích cực được đưa ra khi các doanh nghiệp tiếp tục báo cáo những khó khăn trong việc tuyển dụng, với báo cáo gần đây nhất từ Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia (NFIB) cho thấy 44% chủ doanh nghiệp nhỏ đã báo cáo tăng lương để thu hút và giữ chân nhân viên, cao nhất trong lịch sử 48 năm của số liệu này.
Nhà kinh tế trưởng Bill Dunkelberg của NFIB cho biết: “Một trong những vấn đề lớn nhất đối với các doanh nghiệp nhỏ là thiếu nhân công cho các vị trí cần tuyển dụng và tình trạng khan hiếm hàng tồn kho, sẽ tiếp tục là một vấn đề trong kỳ nghỉ lễ.”
Bộ Lao động cho biết trong một công bố phát hành hôm 10/11 (pdf) rằng, thu nhập trung bình theo giờ tăng 4.9% trong năm tính đến tháng Mười, là một tốc độ tăng lương nhanh hơn so với mức tăng 4.6% tính theo năm tại thời điểm tháng trước. Tuy nhiên, với lạm phát giá tiêu dùng theo cả năm vào tháng Mười ở mức 6.2%, thì mức lương thực tế đã giảm khoảng 1.3% theo sức mua thực tế.
Trong một dấu hiệu của sự thắt chặt thị trường việc làm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động —thước đo những người đang làm việc hoặc tích cực tìm kiếm việc làm—đã bị mắc kẹt ở mức thấp trong lịch sử. Báo cáo việc làm gần đây nhất của Bộ Lao động, công bố hôm 05/11, đã cho thấy tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong tháng Mười ở mức 61.6%, không thay đổi so với tháng Chín nhưng thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch là 63.6% vào tháng 02/2020, và thấp hơn nhiều so với mức cao nhất lịch sử là 67.3% vào tháng 04/2000.
Bình luận về việc công bố số liệu đăng ký trợ cấp thất nghiệp hôm thứ Tư (17/11), Chủ tịch Đại học Queen và nhà kinh tế Mohamed El-Erian gọi con số này là “tin tốt cho nền kinh tế”, nhưng nói thêm rằng “câu hỏi lớn đối với thị trường lao động vẫn là phạm vi để tăng sự tham gia của lực lượng lao động.”
Mặc dù chưa rõ nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tham gia lực lượng lao động sụt giảm nhưng các nhà kinh tế đã viện dẫn nỗi lo về COVID-19 của các nhân viên quay trở lại văn phòng, các chương trình và chính sách hỗ trợ của chính phủ, căng thẳng của đại dịch khiến tỷ lệ nghỉ hưu và nghỉ việc tăng vọt, cùng với sự thiếu hụt về khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc trẻ em với giá cả phải chăng.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: