Sinopec của Trung Quốc ngừng đầu tư vào Nga do áp lực của các lệnh trừng phạt
Chính phủ Hoa Kỳ, các quan chức chính phủ, và thậm chí chính Tổng thống Biden đã cảnh báo rằng nếu ĐCSTQ ủng hộ cuộc xâm lược của Nga và cung cấp cho Nga những thiết bị quân sự, thì các lệnh trừng phạt của Âu Châu và Hoa Kỳ đối với Nga sẽ mở rộng đối với ĐCSTQ. Như một kết quả của áp lực này, ĐCSTQ đã ngừng đầu tư vào Nga với Tập đoàn Dầu khí & Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) gần đây đã đình chỉ kế hoạch đầu tư lên tới 500 triệu USD vào một nhà máy hóa chất khí mới ở Nga.
Bắc Kinh đã công khai phản đối các biện pháp trừng phạt kinh tế do Phương Tây đứng đầu đối với Nga trong khi khẳng định sẽ duy trì trao đổi thương mại bình thường với Nga bất chấp cuộc xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, các nhà chức trách Trung Quốc gần đây đã khuyến cáo các công ty nhà nước thận trọng với hoạt động đầu tư vào Nga, do lo ngại Trung Quốc cũng có thể thuộc đối tượng của các lệnh trừng phạt tương tự như vậy.
Trích lời những người trong cuộc, Reuters đưa tin rằng Tập đoàn Dầu khí & Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) gần đây đã đình chỉ kế hoạch đầu tư lên tới 500 triệu USD vào một nhà máy hóa chất xăng dầu mới ở Nga.
Theo Reuters, kế hoạch liên quan đến việc tham gia cùng Sibur, nhà sản xuất hóa dầu lớn nhất của Nga, cho một dự án tương tự như Tổ hợp hóa chất khí Amur trị giá 10 tỷ USD ở Đông Siberia, do Sinopec sở hữu 40% và Sibur sở hữu 60%.
Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Tân Hoa xã, tuyên bố vào tháng 12 rằng Tổ hợp hóa chất khí Amur là một dự án trọng điểm cho hợp tác đầu tư Trung-Nga.
Một nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nói với Reuters rằng Sinopec đã tạm dừng sau khi nhận ra rằng cổ đông thiểu số Sibur và thành viên hội đồng quản trị Gennady Timchenko đã bị Liên minh Âu Châu và Anh trừng phạt vào tháng trước, vì là đồng minh lâu năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Sibur đã không trả lời yêu cầu bình luận của Epoch Times vào thời điểm báo chí.
Người trong cuộc cũng nói với Reuters rằng Sinopec đã đình chỉ các cuộc đàm phán về việc giúp tiếp thị khí đốt tự nhiên của nhà sản xuất khí đốt Novatek của Nga ở Trung Quốc “vì lo ngại rằng Sberbank, một trong những cổ đông của Novatek, nằm trong danh sách trừng phạt mới nhất của Hoa Kỳ.”
Theo tuyên bố chính thức của Novatek, ông Timchenko đã tự ý từ chức khỏi hội đồng quản trị của công ty hôm 21/03/2022. Ông từng sở hữu một trong những số cổ phần lớn nhất trong công ty.
Novatek đã không trả lời về vấn đề Sinopec tạm ngừng đàm phán trong trả lời với The Epoch Times, cũng như không trực tiếp đề cập đến lý do từ chức của ông Timchenko.
Nhưng một nguồn tin ở Nga nói với The Epoch Times rằng Novatek chưa nhận được tuyên bố hay văn bản chính thức nào từ Sinopec về việc tạm dừng dự án đầu tư.
Sinopec đã tuyên bố là “không rõ” về vấn đề này khi trả lời đề nghị bình luận của ký giả The Epoch Times.
Chuyên gia: Một ĐCSTQ bị chia rẽ
Ông Frank Xie, Giáo sư Chủ tịch John M. Olin Palmetto về Kinh doanh tại Đại học Nam Carolina Aiken, nói với The Epoch Times hôm 28/03 rằng Sinopec đã tạm ngừng khoản đầu tư 500 triệu USD vào nhà máy hóa dầu của Nga, rõ ràng là do những ý kiến trái chiều trong ĐCSTQ.
Theo ông Xie, sự phản đối có thể đến từ các phe phái chống ông Tập Cận Bình, hoặc có thể phát sinh từ sự đối lập giữa ủy ban trung ương của ĐCSTQ và Quốc vụ Viện. Hai bên thường khác nhau về quan điểm về các vấn đề như hoạt động kinh tế, sự kiểm soát của chính phủ, và sự điều tiết quá mức của ĐCSTQ đối với các hoạt động kinh tế.
Ông nói, uỷ ban trung ương của ĐCSTQ và Quốc vụ Viện “có thể sẽ có những quan điểm và suy nghĩ khác nhau về việc đầu tư vào dự án hóa dầu của Nga vì Quốc vụ Viện của ĐCSTQ thường tập trung vào tác động đối với nền kinh tế Trung Quốc.”
Ông nói, “Chính phủ Hoa Kỳ, các quan chức chính phủ, và thậm chí chính Tổng thống Biden đã cảnh báo rằng nếu ĐCSTQ ủng hộ cuộc xâm lược của Nga và cung cấp cho Nga những thiết bị quân sự, thì các lệnh trừng phạt của Âu Châu và Hoa Kỳ đối với Nga sẽ mở rộng đối với ĐCSTQ.”
“Vì lý do này, ĐCSTQ đã ngừng đầu tư vào Nga. Hơn nữa, ĐCSTQ có thể không đánh giá cao triển vọng kinh tế của Nga.”
Các học giả của ĐCSTQ kêu gọi Bắc Kinh cắt đứt quan hệ với ông Putin
Hôm 25/03, trang web Ấn tượng Mỹ-Trung đã đăng một bài bình luận với tiêu đề, “Mong Trung Quốc đóng một vai trò tích cực hơn trong việc mang lại hòa bình giữa Nga và Ukraine.”
Tác giả Su Xiaoling, là cựu tổng biên tập của cổng thông tin Trung Quốc “Ảnh hưởng của Trung Quốc” và là nhà nghiên cứu đặc biệt tại Hiệp hội Nghiên cứu Cải cách và Phát triển Bắc Kinh.
Bà Su nói rằng hoàn toàn không có sự biện minh hay hợp pháp nào cho việc Nga xâm lược Ukraine và bắt đầu một cuộc chiến dẫn đến một số lượng lớn dân thường thiệt mạng.
Trong lịch sử, người Trung Quốc chưa bao giờ coi người Ukraine là kẻ thù. Ngoài ra, Trung Quốc coi Ukraine là một quốc gia thương mại quan trọng, đặc biệt là về công nghệ quân sự. Bà Su viết, Trung Quốc đã mua tàu sân bay “Liêu Ninh” từ Ukraine và ban đầu đặt tên con tàu này là Varyag.
Bà nói tiếp, ngược lại, “trong suốt lịch sử quan hệ Trung-Nga, Trung Quốc đã phải hứng chịu [sự hiếu chiến] của Nga, vì một thực tế rõ ràng là chúng ta đã mất một vùng lãnh thổ rộng lớn của mình.”
Ngay cả trong thời hiện đại, giữa Trung Quốc và Nga cũng thường xuyên xảy ra xung đột. Bà Su viết, “Nga đã áp bức Trung Quốc, vẫn đang chiếm đóng lãnh thổ Trung Quốc, và đã có lúc gần như hủy diệt Trung Quốc bằng bom nguyên tử.”
Trước bài bình luận của bà Su, một bài báo khác của một học giả ĐCSTQ đã gây ra nhiều cuộc thảo luận sôi nổi hơn.
Tác giả Hu Wei, phó chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công của Văn phòng Tham tán của Quốc vụ Viện và là chủ tịch của Hiệp hội Nghiên cứu Chính sách Công Thượng Hải đã viết bài báo: “Kết quả có thể xảy ra của Chiến tranh Nga-Ukraine và sự lựa chọn của Trung Quốc.”
Ông Hu viết rằng cuộc chiến Nga-Ukraine sẽ giúp Hoa Kỳ lấy lại vị thế lãnh đạo của mình trong thế giới Phương Tây. Phương Tây sẽ đoàn kết hơn, và sức mạnh của Phương Tây sẽ tăng lên đáng kể.
Nếu Trung Quốc – ông viết khi đề cập đến ĐCSTQ—không tích cực hành động để điều chỉnh lập trường của mình, thì nước này sẽ bị Hoa Kỳ và phương Tây trừng phạt thêm.
Ông Hu viết, Trung Quốc không thể bị ràng buộc với ông Putin, và cần phải cắt đứt những quan hệ này càng sớm càng tốt, chọn cách đứng cùng với xu hướng chủ đạo trên thế giới.
Ông Xie, từ Đại học Nam Carolina Aiken, tin rằng những tiếng nói này từ các học giả trong hệ thống ĐCSTQ tiết lộ rằng những bất đồng là triệu chứng của cuộc đấu đá nội bộ của đảng.
Ông nói, phe thân Nga đang chịu áp lực mạnh mẽ từ phe đối lập.
Ông Xie nói: “Trung Quốc thực sự đã phải gánh chịu rất nhiều thiệt hại từ Nga trong quá khứ.”
“ĐCSTQ cũng đã trao cho Nga một vùng lãnh thổ rộng lớn. Vì vậy, trong hoàn cảnh này, một số nhận xét này của những người Trung Quốc chống Nga sẽ thực sự khiến những người thân Nga cảm thấy rất khó chịu. Và tình hình hiện tại cho thấy phe thân Nga phải nhượng bộ.”
Các ký giả Ellen Wan và Kane Zhang của Epoch Times đã đóng góp cho bài báo này.
Bà Jessica Mao là nhà văn của The Epoch Times với chủ đề tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Bà bắt đầu viết cho ấn bản tiếng Trung vào năm 2009.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: